Những Yokai là biểu tượng cho vụ mùa bội thu

Bài: Happy
Oct 29, 2022

Nguồn: Gaijinpot

Truyền thuyết về các sinh vật ma quái, huyền bí luôn là một phần đặc biệt trong tín ngưỡng dân gian của người Nhật. Cùng Kilala điểm qua những Yokai là biểu tượng báo hiệu một vụ mùa bội thu nhé!

1. Amabie (アマビエ) 

Amabie trong truyền thuyết Nhật Bản là một nàng tiên cá hay người cá có ba chân đến từ biển cả và có khả năng tiên tri về mùa màng hoặc bệnh dịch. Tài liệu duy nhất được biết cho đến ngày nay nói về việc nhìn thấy Amabie là một bản tin in bằng kỹ thuật khắc gỗ từ tháng 4/1846. 

amabie
Amabie là yokai có hình dáng người cá. Ảnh: grapee.jp

Theo đó, lần đầu tiên và duy nhất Amabie từng xuất hiện là ở ngoài khơi khu vực Higo (tỉnh Kumamoto ngày nay), phía Nam đảo Kyushu. Một quan viên địa phương tình cờ bắt gặp một sinh vật trong giống người cá nổi lên từ biển, tự giới thiệu bản thân là “Amabie sống ở biển” và dự đoán “Trong 6 năm tới, khắp nước Nhật mùa màng bội thu, nhưng đồng thời cũng xảy ra đại dịch”. 

Vào khoảng tháng 3/2020, trong làn sóng đầu tiên của đại dịch COVID-19, Amabie đột nhiên gây sốt trên mạng xã hội Nhật Bản khi hình ảnh Yokai này được chia sẻ rộng khắp với hashtag #AMABIEchallenge. Trào lưu AMABIE xuất phát từ niềm tin của người Nhật rằng những bức vẽ Yokai sẽ là "lá bùa" giúp họ xua đuổi và tránh được dịch bệnh.

Xem thêm: Amabie: Yokai sở hữu quyền năng xua đuổi dịch bệnh

Thời điểm đó, Amabie thực sự trở thành một “meme” được yêu thích vô cùng, nhà nhà người người đều hưởng ứng #AMABIEchallenge. Các nhãn hàng cũng không nằm ngoài trao lưu khi nhanh chóng in hình “nàng tiên cá” kỳ quái này lên các sản phẩm như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, bánh quy, sushi, cơm hộp bento...
sản phẩm hình amabie
Bánh in hình Amabie. Ảnh: miraihuman.com

Bộ y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng chọn Amabie làm hình ảnh đại diện cho chiến dịch an toàn cộng đồng của bộ khi đăng tải thông điệp đi kèm với hình ảnh Amabie trên tài khoản truyền thông chính thức, động viên người dân chung tay “đẩy lùi sự lây nhiễm của dịch bệnh”.

amabie covid 19
Amabie được chọn làm hình ảnh đại diện cho chiến dịch phòng chống corona. Ảnh: 3.nhk.or.jp

2.Kudan (件)

Nhìn vào ký tự kanji thì tên gọi Kudan (件) bao gồm hai bộ là人 (nhân: người) và 牛 (ngưu: bò). Trong truyền thuyết Nhật Bản, Kudan là yêu quái nửa người nửa bò được gọi là “bò đầu người” hay “ngưu nhân diện”, tương tự Minotaur trong thần thoại Hy Lạp.

kudan
Kudan là yêu quái nửa người nửa bò. Ảnh: The Creature Codex

Tuy nhiên, nếu trong thần thoại Hy Lạp hoặc vùng Trung Cận Đông, ngưu nhân là sinh vật có thân người nhưng mang đầu bò thì Kudan Nhật Bản lại có thân hình của một con bò nhưng có khuôn mặt của con người.

Kudan là sinh vật sinh ra chỉ để nhắn lại lời tiên tri về một điều gì đó rồi chết đi. Đó thường là những dự đoán về mùa màng, nạn đói, bệnh dịch hay chiến tranh.

Ở Nhật, cụm từ “Kudan no Gotoshi - 件の如し” (nghĩa đen: giống như Kudan) thường xuất hiện ở cuối chứng thư, văn bản hành chính với ý nghĩa “như đã mô tả ở trên”. Thành ngữ này được cho là bắt nguồn từ yêu quái Kudan, để chỉ về một điều gì đó luôn đúng, như lời tiên tri của Kudan vậy.

Ngày nay, Kudan được xem là biểu tượng của may mắn cho con người, đặc biệt hình ảnh của yêu quái này báo hiệu cho một vụ mùa dồi dào.

3. Myobu (命婦)

Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, Myobu là sứ giả của thần Inari Okami – vị thần của gạo, trà và rượu sake; của nông nghiệp và công nghiệp; của sự thịnh vượng và thành công trong thế gian. 

Myobu là những linh hồn cáo gắn liền với hình ảnh bộ lông trắng muốt, đuôi đầy lông gợi nhớ đến những bông lúa trĩu hạt. Chúng là những sinh vật linh thiêng, tượng trưng cho điềm lành, mang lại may mắn cho người xung quanh.

myobu linh hồn cáo
Myobu là những linh hồn cáo, biểu tượng của phước lành. Ảnh: thesupernaturalfoxsisters.com

Từ xa xưa, cáo đã được xem là động vật đại diện cho thần linh và nông dân Nhật Bản cổ xưa rất tôn sùng loài cáo. Cáo là “thiên địch” của loài chuột gặm nhấm phá hoại mùa màng nên thường được chọn làm người hầu và sứ giả cho các vị Thần Nông.

Ngày nay, các bức tượng cáo Myobu thường được tìm thấy ở các đền thờ thần Inari với vai trò là người bảo vệ và là biểu tượng của phước lành, may mắn.

4. Himeuo (姫魚)

Himeuo thường được biết đến với tên gọi Jinja hime (神社姫), là một sinh vật ngoằn ngoèo dài khoảng 6m, với hai sừng trên đầu, đuôi dài và chân chèo. Jinja hime có khuôn mặt của một người phụ nữ, ngoại hình gần giống với Ningyo, nàng tiên cá trong truyền thuyết Nhật Bản.
Jinja Hime dành phần lớn cuộc đời ở dưới nước, và hiếm khi tương tác với con người. Yokai này là người hầu của Ryuuguu (竜宮 – long cung), cung điện của vua rồng biển.

himeuo
Himeuo có ngoại hình gần giống với Ningyo. Ảnh: Wiki Commons

Tương truyền, Yokai này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1819 ở tỉnh Hizen (địa phận tỉnh Saga và Nagasaki ngày nay), được nhìn thấy bởi Kato Ebian, một học giả thời Edo.

Kato kể lại rằng ông đã gặp một sinh vật giống cá trên bãi biển Hizen, sinh vật này nói với ông rằng “Tôi là một sứ giả từ long cung, được gọi là Jinja hime. Trong 7 năm tới, sẽ có một vụ mùa bội thu, sau đó là một trận dịch tả.”

Ngày nay, hình ảnh Jinja hime thường được tìm thấy trong các ngôi nhà Nhật Bản vào mùa thu hoạch.

Xem thêm: 10 câu chuyện ma nổi tiếng nhất Nhật Bản

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU