Nhật Bản 24 mùa hoa (phần cuối)

Bài: Inako/ Ảnh: PIXTAApr 2, 2018

Một năm trong lịch phương Đông được chia thành 24 tiết khí. Đối với người Nhật, mỗi một khoảnh khắc giao mùa trong năm đều đáng ghi nhận, mỗi một mùa hoa đều có thể trở thành một sự kiện hay lễ hội địa phương. Hãy theo Kilala đến Nhật Bản, để cùng người Nhật hoà mình vào thiên nhiên tuyệt đẹp qua 24 mùa hoa các bạn nhé!

Tiết Tiểu thử (7/7 – 22/7): Yuri - Bách hợp

hoa bách hợp
Hoa bách hợp (Ảnh: PIXTA)

Tiểu thử (nắng vừa) là giai đoạn mà mùa mưa đã qua đi, nhiệt độ ngày một tăng cao, và cũng là thời kì mãn khai của Bách hợp. Nhật Bản được coi là Vương quốc của Bách hợp với khoảng 70 chủng loại hoa, trong đó có 50 loài bản địa. Hoa mang nhiều ý nghĩa, như Sơn Bách hợp tượng trưng cho sự uy nghiêm, Bách hợp trắng tượng trưng cho sự thuần khiết, Bách hợp vàng tượng trưng cho sắc đẹp không tô điểm.

Địa điểm gợi ý: Vườn hoa Bách hợp Dondendaira ở phường Iide, tỉnh Yamagata. Vườn hoa Bách hợp Minami Kurikogen Ichihasama của thành phố Kurihara, tỉnh Miyagi.

Tiết Đại thử (23/7 – 7/8): Hasu - Sen

hoa sen
Hoa sen (Ảnh: PIXTA)

Đại thử (nắng to) là thời kì có khí hậu nóng nhất trong năm, là mùa Sen nở rộ giữa những hồ nước xanh mướt. Cái tên “Hasu” trong tiếng Nhật lại bắt nguồn từ chữ “hachisu”, nghĩa là tổ ong, do hình thái của búp sen. Vào mỗi sáng sớm mùa hạ, hoa bung cánh nở phủ đầy trên mặt nước, đến khoảng 3 giờ chiều thì khép ngủ. Sau chừng 3 lần mở và khép cánh như thế, đến ngày thứ 4 thì hoa tàn. 

Địa điểm gợi ý: Muốn đi ngắm Sen ở Nhật Bản, tuyệt đối không nên bỏ qua hồ Sen ở công viên Chiba, tỉnh Chiba.

Tiết Lập thu (8/8 – 22/8): Cosmos – Thu anh

hoa thu anh
Hoa thu anh (Ảnh: PIXTA)

Bước vào tiết Lập thu (đầu thu), những ngày nóng bức vẫn chưa vội lui đi, nhưng từ sau lễ Obon thì bạn có thể cảm nhận được không khí của mùa thu đang đến. Cosmos được người Nhật coi là một trong những loài hoa đại diện cho mùa thu, tuy vẫn có nơi hoa nở từ giữa hạ. Tên hoa trong tiếng Nhật có nghĩa là “hoa Anh đào mùa thu”, bởi cánh hoa có hình dáng giống như hoa Anh đào. Cosmos là một loài hoa sớm nở và lâu tàn. Thân cây trông mong manh nhưng gió bão chỉ làm cây nghiêng ngả chứ không đánh gẫy được. 

Địa điểm gợi ý: Công viên đồi Thái Dương Engaru ở quận Monbetsu, Hokkaido. Con đường Cosmos Arakawa ở quận Kitaadachi, tỉnh Saitama. “Vườn Cosmos Giấc mơ”. ở thành phố Kameoka, Kyoto.

Tiết Xử thử (23/8 – 7/9): Kikyo - Cát cánh 

hoa cát cánh
Hoa cát cánh (Ảnh: koichichi / PIXTA)

Tiết Xử thử ghé thăm đảo quốc Nhật Bản khi mùa nóng khắc nghiệt đã qua đi, có thể nghe thấy tiếng côn trùng rỉ rả trong những bụi cây, ngũ cốc trổ hạt, gió lạnh thổi qua từ lúc chiều tối tới sáng sớm, đồng thời mùa bão cũng đang đến gần. Hoa Cát cánh là một trong bảy loài hoa cỏ nổi tiếng của mùa thu, vẻ đẹp thanh tao và kiêu hãnh của hoa từ xưa đã rất được các võ sĩ yêu thích. Mỗi một đoá hoa ngẩng đầu lên đều tràn đầy khí chất, chỉ một nhành hoa cắt để trang trí trong phòng cũng đủ tạo nên bầu không khí trang nghiêm. 

Địa điểm gợi ý: “Xứ sở Cát cánh” ở chùa Kokusho, thành phố Kameoka, Kyoto. Chùa Kosho ở thành phố Shuchi, tỉnh Fukuoka. Chùa Rozan ở quận Kamigyo, Kyoto - nơi Murasaki Shikibu từng viết nên kiệt tác “Truyện Genji” (Vào thời Showa, vườn hoa Cát cánh của chùa đã được gọi là “Vườn Genji”).

Tiết Bạch lộ (8/9 – 22/9): Hagi - Hồ chi

Hoa hồ chi
Hoa hồ chi (Ảnh: tanakawho/Flickr)

Bạch lộ (sương trắng) là giai đoạn mà nhiệt độ nửa đêm hạ rất thấp, sương bắt đầu đọng trên cây cối và hoa cỏ lúc bình minh. Sức nóng ban ngày cũng bắt đầu dịu đi, khí tiết mùa thu bộc lộ một cách rõ rệt. Hồ chi là một trong bảy loài hoa cỏ nổi tiếng của mùa thu, dễ dàng bắt gặp ở vùng núi hoang dã. Vào đêm rằm mùa thu, Hồ chi cũng thường được đặt chung với cỏ Lô và bánh Dango để cúng bái trời đất. 

Địa điểm gợi ý: Tu viện Tokoin ở thành phố Toyonaka, Osaka. Chùa Chofuku ở thành phố Hachioji, Tokyo.

Tiết Thu phân (23/9 – 7/10): Higanbana - Bỉ ngạn 

Hoa bỉ ngạn
Hoa bỉ ngạn (Ảnh: PIXTA)

Một tuần tính từ trước đến sau mốc Thu phân 3 ngày được gọi là tiết Bỉ ngạn mùa thu (20/9 – 26/9), và hoa Bỉ ngạn nở vào đúng thời điểm đó. Trong Phật giáo, từ “Bỉ ngạn” được dùng để chỉ miền Tịnh độ ở Tây phương Cực lạc, vì vậy mà hoa Bỉ ngạn được coi là loài hoa của Thiên giới. Người ta tin rằng ai nhìn thấy được hoa có thể tránh được ác nghiệp. Đặc biệt, không bao giờ nhìn thấy hoa và lá Bỉ ngạn xuất hiện cùng một lúc với nhau. Khi có lá thì không có hoa, khi hoa nở thì không thấy lá, ví như một đôi tình nhân nhớ thương nhau nhưng âm dương cách biệt, muôn kiếp luân hồi cũng không bao giờ nhìn thấy nhau. 

Địa điểm gợi ý: Lễ hội Mạn Châu Sa hoa “Kinchakuda” ở thành phố Hidaka, tỉnh kéo dài suốt tháng 9.

Tiết Hàn lộ (8/10 – 23/10): Susuki - cỏ Lô 

cỏ lô
Cỏ lô (Ảnh: PIXTA)

Vào tiết Hàn lộ (sương lạnh), khí tiết sáng sớm và đêm khuya lạnh buốt, nhưng ban ngày lại rất trong lành và dễ chịu. Loài hoa cỏ nổi bật của giai đoạn này là cỏ Lô,  một trong bảy loài hoa cỏ mùa thu. Hình ảnh những ngọn cỏ Lô rũ mình phất phơ trong gió thu có thể khiến bạn thấu cảm được vẻ tĩnh mịch, thanh vắng đặc trưng của mùa thu Nhật Bản. Đây cũng là vật cúng không thể thiếu trong đêm Otsukimi (Trung thu). 

Địa điểm gợi ý: Cao nguyên Sengokuhara gần hồ Ashi, phường Hakone của tỉnh Kanagawa. Cao nguyên Aoyama trên vùng núi Kasatori, tỉnh Mie.

Tiết Sương giáng (24/10 – 7/11): Kiku - Cúc 

Hoa cúc
Hoa cúc (Ảnh: PIXTA)

Sương giáng (sương rơi) là giai đoạn mà đêm trở nên lạnh hơn, ở các địa phương phía Bắc và vùng núi đã bắt đầu có sương muối, báo hiệu mùa đông đang dần đến. Vào thời kì này, Cúc cũng bắt đầu nở hoa. Trong tiếng Hán, “Cúc” có nghĩa là “tận cùng, cuối cùng”, biểu thị ý nghĩa đây là loài hoa nở muộn nhất trong năm. Hoa nở đẹp nhất vào khoảng tháng 11, nhưng vẫn có loại nở vào mùa đông gọi là “Tàn cúc”, “Vãn cúc”, “Đông cúc” hay “Hàn cúc”. Hoa Cúc là biểu tượng của hoàng gia và được bầu là một trong hai loài quốc hoa của Nhật Bản. 

Địa điểm gợi ý: Lễ hội hoa Cúc Kitami (thành phố Kitami, Hokkaido), Triển lãm hoa Cúc (quận Shinjuku, Tokyo), Lễ hội hoa Cúc toàn quốc (thành phố Izumi, Osaka).

Tiết Lập đông (8/11 – 22/11): Cha - hoa Trà (Camellia sinensis) 

Hoa trà
Hoa trà (Ảnh: PIXTA)

Lập đông (đầu đông) là thời kì bắt đầu mùa đông. Đây cũng là giai đoạn mãn khai của hoa Trà. Hoa mọc lên từ thân cây trà, màu trắng, cánh hoa hơi cuộn lại và hướng xuống đất. Đây là loài trung gian giữa Sơn trà Nhật Bản (Tsubaki) và Trà mai (Sazanka). Hoa có thể được dùng để làm các món gỏi, trang trí cho Tempura hoặc uống chung với nước trà. Trong ngôn ngữ các loài hoa, hoa Trà tượng trưng cho sự hoài niệm, trái tim chân thành và tình yêu thuần khiết. Hãy kết hợp việc ngắm hoa và thưởng thức trà thơm đầu đông bằng cách ghé thăm các vườn trà vào thời gian này các bạn nhé.

Tiết Tiểu tuyết (23/11 – 6/12): Kaede - Phong 

phong
Phong (Ảnh: PIXTA)

Tiểu tuyết (tuyết nhẹ) là thời kì cây bắt đầu rụng lá, đây đó xuất hiện những đợt tuyết đầu tiên. Vào thời điểm này, khắp Nhật Bản sẽ được nhuộm trong sắc đỏ lá Phong. Có 26 chủng loại Phong phát triển trên đất Nhật trong tổng số 160 chủng loại ở vành đai của bán cầu Bắc. Trong số đó, Momiji là một loại cây đặc biệt có sắc lá đỏ tươi, xứng đáng đại diện cho các loại lá đỏ Nhật Bản. Chữ Kaede trong tiếng Nhật bắt nguồn từ chữ “Kaerude” (tay ếch), bởi những chiếc lá xẻ vào trong trông giống như màng tay và chân ếch. Cây được trồng khắp nơi trên đường phố, sân vườn và núi đồi Nhật Bản. 

Địa điểm gợi ý: Công viên Showa Kinen ở thành phố Tachikawa, Tokyo. Arashiyama ở thành phố Kyoto. Chùa Thanh Thuỷ (Kiyomizudera) ở thành phố Kyoto 

Tiết Đại tuyết (7/12 – 21/12): Tsubaki - Sơn trà Nhật Bản (Camellia japonica)

hoa sơn trà Nhật Bản
Hoa sơn trà Nhật Bản (Ảnh:  hanaishi / PIXTA)

Đại tuyết (tuyết lớn) là giai đoạn mà mùa đông chính thức ghé thăm Nhật Bản, tuyết rơi chồng chất trên khắp các dãy núi và vùng bình nguyên. Kể từ đầu tháng 12, Sơn trà Nhật Bản (Tsubaki) cũng bắt đầu nở. Có giả thiết cho rằng cái tên “Tsubaki” trong tiếng Nhật bắt nguồn từ việc cánh hoa trông giống như chuôi kiếm (tsuba), sau đó ghép thêm chữ “mộc” (ki) vào. Người Nhật xưa tin rằng lá Sơn trà có linh lực đặc biệt. Nét đẹp thanh thoát của Tsubaki được biểu thị trên hoa văn của các đồ thủ công mỹ nghệ như gốm sứ, sơn mài. Tinh dầu chiết xuất từ hạt Tsubaki được dùng để làm dầu gội đầu, gỗ dùng làm vật liệu xây dựng. 

Địa điểm gợi ý: vườn Tsubaki trong công viên Shimoda (thành phố Shimoda, Shizuoka). Công viên Shiroyama – di tích thành Nobeoka (thành phố Nobeoka, Miyagi). “Thung lũng Tsubaki” ở thành Matsue (Shimane) và thác Ino ở phường Ohara (Chiba).

Tiết Đông chí (22/12 – 5/1): Sazanka - Trà mai (Camellia sasanqua)

hoa trà mai
Hoa trà mai (Ảnh: PIXTA)

Đông chí (giữa đông) là thời kì mà ngày ngắn nhất và đêm dài nhất trong năm. Trà mai bắt đầu nở từ cuối thu – đầu đông, mùa mà ít loài hoa nào nở. Đây là loài hoa bản địa của Nhật Bản. Hoa dễ bị nhầm với Tsubaki nhưng nở sớm hơn, cánh nhỏ hơn. Hương hoa thơm ngọt ngào. Có thể chiết xuất tinh dầu từ hạt. 

Địa điểm gợi ý: Vườn chùa Koyasujizo (thành phố Hashimoto, Wakayama). Vườn Genroku ở chùa Kongo (thành phố Gojo), chùa Senshuku (thành phố Gose) ở tỉnh Nara. Chùa Gansen (thành phố Kizugawa), chùa Niyoi (thành phố Kyotango) ở tỉnh Kyoto.

Inako/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU