Otaku là gì? Nguồn gốc, phân loại và cách nhận biết Otaku

Bài: kirinAug 15, 2023

Nếu quan tâm đến manga, anime, bạn hẳn đã từng bắt gặp thuật ngữ “Otaku” – từ thường được dùng để chỉ những người hâm mộ cuồng nhiệt thể loại truyện tranh, hoạt hình đến từ Nhật Bản. Tuy nhiên, với sự phát triển và lan rộng của văn hóa Otaku trên toàn thế giới, từ này ngày nay còn bao hàm nhiều điều hơn thế!

Otaku là gì?

Otaku (オタク) là thuật ngữ được dùng phổ biến để chỉ những người đặc biệt yêu thích văn hóa đại chúng Nhật Bản như anime và manga, nhưng hiện nay được hiểu rộng hơn là người có đam mê mạnh mẽ hoặc bị ám ảnh bởi một điều gì đó cụ thể, có thể là idol, game hay sưu tầm figure...

Theo định nghĩa, ngoài việc có sở thích ám ảnh về một thứ gì đó, “Otaku” còn mang sắc thái của việc ít giao tiếp xã hội gồm cả cắt đứt liên lạc với xã hội như Neet, Hikikomori hoặc thiếu kiến thức cơ bản trong các lĩnh vực khác. Otaku là một tiếng lóng Nhật Bản gần như tương tự với "nerd".

otaku là gì
Otaku là gì? Khái niệm không chỉ dành riêng cho manga và anime. Ảnh: We Heart

Nguồn gốc của thuật ngữ Otaku trong văn hóa Nhật Bản

Otaku bắt nguồn từ một kính ngữ trong tiếng Nhật, “御宅 – Otaku”, có nghĩa là “nhà của bạn”. Nó bắt đầu được sử dụng như một từ tiếng lóng hiện đại bởi biên tập viên kiêm nhà phê bình Akio Nakamori vào năm 1983.

Trong bài tiểu luận có nhan đề "Nghiên cứu về Otaku", ông đã sử dụng từ này theo cách miệt thị để chỉ những fan cuồng anime đến mức gây khó chịu – là đối tượng bị xã hội ruồng bỏ. Sau đó, các nhóm hâm mộ manga, anime đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ trên để tự gán cho mình, như một cách để giễu nhại.

Năm 1989,thuật ngữ Otaku đột nhiên thu hút sự chú ý của công chúng khi Tsutsomu Miyazaki – tên tội phạm có biệt danh “sát nhân Otaku” bị bắt.

miyazaki tsutomu sát nhân otaku nhật bản
“Sát nhân Otaku” và 4 nạn nhân trẻ em. Ảnh: allthatsinteresting.com

Khi khám xét nhà của hung thủ, cảnh sát đã tìm thấy hơn 5.763 băng video với nội dung đồi trụy, bạo lực và cả anime, game, phim kinh dị. Kẻ này đã bắt cóc ngẫu nhiên và sát hại bốn đứa trẻ, "Sát nhân Otaku" được liệt vào những vụ án mạng rùng rợn trong lịch sử Nhật Bản.

Nhân cơ hội này, truyền thông đã công kích giới Otaku, một cộng đồng bấy lâu sống hoàn toàn khép kín và tách biệt với xã hội. Bởi vậy, dù văn hóa Otaku đang ngày càng phổ biến và được ưa chuộng ở nhiều nơi trên thế giới, thì ở Nhật Bản, Otaku vẫn mang một ý nghĩa khá tiêu cực.

Tuy nhiên kể từ những năm 90, khía cạnh tiêu cực của từ “Otaku” đã dần giảm bớt, người ta bắt đầu sử dụng từ này để chỉ những người có niềm đam mê mãnh liệt với một thứ gì đó. Theo nghiên cứu được xuất bản năm 2013, trong số 137.734 thanh thiếu niên được khảo sát ở Nhật Bản, 42.2% tự nhận mình là một Otaku.

Phân loại Otaku

Anime Otaku

Khi nghĩ đến Otaku, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến anime đặc biệt những người này thích chuyển ảnh thành anime. Và đúng như vậy, anime là một trong những thể loại thu hút nhiều Otaku nhất. Những người đam mê anime một cách công khai được phân loại là Anime Otaku.

Manga Otaku

Cũng như anime, manga hay truyện tranh Nhật Bản là một trong những thể loại sở hữu đông đảo lượng Otaku nhất. Một số người đam mê sưu tầm những cuốn truyện tranh, trong khi số khác lại say mê các tạp chí manga hàng tuần như Weekly Shonen Jump và CoroCoro Comic.

lễ hội manga comicon
Comicon – lễ hội manga quy mô bậc nhất, là nơi tụ tập của Manga Otaku Nhật Bản. Ảnh: japanistry

Game Otaku

Những người đặc biệt quan tâm đến trò chơi điện tử Nhật Bản được gọi là Game Otaku.

Trong khi trò chơi điện tử là một hiện tượng quốc tế, Nhật Bản được cho là quê hương của một số loạt trò chơi mang tính cách mạng và có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại: Pokemon, Final Fantasy, Dark Souls, Dragon Quest và gần đây là Persona.

E–Sports Otaku

Trong những năm gần đây, thể thao điện tử (E–Sports) đã trở nên cực kỳ phổ biến và bắt đầu xuất hiện trong văn hóa Otaku.

Các trò chơi như Pokemon với Giải vô địch thế giới Pokemon và Super Smash Bros với EVO là những trò chơi thể thao điện tử phổ biến thu hút lượng fan cuồng đông đảo.

Idol Otaku

Sẽ thật thiếu sót nếu nói về Otaku mà không nhắc đến Idol. Những nhóm nhạc thần tượng nữ đã tạo nên một phần của văn hóa Otaku.

Có rất nhiều nhóm nhạc pop nổi tiếng ở Nhật Bản như BiSH, AKB48 và Nogizaka46 sở hữu lượng fan “khủng”, và người hâm hộ của họ được gọi là Idol Otaku (Wotaku hoặc Doru–ota).

Một Idol Otaku sẽ mua đĩa CD và thường xuyên tham dự các sự kiện của thần tượng. Các nhóm nhạc như AKB48 và Nogizaka 46 cũng mang đến cơ hội để fan bắt tay với các thành viên yêu thích tại những "sự kiện bắt tay".

Những thể loại Otaku khác trong văn hóa Nhật

Nhìn từ bên ngoài, có vẻ như Otaku chỉ bao gồm các khía cạnh giải trí như anime, manga và trò chơi điện tử, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Miễn đó là thứ mà bạn yêu thích cuồng nhiệt, văn hóa Otaku có thể trải rộng trên toàn bộ mọi lĩnh vực, chẳng hạn:

  • Meido-ota/ meidosuki - Otaku hầu gái (maid)
  • Pasocon-ota - Otaku máy tính
  • Seiyuu-ota - Otaku diễn viên lồng tiếng
  • Gunji-ota - Otaku vũ khí và quân đội
  • Fashion Otaku - Otaku thời trang
  • Tecchan/ testudo-ota - Otaku xe lửa
  • Figure-ota - Otaku mô hình
  • Gijutsu Otaku - Otaku công nghệ
  • Bunkakei Otaku - Otaku học thuật
  • Reki-jo - Otaku lịch sử Nhật
  • Guruupii - Fan nữ cuồng thần tượng nhạc Rock
  • Fujoshi - Hủ nữ hay những cô gái cuồng tình yêu đồng tính nam
  • Okina otomodachi - fan hâm mộ trưởng thành của các tác phẩm dành cho trẻ em

hủ nữ fujoshi

Fujoshi – hủ nữ là những Otaku đam mê manga, anime và truyện đồng tính nam.

Cách sử dụng từ Otaku và những lưu ý

Điều thú vị là, mặc dù Otaku được viết là "おたく" bằng Hiragana hoặc "オタク" bằng Katakana, nhưng hai dạng này có chút khác biệt.

Cách viết "おたく" từng được sử dụng thường xuyên để mô tả những người yêu thích Manga khiêu dâm, nên trong suy nghĩ của nhiều người Nhật trung niên, từ này vẫn mang ý nghĩa tiêu cực. Tuy nhiên, đối với thế hệ trẻ, cả hai dạng đều có ý nghĩa tương đương.

Cũng cần lưu ý rằng trong hình dung của nhiều người Nhật, đặc biệt là người lớn tuổi, Otaku vẫn gây nên cảm xúc tiêu cực. Vì vậy khi ở Nhật Bản, đừng tùy tiện sử dụng cụm từ "Otaku" khi không cần thiết, thay vào đó bạn có thể dùng cách diễn đạt “anime fan” hay “manga fan” mà vẫn đảm bảo ý nghĩa.

Làm thế nào để nhận biết một Otaku “chính hiệu”?

Tình yêu mãnh liệt dành cho manga và anime

Các Otaku thường ngấu nghiến những bộ truyện yêu thích của họ, tranh luận về giá trị của các bản chuyển thể anime và thu thập mọi vật phẩm, hàng hóa liên quan.

sưu tầm manga
Sưu tầm manga, anime, vật phẩm là sở thích của đa số các Otaku. Ảnh: Japan Yugen

Kiến thức sâu rộng về văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản

Nhiều Otaku bị mê hoặc bởi mọi thứ về Nhật Bản, họ có xu hướng tìm hiểu thêm về lịch sử, ngôn ngữ và phong tục của đất nước này.

Yêu thích cosplay

Các Otaku thường sẽ quan tâm đến hoạt động cosplay, nhiều người còn tự hóa trang thành nhân vật trong tác phẩm yêu thích của mình. Bạn có thể bắt gặp họ tại các sự kiện, buổi gặp mặt trong trang phục cosplay hoàn chỉnh.

Hoạt động tích cực trên các hội nhóm, diễn đàn

Otaku thường xuất hiện trên các diễn đàn, hội nhóm về manga và anime. Tại đây, họ chia sẻ quan điểm, cảm xúc về bộ phim, bộ truyện yêu thích và cùng thảo luận với những người có chung chí hướng.

Không ngại thể hiện mình là một Otaku

Otaku không xấu hổ về tình yêu của họ dành cho cái mình thích, ngược lại họ thấy tự hào vì điều đó.

Những hiểu lầm về giới Otaku

Vì các Otaku đã bị xem là những kẻ lập dị, tự cô lập với xã hội trong thời gian dài, nên với một bộ phận giới truyền thông và người dân Nhật, ấn tượng của họ về các Otaku vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Ngoài ra, còn có những định kiến về ngoại hình và trang phục của các Otaku, chẳng hạn họ trông quá gầy hoặc quá béo, tóc tai lòa xòa, luôn mặc áo phông in hình nhân vật truyện tranh...

Vì sao Otaku trở thành xu hướng trên toàn cầu?

Theo Hiệp hội Hoạt hình Nhật Bản, 60 công ty sản xuất phim hoạt hình thành viên của họ hiện đang cung cấp sản phẩm tại 112 quốc gia cho khoảng 87,2% dân số thế giới.

Người ta yêu thích anime Nhật Bản chủ yếu bởi nó đã phá vỡ quy ước rằng hoạt hình chỉ dành cho trẻ em. Vì hướng đến đối tượng là người lớn nên anime luôn có cốt truyện gay cấn, nhân vật phức tạp và bao hàm các vấn đề thực tế.

Ngoài ra, anime còn có hình ảnh minh họa nên sở hữu ưu điểm là tính linh hoạt trong việc tạo ra biểu cảm khuôn mặt và tạo hình đáng yêu.

biểu cảm moe trong anime

Tạo hình “moe” đáng yêu của các nhân vật anime khiến Otaku yêu thích. Ảnh: Anime Motivation

Văn hóa Otakubắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản sau Thế chiến thứ 2. Đó là thời điểm người Nhật cố gắng tìm kiếm hy vọng và sự an ủi khi phải đối mặt với tình thế khó khăn. Anime và manga bấy giờ được coi là cách để thoát khỏi thực tế tàn khốc.

Mặc dù Nhật Bản đã phát triển và lột xác kể từ đó, nhưng mọi người ngày nay vẫn sử dụng anime và manga để thoát khỏi thực tại và tìm kiếm sự thư giãn.

Nhật Bản là một trong những xã hội có mức độ “stress” nhất trên thế giới. Do cuộc sống, công việc căng thẳng, tự tử đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng ở nước này.

Là một Otaku, bạn không chỉ được an ủi bởi chính anime và manga mà còn tìm thấy niềm an ủi trong các nhóm fan; khi giao lưu với những người bạn có chung sở thích với mình, ngọn lửa hy vọng có thể được thắp lên trở lại.

Vậy tại sao văn hóa Otaku lại có thể trở nên phổ biến trên toàn thế giới?

Như Susan Napier (2007) đã gợi ý trong cuốn sách “From Impressionism to Anime”, giữa các Otaku ở châu Âu và châu Mỹ với những người theo trường phái Ấn tượng (Impressionism) thế kỷ 19 có nhiều điểm tương đồng: niềm vui đến từ yếu tố thẩm mỹ, niềm hứng thú đối với sự giao thoa văn hóa và Japanophilia (sự cảm kích, đánh giá cao và yêu mến văn hóa, con người, lịch sử Nhật Bản).

Kunoichi nhật bản

Ninja là một khía cạnh văn hóa đặc biệt thu hút với người ngoại quốc. Ảnh: yamatomagazine.home.blog

Một mặt, nền văn hóa độc đáo xứ Phù Tang như Thiền tông, Ninja và Võ sĩ đạo được thể hiện trong anime, manga rất hấp dẫn đối với người nước ngoài.

Mặt khác, văn hóa Nhật hiện đại cũng đã học hỏi rất nhiều từ các nước trên thế giới, vì thế sự gần gũi này khiến anime dễ tiếp cận với người nước ngoài hơn.

Từ tiểu văn hóa đến lĩnh vực “hái ra tiền”

Mặc dù văn hóa Otaku từng được coi là một tiểu văn hóa điển hình, nhưng nó ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong xã hội. Chính phủ Nhật Bản cũng nhận thấy ảnh hưởng to lớn của văn hóa Otaku và hiện xem nó như một phần quan trọng của quyền lực mềm.

Ngành công nghiệp anime, manga cũng đem lại cho nước này nguồn lợi khổng lồ. Theo một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Nomura, quy mô thị trường của những người tiêu dùng là Otaku vào năm 2004 là 1,27 triệu người, trải trên 12 lĩnh vực chính, đạt con số 411,0 tỷ yên. Các tổ chức khác đã ước tính tác động kinh tế của Otaku lên tới 2 nghìn tỷ yên.

Mặc dù nền kinh tế Nhật Bản dường như đã đi xuống trong vài năm qua, nhưng thị trường dành cho hàng hóa Otaku vẫn ổn định. Quy mô thị trường có thể còn lớn hơn khi văn hóa Otaku trở nên phổ biến ở các quốc gia khác.

Ngoài ra, chính quyền địa phương trên khắp Nhật Bản đang bắt đầu các dự án giúp quảng bá những địa điểm du lịch tiềm năng liên quan đến văn hóa Otaku – hay được biết đến với thuật ngữ “hành hương anime”.

Tựu trung, văn hóa Otaku bắt nguồn từ Nhật Bản đã tạo ra một chỗ đứng quan trọng trong bối cảnh văn hóa toàn cầu ngày nay, trải rộng ra nhiều lĩnh vực từ game, cosplay, thần tượng...

Định kiến và hiểu lầm vẫn tồn tại, nhưng mọi thứ đang dần thay đổi khi cộng đồng toàn cầu trở nên quen thuộc hơn với sự đa dạng trong văn hóa Otaku.

Về bản chất, văn hóa Otaku là minh chứng cho khả năng độc đáo của Nhật Bản trong việc biến niềm đam mê thành nghệ thuật, biến fandom thành nơi tôn vinh sự sáng tạo và sở thích riêng.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU