“Thị trường bạc” của Nhật Bản là gì?
Bài: HT
Oct 9, 2020
Nguồn tham khảo: The Silver Market Phenomenon, JPInfo
Nguyên nhân ra đời của “Thị trường Bạc” tại Nhật Bản
Có thể nói, dân số già gần như là đặc điểm chung của các quốc gia phát triển, tuy nhiên theo tiêu chuẩn đánh giá quốc tế thì sự già hóa dân số ở Nhật Bản đang diễn ra với tốc độ cao. Số lượng người cao tuổi tại Nhật ngày càng gia tăng sẽ gây áp lực lớn lên ngân sách an sinh xã hội, nhất là về khoản chi lương hưu và chi y tế công. Vì vậy, vấn đề già hóa dân số thường được xem là ảnh hưởng xấu đến kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nếu tập trung vào nhu cầu thị trường, dân số già đồng nghĩa với việc nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ của nhóm đối tượng khách hàng cao tuổi cũng sẽ tăng theo.
Một số nhà kinh tế học cho rằng, dân số già tuy là nhóm nhân khẩu kém năng suất nhất nhưng cũng là nhóm có sức mua cực lớn. Hiện nay, những hộ cao tuổi ở Nhật Bản không thuộc diện đặc biệt nghèo. 85% nhóm cao tuổi có nhà riêng (so với mức trung bình là 61%) và tài sản tài chính trung bình của người cao tuổi là 20 triệu yên (so với mức trung bình là 9,5 triệu yên). Đặc biệt, những người già sinh ra trong thời kỳ bùng nổ trẻ em sau chiến tranh, làm việc trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao, khi về hưu sẽ có cuộc sống sung túc hơn những người già sinh vào thời gian trước Thế chiến thứ hai.
Những nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch về mặt kinh tế giữa những người cao tuổi và trẻ tuổi có thể kể đến các điều sau:
- Thứ nhất, cơ cấu tiền lương ở Nhật dựa trên thâm niên lao động. Chênh lệch thu nhập tăng lên theo độ tuổi hoặc số năm kinh nghiệm của một người trong một công ty.
- Thứ hai, sự khác biệt giữa những người ở lại thị trường lao động, có thu nhập và những người đã rời khỏi thị trường lao động. Theo tiêu chuẩn quốc tế, những người cao tuổi của Nhật tham gia lao động vẫn ở mức cao.
- Thứ ba, sự chênh lệch về thu nhập vốn. Tỷ suất sinh lợi trung bình của tài sản tài chính ở Nhật Bản khá thấp, chủ yếu là do hơn một nửa tài sản hộ gia đình được chuyển vào tiền gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc bưu điện. Nếu tài sản tài chính của họ được sử dụng hiệu quả hơn thì sẽ tăng thu nhập và tiêu dùng của người cao tuổi.
Vì vậy, sự già hóa dân số ở Nhật có thể mang lại thị trường tiêu dùng đặc biệt phong phú. Ngày càng nhiều hộ gia đình cao tuổi duy trì sức mua sau khi nghỉ hưu. Từ đó, một thị trường hiệu quả dành cho nhóm người này có thể tạo ra những đột phá hiệu quả để nền kinh tế Nhật Bản có thể tiếp tục duy trì. Thị trường ấy gọi là “Thị trường Bạc” - “Silver market”.
“Thị trường Bạc” ra đời với mục đích tạo ra những sản phẩm, dịch vụ dành cho nhóm dân số già. Hàng loạt mảng kinh doanh ra đời được gọi là “Thị trường Bạc”, vô số sản phẩm dành cho người cao tuổi ra đời được gọi là “Sản phẩm Bạc”.
Các lĩnh vực thu hút của “Thị trường Bạc”
Carebot - Robot trị liệu
Cũng vì dân số già nên chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực rất được quan tâm. Người cao tuổi thường mắc các bệnh như: Chứng mất trí nhớ ở người già (Alzheimer), bệnh tim mạch, thoái hóa, Parkinson,... Hiện nay, số lượng các công ty chăm sóc sức khỏe tại Nhật đang tăng lên. Các lĩnh vực liên quan gồm có bảo hiểm, y tế điện tử và dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đang phát triển mạnh mẽ. Hàng trăm phòng khám, trung tâm chăm sóc sức khỏe mọc lên trên khắp cả nước. Các sản phẩm liên quan đến chứng mất trí nhớ, work-out hay liên quan đến giải tỏa căng thẳng cũng xuất hiện và tăng nhanh trên thị trường.
Điển hình như robot trị liệu PARO. PARO là chú robot dễ thương trong hình dáng của một chú hải cẩu con với bộ lông mềm mịn, có thể nũng nịu “khóc nhè” với các cụ ông, cụ bà. Với khoảng 100 cảm biến, 10 CPU và 8 động cơ trên cơ thể, PARO có thể nhận biết được sự đụng chạm, lời nói và ánh sáng. Và PARO sẽ phản ứng lại bằng cách chuyển động đầu, chớp mắt và phát ra tiếng khóc giống loài hải cẩu Canada. Chính vì thế, PARO được sử dụng để hỗ trợ trong việc trị liệu cho các bệnh nhân bị chứng căng thẳng thần kinh. Sản phẩm này không chỉ xuất hiện tại thị trường Nhật Bản mà cả thị trường Mỹ. Hàng trăm phòng khám đã sử dụng PARO trong trị liệu. Các đơn đặt hàng cho PARO đã tăng lên và công ty tạo ra PARO đã đạt doanh thu hàng triệu đô la.
Có nhiều loại robot tương tự như PARO được tạo ra với mục đích hỗ trợ sinh hoạt người cao tuổi trong cuộc sống hàng ngày. Chúng được gọi là “carebot - robot chăm sóc”. Công việc kinh doanh carebot được dự báo sẽ phát triển với tốc độ nhanh chóng trong vài thập kỷ tới. Những “người” chăm sóc này đóng vai trò như những người bạn đồng hành với những người già sống xa gia đình.
Xem thêm về Robot chăm sóc sức khỏe.
Trò chơi điện tử
Bạn nghĩ chỉ con nít mới thích chơi điện tử? Thế nhưng số lượng người già “mê đắm” trò chơi điện tử đang tăng lên theo cấp số nhân mỗi ngày. Một số cửa hàng đã mở cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử chỉ dành cho người cao tuổi. Họ bố trí ghế ngồi cũng như các biển hiệu giúp người cao tuổi có thể chơi game thoải mái. Theo đó, những trò chơi huyền thoại như Pac-man, Mario… đang “hot” trở lại khi nhiều “game thủ cao tuổi” muốn chơi chúng.
Công ty Nintendo đã ra mắt trò chơi trí tuệ “Brain Age” vào năm 2005. Tính đến năm 2017, trò chơi này đã bán được khoảng 6,7 triệu bản. Đây là một trò chơi rèn luyện trí não với các câu đố, câu đố và các bài tập rèn luyện tinh thần khác để giúp những người bị bệnh Alzheimer. Một công ty trò chơi điện tử khác, cụ thể là SEGA TOYS, đã phát hành một trò chơi tương tự có tên “Brain Trainer” cũng gây được tiếng vang lớn.
Mặc dù không có số liệu thống kê chính về những game thủ cao tuổi, nhưng ngành công nghiệp game thùng (arcade game) trị giá 500 tỷ yên sẽ có sự thay đổi đáng kể về đối tượng tiêu thụ trong thời gian tới.
Ẩm thực và giải trí
Ẩm thực và giải trí là một trong những lĩnh vực tạo ra doanh thu lớn của nền kinh tế Nhật Bản. Khi dân số Nhật Bản ngày càng già đi, nhu cầu về thực phẩm sạch, lành mạnh, có lợi cho sức khỏe trở nên tất yếu hơn bao giờ hết. Các cửa hàng tiện lợi, như 7-Eleven, Family Mart và Lawson đã ra mắt dịch vụ giao bento phục vụ những người cao tuổi không thể đến cửa hàng. Các dịch vụ giao hàng tận nhà có sẵn ở các thành phố lớn như Tokyo và sẽ sớm phủ sóng trên toàn Nhật Bản. Hiện Family Mart đang dẫn đầu trong “Thị trường Bạc” khi không chỉ giao hàng món ăn mà còn cả thuốc và nguyên liệu nấu ăn.
Còn về lĩnh vực giải trí, "Sản phẩm Bạc" chính là các album do những nghệ sĩ lớn tuổi phát hành. Những năm gần đây, số lượng nghệ sĩ có thâm niên hoạt động trong ngành giải trí tăng lên khá nhiều. Thậm chí tại quốc gia này còn có một ban nhạc toàn những cụ già với tên KBG84, độ tuổi trung bình nhóm là 84 tuổi. Mặt khác, phần lớn các nghệ sĩ ở Nhật Bản đều đang trong độ tuổi trung niên, từ 40 đến 50 tuổi. Đơn cử như bài hát PPAP từng cây cơn sốt "bút - dứa - táo" trên toàn thế giới cũng đến từ một nghệ sĩ hài trung niên.
kilala.vn