Những người phụ nữ đầu tiên rời khỏi Nhật Bản và sứ mệnh lịch sử của họ

Bài: Ái Thương
Aug 11, 2021

Ảnh: Wikipedia

Năm 1871, theo Sứ tiết Iwakura, đã có năm cô gái trẻ xứ Phù Tang được đưa sang nước Mỹ để thực hiện nhiệm vụ ngoại giao, trở thành những người phụ nữ trí thức của thời đại.

Nước Nhật khi bắt đầu bước vào thời Minh Trị (1868-1912) đã có những cuộc cải cách theo hướng hiện đại hóa, trong đó việc ngoại giao, mở rộng mối quan hệ hợp tác với quốc tế được Thiên hoàng hết mực coi trọng. Với chính sách học hỏi, tiếp thu kiến thức, tinh hoa của thế giới, chính phủ Nhật Bản lúc bấy giờ đã thực hiện Sứ tiết Iwakura (岩倉使節団, Iwakura Shisetsudan) hay còn gọi là Phái đoàn Iwakura. Chính sách này được ban hành và thực thi từ năm 1871 đến năm 1873, theo đó, 100 chính khách, học giả và học sinh sinh viên sẽ được cử đến các nước phương Tây để nghiên cứu về chính trị, công nghệ, giáo dục, văn hóa và kỹ thuật tiên tiến, sau đó trở về giúp nước Nhật thoát khỏi sự lạc hậu, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa đất nước.

su-tiet-Iwakura

Các lãnh đạo của Phái đoàn Iwakura, từ trái sang: Kido Takayoshi, Yamaguchi Masuka, Iwakura Tomomi, Ito Hirobumi, Okubo Toshimichi.

Trong số những người được cử đến Hoa Kỳ thực hiện nhiệm vụ có năm cô gái rất trẻ, tuổi đời từ 7 đến 14 cũng tham gia vào đoàn Sứ tiết Iwakura, đến xứ cờ hoa để thay đổi vận mệnh của chính mình và dân tộc.

nam-phu-nu-nhat-dau-tien-du-hoc

Năm nữ sinh được gửi đi du học theo Sứ tiết Iwakura, từ trái sang phải: Nagai Shigeko, Ueda Teiko, Yoshimasu Ryoko, Tsuda Umeko và Yamakawa Sutematsu.

Trước lúc lên đường, họ chỉ là những cô bé ngây thơ, khờ dại, mang trong mình nỗi hoang mang, sợ hãi khi đến sinh sống nơi đất khách quê người. Thế nhưng khi trở về, họ đã trở thành những phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn đến lịch sử Nhật Bản, nâng tầm vị thế của nữ giới tại xứ sở hoa anh đào.

Những đứa trẻ phải ra đi để hoàn thành sứ mệnh

Năm nữ sinh được giao nhiệm vụ thực hiện Sứ tiết Iwakura gồm: Tsuda Umeko, Nagai Shigeko, Yoshimasu Ryoko, Yamakawa Sutematsu và Ueda Teiko. Trong đó, nhỏ nhất là Tsuda Umeko, lúc đó chỉ mới 6 tuổi, lớn nhất là Ueda Teiko và Yoshimasu Ryoko, 14 tuổi.

Ngày ấy, họ là những đứa trẻ phải nghe theo sự sắp xếp của gia đình. Họ không có quyền quyết định mà phải tuân theo yêu cầu của cha mẹ, được sắp đặt để đến một vùng đất xa lạ, gánh trên vai trọng trách hoàn thành nghĩa vụ đối với Tổ quốc.

Trước khi được đưa sang nước Mỹ, họ không được học tiếng Anh hay văn hóa để thích nghi với môi trường sống ở nước ngoài. Đặt chân lên đất khách, họ bị báo chí bủa vây và gọi là "những cô công chúa kỳ lạ đến từ phương Đông". Những cô gái bé nhỏ tội nghiệp cảm thấy lạc lõng, cô đơn và sợ hãi khi tiếp nhận nền văn minh mới.

su-tiet-Iwakura-1
Ảnh: mainichi

Sau đó, năm cô gái bị tách ra và được gửi đến các nhà nuôi dưỡng khác nhau. Hai người chị lớn tuổi nhất đã suy sụp dần, qua một thời gian, họ được đưa trở về quê nhà. Ba người còn lại là Yamakawa Sutematsu, Nagai Shigeko và Tsuda Umeko đã kiên cường trụ lại, chăm chỉ nỗ lực học tập và làm nên lịch sử. Họ chính là ba trong số năm người phụ nữ đầu tiên rời khỏi Nhật Bản và cũng là những nữ nhân thành công nhất thời Minh Trị.

Ba biểu tượng tri thức của nữ giới Nhật Bản

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ba nữ sinh Sutematsu, Shigeko và Umeko đã học tiếng Anh, hòa nhập với môi trường sống tại nước Mỹ và đạt được những thành tích học tập xuất sắc. Ba người con gái với xuất thân, hoàn cảnh khác biệt đã cùng nhau nỗ lực để làm nên điều phi thường, chứng minh sức mạnh của nữ giới trong thời kỳ đổi mới của thế giới.

Tsuda Umeko

Tsuda Umeko sinh ra trong một gia đình quan chức và được cử tham gia vào phái đoàn Iwakura, sang Mỹ du học vào năm 1871 khi chỉ mới 6 tuổi. Dù phải học cách tự lập khi còn quá nhỏ, bà đã nỗ lực không ngừng và tốt nghiệp Học viện Aarcher Institute. Bà về nước vào năm 1892 và làm giáo viên dạy tiếng Anh của trường chuyên dành cho các nữ quý tộc.

Tsuda Umeko
Ảnh: brynmawr

Umeko đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục nữ giới. Năm 1900, với sự trợ giúp của hai người bạn, bà mở trường Joshi Eigaku Juku (Trường Anh ngữ cho nữ sinh), chính là tiền thân của Đại học Tsuda hiện nay.  Những cống hiến lớn lao của bà đã được chính phủ Nhật Bản ghi nhận. Hình ảnh của bà sẽ được in trên tờ tiền 5000 yên vào năm 2024.

to-5000-yen-2024

Chân dung Tsuda Umeko sẽ được in lên tờ 5000 yên vào năm 2024. Ảnh: tsuda.ac.jp

Yamakawa Sutematsu


Google kỷ niệm ngày sinh của Tsuda Umeko vào ngày 10/11/2020. Ảnh: google

Xem thêm:Các nhân vật lịch sử trên tiền giấy Nhật Bản

Nagai Shigeko

Nagai Shigeko có tên thật là Shige Masuda, sinh năm 1862 trong một gia đình quan chức Mạc phủ Tokugawa. Sau trận chiến Ueno, vì gia đình ủng hộ phe thua cuộc, để giữ an toàn, anh trai Shige là Takashi đã nhờ bạn mình là bác sĩ Nagai Genei nhận nuôi bà và đổi tên thành Nagai Shigeko. Năm 1871, bà được đưa sang Mỹ sinh sống và học tập tại nhà của nhà sử học John Stevens Cabot Abbott. Năm 1878, bà nhập học trường Nghệ thuật tại Đại học Vassar và theo học chuyên ngành âm nhạc.

Shige Nagai
Nagai Shigeko sang Mỹ du học từ năm 10 tuổi.

Khi trở về nước, bà kết hôn với Uryu Sotokichi và trở thành một trong những những giáo viên dạy piano đầu tiên ở Nhật Bản. Bà cũng là một trong những người sáng lập, dạy âm nhạc phương Tây tại Đại học Nghệ thuật Tokyo.

Yamakawa Sutematsu

Khác với Shigeko và Umeko, Yamakawa Sutematsu có một cuộc đời đầy biến cố. Bà tên thật là Yamakawa Sakiko, sinh ra trong một gia đình Samurai truyền thống hỗ trợ Mạc phủ Tokugawa trong Chiến tranh Boshin. Gia đình bà ở phe thua trận trong cuộc nội chiến cuối cùng kết thúc thời kỳ Samurai của Nhật Bản và rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Để giảm bớt miệng ăn trong nhà, anh trai bà đã tự ý quyết định đưa bà tới Mỹ mà không hỏi ý kiến của Sutematsu.

Ở Mỹ, bà đã cố gắng học tập và đạt thành tích xuất sắc, sau đó ghi danh lịch sử khi trở thành người phụ nữ có học vị cao nhất Nhật Bản lúc bấy giờ. Bà là người phụ nữ Nhật đầu tiên có bằng Đại học.

Yamakawa Sutematsu 3
Khóa 1882 tại Vassar College nơi bà theo học. Yamakawa Sutematsu ở hàng thứ 3 từ trên xuống, người thứ 5 từ trái sang.

Sau khi tốt nghiệp, bà học thêm về nghiệp vụ y tá và trở về Nhật Bản vào tháng 10 năm 1882. Khi trở lại quê nhà, Sutematsu gặp khó khăn trong việc giao tiếp khi  không thể đọc hoặc viết tiếng Nhật. Sau đó, bà kết hôn với Oyama Iwao, một người có thứ bậc cao trong quân đội, cũng là người ở phe đối lập với gia tộc của bà trong Chiến tranh Boshin.

Yamakawa Sutematsu
Bà được phong làm Công chúa vào năm 1905.

Khi chồng bà được thăng chức, bà được cũng thăng cấp theo và trở thành Công chúa Oyama vào năm 1905. Thuở ấy, bà là một người có địa vị cao trong xã hội. Bằng kiến thức của mình, Sutematsu đã tư vấn cho Hoàng hậu về các phong tục phương Tây. Bà cũng sử dụng vị trí xã hội của mình để kêu gọi, quyên góp cho giáo dục phụ nữ. Bà là người góp công lớn trong việc thành lập nên Đại học Tsuda cùng với hai người bạn Tsuda Umeko và Nagai Shigeko.

Đấu tranh vì nữ quyền và tri thức của phụ nữ Nhật

Yamakawa Sutematsu, Nagai Shigeko và Tsuda Umeko là những người tiên phong, dấy lên phong trào nữ quyền trong xã hội Nhật Bản ở cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Sau khi tiếp thu những tư tưởng tiến bộ từ phương Tây, họ trở về nước và nhận thấy người dân vẫn đang bị bủa vây bởi văn hóa Nho giáo.

Lúc ấy, chính phủ triển khai các chính sách đổi mới về văn hóa xã hội nhưng phụ nữ vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các định kiến bảo thủ. Giáo dục Nhật Bản thời đó quy định, chỉ dạy phụ nữ trở thành một người vợ ngoan ngoãn, biết chăm sóc tốt cho chồng con, làm công việc nội trợ hơn là theo đuổi sự nghiệp riêng của bản thân. Chính vì quan điểm này mà Tsuda Umeko rất ghét kết hôn, bà đã bỏ qua những lời dị nghị và sống một mình đến cuối đời, dành toàn bộ tâm huyết cho ngành giáo dục.

Khi ba nữ sinh hoàn thành Sứ tiết Iwakura và trở về Nhật, họ trở thành những người xa lạ ngay trên chính quê hương của mình. Nhưng họ không trốn chạy, mà thay vào đó là đối mặt với định kiến của cộng đồng.

Yamakawa Sutematsu 4
Cuộc hội ngộ của những người bạn, từ trái sang: Tsuda Umeko, Alice Mabel Bacon, Nagai Shigeko (lúc này là Uryu Shige), và Yamakawa Sutematsu (lúc này là Oyama Sutematsu).

Sutematsu cùng Shige và Umeko đã mang kiến thức của mình học được để truyền bá cho nữ giới ở quê nhà. Họ cùng nhau thực hiện một kế hoạch lớn lao, đó là mở trường học dành cho phụ nữ thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Dù ngay từ lúc bắt đầu đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng họ vô cùng quyết tâm và đã thành công. Họ là những người đã đặt nên nền móng để xây dựng nên nền giáo dục vì phụ nữ tại Nhật Bản, phất lên ngọn cờ chiến đấu vì nữ quyền, quyền được học tập làm việc, theo đuổi đam mê của bản thân.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU