Gắn liền với truyền thuyết về cửu vĩ hồ Tamamo no Mae, tảng đá chết chóc Sessho-seki khiến người dân địa phương tại suối nước nóng Nasu Yumoto, tỉnh Tochigi khiếp sợ vì gây tử vong cho bất kỳ sinh vật nào chạm vào nó.
Nằm trong khu vực suối nước nóng Nasu Yumoto, tỉnh Tochigi, “殺生石 – Sessho-seki” nổi tiếng với truyền thuyết về “Sát Sinh Thạch”, tảng đá độc làm cho bất kỳ sinh vật sống nào, dù là côn trùng, chim chóc, hay thậm chí là con người chạm vào nó đều tử vong ngay lập tức. Theo truyền thuyết, Sessho-seki được sinh ra từ oán khí của một con cáo (hồ ly) chín đuôi lông vàng mặt trắng có tên là Tamamo no Mae, từng gây hỗn loạn ở Trung Quốc và Ấn Độ trước khi lưu lạc sang xứ Phù Tang.
Truyền thuyết về Sessho-seki, tảng đá do cửu vĩ hồ hóa thân thành
Từng gây náo loạn ở Trung Quốc, Ấn Độ trước khi đến Nhật Bản
Theo “三国妖狐伝 – Sangoku Youko-den – Tam Quốc yêu hồ truyện” của Katsushika Hokusai ra đời trong thời Edo (1603 - 1868), trước khi sang Nhật Bản, cửu vĩ hồ Tamamo no Mae đã từng tác oai tác quái, làm điên đảo thần trí của những vị vua ở Trung Quốc và Ấn Độ, gây nhiễu loạn triều đình, thậm chí là làm cả một triều đại diệt vong.
Trụ Vương (紂王), vị vua cuối cùng của nhà Thương trị vì từ năm 1154 TCN đến 1123 TCN khi đến miếu thờ thần Nữ Oa đã đề thơ với hàm ý bất kính. Sau khi xem vận hạn của triều đại nhà Thương, Nữ Oa biết được chỉ còn 28 năm sẽ chấm dứt, nên đã phái hồ ly chín đuôi xuống hạ giới mê hoặc Trụ Vương nhằm làm cho nhà Thương nhanh chóng sụp đổ. Tu luyện ngàn năm, cửu vĩ hồ đã chiếm lấy thân xác của Đát Kỷ, người con gái xinh đẹp của Ký Châu hầu Tô Hộ và tiến cung. Mê hoặc Trụ Vương bằng yêu thuật, Đát Kỷ dần trở nên lộng hành, thực hiện việc trừ khử Khương hoàng hậu để chiếm lấy vị trí Vương hậu. Sau cùng, Đát Kỷ bị Khương Tử Nha tiêu diệt, còn Trụ Vương tự thiêu mình chết.
Tuy nhiên, cửu vĩ hồ vẫn chưa tuyệt mạng, tiếp tục chạy đến Magadha, một đế quốc hùng mạnh ở miền Đông Ấn Độ vào thời cổ đại (1700 TCN đến 550 SCN) và hoá thân thành Vương phi Kayo, vợ của Thái tử Banzoku. Tại đây, ả cũng xúi giục chồng hạ lệnh chém đầu 1.000 nam nhân. Tuy nhiên, sau đó, hồ ly tinh đã bị một trong những thuộc hạ của Thái tử vạch mặt và biến mất ngay lập tức. Chưa dừng lại, vào khoảng năm 780 TCN, hồ ly tiếp tục quay trở lại Trung Quốc, hoá thân thành Bao Tự, một phi tần xinh đẹp nhưng bạo tàn của vua Chu U Vương (周幽王). Bằng yêu thuật của mình, Bao Tự đã khiến vua phế truất Hoàng hậu và Thái tử Cơ Nghi Cữu để lập ả làm hoàng hậu mới và con trai Cơ Bá Phục làm Thái tử. Về sau, khi bị quân địch tấn công, vua Chu U Vương mang theo Bao Tự và Bá Phục bỏ chạy, nhưng cuối cùng cả vua lẫn Thái tử bị đuổi giết ở núi Ly Sơn, còn Bao Tự bị bắt trong cơn hỗn loạn.
Hóa thành tảng đá Sessho-seki ở Nhật Bản
Vào khoảng năm 753 TCN, hồ ly tinh lại biến thành một cô gái trẻ khoảng 16, 17 tuổi tên là Wakamo. Ả đã lừa các sứ thần Nhật Bản như học giả Kibi Makibi (吉備真備), học giả Abe no Nakamaro (阿倍仲麻呂) và nhà sư Ganjin (鑒真) khi họ sang Đại Đường (Trung Quốc) làm nhiệm vụ ngoại giao để đến Nhật thực hiện kế hoạch gian ác của mình.
Sau khi sang Nhật, cửu vĩ hồ đã không hề có bất kỳ động tĩnh nào. Mãi đến năm 1113, ả biến thành một đứa bé gái bị bỏ rơi và được Samurai Sakabe Yukitsuna (坂部行綱), một người không vợ con nhặt về nuôi và đặt tên là Mizukume (藻女) trong suốt 17 năm. Đến năm 18 tuổi, ả tiến cung dưới tên gọi Tamamo no Mae (玉藻前). Từ tầng lớp phục vụ thấp kém, Tamamo no Mae đã vươn lên trở thành thiếp thất rất được Thiên hoàng Konoe (近衛天皇) sủng ái. Ả được miêu tả là người đẹp có trí tuệ nổi bật bởi vô cùng thông minh, kiến thức sâu rộng ở mọi lĩnh vực khiến các thành viên Hoàng gia bất ngờ và có thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào một cách dễ dàng. Chính vì vậy, Tamamo no Mae được Thiên hoàng Konoe giữ bên cạnh để bầu bạn mỗi ngày.
Tuy nhiên, cũng đúng lúc này, Thiên hoàng Konoe lâm bệnh nặng. Dù rất nhiều thầy thuốc được triệu hồi vào cung cùng vô số lời cầu nguyện được thực hiện, bệnh tình của ngài vẫn không hề thuyên giảm mà ngày một nghiêm trọng. Pháp sư Hoàng gia Abe no Yasuchika đã nói rằng căn bệnh của Thiên hoàng không phải là bệnh bình thường, mà gây ra bởi bùa mê ma thuật. Nghi ngờ của Abe no Yasuchika xuất phát từ hiện tượng đáng ngờ vào một đêm trời lộng gió. Trong khi những ngọn nến đã bị dập tắt bởi cơn gió mạnh thì lẽ ra căn phòng nơi Thiên hoàng và Tamamo no Mae nghỉ ngơi cũng phải chìm vào bóng tối, nhưng tia sáng vẫn phát ra từ đầu của người đẹp này.
Khi biết được sự thật, pháp sư Abe no Yasuchika đã dâng tấu lên Thiên hoàng để trục xuất Tamamo no Mae ra khỏi hoàng gia. Tuy vậy, do sức khoẻ ngày càng suy giảm, Thiên hoàng đã từ chối việc trục xuất người đẹp bầu bạn với mình bấy lâu nay. Trước động thái này của Thiên hoàng, vị pháp sư không dừng bước mà vẫn tiếp tục nỗ lực cứu lấy ngài. Ông đã xây dựng một bàn thờ và cố đưa Tamamo đến để tham gia lễ cầu nguyện. Dĩ nhiên, cô ả đã cố gắng từ chối nhưng điều này lại vô tình đưa ả chạy lạc đến một ngôi đền. Tại đây, vị pháp sư chứng minh suy đoán của mình là chính xác bởi Tamamo no Mae đã biến thành một con cửu vĩ hồ lông vàng, khuôn mặt trắng. Ngay khi thân phận thật bị bại lộ, ả hồ ly đã bay lên trời đến vùng Nasu, thành phố Shimotsuke, tỉnh Tochigi ngày nay.
Thiên hoàng đã ra lệnh phái hai chiến binh trung thành của Hoàng gia là Kazusa no Suke và Miura no Suke chỉ huy 8 vạn quân để tiêu diệt Tamamo no Mae. Hồ ly tinh xảo quyệt, thông minh nên đã nhanh chóng chạy thoát khỏi những lần truy đuổi của các chiến binh. Mặc dù vậy, ả đã xuất hiện trong giấc mơ của Miura no Suke để cầu xin tha mạng vì biết trước kết cục bi thảm định sẵn của bản thân. Cuối cùng, Tamamo no Mae đã chết dưới mũi tên của chiến binh dũng mãnh Miura no Suke. Các chiến binh đem xác ả trở về hoàng cung, tuy nhiên, linh hồn của cửu vĩ hồ ẩn thân vào một tảng đá gần nơi ả qua đời, được gọi tên là “殺生石 – Sessho-seki – Sát Sinh Thạch” mang theo sự oán hận của Tamamo no Mae với thế gian. Hòn đá Sessho-seki vẫn tiếp tục giết hại các sinh linh vô tội rất lâu sau cái chết của Tamamo no Mae; bất kỳ sinh vật sống nào đến gần hòn đá đều sẽ qua đời ngay lập tức, biến nó trở thành nỗi khiếp đảm với dân cư trong vùng. Vào năm 1336, một thanh niên trẻ tên Kyoden cùng bạn bè vô cùng hiếu kỳ về tảng đá nên đã đến gần và nhận về cái kết thương tâm ngay sau đó.
Đến năm 1385, một vị sư nhà Phật tên Gennou khi đi qua vùng Nasu đã phát hiện ra hiện tượng kỳ lạ là những con chim đều chết khi bay qua tảng đá nọ. Ông tự hỏi điều gì đang diễn ra và được một người phụ nữ sống ở Nasu giải đáp rằng hòn đá này mang linh hồn của hồ ly tinh khét tiếng Tamamo no Mae.
Ngay khi biết sự thật, Gennou đã thực hiện một nghi lễ Phật giáo để linh hồn của Tamamo no Mae thoát khỏi tảng đá và không làm hại nhân gian nữa. Cửu vĩ hồ xuất hiện, thú nhận mọi tội lỗi đã gây ra ở Ấn Độ và Trung Quốc lẫn khi sau khi sang Nhật Bản. Nghe những lời tụng kinh của sư Gennou, hồ ly tinh sám hối về tất cả những điều xấu xa mình từng làm và thề không bao giờ tái phạm nữa. Sau đó, linh hồn của hồ ly rời khỏi đó, còn tảng đá thì bị vỡ thành nhiều mảnh rơi xuống khắp nơi ở Nhật Bản, trong đó, phần chân của tảng đá vẫn còn nằm sừng sững tại Nasu, tỉnh Tochigi như ngày nay. Các phần khác được cho là đã rơi xuống các tỉnh như Okayama, Niigata, Hiroshima, Oita. Những mảnh nhỏ hơn rơi xuống tỉnh Fukui, Gifu, Nagano, Gunma và đảo Shikoku; chúng được nhiều người nhặt về, sử dụng làm bùa phép kèm theo các lời nguyền.
Sự thật về tảng đá độc Sessho-seki
Theo truyền thuyết, nguồn gốc của hòn đá Sessho-seki chết chóc gắn liền với hồ ly chín đuôi Tamamo no Mae. Thực tế, nguyên nhân hòn đá này có độc là bởi nó nằm ở khu vực núi lửa Nasu, nơi liên tục sản sinh ra các khí độc như hydrogen sulfide và sulfur dioxide. Do vậy, khi đến tham quan, du khách có thể chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên ảm đạm chỉ toàn đá lởm chởm và không có thảm thực vật bao quanh, khác hoàn toàn so với những ngọn núi xanh của Cao nguyên Nasu. Thêm vào đó, mùi lưu huỳnh bao quanh tảng đá Sessho-seki cùng truyền thuyết gắn liền với nó mang lại bầu không khí huyền bí thú vị. Mang vẻ đẹp lạ cùng lịch sử giàu màu sắc thần thoại, vào ngày 18/03/2014, Sessho-seki đã được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia thuộc nhóm “Danh lam thắng cảnh Oku no Hosomichi”.
Nguồn cảm hứng cho kịch Noh và thơ ca
Mang màu sắc huyền bí, tảng đá Sessho-seki trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn cùng các tác phẩm kịch Noh. Matsuo Basho (松尾芭蕉), nhà thơ nổi danh nhất thời Edo đã viết nên những lời thơ độc đáo dành riêng cho Sessho-seki trong tập thơ “奥の細道 – Oku no Hosomichi”, khi ông có dịp ghé thăm nơi này vào năm 1689. Ông đã miêu tả vẻ đẹp chết chóc của tảng đá và nhấn mạnh hình ảnh ong, bướm chết hoà vào màu của cát nơi đây. Đặc biệt, tại Việt Nam, cuốn sách “Okuno Hosomichi – Con đường hẹp và chiều sâu tâm thức” của nhà xuất bản Hồng Đức đã được ra mắt công chúng, đưa người đọc Việt khám phá những vần thơ bất hủ của bậc đại sư thơ Haiku Matsuo Bashou.
Ngoài ra, tảng đá Sessho-seki cũng đã trở thành cảm hứng cho Hiyoshi Saami sáng tác nên các tác phẩm kịch Noh. Dựa vào truyền thuyết về cửu vĩ hồ, nhà văn Kido Okamoto (15/10/1872 – 01/03/1939) đã viết nên tác phẩm "Tamamo no Mae". Sau đó, cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành anime “九尾の狐と飛丸(殺生石) – Kyubi no Kitsune to Tobimaru (Sessho-seki)", được sản xuất bởi hãng Nihon Doga và Daiei Films, ra rạp vào ngày 19/10/1968.
Những trải nghiệm không nên bỏ qua khi ghé thăm Sessho-seki
Ở lối đi dẫn vào tảng đá Sessho-seki, du khách dễ bị choáng ngợp bởi khung cảnh hai bên đường đầy màu sắc huyền bí, được ví như một thế giới ngầm hay một phiên bản địa ngục trần gian ở Nhật Bản. Ở giữa 2 lối đi là khu vực đá lởm chởm mang tên “賽の河原 – Sai no Gawara”.
Ở bên phải, bạn sẽ bị “hút hồn” vào các cảnh quan như “盲蛇石 – Mekura Hebi Ishi – Hòn đá rắn mù”, “無限地獄 – Mugen Jigoku – Địa ngục vô tận” và “湯の花採取跡 – Yunohana Saishu Ato", nơi tập trung khoáng chất lưu huỳnh kết tinh.
Ở bên trái con đường dẫn đến Sessho-seki, hàng nghìn tượng Thần Jizo mang hình dáng đáng yêu, khuôn mặt bầu bĩnh của trẻ con hiện diện tại các khu vực “千体地蔵 – Senbon Jizo”, “教伝地蔵 – Kyoden Jizo”. Các tượng Jizo đội những chiếc mũ nhiều màu sắc, được xem là vị Bồ Tát có khả năng xoa dịu những đau khổ mà con người phải gánh chịu khi xuống địa ngục, mang lại sức khoẻ, thành công trong cuộc sống và đặc biệt là có sứ mệnh bảo vệ trẻ em. Khi đi thêm 200 mét nữa, du khách sẽ tận mắt thấy tảng đá Sessho-seki được bảo vệ với một vòng tròn gồm các thanh gỗ ghép nối nhau.
Nếu đã đến tham quan Sessho-seki, du khách không nên bỏ lỡ trải nghiệm tắm Onsen tại khu suối nước nóng Nasu Yumoto, trong đó nổi tiếng nhất là Nasu Onsen Shikanoyu, suối nước nóng lâu đời nhất tỉnh Tochigi. Có lịch sử khoảng 1.390 năm, nhà tắm công cộng Shikanoyu nằm gần Sessho-seki nổi tiếng với suối nước nóng lưu huỳnh có màu trắng sữa và mùi hương đặc trưng, mang lại trải nghiệm khác biệt, cải thiện tâm trạng và giúp cơ thể thư giãn.
Đặc biệt, nếu đến Sessho-seki vào thứ Bảy cuối cùng của tháng 5, du khách còn có cơ hội tham gia vào Lễ hội lửa "御神火祭 - Gojinkasai", một lễ hội bắt nguồn từ xa xưa với mục đích xoa dịu cơn thịnh nộ của Thần núi, cũng như an ủi sự ra đi của nhiều dân làng do núi lửa Nasu phun trào. Diễn ra vào ban đêm, lễ hội sẽ tổ chức một đám cưới cáo hoành tráng do 100 người mặc đồ trắng dẫn đường cầm theo đuốc thiêng và đeo mặt nạ cáo, họ là các cặp đôi mới cưới trong làng.
Những người này sẽ diễu hành từ Đền Nasu Onsen đến tảng đá Sessho-seki. Mở đầu lễ hội, người kể chuyện sẽ đưa những người tham gia lạc vào truyền thuyết hồ ly chín đuôi, sau đó là màn biểu diễn trống Taiko đầy thu hút.
Thông tin du lịch:
- Địa điểm: Sessho-seki
- Địa chỉ: 182 Oaza-Yumoto, thành phố Nasu, quận Nasu, tỉnh Tochigi
- Điện thoại: 0287-76-2619 (Hiệp hội du lịch Nasu)
- Giá vé: Miễn phí
- Di chuyển: Đi xe buýt Kanto Bus đến Nasu Ropeway từ lối ra phía Tây của ga Nasu-Shiobara trên tuyến JR Tohoku Shinkansen hoặc từ lối ra phía Tây của ga Kuroiso trên tuyến JR Utsunomiya, xuống tại trạm “Nasu Yumoto” và đi bộ khoảng 3 phút. Nếu đi bằng ô tô: khoảng 30 phút lái xe từ Nasu IC.
Xem thêm: Mưa bóng mây và truyền thuyết về đám cưới bí ẩn của loài cáo
kilala.vn