Omizutori, lễ hội "tắm lửa" mùa xuân thú vị tại Nara

Bài: Inako/ Ảnh: PIXTAMar 1, 2018

Omizutori (お水取り) còn có tên gọi chính thức là “Shunie” (修二会), một lễ hội Phật giáo lâu đời diễn ra tại chùa Todaiji, cố đô Nara trong suốt 2 tuần lễ đầu tháng 3. Khi cái lạnh mùa đông dần dịu lại, cây cối nảy lộc đâm chồi cũng là lúc hàng vạn người lũ lượt kéo về đây để chứng kiến lễ hội mùa xuân hoành tráng nhất trong năm, mang theo niềm hi vọng ấp ủ để chào đón một năm hạnh phúc mĩ mãn.

lễ hội tắm lửa Omizutori

Vào thế kỉ 8 khi kinh đô Nhật Bản còn tọa lạc tại Nara, chùa Todaiji (東大寺, Đông Đại tự) chính là tu viện quyền lực bậc nhất chốn kinh kì. Song hành cùng ngôi chùa có lịch sử ngàn năm này là lễ hội Omizutori, dịch nôm na nghĩa là “Lễ hội lấy nước”. Thực chất nghi thức “lấy nước” này chỉ diễn ra trong vỏn vẹn vài giờ rạng sáng ngày 13, nhưng nó lại đóng vai trò “nhận diện” lễ hội Shunie ở Todaiji với các tu viện khác. Về bản chất, đây là khoảng thời gian để các tăng lữ sám hối tội lỗi trước tượng Quan Âm 11 mặt linh thiêng ở Nigatsudo (二月堂, Nhị Nguyệt đường), dựa vào công đức dày mỏng của mình để nguyện cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, muôn dân ấm no.

Truyền thuyết phát tích lễ hội

Tương truyền khi Todaiji thành lập chưa bao lâu, tức năm 751, một hòa thượng của chùa tên Jitchu (実忠) đang lúc tu hành trên núi Kasagi thì phát hiện một “long huyệt” khai thông với thiên giới. Khi đến đây, ông nhìn thấy người nhà trời đang tổ chức lễ sám hối trước Quan Âm 11 mặt tại một tu viện nọ, thì lòng cũng nung nấu ý định tổ chức một sự kiện tương tự ở hạ giới. Khi trở về, sư Jitchu đã cho xây dựng Nigatsudo cách chính điện không bao xa, đến năm sau thì tổ chức lễ sám hối trước Quan Âm đầu tiên kéo dài từ ngày 1 đến 14/2 theo nguyệt lịch bấy giờ.

Các diễn biến chính

Điều hành xuyên suốt lễ hội Omizutori gồm có 11 tăng lữ được gọi là “Rengyoshu” (練行衆), đã được tuyển chọn từ tháng 12. Khoảng giữa tháng 2, các Rengyoshu sẽ tề tựu về Kaidanin (戒 壇院, Giới Đàn viện) nằm trong khu phức hợp của chùa để bế quan tu tĩnh, lễ hội càng đến gần thì yêu cầu giữ cơ thể thanh sạch càng khắc khe hơn, chẳng hạn như phải mặc áo làm bằng giấy Washi, không được ngồi lên bất cứ vật gì ngoài chiếu rơm Teshima, không được nói chuyện riêng, không được uống tự ý uống nước nóng và trà,...

Trọng tâm của lễ hội là lễ tụng kinh sám hối được tổ chức 6 lần trong ngày, mỗi ngày có một quy định giờ giấc cụ thể, cả nội dung tụng niệm và nghi thức trong từng buổi cũng khác nhau. Điểm chung nhất của các buổi lễ này là trong khi các Rengyoshu đọc kinh, sẽ có một Rengyoshu nằm phủ phục trong lễ đường, biểu hiện lòng thành tâm sám hối bằng toàn bộ cơ thể.

Omizutori (3).jpg

Trong 6 buổi lễ trên thì buổi lễ thứ 3 và thứ 5 được tổ chức trịnh trọng hơn cả, sau các nghi thức tụng kinh sám hối sẽ có thêm 2 nghi thức khác. Đầu tiên là lễ tưởng niệm Thiên hoàng các triều đại cũng như vong linh của những người đã chết trong chiến tranh, thiên tai,... Đồng thời các nhà sư cũng sẽ xướng tên thành viên nội các, chánh án Tòa án tối cao,... để cầu mong chính quyền đương nhiệm sẽ mang lại hòa bình, thịnh vượng cho quốc dân. Tiếp đó, chú sư (咒師) – một vị trí trong Rengyoshu, sẽ đi vẩy những giọt nước đã được thanh tẩy quanh đài Quan Âm, kết ấn và xướng chúc văn theo hơi hướng nghi thức Mật giáo. Trong 3 ngày cuối cùng, các Rengyoshu còn khoác lên người trang phục đặc biệt để thanh tẩy đạo trường.

Nghi thức xoay đuốc trước ban công Nigatsudo được coi là biểu tượng của lễ hội Shunie. Khoảng 19 giờ mỗi ngày, sẽ có 10 đồng tử (童子, người theo hỗ trợ Rengyoshu) vác 10 bó đuốc dài 6m đến Nigatsudo, để ánh sáng của ngọn đuốc này soi đường cho các Rengyoshu. Riêng trong ngày 12/3 tức đỉnh điểm của sự kiện, số bó đuốc sẽ lên đến 11. Bó đuốc lúc này có chiều dài lên đến 8m, cân nặng trên dưới 70kg, đầu đuốc dạng lồng có đường kính 1m và bên trong nhét đầy lá tuyết tùng. 

Sau khi các Rengyoshu đã an vị trong lễ đường, những đồng tử sẽ vác đuốc chạy ra trước ban công và xoay liên tục khiến hàng trăm tia lửa tuôn xuống như mưa, tương truyền nếu người đứng bên dưới hứng được sẽ có thể trải qua một năm khỏe mạnh và viên mãn. Do đó vào tối ngày 12 hàng năm, thường có đến khoảng 2 – 3 vạn người tụ tập dưới Nigatsudo để tranh nhau tắm mình dưới các tia lửa.

Kagotaimatsu

Kagotaimatsu (籠松明) – bó đuốc khổng lồ được dùng trong đêm 12/3

Và trong duy nhất rạng sáng 13/3, chú sư sẽ cùng 5 Rengyoshu tiến về giếng Wakasai để múc nước giếng châm vào bình cúng cho Quan Âm 11 mặt. Giếng nước này thông ra chùa Jinguji ở thành phố Obama, tỉnh Fukui, do đó để Todaiji có đủ nước dùng cho lễ hội, Jinguji đã gửi nước đi từ ngày 2/3. Sau nghi thức lấy nước này, chú sư sẽ thực hiện các nghi thức Mật giáo một lần nữa trước khi kết thúc đêm cao trào của lễ hội.

Dấu ấn lịch sử đặc biệt

Lễ hội Omizutori ở Todaiji là một lễ hội mang dấu ấn lịch sử đặc biệt. Trong hơn ngàn năm qua, dù vùng đất Nara nhiều lần hứng chịu tai kiếp thiên tai và chiến tranh, nhưng lễ hội trên chưa một lần trì hoãn. Ẩn chứa trong những cuộc tu tập khắc nghiệt, những đóa sơn trà bằng giấy trang trí Phật đường, những chiếc bánh cúng Mochi, hay ngọn đuốc soi lối dẫn đường cho đoàn Rengyoshu do các tăng lữ và người dân tình nguyện tỉ mẩn làm tay,... không chỉ là lòng thành kính mang tính chất sùng đạo, mà còn là tấm lòng hướng thiện, lời cầu an của người dân cố đô dành cho người người trên thế giới bất phân dân tộc, vùng miền. Khi lễ hội kết thúc cũng là lúc mùa xuân cất lên những hơi thở đầu tiên. Trong khung cảnh hừng đông thanh tịnh và tươi mới của ngôi cổ tự, con người sẽ cảm thấy lòng nhẹ gánh lo âu và dạt dào niềm hi vọng khi lại đứng trước một sự khởi đầu.

lễ hội tắm lửa Omizutori

Ban công Nigatsudo sáng rực trong ánh đuốc. Người người tranh nhau hứng tia lửa như điều tốt lành

Inako/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU