Những sự thật bất ngờ về học đường Nhật Bản (P2)

Bài: Aki KanouMay 11, 2020

Mỗi quốc gia có văn hóa học đường khác nhau, và ẩn chứa trong đó có thể là những điều khiến bạn vô cùng ngạc nhiên, chẳng hạn như: học sinh và giáo viên vẫn phải học và làm trong kỳ nghỉ, học sinh có thể được cảm thông khi ngủ gật trên lớp… Cùng Kilala điểm qua một số điều thú vị về cuộc sống học đường ở Nhật nhé!

Giáo viên và học sinh không được nghỉ

Có thể điều này sẽ khiến bạn vô cùng ngạc nhiên nhưng quả thực, các giáo viên tại Nhật hầu như không được “nghỉ thực sự” ngoại trừ những ngày lễ quốc gia. Bởi ngoài việc giảng dạy, các giáo viên tại Nhật còn có một số việc phải làm khác, chẳng hạn như quản lý câu lạc bộ của học sinh. Ở các trường học ở Nhật, điển hình là cấp trung học cơ sở, học sinh sẽ tham gia một hoặc một số câu lạc bộ, và giáo viên sẽ là người quản lý của những câu lạc bộ này. Trong kỳ nghỉ thông thường, các câu lạc bộ vẫn hoạt động. Ngoài ra, các hoạt động đào tạo, hướng dẫn học sinh thi đấu thể thao vẫn tiếp tục diễn ra. Và cuối cùng, bài tập về nhà cực nhiều cũng là điều khiến học sinh không thể nào an nhàn nghỉ ngơi.

sự thật bất ngờ về học đường Nhật Bản
Ảnh: bab.la.

Học sinh dùng cặp sách và giày giống nhau

Các trường học ở Nhật yêu cầu học sinh phải thay sang loại giày mềm khi bước vào khuôn viên trường để hạn chế mang bụi bẩn từ bên ngoài vào, giúp duy trì phòng học sạch sẽ. Tất cả mọi người đều sẽ mang những đôi giày giống nhau. Điều này có thể lí giải do chủ nghĩa cá nhân tại Nhật không mạnh, và nhà trường cũng chủ trương "tất cả mọi người đều như nhau, chúng ta là một tập thể".

Không chỉ vậy, học sinh tiểu học sẽ sử dụng tấm trùm cặp táp giống nhau, có logo và tên của trường để xã hội dễ nhận diện và bảo vệ những đứa trẻ này. Tại các trường trung học cơ sở, học sinh thường sẽ được phát những túi đựng đồ thể dục, túi đựng giày,... đồng bộ với logo của trường bên trên. Trên túi còn có các sọc an toàn phản quang nhằm hạn chế tai nạn đường bộ khi học sinh tan học muộn vào buổi tối.

học sinh dùng cặp sách và giày giống nhau
Ảnh: Asiatrend.org.

Hoạt động câu lạc bộ sáng và sau giờ học

Các câu lạc bộ thể thao tại trường học ở Nhật, đặc biệt là CLB thể thao, sẽ sinh hoạt cả trước và sau giờ học. Trong số đó có một số câu lạc bộ yêu cầu thành viên phải chạy bộ vài cây số mỗi ngày để giữ dáng. Do đó, điều này có thể khiến học sinh dễ mệt mỏi, buồn ngủ. Tuy nhiên sẽ không có chuyện học sinh mồ hôi nhễ nhại đến lớp bởi hầu hết các em đều phải dậy sớm về muộn để hoàn thành hoạt động của câu lạc bộ. Và hầu hết học sinh tại Nhật khi đi học đều sẽ tham gia câu lạc bộ phù hợp với bản thân dù hoạt động câu lạc bộ có thể khiến các em vất vả hơn. Nghe có vẻ vất vả nhưng hầu hết các học sinh đều cảm thấy vui vẻ và hài lòng khi được vào câu lạc bộ và việc cố gắng chăm chỉ để hoàn thành tốt mọi thứ khiến các em cảm thấy tự hào.

hoạt động câu lạc bộ sáng và sau giờ học
Ảnh: Savvy Tokyo.

Học sinh được thông cảm khi ngủ gật trên lớp

Bài tập về nhà nhiều, hoạt động câu lạc bộ dày đặc, dọn dẹp lớp học… đòi hỏi học sinh phải tận dụng hết quỹ thời gian trong ngày. Sau khi kết thúc hoạt động trên trường, một số học sinh còn đến các lớp bổ túc hoặc trường luyện thi để học thêm.

Kết quả của lịch sinh hoạt dày đặc này là học sinh có rất ít thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Do đó, sẽ có những học sinh không chống chịu nổi mà dẫn đến ngủ gật trong giờ học chính quy tại trường. Ngạc nhiên hơn là sẽ có một số giáo viên sẽ kiểu “mắt nhắm mắt mở” cho qua bởi họ không thay đổi được chuyện này và đôi khi sẽ thông cảm với việc những học sinh của mình đã mệt mỏi đến mức nào. Đa số giáo viên sẽ gọi tên học sinh một vài lần khi các em ngủ trong lớp nhưng sẽ không đến mức khiển trách nặng nề.

học sinh được thông cảm khi ngủ gật trên lớp
Ảnh: Japan Info.

Sự thật cho thấy, phim ảnh, anime thường có xu hướng tô hồng cuộc sống học đường, nhưng thực tế, môi trường học tập tại Nhật Bản có những điều luật nghiêm khắc và cường độ áp lực cực kỳ cao. Có người cho rằng những quy tắc, hoạt động trong trường sẽ hun đúc ra một người kỷ luật, mạnh mẽ và tài giỏi. Nhưng cũng có người cho rằng những điều này tạo áp lực nặng nề cho các thanh thiếu niên và cả những người theo ngành giáo dục. Bạn cảm thấy thế nào về cuộc sống học tập ở quốc gia hoa anh đào?

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU