Okuri-inu: Yêu khuyển đeo bám mang đến nỗi ám ảnh kinh hoàng

Bài: Ái ThươngMar 26, 2023

Tại xứ Phù Tang lưu truyền câu chuyện cổ về một con vật ma quỷ chuyên bám theo những người đi đường và dẫn dắt họ đến với nỗi kinh hoàng.

Khi màn đêm buông xuống, trên con đường vắng xuất hiện những bóng đen lởn vởn lúc ẩn lúc hiện, dõi theo loài người. Và khi đến lúc, chúng sẽ lao vào tấn công, đưa con mồi xuống địa ngục khiến họ phải trải qua nỗi đau cũng như sợ hãi tột cùng. Chúng là Okuri-inu, một loài Yokai (yêu quái) trong truyền thuyết Nhật Bản.

okuri

Ảnh: Yokai-wiki

Sinh vật huyền bí của bóng đêm

"Okuri-inu - 送り犬" hay "Okuri-okami - 送り狼" là một yêu quái, sinh vật thần thoại thường xuất hiện trong chuyện kể dân gian của vùng Tohoku và Kyushu. Tùy vào truyền thuyết của mỗi địa phương, chúng có thể được miêu tả là chó (Inu) hay sói (Okami) theo hành vi và hình dạng. Đôi khi chúng còn được gọi đơn giản là Yama-inu (chó hoang) hoặc Okami (sói). 

Loài yêu này thường hoạt động vào ban đêm và chuyên đi săn những khách bộ hành tại các địa hình hiểm trở như núi đồi hoặc trong rừng sâu, cánh đồng hoang. Chúng mang hình dáng trông giống như chó hoang lớn hoặc sói hoang dã và ẩn chứa sự hung dữ với sức mạnh siêu nhiên đáng sợ. Okuri-inu có thể nhìn xuyên qua màn đêm, sở hữu tốc độ tấn công cực nhanh và chuẩn xác với những vết cắn đủ xé xác nạn nhân thành nhiều mảnh.

okuri

Ảnh: Yokai wiki

Điểm đặc biệt của Okuri-inu là chúng đeo bám, dõi theo những người đi đường đơn độc. Chúng rình rập, quan sát họ và tấn công dựa theo hành động của con mồi. Nghĩa là Okuri-inu sẽ thử thách sự dũng cảm của loài người, nếu con mồi dám đứng yên bình tĩnh trước sự xuất hiện rùng rợn của chúng thì sẽ thoát nạn. Ngược lại nếu ai thể hiện sự sợ hãi tột độ, la hét, nguyền rủa chúng sẽ phải nhận lấy một kết cục vô cùng bi thảm.

Phản ứng thế nào khi gặp Okuri-inu?

Dân gian lưu truyền cách để thoát khỏi nanh vuốt của Okuri-inu. Truyền thuyết kể rằng Okuri-inu có sự liên kết với "Yosuzume - 夜雀" - loài chim thường xuất hiện vào ban đêm và hót líu lo "chi, chi, chi". Yosuzume là dấu hiệu cảnh báo rằng Okuri-inu đang ở gần và tiếng kêu của nó là lời nhắc nhở người đi đường phải cẩn thận, đừng để bị ngã trong hành trình đầy rẫy nguy hiểm.

Okuri inu

Okuri-Inu - Ryukansai in Kyoka Hyaku Monogatari, năm 1853.

Nếu con người lỡ rơi vào trường hợp bị vấp ngã, đánh động đến sự theo dõi trầm lặng của Okuri-inu, lúc đó họ phải tự trấn an bản thân, cố gắng giữ bình tĩnh và giả vờ như đang ngồi xuống nghỉ ngơi rồi kêu lên “Dokkoisho!” (どっこいしょ) hoặc  “Shindoi wa!” (しんどいわー) để thể hiện sự mệt mỏi. 

Những lúc như thế, Okuri-inu sẽ tò mò và kiên nhẫn chờ đợi con mồi. Sau đó khi người đi đường may mắn đến đích, thoát khỏi hành trình đáng sợ thì phải quay lại và hét lên trong bóng tối với thông điệp “Cảm ơn vì đã tiễn tôi!”. Dân gian cho rằng điều này sẽ giúp loài người tránh khỏi sự đeo bám của Okuri-inu về sau. Ngoài ra, khi về đến nhà, người ấy nên rửa chân và để lại vật phẩm gì đó để tỏ lòng biết ơn vì Okuri-inu đã hộ tống, đi theo trông chừng trong chuyến đi.

okuri inu

One Hundred Aspects of the Moon - Kityama Moon của Tsukioka Yoshitoshi, năm 1886.

Okuri-inu là một sinh vật huyền bí ẩn mình trong bóng tối và chúng mang hai bản chất khác biệt, thiện ác đan xen. Chúng có thể giúp đỡ, hộ tống loài người vượt qua đoạn đường hiểm trở nhưng cũng sẵn sàng tấn công với móng vuốt sắc nhọn. Cách thể hiện của Okuri-inu dựa theo hành động của con người, nếu kẻ nào sợ hãi, tỏ thái độ chống đối, mạo phạm đến chúng sẽ nhận lấy sự trừng trị đáng sợ, còn người dũng cảm, bày tỏ sự tôn trọng, sùng kính sẽ an toàn thoát khỏi lưỡi hái của Tử thần.

Những sự tích về Okuri-Inu 

Tại Nhật có rất nhiều tài liệu cổ ghi chép về Okuri-inu, mỗi vùng miền đều có những truyền thuyết riêng tạo nên nét đặc sắc, đa dạng trong kho tàng truyện kể về sinh vật kỳ bí này.

Trong “Tuyển tập các câu chuyện dân gian từ quận Chiisagata” (Chiisagata-gun mindanshu), cuốn sách xuất bản vào đầu thời Showa, có chép lại câu chuyện về một người phụ nữ mang bầu đi từ Shioda đến nhà bố mẹ đẻ và không may lúc di chuyển trên đường, cô đã chuyển dạ. Khi màn đêm buông xuống, nhiều Okuri-inu đã ngửi thấy mùi máu và nghe được tiếng rên la của người mẹ khi cô một mình vật vã sinh con. 

wolf lady samurai

'Wolf, Lady and Samurai' của Tomioka Eisen, năm 1895.

Chúng đã đến gần hai mẹ con nhưng thay vì tấn công lại bảo vệ họ thoát khỏi sự rình rập, săn lùng của những con vật hoang dã ẩn ấp xung quanh. Sau đó, người mẹ và đứa con mới sinh đã bình an trở về nhà, đoàn tụ với người thân. 

Từ đó người dân thờ phụng và biết ơn sự giúp đỡ của Okuri-inu, họ nói rằng sinh vật này sẽ đi theo những người đi đường lúc đêm muộn, nếu ai có tâm trong sạch sẽ được chúng sẽ bảo vệ, che chở.

Tại vùng Kanto và tỉnh Kochi lại có truyền thuyết về Okuri-okami, cũng giống như Okuri-inu, chúng được coi là yêu quái rình rập con người tại các đoạn đường núi hay đèo và sẽ ăn thịt nạn nhân khi họ xui xẻo bị ngã, tuy nhiên chúng cũng chọn cách bảo vệ, cứu giúp nạn nhân nếu họ cầu xin tha mạng và bày tỏ lòng thành kính.

Loài yêu khuyển này cũng sẽ chạy trốn khi ngửi thấy mùi pháo cháy, hay nếu ngửi thấy mùi thuốc lá, chúng sẽ hộ tống bạn về nhà an toàn. Chúng thích được gửi tặng quà là thức ăn hay một chiếc dép để lại của những người đi đường, món quà được nhận sẽ thay cho việc không tấn công và chấm dứt sự theo dõi đáng sợ.

Ngày nay, thuật ngữ Okuri-okami còn được dùng để chỉ những gã đàn ông giả vờ tốt bụng đưa các cô gái về nhà, chẳng hạn sau một buổi nhậu, nhưng thực chất là để tìm cơ hội tấn công họ. 

Còn ở những nơi như bán đảo Izu, Toda hay vùng Saitama lại có câu chuyện về Okuri-itachi, được miêu tả dưới hình dạng con chồn và cũng đi theo con người trên đường vắng lúc đêm xuống, chúng sẽ bỏ đi khi được loài người đưa dép hoặc guốc cho.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU