Sukeban: băng đảng “chị đại” khét tiếng trong xã hội Nhật

Bài: Huy Phấy
Feb 23, 2021

Ảnh: vintagenewsdaily.com

Bạn có biết, Nhật Bản từng tồn tại những băng đảng chị đại khét tiếng không kém gì các Yakuza?
Khoảng 50 năm trước, các băng đảng do các “chị đại” nữ sinh cầm đầu, gọi là “Sukeban – スケバン”, đã ra đời và giáng một đòn mạnh mẽ vào hình ảnh nữ sinh vốn luôn được xem là mong manh, yếu đuối. Văn hóa Sukeban nổ ra vào cuối những năm 60 và tồn tại trong suốt gần 20 năm sau đó. Người ta nói rằng, do các băng đảng xã hội đen Yakuza không chấp nhận các thành viên nữ gia nhập, nên hình thức Sukeban đã hình thành như một cách khẳng định sức mạnh của nữ giới.
băng đảng chị đại khét tiếng trong xã hội Nhật
Sukeban là băng đảng do các chị em phụ nữ cầm đầu

Những hình ảnh gắn liền với Sukeban

Các băng đảng Sukeban thường xuất hiện với hình ảnh những chiếc áo khoác dài và váy dài để tiện giấu các vũ khí ở bên trong, gậy gộc, dây xích và các dải băng buộc trán. Để thể hiện thái độ phản đối đồng phục nữ sinh (vốn thường sử dụng kiểu dáng gồm áo thủy thủ và váy ngắn), những chị đại Sukeban luôn mặc những chiếc váy dài quá khổ, chân mang giày thể thao cùng với vớ rộng, khăn quàng cổ buộc lỏng lẻo, hay một số người còn xén ngắn thân áo và để lộ vòng eo nhằm mang đến khí chất “sang trọng và hợp thời”. Họ cũng hạn chế trang điểm và phần chân mày luôn được tỉa sao cho trông thật mỏng và sắc bén.

sukeban
Trang phục của băng đảng Sukeban thường là áo khoác dài với váy dài để tiện dấu vũ khí bên trong

Theo tờ Japan Times, lối ăn mặc có phần phản cảm, táo bạo cộng với việc sử dụng vũ khí của các nữ Yankee này không chỉ là cách để họ tự vệ mà còn được xem là lời tuyên bố "phụ nữ không phải món đồ để đàn ông chơi đùa hay sở hữu".

Mặc dù là giới giang hồ, nhưng tất nhiên những “chị đại” này cũng đến lúc phải tốt nghiệp. Nếu những nữ sinh khác cất bỏ bộ đồng phục sau khi rời khỏi trường nhưng những thành viên Sukeban vẫn sẽ tiếp tục sử dụng bộ đồng phục của họ, tuy nhiên biến tấu bằng các thêu thêm các họa tiết hoặc các ký tự Kanji nhằm thể hiện tinh thần, châm ngôn sống của bản thân. Phong cách này cũng được cho là có ảnh hưởng từ trào lưu văn hóa Punk đến từ Anh Quốc.

sukeban
Sau khi tốt nghiệp thành viên băng đảng Sukeban vẫn sử dụng đồng phục nhưng thêm vào các ký hiệu chữ kanji

Sukeban có phải là tội phạm?

Cũng như các băng đảng xã hội đen khác, các “đại tỷ” Sukeban cũng thường xuyên tham gia các hoạt động tranh giành địa bàn, trộm cắp, đua xe và bạo lực. Ở thời kỳ đỉnh cao, thành viên gia nhập băng đảng này từng lên đến 10.000 thành viên, trong đó lớn mạnh nhất là "Liên minh Nữ tội phạm vùng Kanto" với hơn 20.000 thành viên.

sukeban
Đứng đầu băng đảng Sukeban thường được gọi là "đại tỷ" 

Sukeban cũng hoạt động theo một hệ thống cấp bậc. Tương tự với Yakuza, Sukeban đề cao lòng trung thành là nguyên tắc cốt lõi duy trì sự công bằng giữa các thành viên. Mỗi thành viên phạm lỗi đều được đưa ra xử phạt thích đáng. Ví dụ, đối với các vi phạm nhỏ giật bồ bạn hay không tôn trọng hội viên khác, nữ thủ lĩnh sẽ sử dụng hình thức dùng điếu thuốc lá đang cháy để đốt lên da thịt người phạm lỗi. Còn với những vụ việc nghiêm trọng, băng đảng sẽ áp dụng cách thức nặng nề hơn, thậm chí là “diệt khẩu”.

Vì lí do đó mà đa phần các băng đảng Sukeban đều bị mọi người xa lánh và bị xem là “ung nhọt” của xã hội.

sukeban
Băng đảng Sukeban thường bị mọi người xa lánh và xem là "ung nhọt"

Sukeban ngày nay

Sau những năm 70, các băng đảng Sukeban dần thoái trào để nhường chỗ cho các trào lưu văn hóa khác như Gyaru, Ganguro hay Kogyaru. Hình ảnh những chị đại đời đầu trong chiếc váy dài dần bị thay thế bằng những cô gái đường phố với lối trang điểm đậm và chân váy ngắn. Dù ảnh hưởng của xu hướng Sukeban vẫn còn tồn tại trong văn hóa manga, anime và truyền hình nhưng sức lay động của Sukeban khó có thể so sánh với thời kỳ đỉnh cao.

Vào những năm 1960 - 1970, các băng nhóm Sukeban phát triển mạnh mẽ đến mức các nhà làm phim thi nhau đưa hình ảnh của các chị đại lên màn ảnh. Trong đó có thể kể đến series "Pinky Violence", được sản xuất bởi công ty Toei vào đầu thập niên 70, hay dự án khác như "Nỗi khiếp sợ của nữ sinh trung học" hay “Chị Đại Sukeban" của đạo diễn Norifumi Suzuki. Bất ngờ thay, những bộ phim tái hiện cuộc sống của các "đại tỷ đường phố" này lại được công chúng đón nhận như "một hoạt động chống lại bất bình đẳng giới".

sukeban
Bộ phim "Nỗi khiếp sợ của nữ sinh trung học" (1972), đạo diễn Norifumi Suzuki.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU