Những thiết kế thổi bùng sức sống cho bong bóng giấy ở Niigata

Bài: Ciro
Jul 17, 2023

Nguồn: Japan News

Những chiếc bóng bay giấy làm bằng tay từng là đặc sản của vùng Izumozaki, tỉnh Niigata nhưng dần bị quên lãng bởi sự ra đời của những công cụ giải trí hiện đại. Một công ty đã tìm cách vực dậy ngành nghề truyền thống của địa phương bằng cách thổi luồng gió mới vào thiết kế của những chiếc bóng giấy.

bong bóng giấy izumozaki
Ảnh: Japan News

Khởi đầu là công việc phụ trong mùa đông

Nghề làm bong bóng giấy ở Izumozaki được cho là bắt đầu từ hơn một trăm năm trước. Theo truyền thống, đánh cá là ngành công nghiệp chính của thị trấn nhỏ tiếp giáp với Biển Nhật Bản này. Tuy nhiên, vào mùa đông, có nhiều ngày ngư dân không thể ra khơi vì biển động thường xuyên, vì vậy làm bóng giấy được xem như một công việc phụ trong thời gian này.

thị trấn izumozaki, tỉnh niigata
Izumozaki là một thị trấn nhỏ ven biển ở tỉnh Niigata. Ảnh: en.wikivoyage.org 

Bà Shigeko Isono (71 tuổi), chủ tịch thứ tư của xưởng sản xuất bong bóng giấy Isono Kamifusen Seizojo cho biết, chủ tịch đầu tiên của họ đã bắt đầu công việc này vào năm 1919 theo cách như vậy.

Ngày nay, bong bóng của Isono vẫn được sản xuất theo kiểu giống như thời xưa với vật liệu chính là giấy Glassine*. Nó được cắt thành các mảnh hình chiếc thuyền, sau đó dán 8 mảnh như vậy lại với nhau để tạo thành hình cầu. Một mảnh giấy được dùng để bịt kín đáy quả cầu và một mảnh khác có lỗ thoát khí ở đỉnh cầu.

*Giấy Glassine với nhiều tên gọi khác như giấy bóng kính, giấy dầu, giấy sáp, giấy phủ Silicone,... là một loại giấy tương đối tương đối đẹp, trong suốt, đa dạng về màu sắc nhưng có màu phổ biến là màu trắng, mỏng, mịn, có khả năng chống  nước. Giấy Glassine có 2 loại là giấy bóng kính mờ và giấy bóng kính trong suốt.

Cần đến 7 bước để làm ra một quả bóng bằng giấy, trong có 3 bước gồm dán tám mảnh giấy để tạo thành hình cầu, chủ yếu là thuê các nghệ nhân trong tỉnh làm. Đây là một phần của truyền thống chia sẻ công việc ở thị trấn trong những ngày mùa đông. Hệ thống này cũng phù hợp với cách Izumozaki được xây dựng - các ngôi nhà thường nằm dọc theo một con phố chính gần biển.

“Khi bạn hoàn thành phần của mình, bạn mang nó đến ngôi nhà tiếp theo. Ở thị trấn này, nhà nào cũng có người trong họ hoặc hàng xóm làm nghề làm bong bóng giấy. Chuyện nhìn thấy mọi người dán giấy hoặc làm khô bóng giấy gần lối vào nhà của mình là điều khá phổ biến”, bà Isono cho biết

Bước ngoặt từ thiết kế cá vàng

Chồng của bà Isono, ông Shinya là chủ tịch thứ ba của công ty. Vào năm 1987, thời điểm họ tổ chức đám cưới, giải trí dành cho trẻ em đã bị chi phối bởi trò chơi điện tử và đồ chơi do các công ty lớn sản xuất. Lúc bấy giờ, công ty của ông bà chỉ sản xuất hai loại bóng giấy, một là loại nhiều màu truyền thống, hai là loại được in với một bài thơ của Ryokan, một thiền sư Phật giáo sinh ra ở thị trấn vào năm 1758.

Sau đó, Isono nghĩ đến việc tăng thêm nhiều loại với hy vọng chúng sẽ trở nên nổi bật hơn tại các cửa hàng. Một ngày nọ, khi đang dọn dẹp văn phòng, họ tìm thấy một quả bóng giấy có hình con cá vàng. Loại bóng có vây này được sản xuất với mục đích xuất khẩu trước Thế chiến thứ hai. Hai vợ chồng nghĩ rằng họ nên làm lại những quả bóng cá vàng này.

Bà Isono nhớ rất rõ về ngày cách đây gần 30 năm khi họ bắt đầu bán phiên bản mới của bóng giấy hình cá vàng.

“Nó trùng với ngày thể thao ở trường khi con trai chúng tôi học lớp một. Tối hôm trước, vợ chồng tôi thức trắng đêm để chuẩn bị bong bóng cá vàng. Hai vợ chồng giao chúng đến các cửa hàng rồi sau đó đến trường học. Trong lúc nghỉ ngơi, chúng tôi nhận được một cuộc điện thoại từ nhà và thông báo chúng tôi nhận được là: 'Tất cả đã được bán hết. Hãy mang thêm một ít nữa'”, bà hồi tưởng.

bà isono và bong bóng bay hình cá chép trên tay
Bà Isono và bong bóng hình cá chép trên tay. Ảnh: Japan News

Phấn khởi trước phản hồi tích cực, công ty của họ tiếp tục sản xuất bong bóng giấy với nhiều kiểu dáng hơn, chẳng hạn như hình cá chép và cò quăm mào Nhật Bản, cả hai loài động vật phổ biến ở Niigata.

Sau khi chồng qua đời, bà lãnh trách nhiệm thiết kế những quả bóng mới, thậm chí thức đến nửa đêm để lo công việc này. Một món đồ sinh ra từ những thử nghiệm của bà là quả bóng giấy hình con sứa.

Hiện công ty do bà điều hành có khoảng 50 đến 60 loại bong bóng giấy, được bán tại các cửa hàng lưu niệm và những nơi khác với giá mức giá từ 150 yên (26.000 đồng)

Nghề truyền thống được chỉ định

Theo lời bà Isono, các đơn vị sản xuất bong bóng giấy khác đã đóng cửa theo thời gian, và công ty của vợ chồng họ là xưởng sản xuất cuối cùng còn tồn tại. Lâu nay, bong bóng giấy chỉ được xem là một món quà rẻ tiền nhưng thời gian gần đây, chúng đang được nhìn nhận với nhiều giá trị hơn.

những thiết kế bong bóng giấy độc đáo của công ty isono kamifusen seizojo
Những thiết kế bong bóng giấy độc đáo của công ty Isono Kamifusen Seizojo. Ảnh: Japan News 

Vào tháng 5 năm ngoái, bong bóng giấy thủ công ở Izumozaki đã được chỉ định là một trong 14 nghề thủ công truyền thống của tỉnh Niigata. Cũng vào năm ngoái, công ty Isono Kamifusen Seizojo đã bắt đầu xưởng sản xuất bong bóng giấy trên chuyến tàu sang trọng Shikishima của Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản, chuyên phục vụ khách du lịch.

Cũng có những vận động viên sử dụng bong bóng giấy khi tập luyện. Họ có thể rèn luyện cơ bắp một cách hiệu quả bằng cách cố gắng không bóp nát quả bóng bằng giấy trong tay khi thực hiện một số động tác nhất định.

“Có sự tự do trong thiết kế và cách sử dụng bong bóng  giấy. Có lẽ sẽ đến lúc chúng được sử dụng cho một số mục đích bất ngờ, điều mà tôi rất mong được thấy”, bà Isono bày tỏ.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU