Những bao diêm cuối cùng của Nhật Bản

Bài: Natsume
Jun 9, 2022

Ảnh: Grapee

Với nhiều người, việc sử dụng diêm không quan trọng bằng hình dáng của bao diêm, và điều này còn được nâng lên thành thú sưu tầm. Tuy vậy sắp tới, việc thu thập bao diêm sẽ trở nên khó khăn hơn khi doanh nghiệp cuối cùng sản xuất bao diêm tại Nhật đã công bố ngừng kinh doanh sản phẩm này.

Với nhiều người, việc sưu tầm một thứ gì đó đã trở thành niềm vui, nỗi hân hoan khi có được phiên bản giới hạn của món đồ. Trong số đó, sưu tầm bao diêm cũng là “bộ môn” nhiều người đam mê và có hẳn một thuật ngữ dành riêng là “Phillumeny”. Từ này do nhà sưu tập người Anh Marjorie S. Evans tạo ra, kết hợp của chữ “Phil – yêu thương” trong tiếng Hy Lạp và “Lumen – ánh sáng” trong tiếng La tinh, và được giới thiệu vào năm 1943.

bao diêm

Đặc biệt, vỏ bao diêm là thành phần được “săn lùng” nhiều nhất. Không chỉ ở dạng hộp, bao diêm còn có thể mang hình dáng như một cuốn sổ nhỏ, và với loại này, que diêm cần được tách ra trước khi sử dụng. Nhờ cấu tạo mỏng, nhẹ nên sổ diêm có thể dễ dàng bỏ vào bất cứ đâu để mang theo bên mình. 

Mặt ngoài của bao diêm thường in biểu tượng của nhà sản xuất được trang trí một cách nghệ thuật, hoặc dùng như một phương tiện để quảng cáo, khuyến mại. Việc dễ dàng thiết kế bao diêm với các hình ảnh khác nhau cũng khiến chúng trở thành một vật phẩm quảng cáo giá rẻ hoặc quà lưu niệm khá phổ biến.

hộp diêm

Diêm dạng sổ (trái) và dạng hộp (phải).

Tuy vậy, những người sưu tầm sắp tới có lẽ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bao diêm với thiết kế mới vì Nittosha – nhà sản xuất bao diêm lớn nhất Nhật Bản và là đơn vị sản xuất cuối cùng, đã thông báo trên trang cá nhân rằng họ sẽ ngừng hoạt động kinh doanh bao diêm vào tháng 06/2022, sau khi hoàn tất các đơn đặt hàng hiện có.

Dù việc sản xuất bao diêm đã không còn nhưng Nittosha vẫn sản xuất diêm đúng với công dụng của nó, như trong bộ dụng cụ khẩn cấp...

Thắp lên ánh sáng cho kinh tế Nhật

Vào nửa sau của thế kỷ 19, khi cuộc Duy Tân Minh Trị đang trên đà phát triển, nhiều nền văn hóa được du nhập vào Nhật Bản thì diêm trở thành một ngành kinh doanh khổng lồ. Hàng loạt cơ sở sản xuất diêm được thành lập ở tỉnh Hyogo.

nghệ thuật diêm

Cuốn sách "The Art of Japanese Matchbox Labels". Ảnh: Amazone

Vào nửa đầu thế kỷ 20, Nhật Bản trở thành một trong những nước xuất khẩu diêm lớn nhất thế giới, cùng với Mỹ và Thụy Điển, và điều này kéo dài đến năm 1973, khi doanh số bán diêm ở Nhật được cho là đã đạt đỉnh. 

Hộp diêm từng phổ biến ở Nhật Bản đến nỗi bạn có thể tìm thấy chúng ở quầy thu ngân của bất kỳ quán cà phê, quán bar hay nhà hàng nào. Mọi người có thể tự do lấy ngay cả khi không phải là người hút thuốc.

Chính bởi thiết kế bên ngoài mà hộp diêm cũng là một trong những món quà lưu niệm tuyệt vời, đặc biệt trong những chuyến du lịch. Nhiều doanh nghiệp tận dụng sở thích này của người tiêu dùng để quảng cáo thương hiệu của mình trên vỏ diêm. 

hộp diêm được bán trên ebay

Những hộp diêm Nhật Bản được bán tại eBay. Ảnh: eBay

Nittosha được thành lập cách đây gần 100 năm, vào năm 1926, và khởi đầu là thương hiệu bán diêm nhỏ. Họ cũng tạo ra nhãn hiệu diêm của riêng mình, nhưng lĩnh vực khiến họ thực sự phát triển là sản xuất sổ diêm cho các thương hiệu và doanh nghiệp khác nhau.

Nhưng những thay đổi ập đến, sự ra đời của bật lửa khiến việc tiêu thụ diêm bắt đầu chững lại, có thời điểm doanh số diêm giảm mạnh 99% so với mức cao nhất vào năm 1973.

Vào năm 2016, Kanematsu Sustech, một công ty gỗ sản xuất diêm từ năm 1938, đã rời khỏi lĩnh vực kinh doanh diêm. Dù thế, Nittosha tiếp tục kiên trì để giữ ngọn lửa diêm vẫn sáng, gợi nhớ về kỷ niệm đẹp đẽ xưa. Nhưng đến tháng 06/2022, cuối cùng thương hiệu này cũng thông báo ngừng sản xuất diêm để tập trung cho những mảng kinh doanh khác của mình.

bao diêm

Chính vì thế, nếu bạn đang ở Nhật Bản, hãy tranh thủ mua những bao diêm vì biết đâu một ngày nào đó chúng sẽ trở nên có giá trị.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU