Nhện Nhật Bản: Từ truyền thuyết đến ứng dụng sản xuất vải

Bài: Rin
Jun 30, 2021

Nguồn: tofugu
Ảnh bìa: savvytokyo

Loài nhện nhỏ bé đã trở thành niềm cảm hứng bất tận trong văn hoá Nhật Bản, từ những truyền thuyết yêu quái ghê rợn, ám ảnh đến những cuộc đấu nhện hấp dẫn. Đặc biệt hơn, tơ của loài vật này đã được các nhà nghiên cứu sử dụng để sáng tạo ra loại vải có sức bền cao. Cùng Kilala bước vào hành trình khám phá mối liên hệ đặc biệt của nhện trong văn hoá Nhật Bản nhé.

Yêu quái nhện Tsuchigumo 

Tsuchigumo (土蜘蛛), mang nghĩa đen là “nhện đất”, vừa được dùng để chỉ loại yêu quái nhện, vừa là thuật ngữ dùng cho những tên cướp, kẻ nổi loạn, thủ lĩnh hoặc cả một gia tộc chống lại vương quyền Yamato.  

Từ cuối thế kỷ 12 đến đầu thế kỷ 17, Tsuchigumo được sử dụng để chỉ những con nhện khổng lồ hoặc loài yêu quái nhện với khuôn mặt của quỷ và mình hổ. Câu chuyện về Samurai Minato no Yorimitsu (948 – 1021) chiến đấu và tiêu diệt yêu quái nhện Tsuchigumo xuất hiện lần đầu tiên trong Truyện Heike, được truyền miệng trong giới chơi đàn biwa rồi sản sinh ra rất nhiều biến thể. 

yeu-quai-nhen-tsuchigumo
Yêu quái nhện cao đến 1,2 mét. Ảnh: reddit

Chuyện kể rằng Yorimitsu đang mắc bệnh sốt rét khi bị một vị sư cao lớn kỳ lạ tấn công và cố trói ông lại bằng dây thừng. Ông rút kiếm và chém vào người này nhưng hắn đã chạy thoát. Ngày hôm sau, Yorimitsu cùng 4 người thân cận nhất của mình đã lần theo vết máu của vị sư đến một gò đất phía sau đền Kitano. Tại đây, họ sửng sốt khi thấy một con nhện khổng lồ cao đến 1,2 mét. Cả 5 người cùng hiệp lực để bắt lấy yêu quái nhện và Yorimitsu đã dùng thanh kiếm Hizamaru để kết liễu nó, sau đó, họ ném cái xác xuống đáy sông. Lời nguyền bệnh tật lên Yorimitsu cũng được xoá bỏ và ông dần hồi phục sức khỏe. Câu chuyện này đã trở thành nguồn cảm hứng cho một trong những vở kịch Noh đầu tiên mang tên “Tsuchigumo”. 

yorimitsu-giet-tsuchigumo
Samurai Yorimitsu tiêu diệt yêu quái nhện bằng thanh kiếm Hizamaru. Ảnh: storiespreschool

Ngoài ra, từ Tsuchigumo còn được cho là xuất phát từ "Tsuchigomori -土隠" mang ý nghĩa “những người trốn trong hang động”. Từ này dùng để chỉ các thị tộc sống ở vùng nông thôn Nhật Bản, họ sử dụng các hang động sẵn có hoặc tạo thêm các ụ đất rỗng kiên cố để đánh du kích và cư trú. Nó cũng được dùng để gọi những tên cướp nổi danh, kẻ nổi loạn, thủ lĩnh hoặc gia tộc chống lại triều đình Yamato.  Tuy nhiên, có rất nhiều sự mơ hồ và giả thuyết về việc Tsuchigumo được sử dụng cho người hay yêu quái nhện trước tiên. Tại Nhật không có loài nhện lớn đào hang nên rất có thể họ biết về loài vật này từ câu chuyện nhện chim của Trung Quốc. Có thể chính những người Tsuchigomori đã truyền cảm hứng để người xưa sáng tạo nên loài yêu quái Tsuchigumo, nhưng cũng có thể triều đình Yamato cho rằng tên loài quái vật này phù hợp nên đã dùng nó để chỉ những kẻ phản loạn. 

Nữ yêu quái nhện Jorougumo 

Jorougumo (絡新婦) vừa dùng để chỉ nữ yêu quái nhện trong văn hoá dân gian Nhật Bản, vừa dùng để gọi tên loài nhện Nephila và Argiope. Đặc biệt, các nhà côn trùng học Nhật Bản còn dùng dạng chữ Katakana của từ "Jorougumo - ジョロウグモ" để gọi loại nhện Trichonephila clavata. Giống với Tsuchigumo, từ Jorougumo cũng được dùng cho yêu quái trước khi đặt tên cho một loài nhện thực. 

nu-yeu-quai-nhen-jorogumo
Nữ yêu quái nhện Jorougumo thường biến thân thành cô gái xinh đẹp để dụ dỗ đàn ông và ăn thịt họ. Ảnh: yokai.fandom

Jorougumo xuất hiện trong nhiều câu chuyện thời Edo (1603 – 1867). Yêu quái được miêu tả là một con nhện khổng lồ có khả năng biến hình thành người phụ nữ xinh đẹp. Dưới hình dạng nửa người nửa nhện, nó điều khiển những con nhện nhỏ thở ra lửa. Yêu quái nhện thường dụ một chàng trai trẻ đến ngôi nhà hẻo lánh của mình và đàn biwa cho anh ta nghe. Trong lúc chàng trai xấu số lơ đãng, yêu quái nhanh chóng trói anh ta lại bằng tơ nhện của mình, khi người này nhận ra thì mọi thứ đã quá muộn. Chàng trai trở thành bữa tối của nữ yêu quái nhện.

Trong một số truyện khác, Jorougumo được miêu tả là con nhện có phép thuật khi tròn 400 tuổi. Yêu quái nhên cũng sẽ biến thành một người phụ nữ xinh đẹp để bắt người ăn thịt, thậm chí còn dụ dỗ Samurai trẻ kết hôn với mình. Jorougumo còn được mô tả ôm trong lòng một đứa trẻ, nhưng khi nhìn gần thì đó là bọc đựng trứng nhện. 

Nhện nước Mizugumo truyền cảm hứng cho Ninja và Studio Ghibli 

Mizugumo (水蜘蛛) nghĩa là nhện nước, dùng để chỉ loài nhện dành toàn bộ thời gian ở dưới nước - Argyroneta aquatica. Chúng tạo ra một cái bóng nước chứa đầy không khí bao quanh cơ thể và mọi hoạt động từ bắt mồi, giao phối đến đẻ trứng đều diễn ra trong cái túi không khí ấm áp đó. Khi đi săn, nhện nước quan sát các con mồi đi lạc gần túi khí rồi lao ra ngoài bắt chúng. 

nhen-nuoc-mizugumo
Nhện Mizugumo sống dưới nước nhờ vào việc tạo bóng khí. Ảnh: tofugu

Mizugumo còn được sử dụng để chỉ đôi giày gỗ dùng để di chuyển trên mặt nước của Ninja. Chúng có cấu tạo gồm 4 miếng gỗ tròn gắn xung quanh một tấm gỗ vuông. Khi sử dụng, Ninja đặt chân vào miếng gỗ vuông ở giữa và buộc chặt vào chân. Ý tưởng làm đôi giày gỗ đi trên nước xuất phát từ việc tận dụng sức căng bề mặt để giữ cho người mang có thể đi bộ trên nước. MythBusters - kênh truyền hình khoa học giải trí Mỹ và Úc đã từng thử nghiệm chúng một lần và cho biết, Mizugumo không thể sử dụng khi đi qua sông, biển, mà thường hoạt động hiệu quả hơn khi băng qua các cánh đồng lúa, suối nhỏ hoặc vùng đầm lầy. 

giay-ninja-muzugumo
Giày đi trên nước Mizugumo của Ninja. Ảnh: flickr katie

Nhện nước Mizugumo cũng từng truyền cảm hứng cho đạo diễn lừng danh Hayao Miyazaki sáng tạo nên phim hoạt hình ngắn 15 phút mang tên “Mizugumo Monmon” được phát sóng vào ngày 03/01/2006. Phim kể câu chuyện về chú nhện chuông nước Mizugumo phải lòng cô nàng bọ nước Gerridae với sải chân dài. Mặc dù ban đầu cô nàng tỏ ra lo lắng nhưng sau đó cũng dần quen với sự có mặt của nhện nước. Hiện tại, bộ phim đang được trình chiếu tại Bảo tàng Ghibli ở quận Minato, Tokyo. 

mizugumo-monmon
Anime ngắn 15 phút về loài nhện nước Mizugumo được sản xuất bởi đạo diễn Hayao Miyazaki Ảnh: wcostream.cc

Cuộc đua nhện tại tỉnh Kagoshima 

Tại thị trấn Kajiki, tỉnh Kagoshima, cứ vào tháng 6 hằng năm, người dân nơi đây lại tổ chức cuộc thi đấu nhện có tên là Kumo Gassen (くも合戦) với lịch sử hơn 400 năm. Những chú nhện được nuôi để thi đấu thuộc loài Agriope amoena hay còn được gọi là nhện Samurai. Chúng được chăm sóc chu đáo và có những bài huấn luyện riêng tại nhà chủ nhân trước khi tham gia giải đấu. 

kumo-gassen
Cuộc thi đấu nhện Kumo Gassen tại thị trấn Kajiki, tỉnh Kagoshima. Ảnh: omatsurijapan

Kumo Gassen thi đấu 1-1 theo vòng tròn đến khi tìm ra con nhện vô địch. Mỗi trận đấu đều có trọng tài đánh giá từng vận động viên nhện theo các tiêu chí: con nhện đầu tiên cắn và quấn đối thủ trong tơ, con nào cắt đứt tơ của đối thủ trước trong trường hợp cả hai cùng giăng tơ để chiến đấu. Thêm vào đó, khi hai con nhện tỏ ra quá hung hăng có thể làm trọng thương đối thủ hoặc không có “tâm trạng” thi đấu, trọng tài sẽ dùng tay để tách chúng ra, cũng như giúp chúng vực dậy tinh thần chiến đấu. Người dân địa phương chia sẻ những con nhện chiến này có tinh thần "fair play" cao độ vì không sát hại lẫn nhau. 

Nỗi khiếp sợ về nhện lưng đỏ gây chết người tại Nhật Bản

Vào năm 1995, những con nhện lưng đỏ Latrodectus hasseltii có nguồn gốc từ Úc đã được tìm thấy lần đầu tại Osaka. Chúng cùng họ với loài nhện “Black windows – Goá phụ đen” (nhện độc nhất vùng Bắc Mỹ). Nọc độc của nhện lưng đỏ làm cho nạn nhân cảm thấy đau đớn, buồn nôn, mệt mỏi rã rời, kích động, nhịp tim nhanh và nặng nhất là tử vong. Người Nhật cho rằng những con nhện này đã di cư đến Nhật qua việc vận chuyển gỗ. Sau đó, chúng cũng được tìm thấy ở tỉnh Fukuoka lần đầu vào năm 2007 và ở Tokyo vào tháng 9/2014. Vì khí hậu ấm áp và thiên địch của chúng không nhiều  nên số lượng nhện lưng đỏ nhanh chóng phủ rộng khắp 22 trên 47 tỉnh thành ở Nhật Bản. Khi chúng tiến vào lãnh thổ Nhật Bản, đã có một số trường hợp bị cắn nhưng tính đến nay chưa có ai tử vong. 

nhen-lung-do
Nhện lưng đỏ được tìm thấy lần đầu tại Nhật vào năm 1995 ở Osaka. Ảnh: wikipedia

Trang phục làm từ tơ nhện  

Tơ nhện so với tơ tằm có độ bền cao hơn. Hơn nữa, nó còn bền gấp 5 lần so với thép và nhẹ hơn thép có cùng độ bền 6 lần, thêm vào đó là khả năng đàn hồi như nylon và chịu được nhiệt độ cao lên đến 300 độ C. Chúng được đánh giá là có tiềm năng trong việc tạo mạch máu nhân tạo, sản xuất áo chống đạn và thân máy bay. Nuôi nhện để lấy tơ không hiệu quả vì chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau, nên việc nuôi tằm lấy tơ được phát triển thay thế trong ngành công nghiệp dệt may. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn luôn cố gắng tìm ra phương thức đặc biệt để sản xuất tơ nhện hàng loạt trong nhiều năm qua. Họ đã cố gắng biến đổi gen của con tằm để chúng cho ra tơ giống nhện, nhưng những con tằm không thể cho ra số lượng tơ đột biến gen đủ để đưa vào sản xuất hàng loạt.

vai-to-nhen-qmonos
Công ty Spiber sáng tạo ra loại vải tơ nhện và ứng dụng vào làm quần áo, ghế xe ô tô Lexus. Ảnh: spiber

Vào năm 2013, công ty Nhật Bản Spiber Inc. đã tìm cách biến đổi gen vi khuẩn để tạo ra các protein tạo nên tơ nhện, đồng thời phát triển cách dệt các protein thành tơ với độ bền tương tự như tơ nhện. Loại vải mới được đặt tên là “Kumonosu – 蜘蛛の巣 – Mạng nhện” với tên tiếng Anh là QMONOS. Từ loại tơ mới này, công ty đã làm ra một chiếc đầm xanh đặc biệt. Năm 2015, công ty Spiber cũng từng hợp tác với hãng thời trang The North Face để cho ra mắt chiếc áo khoác trượt tuyết làm từ vải QMONOS mang tên “Moon Parka Prototype”. Vào tháng 10/2016, Spider tiếp đưa loại vải này vào việc sản xuất vải bọc ghế ô tô Lexus Kinetic Seat tại Paris Motor Show. Công ty hy vọng đến năm 2022, dây chuyền có thể sản xuất 50 tấn vải QMONOS/năm tại nhà máy ở tỉnh Yamagata.

kilala.vn 

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU