Tại sao người Nhật lại gom giấy vệ sinh khi khẩn cấp?

Bài: Miikochan88888May 6, 2020

Vào ngày 27/2, thủ tướng Shinzo Abe đã ra chỉ thị yêu cầu tất cả các trường học từ cấp 1 đến cấp 3 trên toàn Nhật Bản cho học sinh nghỉ xuân sớm từ ngày 2/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Quyết định này được xem là một trong những thông báo sớm về tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản khi đứng trước cơn đại dịch. Ngay sau đó, trên các trang mạng xã hội rộ lên những tin tức và hình ảnh về việc người dân đổ xô đi mua giấy vệ sinh, khiến nhiều nơi lâm vào tình trạng cháy hàng. Tại sao trong tình huống khẩn cấp, người Nhật lại tích trữ giấy vệ sinh mà không phải là một mặt hàng nào khác?

Khăn giấy trở nên khan hiếm chỉ 1 ngày sau quyết định của thủ tướng

Đúng sáng ngày 28/2/2020, tức chỉ một ngày sau quyết định cho học sinh nghỉ học của thủ tướng Shinzo Abe, các quầy hàng bán giấy vệ sinh trong các siêu thị đều vơi hàng nhanh chóng. Không chỉ riêng giấy vệ sinh, ngay cả khăn giấy, băng vệ sinh dạng lót và tã giấy trẻ em đều trong tình trạng có thể cháy hàng bất cứ lúc nào. Những trang bán hàng qua mạng cũng bắt đầu tăng giá mặt hàng này. Rất nhanh sau đó, vào ngày 28/2, hầu như các hiệu thuốc, siêu thị toàn quốc đều không còn giấy vệ sinh, khăn giấy và các mặt hàng liên quan khác. Theo các báo đài tại Nhật Bản đưa tin, mục đích của việc người dân thi nhau “gom” hàng như thế này chủ yếu là để tích trữ, phòng khi có trường hợp khẩn cấp.

nhật bản khan hiếm giấy vệ sinh
Hình ảnh các quầy hàng siêu thị trống không. Ảnh: yahoo.jp

Không chỉ dừng lại ở đó...

Tình trạng khan hiếm giấy vệ sinh này kéo dài khoảng 2 tuần. Mặc dù không phải là thời gian quá dài nhưng tình trạng này vẫn dẫn đến việc nhiều người không thể mua được mặc dù đang có nhu cầu thật sự, trong khi đó số người mua tích trữ thì không cần dùng đến. Chưa kể đến một số nhà cung cấp còn tự ý nâng giá thành sản phẩm lên cao hơn rất nhiều lần.

Không riêng giấy vệ sinh, khoảng 10 ngày sau đó, món Natto (đậu nành lên men) cũng cháy hàng ở các siêu thị vì một cuốn sách liệt kê thực phẩm này vào danh sách những thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng. Tại các quầy bán Natto trong siêu thị, nhân viên phải đính kèm bảng thông báo giới hạn số lượng được phép mua trong một lần, để tránh rơi vào tình trạng cháy hàng như giấy vệ sinh.

Tình trạng này khiến người dân cảm thấy lo lắng và bất an chồng chất.

khăn giấy khan hiếm ở nhật bản
Thông báo giới hạn số lượng mua tại các siêu thị. Ảnh: Diamond.jp

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng khan hiếm giấy vệ sinh?

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là xuất phát từ một tin tức lan truyền trên mạng xã hội với nội dung sau:

  • Nguyên liệu làm giấy sẽ được tận dụng để làm khẩu trang, vì vậy sắp tới các sản phẩm gia dụng từ giấy sẽ trở nên cạn kiệt.
  • Đa số nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm gia dụng từ giấy đều nhập từ Trung Quốc, mà các nhà máy này đóng cửa do dịch bệnh nên sắp tới không thể sản xuất tiếp tục được.
nhật bản khan hiếm giấy vệ sinh
Ảnh chụp màn hình đoạn tin tức của tài khoản được cho là người tung tin.

Tin tức này lan nhanh đến mức chỉ trong vài ngày đã được mọi người trên khắp cả nước chuyền tay nhau. Sau đó, để dập tan tin đồn này, rất nhiều bài báo đã dẫn lời của Ban thư kí Hiệp hội Giấy vệ sinh và khăn giấy Nhật Bản (Tokyo): “Chuyện nguyên liệu được nhập từ Trung Quốc là hoàn toàn bịa đặt. 98% giấy vệ sinh trong Nhật Bản sử dụng nguyên liệu trong nước. Nhà máy trong nước vẫn đang tự sản xuất và kiểm soát tốt lượng hàng trong kho”.

Vài ngày sau, "thủ phạm" của tin đồn này đã được tìm ra. Y là một nhân viên của Hiệp hội Y khoa Yonago ở tỉnh Tottori. Người này cũng đã đứng ra xin lỗi công khai nhưng có nhiều nguồn tin cho rằng y cũng là nạn nhân đầu tiên của tin đồn này.

Tuy nhiên, mặc dù chính phủ và báo đài đã đính chính thông tin, nhiều người dân vẫn tiếp tục gom hàng. Giáo sư Taira Kazuhiro, khoa Thuyết truyền thông tại đại học J. F.Oberlin đã đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này trong một bài phỏng vấn: “Con người chỉ tin vào cái người ta muốn tin. Do tình trạng khan hiếm khẩu trang kéo dài liên tục từ cuối tháng 1 nên khi có những tin đồn tương tự khác về các hệ lụy trong mùa dịch, chúng ta cũng sẽ dễ dàng tin ngay”.

Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản khan hiếm giấy vệ sinh?

Sự thật là, tình trạng khan hiếm giấy vệ sinh ở Nhật Bản đã từng xảy ra hơn 4 thập kỉ trước, trong đợt khủng hoảng dầu năm 1973.

Giữa tháng 10/1973, khi các nước sản xuất dầu hỏa Ả Rập quyết định nâng giá dầu lên gấp bốn lần, Nhật Bản – nơi mà dầu hỏa chiếm đến 2/3 nhu cầu năng lượng – đã phải gánh chịu một cú sốc kinh tế nghiêm trọng. Trong bối cảnh chiến tranh khu vực Trung Đông lần thứ 4, tâm lý hùa theo đám đông vì sợ giá dầu cao sẽ gây ra tình trạng kham hiếm hàng hóa, trong đó có giấy vệ sinh, cộng thêm truyền thông đưa tin về việc người người xếp hàng mua giấy vệ sinh ở Osaka đã làm cho tình hình hoang mang lan rộng ra toàn quốc, dẫn đến việc người dân đổ xô tích trữ giấy trong nhà.

nhật bản khan hiếm giấy vệ sinh

Bức ảnh của một người phụ nữ tại tỉnh Ise chụp một lượng lớn giấy vệ sinh được người thân của cô tích trữ trong đợt khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Ảnh: iseshima.keizai.biz

Tình trạng lần này cũng có nét tương đồng. Phải chăng khi tâm lý con người ta bất an trong một thời gian kéo dài do một yếu tố như kinh tế lâm vào khủng hoảng, hay dịch bệnh xảy ra thì dễ tin vào tin đồn và dẫn đến nhiều hệ luỵ khác?

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU