Ukiyo-e, một thời đại rực rỡ trong tranh
Bài: Inako/ Ảnh: United States Library of Congress's Prints and Photographs divisionOct 3, 2017
Ukiyo-e hay tranh Phù thế (浮世絵) là một loại tranh được lưu truyền trên khắp Nhật Bản từ giữa thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 20, chủ đề xoay quanh đời sống sinh hoạt của con người đương thời cũng như những câu chuyện, sự vật, phong cảnh mà họ “tai nghe mắt thấy”.
Ngày nay, nhắc đến Ukiyo-e người ta thường liên tưởng ngay đến những bức tranh được in từ những bản khắc gỗ đầy màu sắc, song kì thực trong loại tranh này có tồn tại cả những bức họa vẽ tay. Đặc điểm của tranh vẽ tay là thứ mà bạn đang sở hữu chắc chắn là độc nhất vô nhị, tranh do danh họa vẽ lại càng đắt đỏ hơn.
Ngược lại, giá thành của loại còn lại thì vừa với túi tiền của tầng lớp bình dân hơn do chỉ cần dùng một bản khắc gỗ là có thể sao ra ít nhất 200 bức tương tự. Do đó không có gì ngạc nhiên khi Ukiyo-e lại được biết đến rộng rãi cả trong lẫn ngoài Nhật Bản thời bấy giờ.
Ý nghĩa của tên gọi "Phù thế"
Theo cách lý giải đương thời, “Ukiyo” (浮世) trong “Ukiyo-e” có thể hiểu là “phong cách hiện đại” hay “một thời đại mới”. Vào thế kỷ 17, khi chiến tranh loạn lạc ở Nhật đã tới hồi kết chung, nền kinh tế đạt đến mức phát triển thần kỳ, nhờ đó mà không chỉ giới võ sĩ mà ngay cả tầng lớp nông dân, thị dân cũng ca ngợi sự phồn vinh, say sưa trong hoan lạc.
Chẳng những không cho rằng trần thế là cõi phù du và nên xa lánh như lời răn dạy của đức Phật, họ chịu sự chi phối của lối nghĩ “Chính bởi cuộc đời này chỉ là tạm bợ và ngắn ngủi nên trong lúc dư dả cứ vui vẻ hưởng thụ”. Cũng vì vậy, đặc điểm cốt lõi của những bức tranh Phù thế chính là luôn lấy hiện thực của đời sống làm phông nền hơn là đuổi theo ảo ảnh của cõi niết bàn cao siêu ngoài tầm với.
Họa sĩ tranh phù thế thường là những người luôn mang sự hiếu kỳ mãnh liệt đối với những chủ đề mang tính đi trước thời đại và phản ánh chúng một cách nhạy cảm vào trong tranh. Họ quan tâm đến những vấn đề nổi cộm đương thời hơn là những giá trị bất di bất dịch mà giới võ gia hằng sùng kính. Trong phương thức thể hiện, họ luôn hướng tới sự tươi mới hoặc bằng không cũng là cạnh tranh lẫn nhau bằng cách thử nghiệm nhiều cách vẽ mới.
Một thế giới sống động trong tranh
Ukiyo-e phản ánh bao quát nhiều khía cạnh trong đời sống của con người đương thời, vì vậy ta có thể bắt gặp mọi thứ trong tranh, từ cô gái hàng rau, những nghệ sĩ múa nón đến những đĩa thức ăn đầy ắp Sashimi, những chiếc cầu, những con đường nổi tiếng. Những chủ đề được thể hiện trong Ukiyo-e đã định nên một số dòng tranh tiêu biểu như sau:
- Bijin-ga (美人画): tranh mỹ nhân, thuộc hàng đại diện cho Ukiyo-e. Từ những phụ nữ tiếng tăm đương thời cho đến những cô gái vô danh, thậm chí cả kỹ nữ đều có thể trở thành nhân vật chính. Tác phẩm tiêu biểu: “Thiếu nữ thổi kèn thủy tinh”, “Nàng Geisha và người đàn bà mang hộp đàn Shamisen vượt mưa đêm”,... của Utamaro Kitagawa.
- Yakusha-e (役者絵): tranh vẽ nghệ sĩ Kabuki. Đây là đề tài dễ khơi nguồn sáng tạo nhất. Có cả những tranh ra đời để làm áp phích hay tờ rơi quảng cáo cho những vở diễn mới. Tác phẩm tiêu biểu: “Ebizo Ichikawa trong vai Sadanoshin Takemura”, “Kikunojou Segawa III trong vai Oshizu – vợ của Bunzou Tanabe”,... của Sharaku Toshusai.
- Kacho-ga (花鳥画): tranh vẽ hoa lá và chim muông. Xuất hiện nhiều nhất là hoa bìm bìm, cẩm chướng, chim trĩ, nhạn, gà, cắt. Tác phẩm tiêu biểu: “Chim chích bụi trên nhành hoa mai”, “Đôi uyên ương dưới nhành trúc tuyết”,... của Hiroshige Utagawa.
- Giga (戯画): hí họa. Là những bức tranh có chứa yếu tố gây cười hay các sự vật được nhân cách hóa. Tuy cũng có những tranh phảng phất sự trào phúng nhưng nhìn chung tính tiêu khiển vẫn nổi bật hơn cả. Tác phẩm tiêu biểu: “Vũ điệu bạch tuộc” của Sadahide Utagawa, “Mèo nhỏ – mèo lớn” của Yoshifuji Utagawa,...
- Fukei-ga (風景画): tranh phong cảnh. Những ngọn núi, thung lũng, dòng sông, cánh rừng và cây cối là đối tượng chính trong tranh đậm chất Ukiyo-e. Chúng đóng vai trò như bưu thiếp, tờ rơi quảng cáo hay hướng dẫn du lịch. Tác phẩm tiêu biểu: bộ tranh “Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ” của Hokusai Katsushika với các bức vẽ lừng danh như "Gió Nam thổi giữa trời trong" (tên dân dã là “Núi Phú Sĩ đỏ”), “Mưa trắng dưới núi” (tên dân dã là “Núi Phú Sĩ đen”) hay “Bên kia ngọn sóng ở Kanagawa” (còn gọi là “Ngọn sóng lớn”),...
Tuy nhiên, thế giới trên tranh mộc bản chắc chắn không chỉ là một thế giới thanh sạch được vẽ nên bởi những tu sĩ say mê cái đẹp thuần túy. Khi tìm hiểu về Ukiyo-e, ta sẽ thấy trong đó không thiếu những hình ảnh gợi dục (Shunga) khiến dòng tranh này gây nên vô vàn tranh cãi trong xã hội Nhật Bản cũ. Nhưng hãy nhìn thoáng hơn: nếu Ukiyo-e được khai sinh ra từ lòng của một xã hội đang chạy đua theo chủ nghĩa hưởng lạc, thì sự xuất hiện của yếu tố sắc dục có thể nói là một lẽ tất nhiên.
Quá trình ra đời của những bức tranh đầy màu sắc
Trước khi được tung ra thị trường, Ukiyo-e phải kinh qua quy trình làm việc miệt mài của người họa sĩ, thợ khắc gỗ đến thợ in dưới sự phân phó của một nhà sản xuất. Người họa sĩ đóng vai trò quan trọng nhất: phác thảo bố cục chính bằng mực đen rồi tạo ra bản thảo chính thức gọi là Hanshita (版下). Thợ khắc gỗ sẽ dán bản thảo này lên một bản gỗ rồi khắc các họa tiết lên để tạo thành bản Sumiita (墨版) với những mảng màu đen.
Tay nghề của thợ khắc gỗ được thử thách nhất khi khắc phần khuôn mặt và mái tóc. Một người thợ có khả năng khắc 2 sợi tóc trên 1mm chắc chắn có tay nghề không hề tầm thường và thậm chí có thể được tôn vinh như bậc thầy của nghề thợ khắc.
Đối với tranh đen trắng thì tới đây là hoàn thành sản phẩm, còn với tranh màu thì chỉ mới xong giai đoạn đầu tiên. Sau khi thợ in dùng bản Sumiita để in ra bản vẽ đen trắng gọi là Kyogozuri (校合摺), họa sĩ sẽ sử dụng nó để thực hiện công đoạn phối màu. Lần này thợ khắc lại dán mảnh Kyogozuri màu lên bản gỗ chính để đi màu lên từng họa tiết.
Do hầu hết Ukiyo-e đều là hàng rẻ tiền nên chất liệu tạo màu cũng được làm từ những nguyên liệu đơn giản: đen – mực tàu; trắng – vỏ ngao mật nghiền nhuyễn; các sắc đỏ – hồng hoa (rum), thủy ngân; các sắc vàng – nghệ, cây hải đường, thư hoàng; các sắc xanh – cây chàm, rau thài lài,... Có thể sử dụng cả vàng, bạc hoặc bột mica để tạo vẻ đẹp lung linh sang trọng cho tác phẩm.
Cuối cùng, thợ in sẽ đem in bản gỗ màu này lên giấy để tạo ra thành phẩm. Qua bàn tay giàu kinh nghiệm của thợ in, cả những vân gỗ nổi lên giữa bầu trời đêm hay vết lồi lõm trên một thân chim trắng đều toát lên đầy đủ vẻ đẹp sinh động nguyên sơ trên mặt giấy. Và dẫu mỗi bức tranh Ukiyo-e đều có đến hàng trăm bản sao giống hệt nhau, người mua vẫn cảm thấy vui khi trên mỗi trang giấy đều lưu lại hơi ấm do sự tương tác của gỗ với những bàn tay đã làm ra chúng.
Sau hàng thập kỷ đi vào quá vãng, ngày nay tranh Ukiyo-e vẫn được coi như một phần trong văn hóa đại chúng Nhật Bản truyền thống. Những bức tranh Ukiyo-e được bày bán đại trà trên đường phố là một trong những món quà lưu niệm địa phương rất được du khách ngoại quốc mến chuộng.
Tranh Ukiyo-e nào đắt nhất thế giới ?
Tranh Ukiyo-e đắt nhất thế giới hiện nay là bản in "The Great Wave off Kanagawa" của nghệ sĩ Katsushika Hokusai (đã đề cập ở phần trên). Bản in này cũng được gọi là "The Great Wave" hoặc "The Wave" và là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất của Nhật Bản.
Năm 2021, một bản in gốc của "The Great Wave off Kanagawa" đã được bán tại một phiên đấu giá tại Nhật Bản với giá 180 triệu yên (khoảng 1,6 triệu USD), đánh dấu kỷ lục giá trị cho một bản in Ukiyo-e.
Inako/ kilala.vn