Tại Nhật Bản, tang lễ là một sự kiện trọng đại, được tổ chức với nhiều nghi lễ và quy tắc. Nhập gia tùy tục, là một người ngoại quốc, chúng ta cần nắm rõ những phong tục liên quan trước khi dự đám tang để không gây ra những tình huống không đáng có. Trong bài viết này, hãy cùng Kilala tìm hiểu về cách chọn trang phục tang lễ phù hợp khi đến viếng một đám tang ở Nhật.
Trang phục tang lễ trên thế giới
Đám tang là một nghi lễ quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người, là nơi người thân, bạn bè dành sự tưởng nhớ và cầu nguyện cho người đã khuất. Ở mỗi quốc gia trên thế giới, phong tục tang lễ lại mang những nét khác biệt, trong đó phải kể đến yếu tố trang phục.
Đen là màu sắc phổ biến nhất đối với trang phục viếng đám tang. Nó được xem là chuẩn mực ở các nước phương Tây kể từ khi Nữ hoàng Victoria mặc trang phục màu đen để tang chồng mình - Hoàng tử Albert trong 40 năm.
Tuy nhiên, ở nhiều nước khác chẳng hạn như Brazil, bên cạnh màu đen, nhiều người Công giáo sùng đạo cũng mặc trang phục màu tím khi viếng đám tang để tưởng nhớ sự ra đi của người thân.
Hay trắng lại là màu sắc truyền thống trong tang lễ của người Trung Quốc, nó được mặc để viếng đám tang bên cạnh những màu tối như đen. Màu sắc tươi sáng lại xuất hiện nhiều trong các đám tang ở Châu Phi, Caribe/Tây Ấn, họ chọn những màu rực rỡ nhằm thể hiện tinh thần tôn vinh sự sống.
Còn ở Nhật Bản ngày nay, trang phục kiểu Âu màu đen là phổ biến nhất khi tham dự một đám tang. Tuy nhiên, là một quốc gia đề cao tính lễ nghi và tiêu chuẩn, có một số quy tắc không thể bỏ qua khi lựa chọn trang phục tang lễ.
Mặc gì vào đêm Otsuya?
Tang lễ ở Nhật thường được chia thành hai phần, Otsuya (お通夜) và Osoushiki (お葬式).
Otsuya hay lễ thức canh là nghi lễ truyền thống được tổ chức vào đêm trước ngày diễn ra tang lễ chính thức nhằm cầu nguyện cho linh hồn người chết được bình an rời khỏi thế giới. Lễ viếng này chủ yếu dành cho gia đình, người thân, nhưng việc bạn bè thân thiết tham dự cũng ngày càng phổ biến hơn.
Đối với Otsuya, người tham dự không bắt buộc phải mặc trang phục viếng quá chuẩn mực. Otsuya thường diễn ra vào buổi tối và mọi người có thể đến sau giờ làm, nên việc mặc thường phục vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên, cần tránh những bộ quần áo lòe loẹt và nếu có thể, hãy mặc những màu tối như đen hoặc xám.
Học sinh có thể mặc đồng phục đi học. Không được phép đi chân trần vì vậy đừng quên mang vớ (đen, trắng hoặc xanh nước biển).
Mặc gì vào lễ tang Osoushiki?
Màu đen là tiêu chuẩn
Osoushiki là đám tang chính thức, được tổ chức sau đêm Otsuya. Lễ viếng thường kéo dài 1 – 2 giờ đồng hồ, với sự tham gia của người quen, họ hàng và gia đình tang quyến.
Ở Nhật Bản, màu đen là màu đại diện cho tang tóc. Những năm gần đây, trang phục màu xanh đậm và xám đen dần được chấp nhận nhiều hơn, nhưng màu đen vẫn phổ biến hơn cả.
Trang phục dành cho nam
Trang phục lịch sự của nam giới khi viếng đám tang là một bộ vest đen trơn kiểu truyền thống, áo sơ mi trắng trơn, cà vạt đen, giày đen trơn (không có khóa bóng) và không đeo trang sức (ngoại trừ nhẫn cưới).
Trang phục dành cho nữ
- Một chiếc váy lịch sự màu đen, dài đến đầu gối, cổ cao và không ôm sát thân hình. Vải không có hoa văn, ren hoặc diềm xếp nếp, không có đính các chi tiết sáng bóng hay lấp lánh.
- Giày đen, đế phẳng, kín hoàn toàn (không có da bóng hoặc thiết kế cầu kỳ), vớ màu đen.
- Không đeo đồ trang sức (ngoại trừ một chuỗi ngọc trai và nhẫn cưới).
- Trang điểm nhẹ nhàng (đặc biệt là son môi nên chọn màu nhạt) và để tóc gọn gàng.
- Túi màu đen trơn.
Trang phục truyền thống
Trang phục tang lễ Nhật Bản được chia thành kiểu phương Tây - như đã đề cập ở trên, và kiểu truyền thống, trong đó Kimono tang lễ là loại trang phục trang trọng nhất. Một số người có thể nghĩ rằng “nếu mặc Kimono cao cấp thì không thể sai được”, nhưng sự thực là không phải ai cũng nên mặc Kimono.
Thông thường, chỉ gia đình và họ hàng của người đã khuất mới mặc Kimono trong đám tang. Người đưa tang không nên mặc quần áo tang có địa vị cao hơn tang quyến, vì vậy hầu hết mọi người đều không mặc Kimono.
Kimono tang lễ cũng được chia thành hai loại: trang trọng và không trang trọng. Loại trang nghiêm nhất là một bộ Kimono có gia huy ở 5 vị trí: lưng, hai tay áo sau và hai bên ngực – gọi là Itsutsumon (五つ紋). Không chỉ Kimono mà cả thắt lưng Obi và phụ kiện đều phải có màu đen.
Mặt khác, những bộ Kimono không trang trọng sẽ được gắn gia huy ở lưng và hai tay áo sau, có màu trầm. Obi là loại mặc cho các sự kiện đau buồn nhưng không phải màu đen, còn các phụ kiện thì phải có màu đen.
Mang theo gì đến lễ tang Nhật Bản?
Tiền phúng điếu - Kouden
Tiền phúng viếng (Kouden - 香典) rơi vào khoảng từ 3.000 đến 30.000 yên tùy theo mối quan hệ của bạn với người đã khuất. Nếu là họ hàng thân thiết, số tiền phúng sẽ nhiều hơn.
Tiền cần được cho vào loại phong bì dành riêng cho đám tang gọi là Goreizen, có bán tại các cửa hàng văn phòng phẩm. Trên phong bì ghi tên người gửi và số tiền ở mặt sau.
Lưu ý không sử dụng những tờ tiền mới tinh. Nếu bạn vừa rút tiền ở ngân hàng về, hãy đảm bảo chúng phải được vò hơi nhăn trước khi cho vào phong bì.
Chuỗi hạt cầu nguyện – Juzu
Những người tham dự nên mang theo chuỗi tràng hạt Phật giáo khi đến buổi lễ, được gọi là “Juzu” (数珠) trong tiếng Nhật.
Màu trắng từng là màu của trang phục tang lễ tại Nhật Bản
Bạn có biết, thực tế phong tục mặc đồ đen tại lễ tang ở Nhật chỉ mới có lịch sử khoảng 150 năm?
Nihon Shoki, tài liệu lịch sử lâu đời nhất của Nhật Bản được viết khoảng 1300 năm trước, ghi chép rằng những người tham dự và tang quyến đều mặc đồ trắng trong lễ tang.
Điều này được giải thích bởi hai lý do. Thứ nhất, khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc, phong tục tang lễ của người Hoa theo đó cũng được du nhập. Người Nhật được cho là đã học hỏi Trung Quốc về nghi thức tang lễ và bắt đầu sử dụng trang phục màu trắng.
Một lý do khác, trắng vốn được coi là màu không lẫn tạp chất. Hơn 1.000 năm trước ở Nhật Bản, nó là màu sắc đại diện cho sự cao quý, thiêng liêng. Do đó, mặc màu trắng là để thể hiện sự tôn kính lớn nhất đối với người đã khuất.
Thậm chí ngày nay, phong tục sử dụng màu trắng vẫn được duy trì ở hoa tang, vải dùng để trang trí, bọc thi thể người quá cố và quan tài.
Khi nước Nhật trải qua những thay đổi và cải cách vào thời Minh Trị, văn hóa phương Tây được du nhập. Đồng thời, mong muốn “Tây hóa” và tạo ra một quốc gia khác với một Nhật Bản đã tồn tại cho đến thời điểm đó đã dẫn đến sự thay đổi trong nghi thức tang lễ so với trước đây.
Cũng theo đó, trang phục màu đen và đặc biệt là Âu phục đen bắt đầu được mặc tại tang lễ rồi phổ biến cho tới ngày nay.
kilala.vn