Senjafuda: Nét đặc sắc chỉ có tại các địa điểm linh thiêng xứ Phù Tang
Bài: Ái ThươngNov 21, 2022
Xuất hiện trong khung cảnh tôn nghiêm tại những đền thờ, ngôi chùa ở Nhật là vô vàn tấm thẻ giấy được gọi là Senjafuda.
Senjafuda là gì?
Thuật ngữ “Senjafuda - 千社札” được ghép bởi chữ “Senja - 千社” (Thiên Xã, nghĩa là “1.000 ngôi đền”) và “Fuda - 札” (Trát, nghĩa là “thẻ”), được hiểu là “ngàn thẻ đền thờ”. Đây là từ dùng để chỉ những dải giấy thường được dán trên cổng hoặc cột của các đền thờ Thần đạo và chùa Phật giáo ở Nhật Bản.
Không giống như "Ofuda - お札" có tên của ngôi đền, Senjafuda viết tên của người thờ phụng. Các dải giấy này thường in sẵn các tên thông dụng, có thể mua được ở các đền chùa trên khắp Nhật Bản, cũng như tại cửa hàng văn phòng phẩm và trung tâm trò chơi điện tử.
Senjafuda ban đầu được làm từ thanh gỗ, đến thời Edo (1603 – 1868) thì chuyển sang sử dụng vật liệu giấy như ngày nay. Từ năm 1887, một Senjafuda được quy ước có kích thước chuẩn là 14,4 x 4,8cm. Chữ viết trên Senjafuda chủ yếu theo phong cách Edomoji (kiểu chữ thời Edo, thường dùng cho quảng cáo).
Nguồn gốc của Senjafuda
Theo tài liệu ghi chép lại, Senjafuda xuất hiện từ thế kỷ thứ 10, khi Hoàng đế Kazan (968 - 1008) dán bài thơ ông đã viết lên cửa của một ngôi chùa. Sau đó giới quý tộc đã làm theo cách này khi hành hương đến 33 ngôi chùa thờ Quán Thế Âm Bồ Tát. Mỗi khi viếng thăm và làm lễ tại chùa, họ treo bảng gỗ khắc tên mình cùng với lời cầu nguyện lên cửa chùa. Dần dà họ cũng treo những tấm bảng gỗ tương tự tại các ngôi đền thờ Thần Inari.
Những chuyến hành hương như vậy gọi là “Senja Moude -千社詣”, với “moude” nghĩa là viếng thăm đền chùa, cũng từ đó mà cái tên “Senjafuda” ra đời.
Từ thời Edo (1603 - 1868), người dân khi thực hiện các cuộc hành hương cũng muốn để lại dấu ấn về hành trình của họ và thu hút sự ban ơn từ các vị thần. Vì thế, họ bắt đầu dán những dải giấy có tên mình, và đây lại trở thành một xu hướng mới. Những tấm bảng gỗ dần được thay thế bằng những dải giấy viết tay như vậy.
Rồi đến lượt Senjafuda viết tay bị thay thế bằng dải giấy được in bằng phương pháp khắc gỗ, tương tự như cách in tranh Ukiyo-e. Phong trào này trở nên lan rộng đến mức Mạc phủ đã đưa ra luật quy định về màu sắc, hoa văn Senjafuda chia theo tầng lớp xã hội, tương tự như cách họ quy định kiểu tóc và hoa văn của Kimono.
Phân loại Senjafuda
Có hai loại Senjafuda là Daimei nosatsu (kiểu cũ) và Kokan nosatsu (kiểu mới). Trong đó Daimei nosatsu được làm từ giấy trắng và mực đen, loại mực này rất bền đến độ qua nhiều năm khi mặt giấy đã bị bong ra thì mực vẫn không có dấu hiệu bị phai đi.
Kokan nosatsu so với kiểu cũ theo phong cách truyền thống đơn giản lại có nhiều màu sắc, hoa văn đa dạng và đặc sắc hơn, trông như một tấm danh thiếp nổi bật ngày nay. Và điều đặc biệt là số lượng màu sắc trên Kokan nosatsu được quy định theo giai cấp, vị trí của người dùng nó trong xã hội.
Với sự đa dạng, nổi bật, đẹp đẽ tựa như một tác phẩm nghệ thuật mà Kokan nosatsu dần được ưa chuộng và sưu tầm. Các nhà sưu tập Senjafuda đã bắt đầu các cuộc gặp mặt, trao đổi chúng.
Ý nghĩa truyền tải
Dán Senjafuda truyền thống làm từ giấy trắng mực đen trong đền chùa là một việc phải được làm theo nghi thức, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tôn trọng đối với địa điểm linh thiêng.
Những người hành hương thường mang theo chiếc hộp chứa đầy Senjafuda và hồ dán được làm từ tinh bột gạo cùng cột tre dài (khoảng 8m) gắn bàn chải để quét keo.
Họ phải được sự cho phép của trụ trì đền chùa và còn phải trả một khoản tiền nhất định mới thực hiện được việc dán Senjafuda. Tuy nhiên hình thức này dần bị hạn chế vì làm ảnh hưởng đến cảnh quan tại đền chùa, nhất là tại các công trình kiến trúc được xếp hạng di sản văn hóa, di tích lịch sử.
Hiện tại Senjafuda được xem như là một món đồ lưu niệm làm bằng giấy được in sẵn bày bán ở một số ngôi đền, các hiệu sách hoặc trên các trang web điện tử bán hàng online. Senjafuda được làm theo kiểu in khắc gỗ hiếm và sẽ có giá thành cao hơn. Kiểu Senjafuda thanh gỗ vẫn được sản xuất nhưng theo phong cách trang trí như vòng cổ, móc chìa khóa...
kilala.vn