Ninja có phải là Shinobi? Giải mã nhẫn thuật, biểu tượng “sát thủ” trong văn hóa Nhật

Bài: RinSep 28, 2023

Bộ trang phục đen kín mít, khả năng hóa trang tài tình, thường xuyên sử dụng phi tiêu Shuriken hay có thể di chuyển trên mặt nước... là những gì nhiều người nghĩ đến khi nói về các Ninja Nhật Bản. Thế nhưng đây có hoàn toàn là sự thật?

Ninja là gì? Shinobi là gì?

Ninja là đặc vụ bí mật, lính đánh thuê hoặc chuyên gia đánh du kích trong thời phong kiến Nhật Bản. Họ thực hiện nhiều nhiệm vụ như trinh thám, gián điệp, sát thủ và thậm chí là vệ sĩ. Các Ninja nổi tiếng với nhiều kỹ năng chiến đấu đặc trưng được gọi chung là Ninjutsu – Nhẫn thuật.

ninja là gì
Ảnh: Canva

Chữ “Ninja – 忍者 – Nhẫn Giả” còn có cách đọc khác là “Shinobi-mono” và thường được rút gọn thành “Shinobi”. Chính vì thế, từ Ninja hay Shinobi đều chỉ chung một đối tượng và có thể sử dụng thay thế cho nhau.

Nguồn gốc ra đời của Ninja

Vào khoảng thế kỷ 15, trong thời kỳ Sengoku (Chiến Quốc), gián điệp bắt đầu được đào tạo đặc biệt theo mục đích, kéo theo sự ra đời của Shinobi. Trong lịch sử, từ Shinobi xuất hiện trước, sau này mới có thêm cách đọc là Ninja.

Bấy giờ, trong giới Samurai, lễ nghi và sự chính trực được đề cao, các võ sĩ luôn chiến đấu một cách công khai. Nhưng bối cảnh xã hội loạn lạc thời Sengoku đã làm phát sinh nhu cầu về những người sẵn lòng làm các công việc được xem là tai tiếng, bẩn thỉu.

Các Shinobi hay Ninja được tuyển dụng cho những công việc như vậy. Họ được đào tạo để làm gián điệp, phóng hỏa, đột nhập hay thậm chí là ám sát, khủng bố.

Hệ thống mới này cũng chuyển giao sự giàu có cho tầng lớp thấp hơn, vì các Ninja được trả công hậu hĩnh cho công việc của họ. Tất nhiên, kẻ thù của Samurai cũng có thể thuê Ninja để ám sát họ, và kết quả là Samurai vừa khinh thường mà cũng vừa sợ hãi những sát thủ Nhật Bản này.

tranh vẽ ninja
Tranh vẽ Ninja của họa sĩ Hokusai. Ảnh: Wikipedia

Thời xưa, các gia đình Ninja được hợp lại thành nhóm, mỗi nhóm như vậy sẽ sở hữu lãnh thổ riêng. Trong số các gia tộc Ninja, nổi tiếng nhất là Iga và Koga. Họ vốn là những gia đình Jizamurai - chiến binh nông dân sống ở tỉnh Iga (nay là tỉnh Mie) và khu vực lân cận Koga (nay là tỉnh Shiga). Lúc bấy giờ, đây là những ngôi làng chuyên đào tạo Ninja đầu tiên tại Nhật.

Sự hẻo lánh và khó tiếp cận của những ngọn núi quanh Iga đóng vai trò quan trọng để lực lượng này có thể phát triển trong bí mật. Các tài liệu lịch sử Nhật Bản về nguồn gốc của Ninja ở những vùng miền núi trên được xem là có độ chính xác cao.

Ninja chuyên nghiệp được các lãnh chúa tích cực chiêu mộ kể từ năm 1485 để hỗ trợ họ trong các cuộc chiến tranh giành quyền lực. Tuy nhiên, dù là một “vũ khí” quan trọng trong thời Chiến quốc, giới Ninja cũng tạo ra một số ảnh hưởng theo hướng bất ổn. 

Do đó, khi Oda Nobunaga nổi lên như vị lãnh chúa mạnh nhất và bắt đầu thống nhất Nhật Bản vào năm 1551-1582, ông coi các thành trì Ninja ở Iga và Koga là những mối đe dọa. Mặc dù nhanh chóng đánh bại và thu phục lực lượng Ninja Koga, Nobunaga gặp nhiều rắc rối hơn với Iga.

lãnh chúa Oda Nobunaga 1

Lãnh chúa Oda Nobunaga. Ảnh: Wikipedia

Trong Cuộc nổi dậy Iga (1581), Nobunaga đã tấn công Iga với lực lượng áp đảo hơn 40.000 người. Cuộc tấn công nhanh như chớp của lãnh chúa đã buộc các Ninja phải giao chiến trực tiếp, kết quả là họ bị đánh bại và phải phân tán đến các tỉnh lân cận hoặc vùng núi Kii. 

Dù căn cứ bị phá hủy nhưng Ninja vẫn không biến mất hoàn toàn. Dẫu vậy, số lượng của họ đã suy giảm đáng kể. 

Một số chọn phục vụ dưới trướng Tokugawa Ieyasu, người trở thành Tướng quân vào năm 1603, số khác vẫn phục vụ cho cả hai bên trong nhiều cuộc chiến khác nhau. Những cựu thành viên gia tộc Iga, bao gồm Ninja lừng danh Hattori Hanzo về sau đã trở thành vệ sĩ dưới trướng Tokugawa.

Thời kỳ Edo (1603-1868) dưới thời Mạc phủ Tokugawa đã mang lại sự ổn định và hòa bình cho Nhật Bản, đưa câu chuyện Ninja đến hồi kết. Tuy nhiên, các kỹ năng và truyền thuyết về Ninja vẫn tồn tại và được tô điểm để làm sống động các bộ phim, trò chơi và truyện tranh ngày nay.

naruto anime
Câu chuyện của Naruto và những Ninja Làng Lá thu hút bao thế hệ độc giả khắp thế giới.

Những sự thật thú vị về Ninja

Tên gọi Shinobi ra đời trước cả Ninja

Từ “Shinobi” đã xuất trong nhiều ghi chép từ cuối thế kỷ 8 như trong tuyển tập thơ Waka lâu đời nhất Nhật Bản – Manyoshu (Vạn Diệp Tập). Ý nghĩa cơ bản của Shinobi (忍) là “đánh cắp, ẩn nấp” và rộng hơn là “nhẫn nại”, chính vì thế nó liên quan đến đặc điểm của nhẫn giả. Trong nhiều tài liệu lịch sử, từ Shinobi cũng được sử dụng rộng rãi hơn.

Còn ở phương Tây hậu Thế chiến II, thuật ngữ Ninja được sử dụng phổ biến hơn Shinobi có lẽ bởi nó dễ phát âm. Dần dà, Ninja trở thành từ được sử dụng rộng rãi bên ngoài nước Nhật. Ngoài ra, để chỉ các Ninja nữ, trong tiếng Nhật còn có từ “Kunoichi”.

Ninja không mặc trang phục màu đen

Nhiều khuôn mẫu phổ biến về Ninja đã được sinh ra trong nhà hát kịch thời Edo. Đó là hình ảnh sát thủ với trang phục đen toàn thân, được cho là lấy ý tưởng từ những người hỗ trợ “Kuroko” hay “Kurogo” trong kịch Kabuki.

Kuroko là những người đảm nhiệm vai trò giúp thay đổi phục trang cho diễn viên hay điều phối đạo cụ trên sân khấu, tạo sự mượt mà cho vở diễn. Họ mặc trang phục đen là để khán giả không nhìn thấy mình.

Còn trong thực tế, Ninja chỉ mặc các trang phục bình thường nhằm tránh gây sự chú ý và dễ dàng thực hiện các nhiệm vụ gián điệp.

trang phục ninja
Ninja thực tế không mặc trang phục màu đen mà mặc thường phục để dễ dàng thực thi nhiệm vụ. Ảnh: World History FAQ

Ninja khiến quân địch hoang mang

Vai trò chính của Ninja là gián điệp. Với kỹ năng cải trang, Ninja thu thập thông tin về địa hình và địa điểm căn cứ của kẻ thù, cũng như mật mã và thông tin liên lạc. Sau này, Ninja Koga trở thành đặc vụ của Mạc phủ Tokugawa, giữ vai trò mạng lưới tình báo để giám sát các lãnh chúa và cả Hoàng cung.

Cùng với gián điệp, Ninja còn gây ra hành vi phá hoại, nhắm vào lâu đài và doanh trại. Đặc biệt, các vụ ám sát nổi tiếng nhất liên quan đến các nhân vật lịch sử cũng được cho là do Ninja thực hiện. Vào năm 1571, xạ thủ Sugitani Zenjubou - một Ninja của Koga đã được thuê để sám sát Tướng quân Oda Nobunaga nhưng bất thành.

Các cấp bậc của Ninja

Từ thời Sengoku, trong giới Ninja đã xuất hiện hệ thống cấp bậc được phân loại như sau:

  • Cấp 1: Jounin (上忍 – Thượng Nhẫn) là người đứng đầu, đại diện cho nhóm và chịu trách nhiệm tuyển dụng Ninja cấp dưới.
  • Cấp 2: Chuunin (上忍 – Trung Nhẫn) là trợ thủ cho Jounin.
  • Cấp 3: Genin (下忍 – Hạ Nhẫn) là Ninja thực địa, tuyển chọn từ tầng lớp thấp kém và thực thi các nhiệm vụ thực tế.

Ninjutsu: Những nhẫn thuật nổi tiếng của Ninja

Những kỹ thuật của Ninja Nhật Bản được biết đến rộng rãi trong thời hiện đại có tên gọi chung là Ninjutsu (忍術 – Nhẫn Thuật) – một tập hợp của nhiều kỹ năng sinh tồn và gián điệp. Giống với Samurai, Ninja cũng được đào tạo chuyên nghiệp ngay từ tấm bé và được kế thừa qua nhiều đời.

Ngoài các môn võ thuật Nhật Bản truyền thống, người học nghề ở độ tuổi thanh thiếu niên còn phải trau dồi về kỹ năng sinh tồn, trinh sát cũng như thông tin liên quan về chất độc và chất cháy nổ. Huấn luyện về thể chất cũng quan trọng không kém, bao gồm chạy đường trường, leo núi, di chuyển không phát ra tiếng động và bơi lội.

Họ cũng cần trang bị vốn kiến thức nhất định về một số nghề nghiệp thông dụng nếu có yêu cầu phải cải trang. 

kỹ thuật trèo tường
Ninja được trang bị nhiều kỹ năng như leo trèo, chạy đường trường. Ảnh: Nippon

Ninja thường không hành sự đơn lẻ do vậy tồn tại nhiều kỹ thuật hoạt động nhóm. Chẳng hạn như để leo qua một bức tường, một nhóm Ninja có thể cõng nhau trên lưng hoặc tạo thành bệ đỡ cho một người trong nhóm leo qua tường.

Dưới đây là một số nhẫn thuật cơ bản:

  • Hitsuke: Đánh lạc hướng lính canh bằng việc đốt lửa cách xa nơi cần đột nhập, xếp vào nhóm “Kỹ thuật lửa” (Katon no Jutsu).
  • Tanuki-gakure: Trèo cây và ngụy trang trong tán lá, xếp vào nhóm “Kỹ thuật gỗ” (Mokuton no Jutsu)
  • Ukigusa-gakure: Thả bèo trên mặt nước nhằm che giấu chuyển động dưới nước, thuộc nhóm “Kỹ thuật nước” (Suiton no Jutsu).
  • Uzura-gakure: Cuộn tròn mình thành quả bóng và bất động giống như tảng đá, thuộc “Kỹ thuật đất” (Doton no Jutsu).

Cải trang khá phổ biến trong giới Ninja. Họ có thể hóa thành linh mục, nghệ sĩ, thầy bói, thương nhân, nhà sư hay bất cứ ai. Khi trong vai một nhà tu khổ hạnh, Ninja dễ di chuyển tự do qua các khu vực chính trị khác nhau. Chiếc áo choàng rộng của nhà sư cho phép Ninja giấu đi các vũ khí mang trong người.

nhà sư komusou
Ninja cũng thường hóa trang thành những nhà sư Komuso. Chiếc mũ lớn che kín mặt giúp họ dễ che giấu danh tính. Ảnh: Wikipedia

Các loại vũ khí của Ninja

Ninja sử dụng đa dạng các dụng cụ, vũ khí. Một số dụng cụ được sử dụng để xâm nhập vào lâu đài được miêu tả trong cuốn sách Bansenshuukai ở thế kỷ 17, chúng bao gồm vật dụng để leo trèo như dây thừng và móc câu, thang dây có gai ở hai đầu để neo lại, búa, khoan...

Phi đao Kunai dù thường được miêu tả là vũ khí quen thuộc của giới nhẫn giả, nhưng nó chủ yếu được dùng để đục lỗ trên tường. Họ còn dùng dao và cưa nhỏ (Hamagari) để đục lỗ xâm nhập vào nhà. Đặc biệt, còn có cả Saoto Hikigane, thiết bị dùng để nghe lén có dạng hình ống.

Nổi tiếng hơn cả là Mizugumo , đôi giày gỗ giúp Ninja Nhật Bản đi trên mặt nước, hoạt động theo cơ chế phân bổ trọng lượng của người mang lên đáy giày rộng, với tên gọi lấy cảm hứng từ loài nhện nước Mizugumo của Nhật. Để ở lâu dưới nước, Ninja cũng dùng ống thở và loại trang phục bằng da có thể thổi phồng.

giày ninja
Giày đi trên nước Mizugumo của Ninja. Ảnh: flickr

Hạt gạo Goshiki-mai có 5 màu được ứng dụng trong hệ thống mật mã và đánh dấu cho đồng đội theo sau. Tuy có vô số dụng cụ dành cho Ninja, tuyển tập Bansenshukai cho rằng một người không nên trang bị quá nhiều dụng cụ, bởi “một Ninja thành công là người biết dùng một dụng cụ cho nhiều nhiệm vụ”.

Kiếm ngắn và dao găm cũng được Ninja Nhật Bản sử dụng nhưng có lẽ Katana lại được ưa chuộng hơn cả. Còn phi tiêu hình ngôi sao Shuriken lại không được sử dụng nhiều, thậm chí là không dùng như Ninja ở tỉnh Fukui.

Cung tên được dùng để bắn tỉa và một số cung của Ninja được thiết kế nhỏ hơn loại truyền thống. Bộ xích kèm liềm – Kusarigama “nhân đôi” công năng cho Ninja. Ở cuối dây xích được trang bị một quả tạ nhỏ, chính sức nặng của quả tạ làm cho vô hiệu hóa hoặc bị thương đối phương, còn liềm dùng để thủ tiêu đối thủ ở cự ly gần.

Thêm nữa, Ninja sử dụng chất nổ được du nhập từ Trung Hoa trong chiến đấu như bom cầm tay, lựu đạn hay chất độc, gai nhọn, ống thổi, phi tiêu tẩm độc và súng cầm tay.

vũ khí của ninja
Vũ khí của Ninja. Ảnh: BBC

Những Ninja nổi tiếng nhất lịch sử

Hattori Hanzo

Hattori Hanzo (1542 – 1597) hay Hanzo đệ nhị, có biệt danh là Oni no Hanzo (Hanzo Ác Quỷ) là một Ninja tài hoa thuộc gia tộc Iga danh tiếng. Biệt danh Oni no Hanzo ra đời bởi những chiến thuật dũng cảm mà ông đã táo bạo thực hiện. Ông nổi danh là một nhà chiến thuật lão luyện và bậc thầy về đấu kiếm.

Hanzo chính là người đã cứu sống Tokugawa Ieyasu khi dẫn 300 Ninja hộ tống vị Tướng quân tương lai đến tỉnh Mikawa an toàn, vượt qua thế lực thù địch ở Iga. Sau đó, Hanzo đã hỗ trợ Tokugawa trở thành vị anh hùng thống nhất Nhật Bản.

Ông qua đời vào năm 1596 khi 55 tuổi. Chính nhờ những đóng góp vẻ vang trong lịch sử, ông trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho văn hóa đại chúng như manga, phim ảnh ngày nay.

ninja hattori hanzo

Ninja Hattori Hanzo trở thành nguồn cảm hứng cho phim ảnh. Ảnh: allthatsinteresting.com

Momochi Sandayu

Momochi Sandayu là thủ lĩnh của phái Ninja Iga vào nửa sau thế kỷ 16 và hầu như mọi người đều tin rằng ông đã qua đời sau cuộc tấn công Iga của Tướng quân Oda Nobunaga. Tuy nhiên, cũng tồn tại giai thoại cho rằng ông đã trốn thoát và sống như một nông dân ở tỉnh Kii.

Ông trở thành một “huyền thoại” Ninja bởi lời dạy rằng Ninjutsu nên dùng như phương sách cuối và chỉ nên sử dụng vì chính nghĩa để cứu mạng Ninja, hỗ trợ lãnh chúa hoặc phục vụ chỉ huy.

Mochizuki Chiyome

Mochizuki Chiyome là thủ lĩnh của đội quân Ninja nữ Kunoichi hàng trăm người phục vụ cho gia tộc Takeda. Bà là hậu duệ của Ninja Mochizuki Izumo-no-Kami sống ở thế kỷ 15, thuộc gia tộc Ninja Koga và kết hôn với Mochizuki Moritoki, lãnh chúa Samurai của quận Saku, tỉnh Shinano (nay là tỉnh Nagano).

Sau khi chồng tử trận, Chiyome được bảo trợ bởi người chú của chồng, chính là lãnh chúa Takeda Shingen – thủ lĩnh của gia tộc Takeda. Bà được giao cho nhiệm vụ lập đội Ninja nữ để chống lại lực lượng đối địch.

Mochizuki Chiyome

Mochizuki Chiyome. Ảnh: assassinscreed.fandom.com

Với tài năng cầm quân, Chiyome thành lập được mạng lưới gián điệp gồm 200 đến 300 người. Các Kunoichi được đào tạo gắt gao để có thể trở thành tình báo, sát thủ, geisha chuyên mê hoặc đàn ông, hay được dạy kỹ năng của vu nữ Miko ở đền Thần đạo.

Nhờ lực lượng hùng hậu này, lãnh chúa Takeda luôn đi trước đối thủ một bước về tin tình báo. Kể từ sau sự qua đời bí ẩn của lãnh chúa vào năm 1573, tin tức về Ninja Chiyome cũng dần biến mất.

Trải nghiệm văn hóa Ninja tại Nhật Bản

Fan của các bộ manga như Ninja loạn thị, Naruto hoặc những ai mong muốn tìm hiểu thêm về biểu tượng văn hóa này sẽ không thể bỏ qua những địa điểm và trải nghiệm thú vị dưới đây:

Bảo tàng Iga Ninja

Tuy có quy mô nhỏ nhưng Bảo tàng Iga Ninja (忍者博物館) mang đến những trải nghiệm toàn diện, như một ngôi nhà của Ninja sinh sống sẽ như thế nào: những bức tường xoay, cánh cửa lật và mật thất.

Hai sảnh trưng bày là nơi du khách được tận mắt chiêm ngưỡng các dụng cụ, đồ dùng, trang phục và vũ khí của Ninja, cùng những thông tin về cuộc sống cũng như nhẫn thuật mà Ninja sử dụng.

Những buổi biểu diễn Ninja sẽ khiến bạn mãn nhãn bởi các kỹ năng thực tế mà Ninja sử dụng cùng vũ khí họ dùng để chiến đấu, bao gồm màn ném phi tiêu hình ngôi sao Shuriken.

bảo tàng ninja iga
Bảo tàng Igaryu Ninja. Ảnh: Nippon

Làng Ninja nhí Chibiko

Làng Ninja nhí Chibiko (チビッ子忍者村) là một công viên chủ đề Ninja tọa lạc ở núi Togakushi, thành phố Nagano – quê hương của trường Ninja Togakure huyền thoại.

Được bao quanh bởi khu rừng, nơi đây thiết kế nhiều khóa vượt chướng ngại vật và tập luyện trong rừng dành cho du khách, khiến bạn như đang bước vào khóa huấn luyện trở thành Ninja thực thụ.

Bạn cũng có thể thử thổi phi tiêu và ném Shuriken; trải nghiệm tham quan hai biệt thự Ninja với mê cung, cửa sập và vũ khí. Một trong hai ngôi nhà còn có phòng sử dụng ảo ảnh quang học để đánh lừa tâm trí.

làng ninja chibiko nagano
Làng Ninja nhí Chibiko. Ảnh: ninjamura.com

Làng Ninja Koka

Tọa lạc ở thành phố Koga, tỉnh Saga – nơi khai sinh ra phái Ninja Koga lừng danh, làng Ninja Koga ở chân ngọn núi Suzuka là một nơi lý tưởng để du khách tìm hiểu sâu sắc về nhẫn giả. Bản thân ngôi làng mang bầu không khí làng quê yên bình, đặc trưng bởi những ngôi nhà với cửa sập, hầm trú ẩn để lẩn trốn khi bị tấn công.

Du khách dễ dàng thuê trang phục Ninja với giá 1.030 yên dành cho người lớn và 610 yên cho trẻ em, trải nghiệm ném Shuriken vào mục tiêu bằng rơm. Ngoài ra, nơi đây cũng cung cấp các khóa huấn luyện kỹ năng của Ninja như khoét tường hay lướt trên mặt nước bằng dụng cụ riêng. Kết thúc buổi huấn luyện tại đây, du khách nhận được cuộn giấy chứng nhận đã gia nhập vào đoàn Ninja.

Thêm vào đó, Ninjutsu Yashiki (ngôi nhà Ninja) gần 300 năm lịch sử cũng là địa điểm thú vị bạn không nên bỏ lỡ, đây là nơi mà những Ninja thực thụ từng sinh sống. Bên trong có nhiều bẫy được cài khéo léo và chỗ ẩn nấp.

ninja di chuyển trên mặt nước

Trải nghiệm đi trên mặt nước như Ninja tại làng Koka. Ảnh: allabout-japan.com

Khóa học đào tạo Ninja

Ngoài các buổi trải nghiệm trở thành Ninja ở các bảo tàng và làng Ninja, bạn còn có thể tham gia khóa học chuyên sâu về Nhẫn thuật được Hội đồng Ninja Nhật Bản tọa lạc ở quận Taito, Tokyo mở tại “Trung tâm Thông tin NINJA Tokyo - NINJA Information Center Tokyo”.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU