Những cách giữ ấm truyền thống tiết kiệm năng lượng của người Nhật

Bài: Happy
Dec 7, 2022

Nguồn: Zenbird

Trong bối cảnh giá nhiên liệu leo thang, chi phí sinh hoạt tăng lên đáng kể trong mùa đông năm nay, nhiều người Nhật bắt đầu nghĩ đến những phương pháp giữ ấm hiệu quả mà tiết kiệm, sử dụng càng ít máy sưởi càng tốt.Sau đây là những cách giữ ấm truyền thống có thể giúp tiết kiệm năng lượng của người Nhật.

Bình nước nóng Yutanpo

“湯湯婆 – Yutanpo” có nguồn gốc từ Trung Quốc, được du nhập vào Nhật Bản từ thời Muromachi (1336-1573) và vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay.

bình nước nóng yutanpo
Ảnh: magazine.cainz.com

Chúng là những bình chứa được làm bằng kim loại, gốm sứ hoặc nhựa... dùng đổ đầy nước nóng để làm ấm cơ thể. Đây là loại thiết bị sưởi ấm đơn giản, có thể đặt ở thắt lưng, bụng hoặc cuối giường để giữ ấm cho cơ thể và cũng có thể sử dụng trong phương pháp trị liệu chườm nóng.

trị liệu chườm nóng
Ảnh: sotokoto-online.jp

Yutanpo có giá thành rẻ hơn so với các thiết bị sưởi ấm khác và tiêu tốn ít chi phí khi sử dụng. Mặt khác, thiết bị giữ nhiệt truyền thống này không cần đến điện hoặc lửa để tạo nhiệt nên không tiềm ẩn nguy gây cơ hỏa hoạn, không gây ô nhiễm hoặc làm khô không khí trong nhà và đặc biệt có thể dễ dàng mang theo bên người.

Tuy nhiên, khi sử dụng Yutanpo cần cẩn thận vì đã có trường hợp xảy ra sự cố do thân bình bị nứt vỡ do xuống cấp hoặc nắp bình bị bung, ngoài ra nếu tiếp xúc lâu với da có thể gây bỏng ở nhiệt độ thấp.

Gần đây trên thị trường đã xuất hiện loại bình Yutanpo có thành phần giữ nhiệt dùng được trong lò vi sóng và loại sạc điện. 

Miếng dán giữ nhiệt 

Ngày nay miếng dán giữ nhiệt được coi là sản phẩm nhỏ gọn, có thể dễ dàng sử dụng để sưởi ẩm mọi lúc mọi nơi, là trợ thủ đắc lực giúp chống chọi lại cái lạnh của mùa đông khắc nghiệt. 

Những miếng dán này hoạt động theo cách thức phản ứng oxi hóa kim loại để sinh nhiệt sưởi ấm. Thành phần chủ yếu của các miếng dán giữ nhiệt là bột sắt, muối, than hoạt tính, nước... được gói kín bằng vải không dệt. Ngay khi mở gói, miếng dán sẽ bắt đầu tỏa nhiệt.

miếng dán giữ nhiệt
Ảnh: Zenbird

Hầu hết các loại miếng dán giữ nhiệt đều có nhiệt độ trung bình từ 40 - 60 độ C và thời gian giữ nhiệt có thể kéo dài khoảng 15 tiếng tùy sản phẩm, có cả loại dính và không dính. 

Những miếng dán này có thể sử dụng cho nhiều đối tượng khác nhau từ trẻ em đến người cao tuổi. Tuy nhiên, để tránh gây bỏng da, chúng nên được dán vào quần áo thay vì dán trực tiếp lên da.

Trên thị trường Nhật Bản hiện nay có nhiều thương hiệu miếng dán giữ nhiệt chất lượng, chẳng hạn như Kairo, Salonpas Jikabari Hisamitsu, Okamoto...

Bàn sưởi Kotatsu

炬燵 – Kotatsu” là một thiết bị sưởi ấm có lịch sử hơn 500 năm. Thiết bị này có cấu tạo khá đơn giản, chỉ bao gồm một chiếc bàn gỗ thấp với nguồn nhiệt từ một máy sưởi gắn dưới mặt bàn và được phủ một tấm chăn bông hoặc nệm Futon bên trên để ngăn nhiệt thoát ra ngoài.

Bàn sưởi Kotatsu được cho là bắt nguồn từ nếp sinh hoạt sử dụng bếp lò Irori trong các ngôi nhà Nhật Bản truyền thống. Những bếp lò này thường được dùng cho nấu nướng và là nguồn tỏa nhiệt giữ ấm cho cả ngôi nhà.

bàn sưởi kotatsu
Ảnh: kotatsu-tokyo.com

Hình thức đầu tiên của bàn sưởi Kotatsu xuất hiện vào khoảng thế kỷ 14, được gọi là Horigotatsu với cấu tạo là một khung gỗ và tấm chăn bông đặt bên trên, sử dụng như một lò sưởi đặt ở trung tâm của một ngôi nhà.

Trước đây, than củi và các vật liệu khác được sử dụng làm nguồn nhiệt, nhưng ngày nay các thiết bị điện đã dần thay thế chúng. Giờ đây, Kotatsu có thể di chuyển được và là một vật dụng thiết yếu trong mỗi hộ gia đình Nhật Bản.

gia đình quây quần bên kotatsu
Ảnh: japanobjects.com

Cả gia đình quây quần bên một chiếc Kotatsu, ăn tối và xem TV cùng nhau là cách thức truyền thống đầy ấm áp để trải qua một mùa đông lạnh giá ở Nhật Bản. Trong những năm gần đây, bạn cũng có thể tìm thấy chiếc Kotatsu mini dành cho một người.

Lò than Hibachi

lò than hibachi
Ảnh: escueladete.com

“火鉢 – Hibachi” là một đồ dùng làm bằng gốm sứ, kim loại hoặc gỗ... được sử dụng để sưởi ấm, đun sôi nước và nấu ăn đơn giản bằng cách đặt tro và than củi đang cháy bên trong, đã được sử dụng ở Nhật Bản dưới thời Nara vào khoảng những năm 700.

Cùng với sự xuất hiện của các thiết bị sưởi, các loại bếp điện, giờ đây ngày càng ít người sử dụng lò than Hibachi. Tuy nhiên, âm thanh lách tách của than cháy, mùi thơm độc đáo, sức hấp dẫn của lò than mang lại sự thoải mái về tinh thần đã thu hút một bộ phận người Nhật tìm mua chúng ở các khu chợ trời, chợ đồ cổ và bắt đầu sử dụng lại.

Kimono Dotera chần bông 

“褞袍 – Dotera” là bộ Kimono được thiết kế dài hơn và dày hơn một chút so với bộ Kimomo bình thường. Kimono Dotera thường được làm bằng vải len dày, đặc biệt được chần đầy bông để giữ ấm, và từ lâu đã được sử dụng như chăn hoặc áo khoác ngoài Kimono.

kimono dotera
Ảnh: hotta.shop-pro.jp

 Chúng đặc biệt hữu ích ở Hokkaido và vùng Tohoku, những nơi có khí hậu rất lạnh. Bộ Kimono ấm áp này vẫn thường được cung cấp tại các nhà trọ kiểu Nhật.

Xem thêm: Người Nhật giữ ấm cơ thể vào mùa đông như thế nào?

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU