"Trại huấn luyện địa ngục" dành cho những quản lý yếu kém tại Nhật Bản

Bài: kirin
Aug 6, 2021

Tham khảo: atlasobscura
Ảnh bìa: BBC

Hành quân 40km trong đêm, đứng hát ngay giữa ga tàu trước sự chứng kiến của mọi người cùng rất nhiều bài tập khắc nghiệt khác là thử thách mà những người quản lý yếu kém bị gửi tới “trại huấn luyện địa ngục” phải trải qua. Mặc dù khá kỳ lạ, đây lại là một bí quyết cho phép màu kinh tế tại Nhật Bản vào thập niên 80.

Những năm 1980 là thời kỳ đỉnh cao của nền kinh tế bong bóng ở Nhật Bản. Thời điểm ấy, Hoa Kỳ chỉ có thể đứng nhìn trong nỗi kinh hoàng khi Japan Inc. giành được những bất động sản đắc địa như sân gôn Pebble Beach của California, phim trường Hollywood và thậm chí cả Trung tâm Rockefeller của New York.

trai-huan-luyen-dia-nguc-2
Những quản lý thiếu năng lực sẽ phải đến với “Jigoku no Kunren - trại huấn luyện địa ngục". Ảnh: alamy

Nhật Bản khi ấy nắm trong tay tất cả, ngoại trừ việc có vẻ như một bộ phận nhà quản lý cấp trung thiếu năng lực đã cản trở phép màu kinh tế tại đất nước này. Và một giải pháp đã xuất hiện. Đối với các nhà quản lý được coi là mềm yếu, lười biếng hoặc không đủ năng lực và những người được đề bạt thăng chức nhưng vẫn chưa sẵn sàng, họ sẽ có một tấm vé để đến với “Jigoku no Kunren - 地獄の訓練” hay "trại huấn luyện địa ngục".

“Địa ngục” của những thử thách khắc nghiệt

Thành phố Fujinomiya, tỉnh Shizuoka là cửa ngõ vào núi Phú Sĩ. Bên dưới chân núi linh thiêng - biểu tượng của xứ sở Mặt trời mọc, những tiếng hô vang vọng giữa núi rừng thiên nhiên: “Cảm ơn!”, “Xin mời!”, “Làm ơn!”. Đó chính là Kanrisha Yosei Gakko (KYG), trại huấn luyện địa ngục nổi tiếng nhất của thập niên 70-80 và vẫn còn được duy trì cho đến ngày nay.

Khác xa với các bài tập về xây dựng lòng tin của các doanh nghiệp hiện đại, trại huấn luyện địa ngục được tổ chức với kỷ luật và cường độ huấn luyện cơ bản của quân đội. Mục đích là để chấn chỉnh những quản lý cấp trung kém hiệu quả, cũng như mang lại cho họ sự quyết đoán mà người Nhật cảm thấy mình còn thiếu trước các đối thủ phương Tây. Trải qua khóa huấn luyện, học viên được kỳ vọng sẽ hình thành nên nhận thức của một quản lý cấp cao, cách nghĩ và hành động như một quản lý.

trai-huan-luyen-dia-nguc-5
Rèn luyện từ những điều cơ bản nhất như cách chào hỏi, bắt tay. Ảnh: BBC

Khóa học tại đây kéo dài 13 ngày với những quy tắc cực kỳ nghiêm ngặt. Một ngày huấn luyện sẽ bắt đầu từ 4:15 sáng và kéo dài đến tận tối mịt. Khi được giảng viên đặt câu hỏi, học viên phải trả lời nhanh chóng và quan trọng là hô lớn câu trả lời nhất có thể. Nếu không đủ lớn, họ sẽ phải tập nói đi nói lại cho đến khi đạt tiêu chuẩn huấn luyện viên đề ra.

Có lẽ đặc điểm nổi bật của khóa huấn luyện tại KYG - có giá khoảng 4.300 USD vào năm 2017 - là những dải băng hổ thẹn, gọi là Haji no Ribon (恥のリボン) được cài vào áo mỗi học viên khi bắt đầu khóa học. Tổng cộng có 14 dải ruy băng tương ứng với 14 nhiệm vụ hoặc khuyết điểm cần phải chinh phục trước khi họ có thể tốt nghiệp. Ý tưởng của những dải băng này là khi mới đến đây, bạn bắt đầu với sự kém cỏi và thiếu hiểu biết, nhưng ngày qua ngày, bạn sẽ dần gỡ bỏ được chúng thông qua việc hoàn thành các phần của khóa học. Sự tự tin, niềm tự hào về công ty, kỹ năng viết tay, viết báo cáo, lập nhóm và nói trước đám đông chỉ là một số lĩnh vực mà các nhà quản lý cần phải chứng tỏ bản thân. Để hoàn thành thử thách cuối cùng, những người tham gia phải hát trước công chúng ngay trước ga Fujinomiya bài hát truyền thống  “セールスガラス - Con quạ bán hàng” của trường như một bằng chứng về việc vượt qua cảm giác lo sợ khi nói trước đám đông.
trai-huan-luyen-dia-nguc-1
Dải băng hổ thẹn - một "đặc sản" chỉ có ở trại huấn luyện địa ngục. Ảnh: courrier.jp

Ngoài ra, chương trình huấn luyện còn thử thách thể lực và tinh thần học viên qua cuộc hành quân 40km kéo dài từ ba giờ chiều đến nửa đêm. Lúc xuất phát, mỗi thành viên trong đoàn được giao một vai trò và cả đoàn phải cùng nhau cán đích. Khi thể lực đạt đến giới hạn, họ cần phải bình tĩnh phán đoán, quyết tâm và học cách hợp tác. Niềm vui khi hoàn thành một chuyến đi bộ gợi lên sức mạnh tinh thần để đối mặt với khó khăn và mang lại sự tự tin cho học viên.

Để hoàn thành khóa học này, học viên cần phải đậu hết tất cả các phần. Những người không vượt qua sẽ trở về nhà trong sự xấu hổ, nhục nhã và nó cũng đồng nghĩa với việc họ không thể bước thêm một bước trên bậc thang của sự nghiệp.

Trong chín năm đầu tiên, hơn 150.000 ứng viên đã tốt nghiệp chương trình của KYG và ngày nay, trường tự hào có hơn 300.000 sinh viên tốt nghiệp trên khắp cả nước.

trai-huan-luyen-dia-nguc-4
Những người không thể vượt qua khóa học phải mang trong lòng nỗi xấu hổ, ê chề. Ảnh: BBC

Trở thành "hiện tượng" ở nước ngoài

Sự kỳ lạ của các trại huấn luyện địa ngục đã thu hút sự chú ý từ quốc tế. Các phương tiện truyền thông lập tức đổ xô đến để phỏng vấn học viên và huấn luyện viên. Bộ phim Gung Ho năm 1986 của Ron Howard kể về một công ty ô tô Nhật Bản mua lại nhà máy ô tô của Mỹ cũng nhắc đến trại huấn luyện địa ngục, giúp các dải băng hổ thẹn được biết đến rộng rãi. Khi một nước Mỹ lo lắng theo dõi bước tiến dường như không thể lay chuyển của nền kinh tế Nhật Bản, các trại địa ngục chỉ càng khiến họ cảm thấy sợ hãi.

Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi KYG cuối cùng đã được nhượng quyền và xuất hiện tại Hoa Kỳ vào cuối những năm 80. Tại một cơ sở ở Malibu, chế độ đào tạo nghiêm ngặt cũng được thực hiện với một vài điều chỉnh để phù hợp với giá trị của người Mỹ và mức giá cũng đắt hơn là 5.300 USD. Ví dụ, mỗi ngày huấn luyện sẽ bắt đầu lúc 5 giờ sáng và dải băng hổ thẹn được đổi tên thành “dải băng thử thách”. Tuy nhiên, học viên vẫn phải thực hiện những thử thách “địa ngục” như đi bộ đường dài 25 dặm trong đêm và hát “Con quạ bán hàng” trước bãi đậu xe của trung tâm mua sắm gần đó trước sự kinh ngạc của đám đông.

trai-huan-luyen-dia-nguc-7

Trại huấn luyện địa ngục là ký ức về thời kỳ kinh tế bong bóng ở Nhật. Ảnh: BBC

Ngày nay, Kanrisha Yosei Gakko vẫn hoạt động dưới chân núi Phú Sĩ, cung cấp một loạt các chương trình đào tạo quản lý cấp trung, nhân viên cấp dưới và sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Tuy sự biến đổi của xã hội và nền kinh tế khiến đa phần các trại huấn luyện địa ngục bị bỏ lại phía sau, KYG vẫn tồn tại và những dải băng hổ thẹn của họ là một lời nhắc nhở kỳ lạ về thời kỳ bong bóng kinh tế đã trôi vào dĩ vãng.

"Địa ngục" đặc biệt này cũng từng xuất hiện trong tập 1 series truyền hình "Japan with Sue Perkins" của đài BBC, phát sóng năm 2019.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU