Kỹ nữ Oiran là ai? Nguồn gốc, cấp bậc và lễ hội Oiran Dochu

Bài: kirinAug 31, 2023

Là những kỹ nữ hạng sang thời Edo, Oiran từng là một biểu tượng về nhan sắc, thời trang và tài năng nghệ thuật được xã hội trọng vọng. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời đại, những Oiran dần biến mất trong xã hội và giờ đây trở thành một biểu tượng văn hóa có phần bí ẩn, thường được đưa vào các tác phẩm văn hóa đại chúng.

Oiran – họ là ai?

Oiran là danh xưng chỉ những kỹ nữ hạng sang của Nhật Bản tại các quận đèn đỏ vào thời Edo (1603-1868), họ đứng trên các Yujo - những kỹ nữ thông thường. Oiran được kính trọng và ngưỡng mộ vì vẻ đẹp, trí thông minh cùng tài năng nghệ thuật. Họ cũng nổi tiếng với trang phục sang trọng, gồm một bộ kimono nhiều lớp lộng lẫy, đôi guốc cao và nhiều trang sức đi kèm.

oiran là gì
Ảnh: Toei Kyoto Studio Park

Yukaku là gì?

Vào thời Edo, hoạt động mại dâm chỉ được tiến hành ở một số quận nhất định và là hoạt động hợp pháp dưới sự quản lý của chính phủ. Những nơi này được gọi là Yukaku (遊郭), và một trong những “quận đèn đỏ” nổi tiếng nhất thời này là Yoshiwara ở Edo.

Nguồn gốc tên gọi Oiran

Thuật ngữ Oiran (花魁 – Hoa Khôi) bắt nguồn từ quận Yoshiwara vào những năm 1750 và được áp dụng cho mọi cấp độ kỹ nữ cao cấp trong lịch sử Nhật Bản.

Oiran vốn xuất phát từ cụm từ tiếng Nhật "oira no tokoro no neesan" (おいらの所の姉さん), tạm dịch là "chị gái ở chỗ chúng tôi". Khi viết bằng Kanji, từ này bao gồm hai ký tự: “花”, có nghĩa là " hoa", và “魁” có nghĩa là "đứng đầu" hay "đầu tiên".

kỹ nữ hạng sang nhật bản
Ảnh: mag.japaaan.com

Lịch sử của Oiran

Sự ra đời và phát triển

Cho đến năm 1617, mại dâm hoàn toàn hợp pháp ở Nhật Bản, nhưng vào năm đó, Mạc phủ Tokugawa đã ban hành lệnh khoanh vùng các nhà thổ tại một số khu vực nhất định ở ngoại ô thành phố, được gọi là Yukaku.

Yujo (遊女 – Du Nữ) hay gái làng chơi, kỹ nữ đã được cấp phép và xếp hạng theo một hệ thống phân cấp phức tạp, với Oiran ở thứ bậc trên cùng.

Từng có ba khu phố đèn đỏ nổi tiếng là Shimabara ở Kyoto, Shinmachi ở Osaka và Yoshiwara ở Edo. Những nơi này nhanh chóng phát triển thành các "khu giải trí" rộng lớn, khép kín và cung cấp mọi loại hình thư giãn cho đàn ông.

yoshiwara

Khu phố đèn đỏ Yoshiwara thời Edo. Ảnh: Nippon

Những “quận đèn đỏ” này không được lập ra vì lý do đạo đức mà là để thực thi việc đánh thuế và ngăn chặn những kẻ không được ưa chuộng như ronin (samurai vô chủ). Các kỹ nữ cũng không được phép rời khỏi quận trừ một số trường hợp được kiểm soát chặt chẽ.

Tại Yukaku, kỹ nữ không bị phân biệt bởi xuất thân, đó là điều may mắn với các cô gái đến từ gia đình nghèo khó, bị bán hoặc bị lừa vào nhà thổ. Thay vào đó, họ được xếp hạng dựa trên vẻ đẹp, tính cách, học vấn và khả năng nghệ thuật.

Dù ngày nay nhiều người đánh đồng Oiran thời Edo với gái mại dâm ở thời hiện đại, nhưng giữa hai nghề này có nhiều sự khác biệt. Oiran không chỉ có nhan sắc và khả năng tình dục, họ đồng thời là những nghệ sĩ giải trí, thông thạo các nghệ thuật truyền thống như Trà đạo, Ikebana, thư pháp,  hát múa, chơi đàn kokyu và koto...

Ngoài ra, họ cũng phải có kiến thức về các vấn đề xã hội, học thuật để có thể trò chuyện, đối đáp với khách hàng bằng thứ ngôn ngữ trang trọng.

oiran thời edo
Các kỹ nữ Oiran thông thạo nhiều loại hình nghệ thuật. Ảnh: metmuseum

Chính vì vậy, dịch vụ của Oiran nổi tiếng đắt đỏ và khó tiếp cận, họ thường chỉ phục vụ cho tầng lớp thượng lưu trong xã hội và còn có biệt danh là “keisei” (傾城 – Khuynh Thành” (nghĩa đen là “lật đổ lâu đài”) vì khả năng “đánh cắp” trái tim của những nhân vật quyền cao chức trọng.

Thời bấy giờ, quận đèn đỏ Yoshiwara được mệnh danh là "nơi không có màn đêm". Yoshiwara đại diện cho một trong những địa điểm mà văn hóa "thượng lưu" có thể hòa nhập với văn hóa của tầng lớp thấp hơn, tạo nên một môi trường thẩm mỹ mới trong xã hội Edo.

Một biệt danh khác của nơi này là "ukiyo - 浮世” hay "thế giới nổi". Những bức tranh khắc gỗ nổi tiếng của Nhật Bản, được biết đến với tên gọi “ukiyo-e”, vốn bắt nguồn từ những quận đèn đỏ này. Thời bấy giờ, chúng thường mô tả những cảnh từ "thế giới nổi" như kỹ nữ, diễn viên kabuki, đô vật sumo, samurai, thương gia...

oiran là ai
 Ảnh: Alamy

Suy giảm và lụi tàn

Sự cô lập của những khu đèn đỏ, sự cứng nhắc trong hợp đồng của các Oiran (thường kéo dài từ 10-15 năm trước khi họ kết thúc sự nghiệp) và việc họ không thể rời khỏi các khu giải trí đã khiến Oiran dần trở nên lỗi thời và mang tính nghi lễ, không còn phù hợp với xã hội.

Bị giam trong “thế giới hoa và liễu” nên phong tục, thời trang, cách cư xử và thậm chí cả ngôn ngữ của họ vẫn tĩnh tại và ngày càng trở nên hình thức; họ yêu cầu một lời mời chính thức từ khách hàng và sẽ đến gặp họ trong những đám rước cầu kỳ có người hầu đi cùng.

Trang phục của Oiran ngày càng trở nên công phu, phức tạp và ngay cả những trò giải trí mà họ cung cấp cũng chỉ là những trò đã diễn đi diễn lại trong nhiều thế kỷ. Cuối cùng, họ trở nên tách biệt khỏi thế giới đàn ông đến mức ngay cả giới quý tộc cũng không thể tiếp cận.

tranh vẽ oiran
Ảnh: a.storyblok.com

Mặt khác, tầng lớp thương gia đang lên có nhiều tài sản nhưng địa vị xã hội thấp khiến họ không thể gặp gỡ Oiran. Thay vào đó, họ chuyển hướng sang các Geisha (hay Geiko).

Những nữ nghệ giả có khả năng đối đáp, biểu diễn các trò giải trí thông thường (và không bán thân) được người dân thời đó yêu thích. Ngay cả những vị khách bình thường cũng có thể dễ dàng tiếp cận các Geisha.

Vào đầu thời Minh Trị, ảnh hưởng của phương Tây ngày càng gia tăng trong xã hội Nhật khiến thái độ của chính quyền đối với việc hợp pháp hóa mại dâm đã có sự thay đổi. Đến cuối thế kỷ 19, Geisha đã thay thế Oiran trở thành nghệ sĩ giải trí được những người giàu có nhất trong xã hội Nhật Bản lựa chọn, còn Oiran ngày càng trở nên xa rời cuộc sống hàng ngày.

Oiran tiếp tục gặp gỡ khách hàng trong các khu vui chơi cũ nhưng không còn là xu hướng, và trong những năm Thế chiến thứ hai, khi bất kỳ sự phô trương tài sản nào cũng đều bị kiểm soát gắt gao, vì thế nền văn hóa xung quanh Oiran thậm chí còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Năm 1957, Luật Chống mại dâm đã giáng đòn cuối cùng khiến kỹ nữ trở thành nghề nghiệp bất hợp pháp trong xã hội Nhật Bản.

kỹ nữ thời minh trị

Oiran thời Minh Trị, bên trái là Yarite (người sắp xếp, liên lạc với khách hàng), bên phải là Kamuro (Oiran tập sự). Ảnh: Wikipedia

Diện mạo của một kỹ nữ Oiran

Vẻ ngoài của Oiran khác biệt rõ rệt so với cả Geisha và phụ nữ bình thường, phản ánh thị hiếu và kỳ vọng của khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ.

Ở đỉnh cao nghề nghiệp của các Oiran vào đầu thời Edo, họ cài đến tám chiếc trâm kanzashi lớn trên tóc, chúng thường được làm từ đồi mồi, bạc, vàng và đá quý. Kiểu tóc cũng phức tạp, đồ sộ và được bôi nhiều sáp; những kiểu tóc này đều có tên và ý nghĩa riêng, được dùng để đại diện cho các cấp bậc, mùa và dịp khác nhau.

kiểu tóc của oiran
Ảnh: mag.japaaan.com
Oiran sẽ mặc một bộ Kimono được thiết kế cầu kỳ và có nhiều lớp, trong đó lớp ngoài cùng thường được may bằng vài gấm có hoa văn lộng lẫy, được gọi là uchikake.
Dù cũng được mặc bởi các phụ nữ quý tộc, và kể từ cuối thời Minh Trị là các cô dâu, nhưng chiếc uchikake của Oiran lại lộng lẫy, sặc sỡ hơn muôn phần. Loại vải thường được dùng để may uchikake là donsu – một loại lụa dày và sáng bóng, và kinran – loại vải được dệt từ sợi vàng đắt đỏ.
trang phục oiran
Trang phục lộng lẫy của Oiran. Ảnh: susukino-ta.jp

Để phân biệt một Oiran, có thể nhìn vào bộ kimono của cô ấy, bởi phần nút thắt obi sẽ nằm ở phía trước thay vì sau lưng như thông thường. Bộ kimono của Oiran sẽ đi kèm với một đôi guốc gỗ có đế cao đến 20cm, màu đen gọi là kome geta. Họ không mang vớ tabi mà để chân trần.

Mặc dù làm từ gỗ cây hông và khá nhẹ, nhưng đôi guốc này khiến người mang chỉ có thể di chuyển bằng những bước nhỏ, chậm. Và kiểu đi đặc biệt này của các Oiran được gọi với cái tên "hachimonji" (hình số 8).

Tổng cộng, một bộ trang phục trang trọng mà một Oiran mặc khi diễu hành hoặc đi gặp khách hàng có thể nặng hơn 20kg và họ sẽ cần người hỗ trợ để mặc nó.

guốc geta
Kome geta cao 20cm.

Địa vị và cấp bậc của Oiran

Oiran là từ chỉ chung cho những kỹ nữ hạng sang và bản thân Oiran cũng được chia ra 6 cấp bậc khác nhau, theo thứ tự từ cao đến thấp là:

  • Tayu
  • Koushi
  • Yobidashi Tsukemawarashi
  • Sancha
  • Tsukemawarashi
  • Zashikimochi

Cấp bậc kỹ nữ cao quý nhất là Tayu (太夫), tiếp theo là Koushi (格子). Không giống như những kỹ nữ cấp thấp hơn, Tayu có đủ uy tín, quyền lực để từ chối khách hàng và không tham gia hoạt động mại dâm.

Địa vị cao của họ cũng khiến cho khoản tiền bỏ ra để gặp gỡ Tayu trở nên khổng lồ, có thể tương đương với tiền lương năm của một người bán hàng bình thường.

Rất ít kỹ nữ có thể đạt đến đẳng cấp Tayu; một cuốn sách hướng dẫn xuất bản năm 1688 đã liệt kê số lượng Tayu thời bấy giờ so với tất cả các kỹ nữ được đăng ký trong cùng một khu vực. Cụ thể:

  • Shimabara: 13 Tayu trong số 329 kỹ nữ đã đăng ký.
  • Shinmachi: 7 Tayu trong số 983 kỹ nữ đã đăng ký.
  • Osaka và Yoshiwara: 3 Tayu trong số 2.790 kỹ nữ đã đăng ký.
oiran nhật bản
Ảnh: japanistry

Năm 1761, Tayu cuối cùng của Yoshiwara nghỉ hưu, đánh dấu sự kết thúc của cấp bậc Tayu và Koushi trong quận giải trí này, mặc dù cả Tayu và Koushi vẫn tiếp tục làm việc ở Kyoto và Osaka.

Làm thế nào để gặp gỡ một Oiran?

Có thể nói, không giống như việc qua đêm với một kỹ nữ cấp thấp, để có cuộc gặp với Oiran sẽ phải trải qua một loạt các thủ tục.

Đầu tiên phải liên hệ với Hikitejaya (引手茶屋) – quán trà chuyên giới thiệu kỹ nữ vào thời Edo – để gửi lời mời đến Oiran. Theo thông lệ, Oiran sẽ để khách hàng của họ đến quán trà này thay vì ghé thăm trực tiếp. Vì thế, việc tiêu tiền cho những dịch vụ giải trí xa hoa tại các quán trà là điều cần thiết.

Trong phòng tatami, Oiran ngồi ở ghế trên, còn khách luôn ngồi ở ghế dưới vì Oiran có cấp bậc cao hơn khách hàng.

Ở lần gặp đầu tiên, Oiran ngồi cách xa vị khách và không trò chuyện hay ăn uống cùng họ. Lúc này, Oiran sẽ đánh giá xem liệu họ có phù hợp hay không. Khách hàng được yêu cầu thể hiện sự giàu có của mình bằng cách mời nhiều Geisha đến tham dự.

kỹ nữ oiran
Oiran trên đường đến gặp khách hàng. Ảnh: intojapanwaraku.com

Lần gặp thứ hai về cơ bản vẫn giống như lần gặp đầu tiên, dù vậy họ sẽ tiến lại gần hơn một chút.

Đến lần thứ ba, khi hai bên đã quen thuộc, khách hàng phải chuẩn bị khay và đũa có khắc tên của mình. Lúc này, khách cũng phải trả một khoản tiền gọi là “namikijin” cho Oiran. Thông thường ở lần thứ ba, họ sẽ có được sự phục vụ của Oiran.

Sau lần này, người đó sẽ trở thành Najimi (馴染み) – khách quen và nếu Namiji qua lại với một kỹ nữ khác sẽ bị xem là lăng nhăng, không chung tình. Nếu bị phát hiện, khách hàng sẽ phải xin lỗi và trả một khoản tiền.

Oiran Dochu – Lễ diễu hành Oiran

Quá trình mà một Oiran cùng với các Oiran tập sự (Kamuro và Furisode shinzo) di chuyển từ nơi ở của họ (Yujoya) đến khu giải trí (Ageya) hoặc quán trà Hikitejaya để gặp khách hàng được gọi là Oiran Dochu (花魁道中), trong đó “Dochu” nghĩa là “trên đường”. Buổi diễu hành kết thúc bằng cuộc gặp gỡ giữa Oiran và vị khách.

Oiran là một phần quan trọng của văn hóa Nhật Bản trong thời kỳ Edo, biểu trưng cho vẻ đẹp cùng sự duyên dáng đầy nữ tính. Thậm chí ngày nay, sự hiện diện của họ vẫn còn có thể cảm nhận được trong văn hóa hiện đại.

Dù Oiran chuyên nghiệp không còn tồn tại nhưng hình ảnh về họ vẫn được tái hiện qua các lễ diễu hành Oiran Dochu - một sự kiện văn hóa thú vị thu hút du khách đến chiêm ngưỡng.

Oiran Dochu gồm những gì?

Những cô gái trong vùng sẽ ăn mặc như các Oiran ở nhiều cấp bậc, trong đó Tayu – Oiran cấp cao nhất sẽ mặc một bộ kimono vô cùng lộng lẫy. Họ mang đôi guốc cao 20 cm, đội một bộ tóc giả to và nặng.

lễ hội oiran dochu
Ảnh: ikidane-nippon.com

Cùng với một nhóm đàn ông ăn mặc như sứ giả hoặc lính canh, họ diễu hành qua đường phố và kết thúc ở một sân khấu nơi họ tái hiện cuộc gặp gỡ giữa Tayu và khách hàng.

Đám rước còn có những nhân vật ngộ nghĩnh đeo mặt nạ kappa, kitsune hay sư tử đá, ban phước lành cho những người trong đám đông.

Tham dự Oiran Dochu ở đâu?

Có nhiều Dochu diễn ra quanh năm và địa điểm của chúng có thể khác nhau, nhưng một trong những sự kiện nổi tiếng nhất là Yoshiwara Oiran Dochu tại lễ hội Asakusa Kannon-ura Ichiyo Sakura. Sự kiện này thường diễn ra vào ngày thứ Bảy thứ hai của tháng Tư tại Tokyo.

Một số lễ hội khác với Oiran Dochu là: Ichiyo Zakura Matsuri ở Tokyo, Bunsui Sakura Matsuri ở Niigata, Shizuoka Matsuri ở Shizuoka, Miyazaki Oiran Dochu ở Miyazaki, Shakuson Kotan-sai ở Saitama, Shinagawa Shukuba Matsuri ở Tokyo, Osu Daido Chonin Matsuri ở Nagoya, Oiso Shukuba Matsuri ở Kanagawa và Maruyama Hana Matsuri ở Nagasaki.

oiran dochu diễu hành

Ảnh: ikidane-nippon.com

Một số sự thật về Oiran

Oiran không ngồi trong chiếc lồng Harimise

Chiếc lồng với những kỹ nữ ngồi phía sau song gỗ là một hình ảnh quen thuộc khi nhắc đến quận đèn đỏ Yoshiwara. Tuy nhiên, đây chỉ là nơi những kỹ nữ cấp thấp ngồi và chờ khách lựa chọn như một món hàng. Còn với các Oiran, để gặp mặt họ sẽ cần liên hệ qua các quán trà Hikitejaya.

Cần luyện tập rất nhiều để trở thành Oiran

Vì Oiran được kỳ vọng là những phụ nữ có văn hóa nên Kamuro (những cô gái trẻ là ứng cử viên trở thành Oiran) được giáo dục toàn diện về văn hóa và nghệ thuật như văn học cổ điển, thư pháp, Trà đạo, thơ ca Nhật Bản, nhạc cụ truyền thống và igo (một loại cờ của Nhật Bản giống như cờ vua)...

Oiran không sử dụng tên thật

Oiran chọn tên của mình từ những cái tên liên quan đến thơ ca, thiên nhiên và văn học. Tên của Oiran có thể được kế thừa bởi một Oiran khác khi họ được thăng cấp.

kỹ nữ hạng sang

Oiran có còn tồn tại ngày nay?

Mại dâm bị coi là bất hợp pháp ở Nhật Bản vào năm 1958, do đó Yujo và Oiran không còn tồn tại. Một nhóm nhỏ Tayu vẫn còn hoạt động ở Kyoto cho đến ngày nay, nhưng chức năng của họ giống như một Geisha, đó là cung cấp các trò giải trí như nhảy múa, chơi đàn trong các bữa tiệc.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU