Những kiểu fan tồi gây nhức nhối trong fandom anime

Bài: Ái ThươngMar 31, 2022

Trong cộng đồng những người yêu thích phim hoạt hình Nhật Bản tồn tại các thành phần kiểu “con sâu làm rầu nồi canh” khiến dân tình phải lắc đầu ngán ngẩm. Họ là ai?

Văn hóa 2D của Nhật Bản có tầm ảnh hưởng lan rộng toàn cầu, cũng từ đây mà sản sinh ra lượng người hâm mộ đông đảo. Trong đó có hai kiểu fan điển hình là Otaku và Weeaboo (hay Wibu). 

Sự phát triển của ngành công nghiệp anime khiến hai cộng đồng này ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên trong cuộc sống luôn luôn tồn tại hai mặt tốt xấu, bên cạnh những fan chân chính, truyền bá tư tưởng tích cực về văn hóa 2D Nhật Bản ra khắp thế giới, vẫn có những thành phần fan bị mỉa mai, phê phán vì hành vi quá khích, thể hiện cái tôi mất kiểm soát.

anime festival

Cộng đồng anime, manga là một cộng đồng lớn mạnh, với nhiều hoạt động thú vị. Ảnh: GamesHub

Dưới đây là những kiểu fan “bất hảo” điển hình, gây nhức nhối trong cộng đồng những người yêu anime.

Hội “yêu” Dakimakura điên cuồng

Dakimakura là một loại gối lớn có kích thước hay hình dạng tương tự như cơ thể người và thường in hình Husbando hay Waifu. Đây là hai thuật ngữ chỉ người chồng hay vợ 2D mà fan yêu thích và thiết lập mối quan hệ với nhân vật đó (xem thêm Waifu nghĩa là gì).

Chúng ta có thể thấy những chiếc gối ôm này xuất hiện tại các hội nghị, liên hoan về anime. Mọi người đều có thể tự do yêu bất cứ ai, làm bất cứ thứ gì họ muốn để thể hiện tình cảm cá nhân và chúng ta không nên phán xét. 

anime

Những fan cuồng này có thể mang Dakimakura đi khắp mọi nơi.

Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp Dakimakura hiện diện khắp mọi nơi, kể cả nơi công cộng và một số fan đã thể hiện tình cảm thái quái với chiếc gối yêu dấu qua loạt hành động thân mật “nhìn mà đỏ mặt”. 

Thậm chí, hình in trên Dakimakura là các nhân vật có ngoại hình rất trẻ, tầm tuổi trẻ em và phong cách ăn mặc thì quá “mát mẻ”. Điều này khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, thậm chí nghĩ những kiểu fan như vậy là biến thái và có cái nhìn khắt khe hơn về fandom anime.

Hội Weeaboo “thượng đẳng”

Đây là cộng đồng fan yêu Nhật đến mức mất kiểm soát trong hành vi và suy nghĩ khiến mọi người khó chịu, đánh giá tiêu cực. Hội này sẵn sàng “ném đá” và “khẩu nghiệp” bất cứ ai đưa ra nhận xét trái chiều về nhân vật hoặc phim dù tác phẩm đó hay hoặc dở, truyền tải thông điệp tiêu cực hay tích cực.
Wibu

Vì họ học văn hóa Nhật Bản thông qua việc xem anime nên thường chèn thêm các từ tiếng Nhật khi nói dù phát âm không chuẩn, thể hiện kiến thức về xứ Phù Tang mặc dù không biết điều mình tiếp thu được là đúng hay sai. Họ tôn thờ Nhật Bản quá mức và xem thường hay bôi xấu văn hóa các nước khác, kể cả văn hóa của quê hương mình.

Xem thêmWibu là gì? Bạn có phải là Wibu?

Hội “trẻ trâu” trong cosplay 

Cosplay là một trong những loại hình nghệ thuật độc đáo, trào lưu nổi bật của một bộ phận giới trẻ khi hóa thân thành nhân vật 2D mình yêu thích.

Bất kỳ ai cũng có thể trở thành một cosplayer và những bạn trẻ có đam mê với nghệ thuật cosplay luôn dành tâm huyết, công sức chuẩn bị trang phục cùng nhiều phụ kiện đi kèm để hoàn thiện quá trình hóa trang một cách hoàn hảo nhất. Sau đó các cosplayer sẽ tự tin tạo dáng để thực hiện những bộ ảnh đẹp lung linh.

cosplay

Thế nhưng trong cộng đồng cosplay tồn tại những thành phần hành động và suy nghĩ còn thiếu chín chắn. Có những bạn trẻ đã lợi dụng hình thức cosplay để tạo nên những bức hình thiếu chuyên nghiệp và gây phản cảm khiến cư dân mạng chỉ trích thậm tệ. 

Ngoài ra có những cosplayer chuyên nghiệp, có thâm niên trong nghề cũng bày tỏ thái độ kiêu căng, ngạo mạn và chê bai các cosplayer mới trên diễn đàn. Điều này tạo ra cuộc chiến đánh giá, gây tranh cãi giữa các cosplayer.

Bên cạnh đó là những người thuộc hội anti cosplay tham dự buổi chụp ảnh rồi lên mạng xã hội đăng những hình ảnh nhằm chế giễu các cosplayer tham gia sự kiện. Còn có những kẻ xuất hiện tại lễ hội, sự kiện cosplay với mục đích xấu, điển hình như là giở trò sàm sỡ, quấy rối các nữ cosplayer.

Hội trung thành thái quá với manga gốc

Có nhiều anime được chuyển thể từ manga và một số người trung thành tuyệt đối với nguyên tác sẽ thường dành thời gian chỉ trích phiên bản phim hoạt hình. Họ có xu hướng đưa ra nhiều điểm so sánh để chứng minh rằng cốt truyện của manga hay hơn như thế nào, thay vì thảo luận về giá trị của anime. 
manga
Ảnh: Make Tech Easier

Hội này chỉ tập trung vào những cái sai của anime, sự khác biệt, cải biên so với manga gốc và thể hiện quan điểm phiến diện trên mạng xã hội với mục đích tôn vinh nguyên tác, còn bản chuyển thể tốt thế nào họ cũng không quan tâm.

Hội “fan only” cố chấp

Họ là những người thường hâm mộ một anime duy nhất và thể hiện tình cảm vượt quá tầm kiểm soát với tác phẩm “con cưng” của mình bằng cách “dìm hàng” anime khác.

Hội này luôn có những bình luận, phân tích về cái hay cái đẹp của bộ phim mà bản thân yêu thích, nếu ai có thái độ phản đối hay nêu lên quan điểm trái ý sẽ bị họ tấn công, chê bai thậm tệ. Họ còn đi “tạo nghiệp” khi săm soi tìm ra nhược điểm, thiếu sót của anime khác để chỉ trích, đánh giá tiêu cực.

Hội hủ nữ cuồng tín 

Những fujoshi (hủ nữ) yêu thích thể loại Yaoi hoặc Shota Yaoi (mối tình của những chàng trai) và dành tình yêu cuồng nhiệt của họ với các nhân vật nam là chuyện bình thường. Nhưng cũng có những fangirl thể hiện sự yêu thích một cách quá khích khi không ngừng bàn tán về việc những anh chàng thân mật với nhau. 
hủ nữ

Họ luôn bảo vệ kịch liệt quan điểm của mình và áp đặt lên nhân vật về việc ai là seme (người chủ động dẫn dắt các mối quan hệ) hay uke (người ở thế bị động) trong chuyện tình cảm nam - nam. 

Họ còn “ship” những nhân vật nam khác không thuộc thể loại phim yaoi, gán ghép bất chấp cặp đôi nam mà họ thích và bày tỏ thái độ căm ghét với bất kỳ ai phản đối. Thậm chí họ còn chỉ trích, bôi xấu hình tượng nhân vật nữ và đưa ra những quan điểm lệch lạc về mối quan hệ bạn bè, chiến hữu giữa các nhân vật nam trong tác phẩm shoujo.

Hội phê bình “biết tuốt” 

Đây là hội tập hợp những thành phần fan luôn dành hàng trăm giờ để xem, nghiên cứu và phân tích các bộ anime và tỏ vẻ “thượng đẳng” với điều mà họ biết. Những người này thường sẽ hay bị đánh đồng với thuật ngữ Chuunibyou (中二病 – Trung Nhị Bệnh). Với lượng kiến thức “khổng lồ” thu thập được, họ tỏ thái độ kiêu căng và không “biết điều” khi chỉ trích, chê bai ý kiến của người khác nếu điều đó không đúng với quan điểm cá nhân của họ.
anime

Các “nhà phê bình” sẽ chia sẻ những bài viết phân tích, bày tỏ suy nghĩ, lập luận của bản thân trên các diễn đàn anime. Dù bất kể đúng hay sai, nếu ai phản đối họ đều sẽ bị liệt vào danh sách “anti”.

Vậy theo bạn, đâu là kiểu fan đáng bị lên án nhất?

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU