Truyện ngắn Dazai Osamu

HOÀNG LONG (dịch)Jul 25, 2017

Hai truyện ngắn sau đây được nhà văn, dịch giả Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ trên trang mạng kho sách ngoài trời Aozora.

“Aomori” là một đoản thiên về người cha Toyoda đã chăm sóc Dazai chu đáo trong bốn năm sống ở Aomori. Sự thành thật trong giọng văn của Dazai lúc nào cũng khiến chúng ta cảm động.

Còn truyện “I can speak” (Tôi có thể nói) mà người dịch đặt lại tiêu đề là “Tiếng nói nhà văn” cho hợp với tinh thần truyện, tuy ngắn nhưng rất tiêu biểu cho văn phong Dazai Osamu. Có thể nói Dazai nói riêng và những nhà văn Nhật Bản nói chung rất chăm chỉ sáng tác, ép mình vào khuôn khổ, tìm cảm hứng trong kỷ luật nên để lại được nhiều tác phẩm giá trị dù ra đi khi tuổi đời còn trẻ. Tác phẩm chính là tiếng nói của nhà văn vì “Khởi thủy là lời” (はじめに言葉ありき) do đó còn sống là còn phải viết vì viết ban cho đời mình một ý nghĩa sống, dù rất riêng tư, không cần ai phải biết đến.

TIẾNG NÓI NHÀ VĂN

Nỗi khổ đau là đêm nhẫn nhục phục tùng. Là ngày cam chịu. Thế gian này phải chăng chính là một nỗ lực cam chịu hay chăng? Chịu đựng nỗi cô đơn? Tuổi trẻ, theo đó, bị mỗi ngày gặm nhấm và hạnh phúc được tìm thấy trong những ngõ hẻm chật hẹp, tối tăm.

Bài hát của tôi đã mất đi tiếng ca, tôi đã lang bạt rong chơi một thời gian dài ở Tokyo. Trong thời gian đó, tôi bắt đầu khe khẽ viết ra không phải bài ca mà có thể gọi là “lời thì thầm cuộc sống” rồi từng chút một theo con đường văn học mà mình nên đi, nhờ vào tác phẩm mà tôi cũng được người ta biết đến. Chỉ có vậy thôi nhưng ít nhiều cũng có chút tự tin, tôi bắt tay vào viết một quyển tiểu thuyết dài mà mình đã ấp ủ từ lâu.

Tháng chín năm ngoái, tôi đã thuê tầng hai của một quán trà tên là Tenkachaya trên đỉnh đèo Misaka ở Koshu. Công việc của tôi nơi này tiến triển dần dần từng chút một, viết đâu được gần trăm trang rồi đọc lại thấy cũng không đến nỗi quá tệ. Tiếp thêm nguồn năng lượng mới, vào một ngày gió đầu đông thổi mạnh trên đèo Misaka, tôi bốc đồng hứa với mình rằng chừng nào chưa xong bản thảo này thì không quay về Tokyo.

Thật là một lời hứa ngu xuẩn. Tháng chín, tháng mười, tháng mười một, khí lạnh đèo Misaka trở nên khó mà chịu đựng nổi.Những đêm hoang vu trống trải nối tiếp trôi qua. Tôi hoang mang không biết phải làm sao nữa. Vì lời hứa bốc đồng tự đặt ra cho mình nên dù rất muốn quay trở về Tokyo nhưng tôi cũng không thể phá vỡ lời hứa đặt ra vì điều đó như thể là phá giới vậy. Trên đỉnh đèo Misaka tôi cứ vò đầu bứt tóc không biết phải làm gì. Tôi quyết định dời xuống Kofu. Tôi nghĩ rằng Kofu thì ấm hơn Tokyo nên mình có thể trải qua mùa đông này bình yên vô sự.

Tôi dời xuống Kofu. Mọi chuyện ổn hơn. Những cơn ho kỳ cục đã chấm dứt. Thuê một căn phòng đón ánh sáng mặt trời tốt ở một nhà trọ nơi ngoại vi thành phố, tôi ngồi thử vào chiếc bàn và nghĩ thầm tuyệt nhỉ. Một lần nữa, công việc lại tiến triển từng chút một.

Vào từ khoảng giữa buổi trưa, khi tôi đang lặng lẽ ngồi làm việc, chợt nghe giọng hát ngân nga của những cô gái trẻ vọng đến. Tôi dừng bút, lắng tai nghe. Cách nhà trọ một con đường nhỏ có một nhà máy dệt. Các cô công nhân vừa làm việc vừa hát. Trong số đó có một giọng ca nổi trội, dẫn đầu. Cảm giác như chim phượng giữa đàn gà. Giọng hát tuyệt vời quá, tôi thầm nghĩ. Tuyệt đến mức thậm chí tôi muốn ngỏ lời cảm ơn nàng. Đến mức tôi muốn leo qua hàng rào nhà máy mà nhìn chủ nhân giọng hát kia một cái xem sao.

Em không biết nơi đây có một người, một gã đàn ông cô đơn, ngày ngày nghe giọng hát của em mà được cứu rỗi đến mức như thế nào đâu. Làm sao em biết được điều đó. Em không biết mình đã động viên, khích lệ tôi, công việc của tôi đến mức nào đâu. Tôi muốn ngỏ lời cảm ơn em tận đáy lòng. Tôi có ý định viết những lời đó ra giấy rồi ném vào cửa sổ nhà máy nữa.

Nhưng nếu làm như thế, nàng sẽ giật mình kinh sợ và biết đâu mất đi giọng hát luôn thì tôi đây thật khó xử. Nếu lời cảm tạ của tôi làm vấy bẩn đi giọng ca ngây thơ trong sáng đó thì đúng là tội ác. Tôi cứ một mình bồn chồn lo lắng. Tình yêu, có lẽ đó là tình yêu.

Vào một đêm yên tĩnh lạnh giá tháng hai, nơi con đường nhỏ nhà máy chợt vang vọng giọng nói oang oang của một kẻ say rượu. Tôi lắng tai nghe.

“Mẹ, đừng có mà khinh thường tôi. Buồn cười cái gì chứ? Lâu lâu uống chút rượu, có gì đáng bị cười chê đâu? I can speak English (1). Tôi đã đi học ban đêm đấy. Chị có biết đâu đúng không? Tôi giấu cả mẹ mà lén lút đi học lớp đêm đấy. Bởi vì tôi phải trở nên vĩ đại. Chị cười cái gì chứ? Điều gì đáng cười đến vậy? Nè, chị. Tôi chuẩn bị nhập ngũ đấy. Lúc đó đừng có mà kinh ngạc nghe. Tuy nhiên, I can speak English. Can you speak English? Yes, I can (2). Tuyệt nhỉ, cái thứ tiếng Anh này. Chị nói thẳng ra xem, tôi có phải là một đứa con ngoan không? Là đứa con ngoan đúng không? Vậy mà mẹ lại chẳng hiểu gì cả.”

Tôi hé mở cánh cửa giấy, nhìn xuống con đường nhỏ. Đầu tiên tưởng là một cây mơ trắng. Không phải. Đó là cái áo mưa màu trắng của người em.

Mặc cái áo mưa trái mùa, người em co ro đứng dựa lưng vào bức tường nhà máy, có một cô công nhân nhô nửa người ra cửa sổ nhà máy phía trên bức tường đang nhìn chăm chú cậu em say rượu.

Mặc dù có trăng nhưng tôi không nhìn rõ được khuôn mặt cậu em và người nữ công nhân đó. Gương mặt người chị tròn đầy, trắng sáng và có vẻ như đang cười. Khuôn mặt cậu em thì đen và có cảm giác như vẫn còn trẻ con. Thứ tiếng Anh của kẻ say rượu “I can speak English” đã giáng một đòn mạnh vào kẻ đau khổ là tôi đây. Khởi thủy là Lời. Tất cả vạn vật được tạo nên từ đó. Bất chợt tôi cảm thấy mình nhớ lại được bài hát đã quên.Đó chỉ là một cảnh tượng bình thường chán ngắt nhưng đối với tôi thật khó mà quên được.

Cô công nhân buổi tối hôm đó có phải là người có giọng hát tuyệt vời kia không thì tôi cũng không biết.

Chắc là không phải đâu.


Trích trong tập san “Cỏ non” (若草), số tháng hai năm Chiêu Hòa 14 (1939).

_______________________

1. Tiếng Anh trong nguyên tác, nghĩa là “tôi có thể nói được tiếng Anh”

2. Tiếng Anh trong nguyên tác “Tôi có thể nói được tiếng Anh. Bạn có thể nói được tiếng Anh không? Vâng, tôi có thể”.

AOMORI


Tôi đã sống ở Aomori bốn năm. Học trường trung học cơ sở Aomori. Trong thời gian đó, tôi đã nhận được sự chăm sóc rất mực chu đáo của nhà ông Toyoda, vốn là họ hàng thân thích. Gia đình Toyoda kinh doanh trang phục kimono ở khu phố Teramachi.

“Thầy1” Toyoda nay đã khuất núi, rất mực yêu thương tôi, có cái gì hay đẹp cũng cho tôi cả. Mà tôi cũng thường hay vòi vĩnh thầy Toyoda nữa.

Thầy là một người tốt lắm. Trong khi tôi chỉ toàn làm những chuyện ngu ngốc, không làm được việc gì đàng hoàng một chút thì thầy đã mất rồi khiến tôi hối tiếc khôn nguôi. Giá như thầy sống thêm được năm, mười năm nữa, khi tôi đã ít nhiều làm được vài ba việc tốt thì chắc thầy sẽ vui mừng lắm vậy. Tôi lúc nào cũng nghĩ như thế cả. Bây giờ nghĩ lại thấy mình chỉ toàn chịu ơn thầy nên tôi cứ tiếc nuối mãi. Mỗi lần thành tích học tập của tôi có chút gì tiến bộ thì chính thầy là người vui mừng hơn ai hết.

Khoảng năm lớp tám có lần tôi thấy có năm, sáu bức tranh vẽ theo kiểu Tây Phương được trưng bày trong tiệm hoa nhỏ ở khu phố Teramachi. Những bức tranh ấy khiến tâm hồn thơ trẻ của tôi có chút bùi ngùi cảm động. Tôi bỏ ra hai yên mua một bức tranh để tặng thầy Toyoda. Bức tranh này giờ chắc chắn đã trở nên cao giá. Tôi có thể nói thẳng thừng như vậy. Thầy mỉm cười sung sướng lắm. Tôi nghĩ bức tranh này giờ vẫn còn đang treo ở gia đình nhà Toyoda. Thời điểm bây giờ thì bức tranh này giá một trăm yên thì vẫn còn quá rẻ. Đó là kiệt tác hội họa thời kỳ đầu của họa sĩ Munakata Shiko3.

Hình dáng của tiên sinh Munakata Shiko tôi cũng bắt gặp vài lần ở Tokyo nhưng vì tiên sinh lúc nào cũng bước vội vàng quá nên tôi cứ giả vờ như không biết. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng những bức tranh của tiên sinh Shiko thời kỳ đầu rất đẹp. Đã gần hai mươi năm trôi qua, tất cả trở thành câu chuyện cũ. Tôi cứ nghĩ rằng nếu bức tranh đó ở gia đình Toyoda mà trở nên cao giá nhiều hơn nữa thì thật tốt cho tôi biết bao nhiêu.

___________________________
1. Nguyên văn Dazai dùng chữ Odosaおどさ, phương ngữ vùng Aomori có nghĩa là “cha” với ẩn ý chỉ mình là một đứa con của gia đình Toyoda. Vì tỉnh Aomori ở miền bắc Nhật Bản nên chúng tôi dùng tạm từ “thầy” trong “thầy u” mà người miền Bắc hay gọi cha mẹ mình để chuyển dịch ý của từ Odosa.

2. Munakata Shiko 棟方志功 (1903-1975) họa sĩ vẽ tranh khắc gỗ Nhật Bản, quê ở tỉnh Aomori.

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU