Những “Bảo vật Quốc gia còn sống” của Nhật Bản

Bài: NatsumeJun 21, 2023

Để giúp bảo tồn di sản văn hóa phong phú của mình, Nhật Bản chỉ định một số công dân tài năng nhất trong từng lĩnh vực trở thành “Bảo vật Quốc gia còn sống”.

Nhật Bản là quê hương của nhiều nghệ thuật truyền thống có niên đại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm. Đáng buồn thay, nhiều trong số này đang có nguy cơ biến mất khi cả những nghệ nhân và người thưởng thức chúng đang có nguy cơ giảm dần. Chính vì thế, chính phủ đã nghĩ ra cách lựa chọn những người đủ tâm và tầm đảm nhiệm trọng trách giữ cho lĩnh vực văn hóa đó có thể tồn tại, phát triển.

Bảo vật Quốc gia còn sống là gì?

Bảo vật Quốc gia còn sống của Nhật Bản (人間国宝 - Ningen kokuhou) có tên gọi chính thức là Những người nắm giữ tài sản văn hóa phi vật thể được chỉ định đặc biệt (重要無形文化財の各個認定の保持者 - Juuyou mukei bunkazai no kakko nintei no hojisha). Đây là một thuật ngữ của Nhật Bản để chỉ những cá nhân được Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (Bộ trưởng MEXT) chứng nhận là Người bảo tồn Tài sản Văn hóa Phi vật thể Quan trọng, dựa trên Luật Bảo vệ Tài sản Văn hóa - Bunkazai Hogoho, của Nhật Bản.

bảo vật quốc gia sống

Những lĩnh vực nghệ thuật truyền thống muốn duy trì lâu dài cần những người kế thừa và phát triển. Ảnh: Unseen Japan

Theo Luật Bảo vệ Tài sản Văn hóa năm 1950, tài sản văn hóa phi vật thể được định nghĩa là các hiện vật kịch, âm nhạc, nghệ thuật và các hiện vật văn hóa phi vật thể khác, có giá trị cao về lịch sử hoặc nghệ thuật Nhật Bản (Điều 2, Mục 1, Phần 2). Những tài sản văn hóa phi vật thể đặc biệt quan trọng đó có thể được Bộ trưởng MEXT chỉ định là "Tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng" (Điều 71, Mục 1).

“Tài sản phi vật thể” trong luật Bảo vật Quốc gia là những kỹ năng nghệ thuật nhất định, chỉ định những người hoặc tổ chức thể hiện một lĩnh vực nghệ thuật hoặc thủ công đạt mức độ thành thạo cao. Tuy nhiên, trên thực tế, chính phủ chỉ sử dụng danh hiệu này khi một tài sản văn hóa có nguy cơ biến mất.

quốc bảo của Nhật Bản - nghệ nhân Noboru

Nghệ nhân Noboru Fujinuma là Bảo vật Quốc gia sống. Ảnh: dailyillini

Chính vì thế, Bảo vật Quốc gia còn sống là thuật ngữ chỉ những người được chỉ định là người lưu giữ các tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng. Đây được coi là một vinh dự lớn, như một báu vật sống của quốc gia. Bảo vật Quốc gia còn sống đầu tiên được công nhận là vào năm 1955.

Những chứng nhận về Bảo vật Quốc gia còn sống

Công việc chỉ định bảo vật quốc gia thuộc về Bộ trưởng MEXT của Nhật Bản, bao gồm 3 loại:

  • Chứng nhận cá nhân (各個認定 - Kakko Nintei).
  • Chứng nhận tập thể (総合認定 - Sogo Nintei).
  • Chứng nhận nhóm bảo tồn (保持団体認定 - Hoji Dantai Nintei).
Hàng năm, số lượng Bảo vật Quốc gia còn sống sẽ có sự thay đổi, một phần trong số đó là những người được chỉ định trước đó đã qua đời và cần có người thay thế. Công việc của MEXT là lựa chọn và chỉ định các nghệ sĩ, nghệ nhân mới.
bunraku
Bunraku cũng là một trong những loại hình nghệ thuật sở hữu nhiều Bảo vật Quốc gia còn sống. Ảnh: int.kateigaho

Tính đến tháng 03/2023, hơn 1.400 người đã đạt được danh hiệu "人間国宝" (Bảo vật Quốc gia còn sống). Trong số đó, phần lớn là Noh (962) và Kabuki (446). Phần còn lại đại diện cho nhiều thể loại, bao gồm Bunraku - 文楽 (múa rối Nhật Bản – 160 người); Gagaku - 雅楽 (nhã nhạc cung đình của Nhật Bản); Kumiodori - 組踊 (một hình thức khiêu vũ Ryukuan truyền thống – 117 người), và Gidayuubushi - 義太夫節  (một phong cách âm nhạc kể chuyện với đàn Shamisen – 69).

Theo trang web Rank1- Media, một số người nổi tiếng nhất nhận được danh hiệu Bảo vật Quốc gia còn sống bao gồm:

  • Katsura Beicho (thế hệ thứ 3) – nghệ sĩ biểu diễn Rakugo (chứng nhận năm 1996).
  • Kineya Kitaro (thế hệ thứ 7) – người chơi đàn Shamisen (chứng nhận năm 2007).
  • Yanagiya Kosan (thế hệ thứ 5) – nghệ sĩ biểu diễn Rakugo (chứng nhận năm 1995).
  • Yanagiya Kosanji (thế hệ thứ 10) – nghệ sĩ Rakugo (chứng nhận 2014).

Nhận được gì khi trở thành Bảo vật Quốc gia còn sống?

Một nghệ sĩ nhận được danh hiệu này cũng đồng thời nhận được khoản trợ cấp một lần trị giá 2.000.000 yên từ chính phủ. Các nhóm được trao danh hiệu cũng nhận được khoản trợ cấp đó như một khoản đóng góp cho công việc của họ.

Tuy nhiên khoản tiền này không đóng vai trò quan trọng đối với những người được nhận danh hiệu. Hầu hết những ai đặt mục tiêu trở thành Bảo vật Quốc gia còn sống đều cống hiến vì đam mê và cao hơn nữa là dùng danh tiếng của mình để thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật.

Murose Kazumi

Nghệ nhân Murose Kazumi được Nhật Bản công nhận là Bảo vật Quốc gia còn sống vì những thành tích của ông trong lĩnh vực sơn mài Maki-e. Ảnh: japanhouselondon

Đơn cử như vào tháng 04/2023 vừa qua, tại Bảo tàng Thủ công Quốc gia đã tổ chức buổi trưng bày Pokémon × Kogei Playful Encounters of Pokémon and Japanese Craft, nhằm mang đến cách tiếp cận hàng thủ công ở Kanazawa hoàn toàn mới, thông qua Pokemon. Tham gia trưng bày tại sự kiện có Bảo vật Quốc gia Morihito Katsura, những nghệ sĩ kì cựu như Nobuyuki Tanaka và Shigeki Hayashi…

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU