Phụ nữ Nhật Bản cổ xưa tạo nhiều kiểu tóc rất cầu kỳ không chỉ để làm đẹp cho bản thân, mà còn sử dụng chúng để thể hiện quyền lực trong xã hội.
Giữa thế kỷ 7 đến thế kỷ 19, phụ nữ Nhật trong tầng lớp thượng lưu và thuộc giới cầm quyền của Nhật Bản sẽ để các kiểu tóc cầu kỳ được tạo hình từ sáp, lược, dải ruy băng, kẹp tóc và hoa để thể hiện địa vị kinh tế, xã hội. Cùng Kilala điểm qua 10 kiểu tóc cổ xưa của phụ nữ Nhật Bản!
Kiểu tóc búi Keppatsu
Trong suốt đầu thế kỷ 7 SCN, phụ nữ quý tộc Nhật Bản để kiểu tóc Keppatsu (結髪) với tóc được chải thành vồng cao ở phía trước, phần tóc phía sau được gập và búi lại bằng dây đỏ sau gáy. Đôi khi kiểu tóc này còn được gọi là tóc búi dây đỏ. Keppatsu được truyền cảm hứng từ Trung Quốc. Hình bên dưới là kiểu tóc Keppatsu ở trên tranh tường tại hầm mộ cổ Takamatsuzuka, Asuka, tỉnh Nara.
Kiểu tóc suôn dài Taregami
Trong suốt thời đại Heian (794 - 1345), phụ nữ quý tộc Nhật Bản đều không muốn du nhập thời trang đến từ Trung Quốc nên đã tự tạo ra những kiểu tóc mới. Xu hướng ở thời kỳ này là Taregami (垂れ髪) - tóc xoã, thẳng, càng dài càng tốt. Tóc đen có chiều dài chạm đất được xem là biểu tượng của cái đẹp thời bấy giờ.
Hình minh hoạ kiểu tóc Taregami trong tác phẩm “Truyện kể Genji” được viết bởi nữ sĩ cung đình Murasaki Shikibu. Câu chuyện của thế kỷ 11 này được xem là tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới, mô tả chuyện tình yêu và những mưu mô diễn ra trong hoàng cung Nhật Bản cổ xưa.
Kiểu tóc búi Shimada Mage
Trong suốt thời kì Mạc phủ Tokugawa (hay còn gọi là thời Edo) từ năm 1603 đến 1868, phụ nữ Nhật Bản bắt đầu để kiểu tóc cầu kỳ hơn. Họ chải tóc ngược ra sau và và búi theo nhiều kiểu khác nhau. Sau đó, họ trang trí tóc với lược, kẹp tóc, ruy băng và thậm chí là hoa.
Kiểu tóc búi Shimada Mage (島田髷) là phiên bản phổ biến nhất của kiểu tóc này và đơn giản hơn khi so sánh với các phiên bản khác ra đời sau đó. Thời gian thịnh hành nhất là từ năm 1650 đến năm 1780. Phụ nữ chỉ đơn giản chải mái tóc dài ra phía sau tạo thành búi, thoa sáp lên tóc để giữ các búi tóc chắc chắn hơn, rồi cài một chiếc lược lên đỉnh đầu ở bước cuối cùng để hoàn thành kiểu tóc này.
Biến thể của tóc búi Shimada
Đây là kiểu tóc có kích thước lớn hơn, cầu kỳ hơn so với phiên bản tóc búi Shimada Mage, bắt đầu xuất hiện từ đầu những năm 1750 và kéo dài đến cuối thời kỳ Edo.
Ở kiểu tóc biến thể của Shimada Mage này, tóc cũng được làm phồng ở hai bên. Ngoài ra, còn có thêm phần búi tóc lớn hình như chiếc nơ ở giữa đầu. Họ cài thêm một chiếc lược lớn vào búi tóc hình nơ. Tóc ở đằng sau thì được giữ chặt bởi một loạt trâm cài tóc và ruy băng. Kiểu tóc này sau khi hoàn thiện thì rất nặng nhưng phụ nữ thời bấy giờ được dạy để chịu được sức nặng này trong suốt cả một ngày tại cung điện.
Kiểu búi tóc Shimada hộp
Cùng thời gian trên, một phiên bản khác của kiểu tóc búi Shimada đã ra đời và được gọi là Shimada hộp. Để tạo ra kiểu tóc này, phụ nữ Nhật Bản cũng cột tóc thành búi ở hai bên, trên đỉnh đầu. Nhưng đặc biệt, họ còn tạo thêm một phần tóc nhô ra ở gáy.
Kiểu búi tóc Shimada hộp trở thành biểu tượng về địa vị, quyền lực trong xã hội Nhật Bản từ năm 1750 đến năm 1868.
Kiểu búi tóc dọc
Các kiểu tóc búi trở thành biểu tượng thời trang trong suốt thời kỳ Edo. Đây là thời kỳ của sự bùng nổ các kiểu tóc sáng tạo.
Kiểu tóc búi dọc thanh lịch ra đời vào những năm 1790 đặc trưng bởi một búi tóc cao ở trên đỉnh đầu được giữ bằng lược và một số kẹp tóc. So với nhiều kiểu búi tóc Shimada trước đây, kiểu búi tóc dọc này hoàn thiện về kiểu dáng và dễ dàng thực hiện, cũng như giữ được lâu. Vì vậy, nó rất được các phụ nữ giới quý tộc tại hoàng cung ưa chuộng.
Kiểu búi tóc Yoko-hyogo
Trong những dịp đặc biệt, phụ nữ quý tộc cuối thời Edo Nhật Bản sẽ búi tất cả tóc thành một búi cao, sau đó dùng nhiều phụ kiện khác nhau để gắn lên mái tóc. Khuôn mặt cũng được vẽ đậm hơn để phù hợp với kiểu tóc.
Tên gọi của kiểu tóc là Yoko-hyogo (横兵庫). Một lượng lớn tóc được chải hết lên đỉnh đầu và trang trí với lược, kẹp tóc, dây ruy băng trong khi hai bên tóc thì được vuốt sáp để tạo hình như đôi cánh. Đặc biệt, kiểu tóc này còn có dạng là cạo tóc ở phần thái dương và trán để tạo thành phần chân tóc hình chữ M. Nếu người phụ nữ Nhật Bản để kiểu tóc Yoko-hyogo thì điều đó đồng nghĩa với việc cô ấy đang có một cuộc gặp vô cùng quan trọng.
Kiểu tóc Gikei
Đây là kiểu tóc sáng tạo của cuối thời kỳ Edo được gọi là Gikei (義髻). Kiểu tóc này đặc trưng bởi phần tóc hai bên được vuốt sáp cùng hai búi tóc cao. Sau đó, họ gắn lên mái tóc bộ trâm cài tóc và lược bắt mắt.
Mặc dù kiểu tóc này rất tốn công sức để tạo hình nhưng cả phụ nữ giới quý tộc trong cung đình hay các geisha, oiran cũng thường xuyên để kiểu tóc này. Khi đã tạo hình xong kiểu tóc, họ sẽ để nó trong nhiều ngày.
Kiểu búi tóc Maru Mage
Maru Mage (丸髷) là một phiên bản khác của kiểu tóc búi vuốt sáp, phần tóc búi có sự đa dạng từ kích thước nhỏ và búi chặt đến kích thước lớn và bồng bềnh.
Một chiếc lược lớn được gọi là bincho sẽ được cài vào tóc ở phía sau để tóc có thể phủ ra sau tai. Lúc nằm, chiếc lược này sẽ nằm xuôi theo chiếc gối nên có thể giữ kiểu tóc này qua đêm.
Ban đầu, kiểu búi tóc Maru Mage chỉ được các phụ nữ quý tộc hoặc geisha sử dụng, nhưng sau đó, nhiều người phụ nữ bình dân cũng học hỏi theo kiểu tóc này. Thậm chí ngày này, một số cô dâu Nhật Bản cũng làm kiểu tóc Maru để chụp hình trong đám cưới của họ.
Kiểu cột tóc sau lưng đơn giản
Phụ nữ Nhật trong cung điện hoàng gia vào những năm 1850, khoảng cuối thời kỳ Edo đã sáng tạo kiểu tóc trang nhã, đơn giản và ít phức tạp hơn kiểu tóc của 2 thế kỷ trước. Kiểu tóc này được tạo hình bằng cách chải hết tóc về phía sau và cột lại bằng một dây ruy băng, sau đó, sử dụng thêm một dây ruy băng khác để cột phần tóc ở sau lưng.
Ngày nay, phụ nữ Nhật Bản để tóc theo nhiều cách khác nhau, phần lớn bị ảnh hưởng bởi những phong cách truyền thống lâu đời của Nhật Bản. Phong phú với sự thanh lịch, vẻ đẹp và sự sáng tạo, những kiểu tóc này sống mãi trong nền văn hóa hiện đại.
Từ năm 1920, phụ nữ Nhật Bản sẽ để kiểu tóc nào? Cùng khám phá ngay tại đây!
kilala.vn