Bức xúc của những bạn nhân viên Cửa hàng tiện lợi Family Mart, Ministop, Circle K… sẽ giúp bạn biết thêm những tình huống "dở khóc dở cười" vì ý thức của người Việt tại các cửa hàng tự phục vụ. Thực tế, chuyện tạo nên một văn hoá "tự phục vụ" ở một đất nước đã quen với kiểu phục vụ truyền thống là điều không phải dễ dàng thực hiện, cần ý thức của mỗi cá nhân và sự nhắc nhở của cộng đồng xung quanh.
Xả rác, ồn ào, kéo ghế lại để ngủ
Trong thời gian gần đây, cư dân mạng vô cùng bức xúc về clip quay cảnh một nhóm học sinh vô tư đùa giỡn, đổ đồ ăn thừa ra bàn và sàn nhà tại một cửa hàng tiện lợi. Điều bất ngờ là nhiều bạn làm nhân viên tại các cửa hàng tiện lợi như Family Mart, Mini Stop, Circle K…comment từng gặp nhiều khách hàng có ý thức kém: xả rác, ồn ào, di chuyển bàn ghế lung tung…
Clip về một nhóm học sinh vô tư kéo ghế, đổ nước mì khắp nơi trong cửa hàng.
Bạn Hoàng Tuân chia sẻ trên Facebook: Một bạn nhân viên nhắn tin tâm sự với tôi: Anh ơi... quán em là cửa hàng tiện lợi mở cửa và bật điều hoà 24/24 . Do gần đây nắng nóng kỷ lục nên xuất hiện hiện tượng các bạn sinh viên đến quán bọn em làm ở cả ngày và ngủ qua đêm ở quán luôn. Nếu chỉ đến và mua đồ hay tránh nóng thì em không nói làm gì. Nhưng có nhiều bạn đến đây nằm la liệt ra cả sàn nhà, kéo hết ghế lại xếp với nhau để nằm ngủ qua đêm. Rác ăn xong thì vứt xuống sàn hoặc chất đống sang bàn bên cạnh dù thùng rác ở gần, các bạn ấy còn nói chuyện rất to thậm chí uống nước ngọt còn 1.2.3 zô! nữa. Nhà vệ sinh thì đi không xả nước, có bạn còn đi vệ sinh ra cả sàn nhà vệ sinh. Khi được nhắc nhở thì bảo "Mình mất tiền mà bạn?" Cả ca trực bọn em có 3 người 1 thu ngân, 1 xếp đồ, 1 dọn... mà các bạn ấy cứ thế này thì bọn em sống sao”.
(Ảnh: Hoàng Tuân)
1001 chuyện bức xúc: Ăn cắp, phải dọn phân chó mèo, người ngoài xin nước sôi…
Đừng tưởng cửa hàng tiện lợi nhỏ và có camera thì sẽ không xảy ra tình trạng ăn cắp. Socola, rượu, mĩ phẩm là món đồ dễ bị trộm nhất vì có kích thước nhỏ nhưng khá đắt. Bạn Phương Thảo (từng làm nhân viên B’s mart) chia sẻ “Mình và bạn mình từng phải đền cửa hàng hơn 1 triệu vì sơ suất để một thanh niên vào trộm mất… 12 thanh socola. Bọn mình còn từng bắt tận tay một cô định trộm 2 chai lăn khử mùi nữa. Một số em nhỏ lợi dụng thân hình nhỏ bé đến những quầy thấp để ăn cắp sing gum, bao cao su… ”
(Ảnh: Hoàng Tuân)
"Lúc mình đi làm, có một cô lớn tuổi rất hay… ẵm cháu ngoại qua cửa hàng để dỗ cháu ăn. Cửa hàng vốn nhỏ hẹp, hai bà cháu ngồi ở sàn chiếm diện tính, cản trở khách mua hàng. Có nhắc nhở nhưng bác ấy vẫn không nghe. Cháu bé nhỏ và khá nghịch, ném bánh và bóp bể bịch bánh. Nếu nhân viên phát hiện và nhắc thì bác đó mua đền, không phát hiện là… ẵm cháu về luôn. Có lần mình còn phải dọn nước tiểu của cháu bé nữa" Thảo bức xúc.
Bạn Thuỳ Dương (nhân viên Family Mart) cho biết bạn từng gặp phải trường hợp khách mang theo cả chó, mèo vào cửa hàng và không dọn khi chó, mèo “đi bậy” ra sàn, khiến các bạn phải vừa dọn rác, vừa dọn phân của thú nuôi rất vất vả. Còn rất nhiều tình huống dở khóc dở cười như khách ở ngoài vào… xin nước sôi nhiều lần, tự ý lấy báo đọc "chùa", mặc nguyên áo mưa đi một vòng cửa hàng khiến sàn nhà ướt, nhậu say về đêm và vào cửa hàng ói… khiến nhân viên vô cùng khó xử.
Làm sao để xây dựng ý thức cộng đồng tại các cửa hàng tự phục vụ?
•Về phía khách hàng
-Có ý thức tự dọn dẹp rác, xếp lại ghế sau khi ăn uống xong.
-Phân loại rác theo ghi chú cụ thể của cửa hàng (Nhiều bạn vô ý vứt tô mì còn đầy nước trong khi cửa hàng có chú thích đổ mì vào nơi riêng, vỏ hộp vào nơi riêng).
-Không “đọc báo chùa” ở cửa hàng.
-Lưu ý giữ trật tự, không làm ảnh hưởng đến người xung quanh.
-Không dẫn chó mèo vào cửa hàng.
-Xếp hàng trật tự khi mua hàng, không chen lấn hay xô đẩy.
•Về phía cửa hàng
-Nhắc nhở nghiêm hơn, đừng sợ “mất lòng thượng đế”. Chính sự im lặng của nhiều nhân viên vô tình khiến khách hàng tưởng rằng việc để nhân viên dọn rác là chuyện “hiển nhiên”.
-Ghi chú rõ việc dọn rác, phân loại rác, lưu ý khi mua hàng…
-Nhân viên cần dọn thùng rác thường xuyên, tránh việc thùng rác quá đầy khiến khách không biết vứt rác ở đâu.
Thực tế, chuyện tạo nên một văn hoá tự phục vụ ở một đất nước đã quen với kiểu phục vụ truyền thống là điều không phải dễ dàng thực hiện. Để xây dựng văn hoá “tự phục vụ”, không chỉ cần ý thức của mỗi cá nhân mà còn cần sự nhắc nhở của cộng đồng xung quanh.
Dưới đây là chia sẻ của bạn Thanh Mai (từng làm nhân viên cửa hàng tiện lợi Lawson ở thành phố Wakayama, Nhật Bản) về những điều bạn thấy khác biệt giữa của hàng tiện lợi ở Nhật so với Việt Nam:
- Ở trước mỗi cửa hàng tiện lợi đều có một dãy thùng rác được phân loại như rác đốt được, chai lọ thủy tinh, chai nhựa PET,... dành cho khách đến mua hàng sử dụng. Bạn không thể mang rác ở nhà hoặc một số lượng lớn rác cá nhân bỏ vào dãy thùng rác này được. Tại đây còn có nơi để tàn thuốc dành cho những người hút thuốc.
- Các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản không có khu vực bàn ghế ngồi ăn như ở Việt Nam, khách muốn ăn tại chỗ sẽ phải ra ngoài đứng. Người Việt Nam do thói quen ngồi trong quán ăn, ăn xong là để ly, hộp thực phẩm ngay tại bàn mà không dọn, quên rằng đây là cửa hàng tự phục vụ.
- Khách hàng trẻ tuổi đến mua rượu hoặc thuốc lá đều phải trình giấy tờ chứng minh độ tuổi cho nhân viên kiểm tra.
- Khi thanh toán, tiền được để trong một khay chuyên biệt để khách hàng và nhân viên có thể theo dõi rõ ràng. Khi thối tiền, nhân viên cũng sẽ đếm từng tờ hoặc từng đồng và đọc to số tiền đưa cho khách, phòng trường hợp thối dư hoặc thiếu.
- Hầu như tất cả cửa hàng tiện lợi ở Nhật đều có toa-lét và rất sạch sẽ. Bạn không cần phải mua hàng mới được sử dụng, tuy nhiên đa số người Nhật đều mua một lon nước nhỏ xem như phép lịch sự sau khi sử dụng toa-lét ở cửa hàng đó!
- Bạn có thể mua vé xem ca nhạc, thanh toán hóa đơn điện nước, hóa đơn mua hàng trên mạng, gửi thư hoặc bưu kiện ở cửa hàng tiện lợi. Thậm chí khi đặt hàng qua mạng, bạn có thể đăng ký địa chỉ người nhận là một cửa hàng tiện lợi gần nhà. Khi bưu điện giao hàng đến, cửa hàng hoặc nơi bán sẽ liên lạc với bạn. Bạn chỉ việc ra cửa hàng để nhận bưu phẩm. Một số cửa hàng tiện lợi còn có cả máy fax và máy photocopy.
- Thực phẩm nếu quá thời gian quy định sẽ bị bỏ vào thùng rác dù vẫn còn ăn được (đa số thời gian ghi trên thực phẩm ở Nhật Bản là “hạn ngon”, tức thời hạn thực phẩm vẫn giữ được vị ngon vốn có, thay vì “hạn sử dụng” như các quốc gia khác). Có một số bạn du học sinh tiếc rẻ đồ ăn nên lén gom những món này về để dùng. Khi chủ cửa hàng bắt gặp, ông đã rất tức giận vì theo ông đó là loại thực phẩm không còn giữ được chất lượng nên trong trường hợp xấu nhất, họ có thể bị đau bụng, tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm.
Khách có thể nhận hàng bưu điện ở cửa hàng tiện lợi. (Ảnh: Flickr/ Norio NAKAYAMA) Một số cửa hàng còn bố trí cọc để gắn dây giữ chó mèo khi khách vào cửa hàng mua hàng (Ảnh: Flickr/ Nori Norisa) Phương Anh/ kilala.vn