Ước mơ anime, là theo đuổi đam mê hay gánh nặng?

Bài: Hoàng Thiên
Nov 21, 2019

Nguồn tham khảo: Bengoshi, soranews24

Nơi nào sẽ dung chứa đam mê? Sẽ thế nào nếu một ngày nào đó đam mê và ước mơ lại biến thành gánh nặng cho chính bản thân bạn?

Đã rất nhiều người vì đam mê anime mà theo đuổi ngành học đồ họa hoặc chính thức làm họa sĩ anime tại các xưởng phim hoạt hình Nhật Bản. Tuy nhiên, áp lực lớn, lượng công việc nhiều, lương thấp… liệu có đang là những yếu tố mài mòn đam mê, nỗ lực và thậm chí là cả ước mơ của những con người nhiệt huyết?

ước mơ anime

Ảnh: Josefa Ndiaz @unsplash.

Janica (Hiệp hội những người sáng tạo hoạt hình Nhật Bản) đã hợp tác với nhà xuất bản Dai Nippon Printing để thực hiện một khảo sát về điều kiện làm việc trong ngành công nghiệp anime, họ đã thu thập được 382 phản hồi từ các họa sĩ, nhà làm phim hoạt hình, nhà văn, đạo diễn, biên tập viên và nhà sản xuất. 

Trong đó, kết quả khảo sát cho thấy có 312 người đang làm việc với thời gian trung bình là 230 giờ/ tháng. Giả sử một tháng làm việc 20 ngày, tính ra mỗi ngày họ phải trải qua 11,5 giờ làm việc mệt mỏi. Do đó cách duy nhất để giảm giờ làm trong ngày là tăng số ngày làm việc lên. Vậy nên trung bình 1 tháng những họa sĩ, nhà sản xuất anime chỉ được nghỉ từ 1-2 ngày.

Về mặt tài chính, 360 người đã chia sẻ họ kiếm được trung bình 4,4 triệu yên ( khoảng 936.000.000VND) hàng năm. Đây có thể sẽ là 1 số tiền lý tưởng nếu như điều đi kèm không phải là một tháng làm khan hiếm ngày nghỉ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng kiếm được như thế, vì khoảng 40% số người được hỏi kiếm được ít hơn 3 triệu yên (khoảng 640.000.000VND) mỗi năm.

Đã từ lâu, thời gian dài và lương thấp được xem là nguyên tắc bất thành văn trong nhiều lĩnh vực của ngành giải trí. Hầu hết những người theo đuổi sự nghiệp làm anime không cho rằng đây là “việc nhẹ lương cao” mà họ theo đuổi chỉ vì đam mê. Tuy nhiên, khi ước mơ được đánh đổi bằng lượng công việc khủng đầy áp lực, liệu có còn chỗ cho đam mê nở hoa?

họa sĩ

Ảnh: Nik Macmillan @unsplash.

“Lịch trình dày đặc của những họa sĩ khi nói ra chắc chắn đủ khiến người ta chóng mặt. Mỗi ngày, tôi ăn tiền tiết kiệm, vội vã hoàn thành công việc. Và dần dần tôi bắt đầu tự hỏi mình thích anime ở điểm nào? Tại sao mình lại gắn bó với ngành này? Đôi khi tôi không thể tìm được câu trả lời nữa. Sản xuất anime đã bào mòn tất cả sức mạnh tinh thần và thể chất của tôi, đó là chưa kể cả tiền bạc và thời gian nữa.” - một người làm việc lâu năm trong ngành công nghiệp anime chia sẻ.

Không chỉ những họa sĩ trong nước, một họa sĩ nước khác cho biết anh đã đến Nhật Bản khi còn là sinh viên với một tình yêu nồng nhiệt dành cho anime và muốn được cống hiến cho ngành công nghiệp anime. Nhưng rồi công việc bận rộn, đè nặng khiến anh không còn đủ thời gian rèn luyện và cải thiện nét vẽ. Tiền lương thấp đến độ chỉ đủ tiền đến tạp hóa mua vài món đồ và thậm chí anh còn không dám mơ đến mua bảo hiểm hoặc đóng chi trả lương hưu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có nhiều nguồn tin cho hay, điều kiện làm việc và phúc lợi của những người trong ngành sản xuất anime đã tốt hơn trước. Những thay đổi, những bước tiến này được tạo ra với hy vọng có thể giữ được ngọn lửa trong lòng những họa sĩ cống hiến cho anime. Vậy nhưng nhiều người vẫn cho rằng nếu tiếp tục công việc này họ vẫn rất khó sống. Liệu những thay đổi nhỏ này có thể tiếp tục thắp lửa đam mê cho những người đang ngày đêm làm việc cật lực để tạo ra những tác phẩm anime mãn nhãn nữa không?

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU