Ngày 31/10 vừa qua chính là tròn một năm thành Shuri được người dân nơi đây phát hiện đang đắm chìm trong biển lửa. Ngọn lửa ác liệt đã thiêu rụi hoàn toàn Chính Điện (Seiden – 正殿), gây tổn hại nặng nề cho Bắc Điện (Hokuden –北殿) và Nam Điện (Nanden – 南殿) của toà thành cổ, nơi được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Tất cả người dân Okinawa đều cảm thấy vô cùng tiếc nuối và buồn bã khi biểu tượng của hòn đảo xinh đẹp này đã không còn nữa.
Mặc dù hiện nay không còn có thể nhìn thấy tận mắt thành Shuri nhưng chính phủ Nhật Bản đã hứa hẹn sẽ phục dựng lại, vì thế trước khi đặt chân đến Okinawa, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về toà thành cổ Shuri - niềm tự hào của Okinawa qua bài viết này nhé!
Thành Shuri - biểu tượng của Okinawa
Thành Shuri (首里城 - Thủ Lý Thành) được xem là biểu tượng lịch sử, văn hóa và du lịch của hòn đảo Okinawa xinh đẹp. Hằng năm, thành Shuri đón khoảng gần 2 triệu du khách đến tham quan, trở thành một trong những địa danh nhất định phải ghé qua ở Okinawa. Cùng với linh vật Shiisa, thành Shuri là hình ảnh xuất hiện phổ biến trên các món quà lưu niệm địa phương như bưu thiếp, nón, áo thun,... Vào năm 2000, thành Shuri cùng các di tích khác ở Okinawa được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới.
Ngày xây dựng nên thành Shuri đến nay vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng dựa vào các di tích cổ nhất được khai quật gần đây có thể ước tính rằng nó có từ cuối thế kỷ 14 và có thể thành Shuri được xây dựng cùng thời với nhiều toà thành khác ở Okinawa vào khoảng cuối thế kỷ 13 đến thế kỷ 14.
Khi Shou Hashi (尚巴志) – vị vua đầu tiên của vương quốc Ryukyu (琉球 – Lưu Cầu) – tên gọi cũ của Okinawa – thống nhất 3 vương quốc Chuuzan (中山), Hokuzan (北山), Nanzan (南山) và lập nên vương quốc Ryukyu, thành Shuri đã được chọn làm Hoàng Cung, nơi ở của hoàng thất, đồng thời là trụ sở chính của cơ quan hành chính cai trị vương quốc. Mặc dù ngày nay, tuy quận Shuri, nơi có thành Shuri không phải là trung tâm của Naha (thủ phủ Okinawa) nhưng nơi đây đã từng là trung tâm quyền lực chính trị suốt 400 năm.
Những lần thành Shuri bị cháy trong lịch sử
Lần đầu tiên
Lần đầu thành Shuri bị cháy là vào năm 1453, lúc diễn ra cuộc chiến tranh giành ngai vàng (Cuộc chiến Shiro – Furi) sau khi vị vua thứ năm của Vương quốc Ryukyu – Shou Kinpuku qua đời. Lúc ấy, bên trong toà thành đã bị phá huỷ hoàn toàn. Trong “Lý triều thực lục”, một ghi chép vào tháng 2 năm 1456 có đề cập đến hình dạng và cấu trúc của thành Shuri sau khi được xây lại lần đầu. Theo đó, thành Shuri được phân làm 3 khu vực, Ngoại thành (外城), Trung thành (中城) và Nội thành (内城). Ngoại thành có các nhà kho và chuồng trại, Trung thành chứa hơn hai trăm lính canh và Nội thành có xây một tòa các 3 tầng với tầng trệt là nơi tụ tập tiệc tùng, tầng 1 là nơi vua ở và có hơn 100 nữ Samurai canh gác, tầng trên cùng chính là nơi cất giữ kho báu.
Lần thứ 2 và thứ 3
Thành Shuri bị cháy lần thứ 2 vào năm 1660 và cần đến 11 năm để xây dựng lại. Năm 1709, thành Shuri bị cháy lần thứ 3, nhưng lúc này do tài chính eo hẹp nên đến năm 1712 mới được phiên Satsuma cung cấp gần 20.000 khúc gỗ để sửa chữa thành. Kiến trúc hiện giờ của thành Shuri chính là dựa trên kiến trúc được phục dựng từ năm 1715 đến năm 1945.
Vào năm 1879, sau sự kiện tách Vương quốc Ryukyu khỏi Trung Quốc và hợp nhất với Nhật Bản, thành lập nên tỉnh Okinawa, thành Shuri mất vai trò là địa điểm của chính phủ, trở thành quân doanh của Sư Đoàn 6 Kumamoto của quân đội Nhật Bản. Sau đó được trả lại cho quận Shuri (sau này là thành phố Shuri) và được sử dụng như trường nữ sinh cấp 1 của tỉnh Okinawa.
Sau khi trường tiểu học này được xây dựng vào năm 1912, thành Shuri đã xuống cấp trầm trọng. Năm 1923, việc phá bỏ Chính điện đang có nguy cơ sụp đổ đã được xem xét. Tuy nhiên, việc này bị hoãn lại do các giáo sư trường đại học Tokyo, những người đang tiến hành nghiên cứu văn hoá về Okinawa, can thiệp vào. Theo Luật Bảo tồn Đền thờ cũ năm 1897, do phía sau Chính điện có đền Okinawa và chính điện là gian thờ nên có thể trùng tu bằng kinh phí quốc gia. Khi Luật Bảo tồn Kho báu Quốc gia được ban hành vào năm 1929, thành Shuri đã được chỉ định là Bảo vật quốc gia.
Lần thứ 4
Trong trận Okinawa, hay còn gọi là chiến dịch Iceberg, trận đánh thuộc mặt trận Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới thứ hai giữa quân Đồng Minh và đế quốc Nhật Bản tại đảo Okinawa thuộc quần đảo Ryukyu, quân đội Nhật đã đào một tầng hầm bên dưới thành Shuri, thiết lập Bộ tổng tư lệnh Lục quân thứ 32. Sau 3 ngày kể từ ngày 25/5/1945, nó đã bị chiến hạm Mississippi của Mỹ bắn hạ và thiêu rụi vào ngày 27/5/1945. Hơn nữa, trận chiến ác liệt giữa quân Mỹ và Nhật đã phá huỷ nhiều tài sản văn hóa, bao gồm thành Shuri cùng các kho báu và tài liệu của Vương quốc Ryukyu. Khi quân Nhật rút khỏi phía nam vào ngày 27/5/1945, khoảng 5.000 binh sĩ bị thương nặng không thể di chuyển đã quyết định ở lại căn cứ ngầm trong thành Shuri. Các rương kho báu đã thoát khỏi chiến tranh một cách thần kỳ nhưng tất cả báu vật bên trong đều đã bị quân Mỹ cướp đoạt. Một số báu vật trong số đó đã được trả lại sau khi chiến tranh kết thúc, còn một số đang thương lượng để trả về sau khi tung tích của nó được làm rõ. Trong những năm gần đây, các tài sản liên quan đến Vương quốc Ryukyu thuộc sở hữu của gia đình cũng được quyên góp và lưu trữ, trưng bày tại bảo tàng Nghệ thuật hay các viện bảo tàng ở Okinawa.
Lần thứ 5
Nửa đêm ngày 31/10/2019, nhân viên trực đêm trong tòa thành phát hiện một hệ thống an ninh đang bốc hỏa. Ngọn lửa sau đó nhanh chóng lan ra các công trình gỗ và thiêu rụi hoàn toàn Chính Điện (Seiden – 正殿), gây tổn hại nặng nề cho Bắc Điện (Hokuden –北殿) và Nam Điện (Nanden – 南殿) của toà thành 600 năm tuổi. Không chỉ riêng người dân Okinawa, hàng triệu du khách từ khắp nơi đều cảm thấy vô cùng tiếc nuối và buồn bã khi biểu tượng của hòn đảo xinh đẹp này đã không còn nữa.
kilala.vn