Pokémon: trò chơi điện tử quốc dân của mọi thế hệ người Nhật
Bài: Happy
Jan 9, 2023
Nguồn: Sora News
Người ta nói rằng, ở Nhật Bản, dường như không thể tìm thấy bất kỳ ai dưới 50 tuổi mà chưa từng nghe nói về Pokémon.
Pokémon (ポケモン), tên đầy đủ là Pocket Monsters (ポケットモンスター, tạm dịch: quái vật bỏ túi), là thương hiệu nhượng quyền truyền thông thành công rực rỡ của Nhật Bản được giới thiệu ra thế giới vào năm 1996 thông qua hai trò chơi do Game Freak phát triển .
Là một trong những tên tuổi trò chơi điện tử thành công nhất mọi thời đại, Pokémon ắt hẳn cũng được đông đảo trẻ em và người lớn trên toàn thế giới yêu thích. Sau hơn 25 năm phát hành, bạn có biết đâu là dòng game Pokémon ảnh hưởng đến cuộc sống của người Nhật nhất?
Gameage R&I, một công ty tư vấn và nghiên cứu tiếp thị hàng đầu Nhật Bản chuyên về ngành công nghiệp game, gần đây đã công bố kết quả cuộc khảo sát vào tháng 12/2022 trên internet, được thực hiện để tìm ra những trò được chơi nhiều nhất trong vũ trụ Pokémon.
Khảo sát có sự tham gia của 2.604 người (từ 15-59 tuổi), trong đó 1.029 người (tương đương 39,5%) trả lời rằng họ đã chơi một số trò chơi Pokémon, gồm cả những trò ngoài loạt game nhập vai (RPG series) và thậm chí cả “Pokémon Trading Card Game” (viết tắt: PTCG hay Pokémon TCG, tức Trò chơi thẻ bài Pokémon).
Khảo sát cũng yêu cầu các đối tượng liệt kê những trò mà họ đã chơi và thu được bảng xếp hạng với tổng cộng 27 trò chơi. Mặc dù hầu hết game nhập vai của Pokémon đều có điểm chung như mục tiêu của game thủ là đánh bại Elite Four* để trở thành nhà vô địch Pokémon và hoàn thành Pokédex bằng cách bắt tất cả các loài Pokémon, từng game riêng lẻ lại có sự khác biệt về khu vực, cốt truyện, nhân vật hỗ trợ và các Pokémon xuất hiện.
*Elite Four là bốn huấn luyện viên Pokémon được coi là mạnh nhất trong khu vực của họ.
Những game Pokémon được chơi nhiều nhất
Không có gì ngạc nhiên khi game Pokémon được chơi nhiều nhất chính là “Pokémon Red & Green” (48,7%) dành cho Game Boy. Đây chính là phần giới thiệu về vũ trụ Pokémon mà từ đó mọi thứ về “bảo bối thần kỳ” bắt đầu phát triển.
Tiếp đến là “Pokémon Gold & Silver” (37,1%), trò chơi được phát hành cho Game Boy Color. Trò chơi Pokémon đứng thứ hai trong danh sách này đã “trình làng” Thế hệ II và mở rộng lối chơi của Thế hệ I với nhiều tính năng mới như nhân giống Pokémon và đồng hồ tính theo thời gian thực ảnh hưởng đến các sự kiện trong thế giới game. Bản game này cũng đánh dấu lần đầu tiên 100 loài Pokémon mới được thêm vào, bao gồm cả Pokémon huyền thoại nổi tiếng Ho-Oh và Lugia.
Đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách là “Pokémon Diamond & Pearl” với 28% người tham gia khảo sát đã chơi qua. Game là phần đầu tiên của Thế hệ IV và là trò chơi Pokémon đầu tiên được phát hành trên nền tảng Nintendo DS, có cốt truyện kể về việc người chơi cố gắng đánh bại Đội Thiên Hà (Team Galactic).
“Pokémon Ruby & Sapphire”, trò chơi Pokémon đầu tiên được phát hành cho Game Boy Advance, phiên bản đầu tiên trong Thế hệ III xuất hiện ở vị trí thứ 4 (26,1%). Trong trò chơi này, nhà sản xuất đặt game thủ vào trung tâm cuộc đua ngăn chặn các phe phản diện (Đội Aqua và Đội Magma) đánh thức một Pokémon huyền thoại có thể tàn phá thế giới.
Chốt hạ top 5 game Pokémon được nhiều người chơi nhất với 24,2% là “Pokémon Blue”, một trò chơi Game Boy Thế hệ I độc lập, được biết đến là phiên bản sửa đổi của “Pokémon Red & Green”. Trò chơi này ban đầu chỉ được phát hành theo đơn đặt hàng qua thư trước khi ra mắt công chúng một cách rộng rãi.
Danh sách 10 game Pokémon được chơi nhiều nhất:
- Pokémon Red & Green (tháng 2/1996): 48,7%
- Pokémon Gold & Silver (tháng 11/1999): 37,1%
- Pokémon Diamond & Pearl (tháng 9/2006): 28%
- Pokémon Ruby & Sapphire (tháng 11/2002): 26,1%
- Pokémon Blue (tháng 10/1996): 24,2%
- Pokémon Yellow: Phiên bản Pikachu đặc biệt (tháng 9/1998): 24,1%
- Pokémon Black and White (tháng 9/2010): 22,8%
- Pokémon Go (tháng 7/2016): 20,8%
- Pokémon Trading Card Game (tháng 10/1996): 17,3%
- Pokémon FireRed & LeafGreen (tháng 1/2004): 17,2%
Bảng xếp hạng trên cũng tiết lộ rằng tám trò chơi hàng đầu (phát hành trong khoảng 20 năm từ 1996-2016) được chơi bởi hơn 20% số người tham gia khảo sát. Ngoài ra, trung bình các đối tượng đã chơi 4,6 game Pokémon.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu thu được, “Pokémon Card GB2: Here Comes Team Great Rocket!”, trò chơi được phát hành độc quyền tại Nhật Bản vào tháng 3/2001 cho Game Boy Color ít được các đối tượng tham gia khảo sát chơi nhất (4,7%). Mặt khác, dù chỉ mới được phát hành vào tháng 11/2022, “Pokémon Scarlet & Violet” hiện đang xếp ở vị trí thứ 20 với 10,7%.
Trò chơi Pokémon và xu hướng thế hệ
Cuộc khảo sát cũng tiết lộ một số xu hướng thế hệ thú vị liên quan đến thiết bị chơi game và độ tuổi của người chơi.
Về máy chơi game, 75,1% người tham gia khảo sát đã chơi game trên dòng máy Game Boy (gồm 10 trò chơi được phản ánh trong kết quả); 53,1% trên Nintendo DS (9 trò chơi) và 28,9% trên Nintendo Switch (6 trò chơi).
Nếu xem xét dữ liệu qua lăng kính tuổi tác, các trò chơi trên dòng Nintendo DS được thanh thiếu niên chơi nhiều nhất (83,3%), cụ thể là các đối tượng trong độ tuổi 20 (72,1%).
Trong khi đó, các trò chơi thuộc dòng máy Game Boy cho đến nay được chơi nhiều nhất bởi độ tuổi 30 (95%), 40 (81,9%) và 50 (81,4%). Đặc biệt, những người ở độ tuổi 30 hiện tại từng là đối tượng mục tiêu của Pokémon (trẻ em lứa tuổi 10), là thế hệ đầu tiên lớn lên với Pokémon khi “Pokémon Red & Green” lần đầu tiên được phát hành và gây bão ở Nhật Bản, khi trẻ em bắt đầu hành trình huấn luyện Pokémon.
Xem thêm: Ngược dòng lịch sử những chiếc máy chơi game cầm tay của Nintendo
kilala.vn