Tang lễ dành riêng cho vật nuôi gây tranh cãi tại Nhật Bản

Bài: Rin
Aug 3, 2021

Nguồn: nippon

Nhu cầu tổ chức tang lễ chính thức và đầy đủ dành cho thú cưng qua đời tại Nhật Bản ngày càng tăng, thậm chí còn có cả ngôi chùa trang bị một lò hoả táng riêng dành cho chúng. Tuy nhiên, cũng có nhiều tranh cãi xung quanh nghi lễ này.

Ngày nay, thú cưng như chó mèo được nhiều người xem như một thành viên chính thức trong gia đình, vì vậy, nhiều người chủ mong muốn thực hiện các nghi thức tang lễ để tiễn đưa chúng sang thế giới bên kia. Mặc dù vậy, nhu cầu này lại vấp phải tranh cãi từ các vị sư cũng như những nhà nghiên cứu Phật giáo với câu hỏi đặt ra là: “Liệu thú cưng có thể vãng sanh về miền Cực Lạc sau khi được mai táng không?” Một số ngôi chùa tại Nhật phản đối, nhưng cũng có nơi chấp nhận và tổ chức tang lễ cho thú cưng với người viếng tang mặc trang phục tang lễ nhật bản với các nghi thức trang trọng.

tang-le-cho-meo-nhat-ban

Lễ tang dành cho mèo được tổ chức tại Tokyo. Ảnh: imgur.com

Thú cưng có vãng sanh về miền Cực Lạc sau khi được chôn cất? 

Vào tháng 9/2016, tại một hội thảo học thuật có sự tham gia của các học giả thuộc tông phái Tịnh Độ Tông (淨土宗 - Joudoshuu) được tổ chức tại Đại học Bukkyou ở Kyoto, Adachi Toshihide – một thành viên của Viện nghiên cứu Phật giáo tại chùa Chion-in, Kyoto nói rằng động vật không thể tái sinh trong cõi Tịnh Độ. 

Theo giáo lý Tịnh Độ Tông, bằng cách niệm “南無阿弥陀仏 – Namu Amida Butsu – Nam Mô A Di Đà Phật”, con người có thể tái sinh về cõi Tịnh Độ sau khi chết, nhưng rõ ràng, thú cưng không thể tụng kinh. Trong quan niệm Phật giáo thông thường, vật nuôi và các loài động vật sống ở cõi Súc Sinh, một trong 6 cõi được định nghĩa trong Phật giáo gồm: Cõi Trời, Cõi Người, Cõi A tu la, Cõi Địa Ngục, Cõi Súc Sinh và Cõi Ngạ Quỷ, ở vị trí thứ ba từ dưới lên. Vì vậy, để một chú chó hoặc mèo được vãng sanh trong cõi Tịnh Độ, trước tiên, nó phải tích luỹ nghiệp lành trong cõi Súc Sinh và biến thành người, sau đó niệm chú “Nam Mô A Di Đà Phật” mới có thể vãng sanh vào cõi Tịnh Độ. 

tang-le-cho-vat-nuoi-nhat-ban-2
Tang lễ dành cho vật nuôi gây tranh cãi trong Phật giáo tại Nhật Bản. Ảnh: reuters.com

Tuy nhiên, Hayashida Koujin của Đại học Taisho lại có quan điểm ngược lại. Ông Hayashida giải thích rằng Hounen (法然)  – người sáng lập nên tông phái Tịnh Độ Tông có lời dạy rằng động vật có thể vãng sinh vào cõi Tịnh độ thông qua việc chuyển công đức, trong tiếng Nhật gọi là "回向 - Ekou", cụ thể, nếu một người sống chuyển công đức tích luỹ sang cho vật nuôi thông qua việc đọc kinh thì nó vẫn có thể vãng sanh. Nếu cho rằng phải biết tụng kinh mới có thể tái sinh trong cõi Tịnh độ thì sẽ không phù hợp cho trường hợp trẻ sơ sinh và người khuyết tật. Dựa trên quan niệm này, nếu chủ nhân của vật nuôi thực hiện việc tụng kinh và các nghi lễ Phật giáo khác trong 7 ngày đầu tiên sau khi con vật qua đời và trong 49 ngày sau khi chết để chuyển Ekou sang cho linh hồn vật nuôi, thì chúng vẫn có thể tái sinh trong cõi Tịnh độ. 

Xem thêm: Người Nhật tặng quà gì cho người thân trước khi hoả táng?

Nhu cầu tổ chức tang lễ cho vật nuôi ngày càng tăng tại Nhật 

Phật giáo du nhập vào Nhật khoảng 1.500 năm trước và những tranh luận về điều xảy ra với vật nuôi sau khi mất không phải là chủ đề được quan tâm nhiều trong những thế kỷ trước. Tuy nhiên, xã hội Nhật Bản đang thay đổi khi con người ngày càng gắn bó với thú cưng. Trước đó, vật nuôi vẫn thường được nuôi ở ngoài vườn hoặc trong sân nhà, nhất là các chú chó, nhưng trong vài thập kỷ trở lại đây, ngày càng có nhiều người sống trong các căn hộ và thú cưng được nuôi trong nhà như một thành viên trong gia đình. 

nhu-cau-to-chuc-tang-le-vat-nuoi-tokyo
Nhà tổ chức tang lễ dành cho vật nuôi tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: imgur.com

Theo khảo sát của Hiệp hội Thức ăn Vật nuôi Nhật Bản (Japan Pet Food Association) về việc sở hữu chó, mèo từ năm 2004 đến năm 2017, tỷ lệ người nuôi thú cưng trong hộ gia đình có từ 2 người trở lên đã tăng từ 60,1% lên 84,4% đối với hộ nuôi chó, còn số lượng người nuôi mèo tăng từ 72% lên 86%. Khi chúng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong gia đình, chủ nuôi càng muốn tổ chức các nghi lễ mai táng đầy đủ cho thú cưng. Do vậy, rất nhiều ngôi chùa tại các thành phố lớn ở Nhật nhận được nhiều yêu cầu tổ chức tang lễ Phật giáo cho vật nuôi như: “Fido bé nhỏ của chúng tôi vừa qua đời gần đây. Liệu có thể hoả táng để chúng tôi đem tro cốt chôn ở nghĩa trang gia đình? Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp lại nó ở một nơi tốt đẹp hơn…”

Ngay lập tức, rất nhiều vị sư đã từ chối yêu cầu vì họ cho rằng việc con người và vật nuôi được đoàn tụ sau khi chết không có ý nghĩa theo giới luật Phật giáo. Thêm vào đó, hoả táng một con vật và đặt tro cốt của nó vào nghĩa trang của chùa cùng với con người sẽ gây ra sự khó chịu cho những gia đình khác. 

Ngôi chùa Kannouji ở Setagaya, Tokyo là một ngoại lệ 

Khác với những ngôi chùa từ chối tổ chức tang lễ cho vật nuôi, Kannouji ở Setagaya, Tokyo lại rất hoan nghênh việc này. Đây cũng là nơi chăm sóc những chú mèo đi lạc nên được đặt biệt danh là “Chùa mèo”. Khoảng 15 năm trước, Narita Junkyou – vị chủ trì của chùa Kannouji đã bắt đầu cung cấp dịch vụ tang lễ cho thú cưng. Đặc biệt, chùa còn đáp ứng mong muốn của người chủ muốn được chôn cất cùng thú cưng. Điều này dẫn đến việc chùa đã bắt đầu bán các mảnh đất dành cho việc chôn cất đặc biệt gọi là “mộ chôn cùng thú cưng”. 

tang-le-thu-cung-tai-kannouji
Lễ tưởng niệm lớn dành cho thú cưng được tổ chức tại chùa Kannouji, Tokyo. Ảnh: nippon

Ngôi mộ chôn cùng thú cưng được thiết kế với một không gian riêng để đặt tro cốt của vật nuôi cạnh tro cốt của người chủ. Ông Narita tin rằng điều này vừa cho phép chùa đáp ứng mong muốn của chủ nuôi, vừa không làm ảnh hưởng đến các gia đình khác có người thân được chôn cất tại nghĩa trang chùa. Hiện tại, tỉ lệ tổ chức đám tang và lễ tưởng niệm dành cho vật nuôi tại chùa đã cao hơn rất nhiều lần so với tang lễ dành cho người. Thậm chí, trong khuôn viên chùa còn có một lò hoả táng đặc biệt dành cho thú cưng. Những nỗ lực của chùa Kannouji được đánh giá là khá tiến bộ so với những ngôi chùa khác tại Nhật. Tuy nhiên, xem xét lại thì phong tục tổ chức tang lễ cho vật nuôi theo Phật giáo đã kéo dài từ nhiều thế kỷ trước. 

Xem thêm: Nhật Bản có chi phí làm đám tang cao nhất thế giới

Ngôi mộ của các chú chó trung thành nổi tiếng tại Nhật 

Vào thế kỷ thứ 6, ngôi mộ dành cho chú chó trung thành Shiro của Samurai Toritoribe no Yorozu đã được lập nên tại Kishiwada, Osaka và trở thành ngôi mộ thú cưng lâu đời nhất tại Nhật. Trong cuộc chiến chống lại gia tộc Soga để phản đối sự du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản, Toritoribe no Yorozu là thuộc hạ dưới trướng của Mononobe no Moriya. Khi Moriya bị giết trong trận chiến, Yorozu đã tự kết liễu đời mình theo cấp trên. Lúc này, chú chó trung thành Shiro đã nhanh chóng mang thủ cấp của người chủ Yorozu ra khỏi chiến trường và chôn cất. Sau đó, Shiro đã liên tục đứng canh ngôi mộ của chủ nhân cho đến khi qua đời vì đói. 

Cảm động trước lòng trung thành và tận tâm của chú chó Shiro, bia mộ dành cho Shiro đã được lập nên cạnh người chủ mà chú yêu quý. Cứ vào mỗi mùa thu, các thành viên của gia đình Tsukamoto – những người cho rằng mình là hậu duệ của Yorozu đều đến đây để làm lễ tưởng niệm cho Yorozu và Shiro theo nghi thức Phật giáo, và truyền thống này đã kéo liên tục trong gần 1.500 năm. 

ngoi-mo-cua-cho-hachikou
Ngôi mộ của Hachiko tại nghĩa trang Aoyama, Tokyo. Ảnh: nippon 

Ngoài Shiro, Hachiko nổi tiếng là chú chó trung thành đợi người chủ Ueno Eizaburou suốt 10 năm tại ga Shibuya cũng được tổ chức tang lễ Phật giáo với sự tham gia cầu nguyện của 16 vị sư từ Hiệp hội Phật giáo địa phương. Mộ của Hachiko nằm trong khu đất của gia đình giáo sư Ueno bên trong nghĩa trang Aoyama tại Tokyo, bên cạnh mộ của người chủ. Có thể thấy rằng việc xây dựng dựng mộ cho vật nuôi đã có lịch sử khá lâu đời tại Nhật, thậm chí, theo Ukai Hidenori – nhà nghiên cứu về tôn giáo còn cho rằng việc để tang cho vật nuôi có thể bắt nguồn từ thời Jomon. Bởi người Nhật cổ đại được biết là những người sử dụng chó trong các cuộc đi săn và có ý thức nhạy bén về mối quan hệ  giữa các loài vật với con người và thiên nhiên, nên có lẽ họ cũng đã tổ chức các nghi lễ đưa tang dành cho thú cưng vì tiếc thương cho sự ra đi của chúng.  

Xem thêm: Góc tối phía sau ngành kinh doanh khách sạn tử thi tại Nhật

kilala.vn 

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU