Những phát minh của người Nhật khiến thay đổi thế giới (P.2)

Bài: NatsumeMay 28, 2021

Không nhiều người biết, biểu tượng cảm xúc Emoji, mì ăn liền hay máy chơi game PlayStation...đều là những phát minh đến từ Nhật Bản. 

Mì ăn liền

Theo một cuộc thăm dò tại Nhật Bản vào năm 2000, "Người Nhật tin rằng phát minh tốt nhất của họ trong thế kỷ XX là mì ăn liền" (Nguồn: BBC News). Tính đến năm 2019, khoảng 106,4 tỷ khẩu phần mì ăn liền được ăn trên toàn thế giới mỗi năm. Trung Quốc tiêu thụ 41,45 tỷ gói mì ăn liền mỗi năm, Indonesia - 12,52 tỷ, Ấn Độ - 6,73 tỷ, Nhật Bản - 5,63 tỷ, Việt Nam - 5,43 tỷ. 

những phát minh của người Nhật khiến thay đổi thế giới
Mì ăn liền là món ăn yêu thích của nhiều người. Ảnh: baomoi

Mì ăn liền hiện đại được ra đời vào năm 1958 bởi Momofuku Ando, người Nhật gốc Đài Loan, ông cũng là người sáng lập thương hiệu mì nổi tiếng Nissin. Sản phẩm mì ăn liền đầu tiên được công ty đưa ra thị trường có tên gọi “Chikin Ramen” với giá 35 yên. Tuy nhiên vào thời bấy giờ, do giá cả và sự mới lạ, Chikin Ramen được coi là mặt hàng xa xỉ. Nhờ vào sự quảng bá của Mitsubishi Corporation, mì ăn liền dần phổ biến ở nhiều quốc gia và thay đổi phù hợp với văn hóa địa phương. Đến năm 1971, Nissin tiếp tục tung ra sản phẩm mỳ ly, thêm rau khô và một gói súp, đây được xem là bước tiến nhằm gia tăng sự tiện lợi cho người tiêu dùng.

nissin đã đưa sản phẩm mì ăn liền đầu tiên ra thị trường
Nissin đã đưa sản phẩm mì ăn liền đầu tiên ra thị trường. Ảnh: Nikkei Asia

Mì ăn liền phổ biến ở Việt Nam, trước đây thường được ăn như một món ăn sáng. Tiêu thụ bình quân đầu người năm 2019 là 56,9 khẩu phần mỗi năm. Thương hiệu mì ăn liền Hảo Hảo xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2000 bởi công ty Acecook Việt Nam, một nhà sản xuất mì ăn liền đến từ Nhật Bản. Năm 2018, Hảo Hảo đã đạt kỷ lục là mì ăn liền được tiêu thụ nhiều nhất tại Việt Nam trong 18 năm (từ năm 2000 - 2018), với hơn 20 tỉ gói mì ăn liền được phục vụ người tiêu dùng.

bảo tàng mì gói
Tại Nhật, có hẳn Bảo tàng mì gói để tôn vinh hành trình lịch sử của mì. Ảnh: japandeluxetour

Sony Walkman TPS-L2

Đối với thế hệ 7x, 8x, đầu 9x ở Việt Nam, Cassette là một kỷ niệm ấu thơ tuyệt vời. Thay vì phải mòn mỏi chờ đợi các chương trình âm nhạc của đài phát thanh, giờ đây người yêu nhạc có thể nghe bất cứ lúc nào - chỉ với một cuốn băng nhỏ và một chiếc Cassette có ổ chạy băng. Cassette ban đầu là loại máy có kích thước lớn, dùng trong gia đình, đến khi dòng Cassette cá nhân ra đời, nó đã tạo nên một “cơn sốt” toàn cầu.

sony walkman tps l2
Một dòng máy Cassette khá cồng kềnh thời bấy giờ. Ảnh: HifiEngine

Tháng 8 năm 1963, hãng Philips ở Hà Lan đã cho ra mắt băng Compact Cassette và máy nghe Cassette (được giới thiệu lần đầu tại Hội chợ Triển lãm Phát sóng Funkausstellung tại Berlin). Tuy nhiên Cassette lúc bấy giờ là loại máy cồng kềnh. Cho đến khi ông Masara Ibuka - người đồng sáng lập Sony, quá mệt mỏi với việc mang theo máy Cassette TC-D5 đi công tác.  Masara Ibuka đã yêu cầu Phó chủ tịch, lúc bấy giờ là Norio Ohga, thiết kế một sản phẩm tối giản hơn, dễ vận chuyện và gọn nhẹ. 

Thế giới đã thay đổi vào ngày 1 tháng 7 năm 1979, khi Sony ra mắt chiếc máy nghe nhạc Walkman TPS-L2. Đây là chiếc máy nghe nhạc cầm tay đầu tiên, làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta nghe nhạc, mà chưa có thiết bị nào làm được trước đó. 

máy nghe nhạc sony walkman tps l2
Máy nghe nhạc Sony Walkman TPS-L2 huyền thoại. Ảnh: Pinterest

Khi mới ra mắt, Sony dự đoán sẽ bán được 5.000 chiếc Walkman TPS-L2 mỗi tháng. Tuy nhiên, sản phẩm đã thực sự nắm bắt tâm lý khách hàng, bằng chứng là 500.000 chiếc đã được bán hết trong 2 tháng đầu tiên. Dù ngày nay, Walkman TPS-L2 đã trở nên lỗi thời do sự phát triển của công nghệ số nhưng sản phẩm này đã thay đổi xu hướng nghe nhạc trên toàn thế giới.

Hệ thống định vị trên ô tô

Ngày nay hệ thống định vị đã trở thành một ứng dụng không thể thiếu trong cấu tạo của các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe hơi. Chúng giúp tài xế dễ dàng định vị được nơi sẽ đến và con đường thuận tiện nhất để di chuyển. Hệ thống này cũng được xem là giữ vai trò quan trọng trong tương lai khi các loại xe hơi tự lái xuất hiện.

hệ thống định vị trên ô tô
Hệ thống định vị hiện nay nhỏ gọn và có nhiều chức năng hơn. Ảnh: Crutchfield

Hệ thống định vị không dây đầu tiên dành cho xe hơi - được kỹ sư Yagi Hidetsugu tạo nên vào năm 1961. Thiết kế này vẫn còn sơ khai và dành riêng cho lĩnh vực quân sự. Đến năm 1981, Honda ra mắt hệ thống định vị ô tô thương mại đầu tiên với tên gọi Electro Gyrocator. Sản phẩm này sử dụng hệ thống định vị quán tính, theo dõi quãng đường đã đi, điểm xuất phát và hướng đi, đây cũng là lần đầu tiên có màn hình hiển thị bản đồ trên xe.

electro gyrocator
Electro Gyrocator là hệ thống định vị không dây đầu tiên. Ảnh: moto1

Máy chơi game - PlayStation

Được Sony cho ra mắt vào năm 1994, trải qua 27 năm, PlayStation (PS) vẫn duy trì được sức hút của mình. Đặc biệt với phiên bản mới nhất PS5  gây “bão” trên toàn thế giới và trở thành món đồ nhiều người muốn sở hữu. Tuy nhiên, PS2 mới là máy chơi game gia đình bán chạy nhất với 155 triệu chiếc được bán ra trên toàn thế giới, hơn 3.800 tựa game được phát hành. Năm 2012, Sony tuyên bố ngừng sản xuất PS2, đây được xem là máy chơi game có dòng đời lâu nhất.

playstation
PS2 - huyền thoại của ngành game. Ảnh: gameK

Logo PlayStation được thiết kế bởi Manabu Sakamoto. Ông muốn logo tạo cảm giác 3D của bảng điều khiển, nhưng thay vì chỉ thêm chiều sâu cho các chữ cái "P" và "S", Sakamoto tạo ra ảo ảnh quang học tạo cảm giác các chữ cái có chiều sâu trong không gian.

Emoji - Biểu tượng cảm xúc trong các ứng dụng nhắn tin online

Emoji - biểu tượng cảm xúc - là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho người dùng khi sử dụng các ứng dụng nhắn tin oline. Rất ít người biết phát minh này lại một lần nữa đến từ Nhật Bản. Trên thực tế Emoji là từ ghép giữa “Ảnh” - (絵, E) và “Ký tự” (文字, moji), sự trùng hợp giữa Emoji (hình ảnh, biểu tượng mô tả cảm xúc) và Emoticon (tập hợp các dấu chấm câu, chữ cái và số... được sắp xếp để giống với sắc thái khuôn mặt con người) lại là một sự ngẫu nhiên. 

emoji
Hệ thống Emoji hiện nay. Ảnh: Medium

Bắt nguồn từ Nhật Bản vào năm 1997, Emoji ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới vào những năm 2010, sau khi được thêm vào một số hệ điều hành di động. Hiện nay Emoji đã trở thành "văn hóa đại chúng" trên toàn thế giới. Năm 2015, từ điển Oxford đã vinh danh biểu tượng “Face with Tears of Joy”  trong hệ thống Emoji là “Word of the Year”.

face with tears of joy
"Face with Tears of Joy” được Oxford vinh danh “Word of the Year” (2015). Ảnh: freepik

Xem thêm: https://kilala.vn/van-hoa-nhat/nhung-phat-minh-cua-nguoi-nhat-khien-thay-doi-the-gioi-p1.html

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU