Toshikoshi Soba: Sợi mì kéo dài thịnh vượng cả năm

Bài: NatsumeDec 31, 2021

Với người Nhật, việc ăn mì Soba vào trước đêm giao thừa là một phong tục truyền thống lâu đời để từ bỏ những điều xui xẻo, đón nhận mọi may lành trong năm mới.

Vào đêm ngày 31/12 dương lịch, tức đêm giao thừa ở Nhật Bản sẽ là thời khắc gia đình tụ họp cùng nhau để thưởng thức mì Soba (mì kiều mạch) trong tiếng chuông chùa giao thừa – Joya no Kane. Sau đó, họ cùng nhau đến chùa hay các đền thờ để cầu mong cho sự hạnh phúc và bình an trong năm mới. Truyền thống ăn mì Soba này được gọi là “Toshikoshi Soba - 年越し蕎麦”, nghĩa đen là “mì soba kéo dài cả năm”. Tùy theo tục lệ ở từng vùng mà loại mì này còn được gọi với nhiều cái tên như: Misoka Soba, Tsugomori Soba, Otoshi Soba, Jumyo Soba, Fuku Soba và Enkiri Soba...

mì soba giao thừa

Ảnh: tasteatlas

Trong một cuộc khảo sát tiến hành bởi Recruit với 1.034 người từ độ tuổi 20 – 39 trên khắp nước Nhật cho thấy, Toshikoshi Soba phổ biến nhất với mọi người ở mọi lứa tuổi vào dịp cuối năm, đặc biệt là với phụ nữ từ 30 – 60 tuổi, trong đó khoảng 75% cho biết họ ăn món này hàng năm.

Món ăn giao thừa có tuổi đời hơn 400 năm

Là một trong số các phong tục đón năm mới của người Nhật, việc ăn mì Soba vào đêm giao thừa được cho là bắt đầu từ thời Edo (1603 - 1868), xoay quanh đó là nhiều giả thuyết về sự ra đời của nó. Theo Hiệp hội Soba Tokyo, lý do chính liên quan đến độ dài và độ dày của sợi mì. So với Udon, Soba mỏng và dài hơn rất nhiều. Sợi mì dài hơn có nghĩa là một cuộc sống lâu dài và một mái ấm hạnh phúc. Sợi mì mỏng hơn có nghĩa là chúng dễ cắt hơn và điều này được cho là để cắt bỏ những điều xui xẻo từ năm trước để bắt đầu một năm mới.
mì soba
Ảnh: Tokyo Weekender

Ngoài ra, một giả thuyết khác được đưa ra đó là vì sự thịnh vượng. Trong quá khứ, các nhà sản xuất đồ nội thất Nhật Bản đã vo viên bột Soba để thu gom những mảnh bụi vàng rải rác. Chính vì thế, ăn Soba được cho là sẽ mang lại vàng cho các gia đình trong năm tới.

Trong y học, kiều mạch cũng mang đến nhiều sức khỏe do hàm lượng khoáng chất và chất chống oxy hóa cao, giúp cân bằng lượng đường trong máu. Cây kiều mạch cũng là biểu tượng của sức chống chọi và khả năng phục hồi do chúng có thể sống sót, sinh trưởng trong thời tiết khắc nghiệt. 

Thời gian thích hợp để ăn mì kiều mạch

Với ý nghĩa cắt đứt tai ương của năm, không mang sang năm sau nên bạn không nên tiếp tục ăn mì từ đêm giao thừa sang thời khắc ngày đầu năm mới (tiếng chuông giao thừa Joya no Kane ở ngôi chùa địa phương bắt đầu vang lên vào lúc 23h00 và sẽ được đánh 108 lần cho đến 0 giờ ngày mùng 1). Chính vì thế, thời gian phổ biến nhất để ăn Soba là trước nửa đêm ngày 31/12. Tuy nhiên, tùy vào khu vực hoặc truyền thống gia đình mà đa phần sẽ chia thành hai nhóm: ăn vào bữa tối ngày 31/12 và nhóm còn lại ăn sau 23h00. 
soba
Ảnh: iStock

Lượng calo trong một phần Soba cũng chỉ dao động khoảng 320kcal nên thích hợp để ăn khuya và nếu có nhu cầu dùng thêm món ăn kèm như Tempura thì cũng sẽ không bị quá đầy bụng.

Một lưu ý là phần Soba thừa được cho là ảnh hưởng tiêu cực đến vận may tiền bạc, nên hãy cân nhắc điều chỉnh phần ăn của mình nếu không cảm thấy quá đói.

Những loại Toshikoshi Soba phổ biến

Soba có hai loại chính: nóng (Kake-soba) và lạnh (Mori-soba/ Zaru-soba).

Soba nóng

Mì Soba nóng thường chan nước súp Soba nóng hổi làm từ Katsuo dashi (nước dùng từ cá ngừ khô Katsuobushi). Trong súp có nhiều hương vị khác nhau tùy thuộc vào từng nơi.

Tại nhà hàng Soba Shinnenura Komatsu-an ở Shinjuku, Tokyo, món phổ biến nhất là Iberico Pork: những lát thịt heo Tây Ban Nha trong nước súp nóng, phủ Yuzu và Mitsuba (mùi tây Nhật). Nhiều người cũng thích rắc thêm Kuro-shichimi, một hỗn hợp bảy loại gia vị của Nhật Bản, có vừng đen và hạt tiêu đen để gia tăng hương vị.

mì soba giao thừa

Ảnh: Tokyo Weekender

Soba lạnh

Mì Soba lạnh, còn được gọi là mì nhúng, đi kèm với một bát nước chấm. Soba lạnh được sắp xếp trên "Zaru" - đĩa tre nhỏ, thanh mảnh. Bên cạnh sẽ có một đĩa nhỏ với Wasabi và hành lá, đôi khi là một quả trứng cút nhỏ. Bạn nên cho hành lá vào nước chấm và thêm Wasabi vào cho vừa miệng. Sau đó, lấy mì và nhúng chúng vào nước chấm. Húp Soba là một dấu hiệu của việc tận hưởng món ăn ngon, thậm chí được cho là làm tăng thêm hương vị. Ăn hết mì cũng cho thấy nó rất ngon. 

mì soba

Ảnh: Tokyo Weekender

Xem thêm: Văn hoá húp mì xì xụp của người Nhật bắt nguồn từ đâu?

Một số loại Soba đặc trưng cho từng vùng

Nishin Soba ở Hokkaido và Kyoto

Kể từ thời Edo, hoạt động đánh bắt cá trích được phát triển ở Hokkaido, và cá trích khô "Migaki Nishin" đã được vận chuyển đến nhiều vùng khác nhau của đất nước thông qua Kitamaebune (tuyến đường vận chuyển thời Edo).

Vào thời Minh Trị, "Nishin soba" được làm từ "Migaki nishin" đã trở thành một đặc sản ở Kyoto và vẫn thường được thưởng thức với tên gọi Toshikoshi Soba.

nishin soba

Ảnh: TasteAtlas

Ở Kyoto, nước súp sẽ có màu nhạt, trong khi ở Hokkaido với phong cách Kanto đặc trưng sử dụng nước tương đậm là chủ đạo.

Wanko Soba ở tỉnh Iwate

Có giả thuyết cho rằng Wanko Soba là món ăn để chiêu đãi lãnh chúa. Khẩu phần của món ăn này bao gồm mì được chia nhỏ thành từng chén để thưởng thức hết chỉ sau một lần gắp. Mỗi khi ăn hết, nhân viên sẽ chủ động tiếp thêm mì, đến khi nào bạn báo dừng. Chính vì thế, ngày xưa tại Iwate còn có tục lệ ăn mì theo số tuổi, nghĩa là bạn bao nhiêu tuổi thì sẽ phải ăn hết bấy nhiêu chén mì.
wanko soba
Ảnh: Wanko Soba

Echizen Soba ở tỉnh Fukui

"Echizen Soba" là mì kiều mạch thường được ăn lạnh với Tsuyu (nước chấm làm từ nước tương, nhưng nhạt hơn và không mặn), củ cải bào... Dù đơn giản nhưng đây là món ăn nổi tiếng của tỉnh Fukui. Đặc biệt hơn, Fukui là một trong những nơi thích hợp để trồng kiều mạch bởi thời tiết, nguồn nước... mọi thứ đều hoàn hảo cho sự phát triển của kiều mạch. Một lý do khác là vì ở Fukui, họ xay kiều mạch trên cối đá truyền thống để không làm hỏng hương vị.
echizen soba
Ảnh: fuku-e

Ăn mì Toshikoshi Soba vào đêm giao thừa là một truyền thống lâu đời được người Nhật trân trọng và gìn giữ. Nếu ở Nhật vào dịp này trong năm, việc xì xụp một bát mì Soba trong khi nghe tiếng chuông chùa điểm 108 lần cho đến giao thừa, đón chờ một năm mới sang sẽ là một trải nghiệm rất đáng để thử!

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU