Nhật Bản có thủ đô không? Tokyo có phải là thủ đô của Nhật Bản không?

Bài: KilalaSep 14, 2023

Hầu như mỗi quốc gia đều có một thủ đô được quy định trên văn bản hành chính. Từ những thông tin được tiếp cận bấy lâu nay, chúng ta luôn cho rằng Tokyo là thủ đô của Nhật Bản. Nhưng sự thật có phải như vậy? Cùng Kilala tìm hiểu nhé!

Nhật Bản có thủ đô không?

Giống như bao quốc gia được công nhận khác trên thế giới, dĩ nhiên Nhật Bản cũng có thủ đô. Trong lịch sử của nước Nhật, tùy theo từng thời kỳ mà thủ đô (hay thời xưa còn gọi là kinh đô) được đặt ở những khu vực, tỉnh thành khác nhau.

Tính đến thời điểm hiện nay, trong từ điển tiếng Nhật và các văn bản luật có xuất hiện từ shuto: thủ đô hoặc shutoken: khu vực thủ đô. Đây là nơi đặt hoàng cung của Thiên hoàng và các cơ quan hành chính đầu não khác của Nhật Bản.

Nhat-Ban-co-thu-do-khong

Thủ đô của Nhật Bản hiện nay là gì?

Theo truyền thống Nhật Bản, kinh đô (thủ đô) là nơi đặt hoàng cung - nơi ở của Thiên hoàng tại vị. Trước đó, từ năm 794 đến năm 1868, Kokyo của Thiên hoàng đặt tại Kyoto nên khi ấy Kyoto là kinh đô (thủ đô) của nước Nhật. Từ sau năm 1868, văn phòng Chính phủ Nhật Bản và hoàng cung Kokyo của Thiên hoàng đặt ở Tokyo. Từ đó, người ta xem Tokyo là thủ đô của Nhật Bản.

Từ những thông tin ghi lại, thuật ngữ shuto - thủ đô vốn chưa từng được sử dụng để nói đến Kyoto. Từ thủ đô được đưa vào sử dụng từ những năm 1860 như cách dịch nghĩa của từ "capital" trong tiếng Anh.

Bên cạnh đó, Nhật Bản có nhiều bộ luật đã đề cập về một "khu vực thủ đô" (首都圏 - shutoken) như: Luật xây dựng Thủ đô (ban hành năm 1950, bãi bỏ năm 1956), Công luật của Hội đồng Thành phố về Đường cao tốc Thủ đô và Luật Bảo tồn Vành đai xanh Khu vực Thủ đô.

Có thể thấy rằng, Nhật Bản vẫn có những chỉ định chính thức về “khu vực thủ đô” của đất nước.

Tokyo có phải là thủ đô của Nhật Bản không?

Ngày 3/9/1868, Thiên hoàng Nhật Bản ra chiếu chỉ đổi tên Edo thành Tokyo. Sau trận động đất ở khu vực Kanto, trong Sosho (Sắc lệnh hoàng gia Nhật) ban hành tháng 9/1923 tuyên bố Tokyo là thủ đô của đế quốc, là trung tâm kinh tế chính trị và cần được đầu tư phát triển.

Luật Xây dựng Thủ đô ban hành năm 1950 ghi rõ Tokyo là thủ đô mới của Nhật Bản. Tuy nhiên, luật này đã được bãi bỏ năm 1956. Trong điều 2 Luật Hợp nhất Khu vực Thủ đô năm 1956 (首都圏整備法) ghi rằng "Thuật ngữ‘khu vực thủ đô' biểu thị một khu vực rộng lớn gồmVùng thủ đô Tokyo cũng như các khu vực xa trung tâm được chỉ định bởi nội các."

Mặc dù hiện tại không có bộ luật hiện hành nào quy định trực tiếp rằng “Thủ đô chính thức của Nhật Bản là Tokyo”. Nhưng theo “Luật Phát triển Khu vực Thủ đô” (điều luật số 83, 1956), có quy định rằng Tokyo và khu vực xung quanh gồm: Saitama, Chiba, Kanagawa, Ibaraki, Tochigi, GunmaYamanashi, là vùng thủ đô Nhật Bản.

tokyo-co-phai-la-thu-do-cua-nhat-ban

Ngoài ra, có 3 lý do chính để có thể xem Tokyo là Thủ đô của Nhật Bản hiện nay gồm:

+ Thiên hoàng, người được quy định là “biểu tượng của quốc gia và là biểu tượng cho sự hội nhập của người dân Nhật Bản” theo Hiến pháp hiện đang ở tại Tokyo.

+ Nơi ở chính thức của thủ tướng và đứng đầu các bộ, cơ quan hành chính trung ương và Tòa án tối cao đều đặt tại Tokyo.

+ Trong chiếu chỉ của hoàng gia Nhật Bản về việc triệu tập Quốc hội, "Nghị sự quốc hội áp dụng ở Tokyo" nơi đặt Tòa nghị sự Quốc hội Nhật Bản (国会議事堂 - Kokkai gijido).

Ngoài 3 lý do trên thì trong suốt nhiều năm qua, đại đa số nhận thức của mọi người trên thế giới đều cho rằngTokyo là thủ đô của Nhật Bản hiện nay.

Những thủ đô của Nhật Bản qua các thời kỳ

Thủ đô Nhật Bản theo truyền thuyết

Trong truyền thuyết Nhật, Thiên hoàng Jimmu là người sáng lập ra Nhật Bản, cũng là vị Thiên hoàng đầu tiên của đất nước này. Kinh đô (thủ đô) là nơi có hoàng cung của Thiên hoàng. Dưới thời thiên hoàng Jimmu, kinh đô của Nhật Bản nằm ở Kashihara, Yamato dưới chân núi Unebi.

Suốt nhiều đời Thiên hoàng sau đó, kinh đô đều được đặt ở những nơi thuộc vùng đất có tên Yamato lúc bấy giờ. Mãi đến thời Thiên hoàng Seimu (Thiên hoàng thứ 13) và Thiên hoàng Chuai (Thiên hoàng thứ 14), kinh đô mới chuyển đến những vùng đất thuộc tỉnh Shigatỉnh Nara ngày nay.

Thủ đô Nhật thời Kofun

Thời kỳ Kofun của Nhật Bản được xác định từ thời của Thiên hoàng Onjin (Thiên hoàng thứ 15) đến thời của Thiên hoàng Senka (Thiên hoàng thứ 28). Kinh đô của Nhật Bản trong thời Kofun giai đoạn đầu thay đổi giữa các địa điểm thuộc vùng đất Yamato khi ấy. Về sau, vùng đất kinh đô dần được chuyển đến những nơi thuộc Kyoto, Osaka Nara của ngày nay.

Tuy nhiên, thông tin từ thời kỳ của Thiên hoàng đầu tiên đến Thiên hoàng thứ 28, tính đến nay vẫn chưa có những ghi chép lịch sử rõ ràng. Do đó, những thông tin về vùng đất từng là kinh đô trong giai đoạn này chỉ mang tính tham khảo.

Thủ đô Nhật thời Asuka

Thời Asuka mở ra từ lúc Thiên hoàng Kimmei (Thiên hoàng thứ 29) đăng cơ, cũng là triều đại đầu tiên mà lịch sử có thể xác nhận chính xác về thời gian. Trong giai đoạn này, kinh đô Nhật Bản chủ yếu đặt ở Yamato và Nara.

Từng có giai đoạn từ năm 660 - 661, hoàng cung đặt ở Fukuoka. Từ năm 661 - 667, hoàng cung đặt ở Osaka. Dưới thời thiên hoàng Teiji và thiên hoàng Kobun, hoàng cung được đặt ở Shiga.

Thủ đô Nhật thời Nara

Thời kỳ Nara bắt đầu từ Thiên hoàng Gemmei (thiên hoàng thứ 43). Hoàng cung được xây ở kinh thành Heijo (thuộc tỉnh Nara ngày nay), đây cũng là kinh đô Nhật Bản ở thời kỳ này. Từ năm 740 - 744, kinh đô được chuyển đến Kyoto. Từ năm 744-745, kinh đô lại dời đến Osaka.

Từ năm 745 - 784, kinh đô lần nữa chuyển về Nara. Và đến thời thiên hoàng Kammu, kinh đô lại dời về Nagaoka kyo, thuộc Kyoto ngày nay.

Thủ đô Nhật thời Heian

Bắt đầu từ năm 794, dưới thời thiên hoàng Kammu, kinh đô được đặt ở Heian kyo - tên cũ của Kyoto ngày nay. Đến năm 1868, hoàng cung của Thiên hoàng được chuyển đến Tokyo. Bắt đầu từ lúc này, Tokyo được xem là thủ đô của Nhật Bản.

Khác với phần lớn các quốc gia trên thế giới, thủ đô của Nhật Bản là một khu vực rộng lớn, bao gồm cả Tokyo. Từ những thông tin trên, có thể thấy Tokyo ngày nay vẫn là nơi đặt nhiều cơ quan đầu não của Nhật Bản, là nơi phát triển về mọi mặt và đóng góp vào sự phát triển của đất nước này.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU