Thần đạo, tôn giáo bản địa của người Nhật
Shinto hay còn gọi là Thần đạo, là tôn giáo bản địa của người Nhật và được cho rằng ra đời vào khoảng năm 200 trước Công Nguyên nhưng không ai biết chính xác vào thời gian nào. Người ta cũng không biết ai là người đã khai sinh ra Thần đạo, chỉ biết rằng nó đã có từ rất xa xưa và gắn với linh hồn của văn hóa Nhật Bản, đồng thời ăn sâu vào tiềm thức cũng như trái tim của người dân xứ Phù Tang.
Thần đạo phát triển rất chậm và hầu như không có tên gọi vào thời kỳ đầu. Sau này, với sự du nhập của Phật giáo và Nho giáo, Thần đạo mới được đặt tên để phân biệt. Tuy nhiên, với tầm ảnh hưởng sâu rộng của Phật giáo, Thần đạo gần như bị lấn át, có thời kỳ còn được hợp nhất với Phật giáo. Mãi đến thời Minh Trị (khoảng năm 1868), Thần đạo mới được tách riêng và được xem như là quốc giáo của Nhật Bản.
Thần đạo không có đấng tối cao, thay vào đó là có rất nhiều vị thần đến mức đã có cụm từ “8 triệu vị thần” dùng để chỉ số lượng thần tại Nhật là "không thể đếm được". Các vị thần trong Thần đạo rất gần gũi với con người: thần núi, thần mặt trời, thần nước, thần lửa... Sống trong một đất nước hứng chịu nhiều thiên tai, con người Nhật Bản luôn có sự thành kính và nỗi sợ với thiên nhiên. Những vị thần tượng trưng cho các yếu tố của tự nhiên vì thế mà trở thành tín ngưỡng, là sự nhắc nhở của con người phải luôn tôn trong sự hài hòa giữa các yếu tố ngũ hành.
Không chỉ các yếu tố thiên nhiên thành các vị thần, Thần đạo còn tôn thờ nơi có liên quan đến sinh hoạt của con người như thần bếp, thần toilet... Một số nhân vật xuất chúng như tướng quân Ieyasu Tokugawa cũng được thờ cúng. Di sản văn hóa thế giới Nikko Toshogun là đền thần thờ Tokugawa - võ sĩ Samurai đã mở ra thời kỳ Taihei vào những năm 200 - ra đời vào năm 1617 chính là đền thờ Ieyasu Tokugawa.
Văn hóa thiêng liêng của người Nhật
Ở đất nước mặt trời mọc có khoảng 80.000 ngôi đền thờ các vị thần trong Thần đạo trên khắp cả nước. Đi cùng với đó là những lễ hội diễn ra suốt cả năm. Đây là một hình thức người Nhật dâng lên các đấng linh thiêng sự thành kính và lời nguyện cầu của họ, cũng là một chất gắn kết tinh thần giữa những người dân cùng tín ngưỡng với nhau.
Số người theo Thần đạo ở Nhật Bản ước tính khoảng 106 triệu người (chiếm gần 55% dân số). Thần đạo có mặt trong nhiều nghi lễ hay các dịp hệ trọng của người dân Nhật Bản. Một đám cưới truyền thống Nhật Bản sẽ được cử hành theo nghi thức của Thần đạo. Hay mỗi khi năm mới đến, gần như bất kỳ người Nhật nào cũng sẽ đến cầu nguyện tại các ngôi đền thần, họ mong một năm mới may mắn, thành đạt trong công việc và khỏe mạnh. Người Nhật cũng thường đến đền thần để cầu mong học hành đỗ đạt nếu sắp thi cử, mong được kết duyên nếu đang yêu, mong việc sinh đẻ được thuận lợi nếu đang mang thai, mong cho các em bé khỏe mạnh... Giống như bao tôn giáo khác, Thần đạo cũng có mặt và là một nhân tố quan trọng trong những sự kiện quan trọng của cuộc đời một người Nhật: sinh ra, trưởng thành, kết hôn và chết đi.
Khi đứa trẻ sơ sinh được 1 tháng tuổi, cha mẹ đưa con mình đến ngôi đền của địa phương để tiếp nhận sự che chở và bảo hộ của các vị thần. Phong tục này được tên là Miyamari. Theo dòng thời gian, một người Nhật sẽ gắn liền với những ngôi đền Thần đạo thông qua các nghi lễ: Shichigosan; Lễ thành nhân; Lễ cưới và Lễ tang.
Thần đạo không cấm hay bắt buộc con người phải làm theo bất cứ nguyên tắc, giáo lý nào mà chỉ đơn thuần hướng tới sự trong sáng, làm việc thiện và tránh làm điều ác. Đặc biệt, các tín đồ cũng không cần phải thực hành nghi lễ Thần đạo nào khi mới gia nhập.Thần đạo nhấn mạnh và đề cao sự trong sáng, ngay thẳng, là tôn chỉ trong sự hình thành nhân cách.
Tinh thần chính của Thần đạo thể hiện trong mỗi gia đình là trẻ con phải biết kính trọng tổ tiên và luôn lắng nghe trái tim mình. Người Nhật sinh ra và lớn lên với tinh thần ấy. Họ coi đây là truyền thống gia đình và tự ý thức rèn luyện để trở thành một con người tốt.
Một nét độc đáo của Thần đạo đó là kiến trúc của các đền thờ, chỉ có thể được tìm thấy ở Nhật Bản. Đó là chiếc cổng Torii đặc trưng, được coi là biểu tượng của sự chuyển tiếp giữa cõi phàm tục và thế giới thần linh. Phía ngoài những ngôi đền thần thường có các tượng động vật hộ vệ, phổ biến nhất là cặp chó, sư tử đực và cái, cáo, nai, ngựa, khỉ hoặc sói... với công dụng dọa và xua đuổi quỷ dữ.
Thông thường, những ngôi đền Thần đạo được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu gỗ, rơm và đá. Kiến trúc một đền thờ thường bao gồm: nhà nguyện, một sảnh đường gần nguồn nước để thực hiện nghi thức thanh tẩy, phòng quản lí đền, khu đặt đồ lễ, một gian cầu nguyện và cửa hàng nhỏ chuyên bán các loại quẻ, bùa cầu may cho khách đến thăm và cầu nguyện may mắn. Bên trong ngôi đền là một bệ thờ chính và thần điện. Đây chính là nơi linh thiêng nhất, chứa vật biểu tượng cho vị thần của ngôi đền.
Những đặc điểm kiến trúc này không những là điểm thu hút khách du lịch đến thăm, các nhiếp ảnh gia đến thăm mà còn trở thành biểu tượng cho văn hóa Nhật Bản.
kilala.vn