Tại sao dù giấy Wagasa lại dùng được dưới mưa?
Bài: Quỳnh Tora
Jun 2, 2023
Nguồn: ikidane-nippon
Thoa dầu hạt lanh lên bề mặt giúp chiếc dù giấy Wagasa không thấm nước, cùng người Nhật đi qua những cơn mưa rả rích tháng sáu.
Tại Kyoto, hình ảnh những geisha, maiko mặc Kimono che dù giấy dạo bước giữa con phố cổ không còn xa lạ. Chiếc dù ấy gọi là "和傘 – Wagasa", mang đầy vẻ tinh tế và sang trọng.
Những ghi chép sớm nhất về chiếc dù Nhật Bản có từ thời Heian (794 - 1185). Bên cạnh việc giữ nguyên điểm tương đồng ở cấu trúc và vật liệu từ tre, giấy, mỗi vùng thường có loại Wagasa khác nhau.
Như chiếc dù của Kanazawa đặc biệt độc đáo về độ bền, có bộ khung cứng cáp so với những chiếc dù ở Kyoto và Tokyo vì vùng này có lượng mưa cao, cần một chiếc dù chắc chắn để chịu hạt mưa to.
Và có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc vì sao một chiếc dù được làm từ giấy lại có thể che chắn con người khỏi những cơn mưa. Bí quyết ở đây là gì? Hãy cùng Kilala tìm hiểu nhé.
Kỹ thuật giúp dù giấy sử dụng tốt dưới mưa
Bí quyết đầu tiên là chọn loại Washi (giấy truyền thống của Nhật) đủ tốt. Giấy Washi làm dù thường đến từ vùng Toyama hoặc Gifu. Giấy có chất lượng càng bền thì giá thành của chiếc dù càng cao.
Theo Matsuda - chủ sở hữu của tiệm dù Matsuda Kasa ở Kanazawa, không phải thiết kế, mà chính vật liệu giấy ảnh hưởng đến mức giá của sản phẩm.
Sau khi giấy Washi được dán vào khung dù bằng keo làm từ bột sắn, nghệ nhân phủ lớp sơn lên giấy. Cuối cùng, họ phủ một lớp dầu hạt lanh để chống thấm nước. Tuy nhiên, trước đó họ phải thử độ bền của giấy bằng cách phủ sơn và dầu trên một miếng Washi nhỏ.
Nhờ lớp dầu hạt lanh, dù giấy Nhật Bản có thể được sử dụng trong mưa, tuyết mà không sợ thấm dột. Theo thời gian, dầu hạt lanh sẽ biến màu của chiếc dù nghiêng về màu lanh, giúp cải thiện độ bền của dù. Với Wagasa, màu phai không thể hiện sự xuống cấp, thay vào đó, vẻ nhuốm màu thời gian này lại toát ra sự trang nhã và được đánh giá cao hơn.
Wagasa của Nhật Bản rất chắc chắn và có thể bền tới 20 năm nếu được bảo dưỡng đúng cách; lớp giấy thậm chí còn có thể được sửa chữa nếu cần thiết. Không chỉ dành cho những khi trời đổ mưa, chúng cũng có chức năng che nắng vào mùa hè.
Điều gì khiến Wagasa trở nên đặc biệt?
Nhìn vào chiếc dù truyền thống của Nhật Bản, bạn thấy được sự kiên nhẫn và nỗ lực của nghệ nhân nhằm tạo ra một chiếc dù hoàn hảo. Họ mất khoảng một đến ba tháng để làm ra một chiếc dù. Từ việc chuẩn bị khung tre cho đến định hình trục dù, tất cả mọi thứ đều được thực hiện bằng tay.
Oya Hone - các nan gỗ tạo nên khung dù - có số lượng khác nhau tùy loại và thường có hơn 40 nan. Kagari Ito là dây trang trí với nhiều màu sắc khác nhau. Trên nền đỏ, những sắc màu tươi tắn này càng thêm nổi bật.
Đặc biệt, thân dù có những sợi dây vàng được đan đều đặn vào nhau để dù có thể mở ra, đóng lại.
Phần quan trọng nhất của dù là Temoto Rokuro - một khối gỗ điều khiển các hoạt động của dù và được cho là khó chế tạo nhất. Khi phần này hư hại, dù sẽ không thể sử dụng được.
Wagasa - nàng thơ của mùa mưa Nhật Bản
Những chiếc dù giấy Nhật Bản thu hút sự chú ý của nhiều nhiếp ảnh gia trên thế giới bởi vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng.
Vẻ ngoài truyền thống của dù như là nét chấm phá đặc sắc của đường phố khi con người chầm chậm băng qua những khu phố cổ. Chiếc dù được sử dụng với sự trân trọng của người Nhật dành cho hàng trăm giờ làm việc của nghệ nhân.
Tiếng mưa rơi nhẹ nhàng trên Wagasa là một âm thanh thuần khiết và đầy tính thôi miên. Trong tiếng Nhật, những âm thanh này được miêu tả là "パランパラン – paran paran" - như một vũ điệu nhịp nhàng không giống bất kỳ điệu nhảy nào bạn từng nghe trước đây.
Một số lưu ý
Tuy bền trong mưa, Wagasa không nên dùng trong trời có gió lớn vì nan dù là những cây gỗ thẳng, không phải dạng cong như dù phương Tây. Ngoài ra, giấy washi được thấm dầu nên nếu để ở nơi nóng lâu giấy sẽ bị biến chất và dễ rách.