Nhân vật thiếu nhi anh hùng trong văn hóa Nhật Bản
Bài: HOÀNG LONG
May 17, 2020
Hình ảnh: TÀI LÊ, PIXTA
Những khuôn mẫu kinh điển
Hình mẫu chung của các truyện cổ tích Nhật Bản là các nhân vật đều có xuất thân kỳ lạ, tuy mang dáng hình bé nhỏ nhưng có sức mạnh vô song. Cả Momotaro và Kaguya-hime đều bị thu nhỏ trước khi được trở lại làm người bình thường. Đúng như tên gọi “Cậu bé quả đào”, Momotaro vốn bị phong ấn trong một quả đào thả trôi sông, còn Công chúa ánh trăng bị phong ấn trong một đốt tre, chỉ nhỏ bằng ngón tay cái. Vì người Nhật có một nghi lễ thanh tẩy “thả trôi sông” để cuốn đi bao nhiêu tội lỗi, thế nên ta có thể phỏng đoán rằng Momotaro đã phạm một tội lỗi gì đó trên vùng thượng nguồn rồi bị phong ấn thả xuống, còn Công chúa ánh trăng cũng vì phạm tội trên Cung trăng mà bị phong ấn thu nhỏ thả trôi xuống trần gian này. Trong quá trình lưu lạc, những tội lỗi dần được rửa sạch và nhân vật trở thành thiện lương. Hơn nữa nhân vật khi xuất hiện đều trong hình dáng của một đứa bé nhưng đều phát huy uy lực lớn lao của mình.
Khuôn mẫu này đã trở thành chìa khóa khi chúng ta tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản. Chẳng hạn phong tục “thả trôi sông” mà người Nhật thường hay sử dụng trong vô thức. Đó là việc hù dọa đứa con của mình là “con được lượm dưới chân cầu, lượm dưới sông lên đấy”. Về mặt hình thức, “đứa con lượm được dưới chân cầu” luôn là một lời đe dọa đáng sợ với trẻ con. Nhưng xét về mặt vô thức, đó là lời nói âu yếm của bậc cha mẹ hy vọng đứa con bé bỏng sẽ phát huy uy lực của một vị thần nhỏ như Momotaro.
Hơn nữa, trong lịch sử Nhật Bản rất nhiều cuộc gặp gỡ quan trọng của các anh hùng hào kiệt đều diễn ra tại các cây cầu. Minamoto no Yoshitsune đã gặp Benkei trên một cây cầu ở Kyoto, Hideyoshi Toyotomi gặp Koroku Hachisuka tại cầu Yahagi. Có thể nói cầu là nơi xuất phát của những bậc anh hùng trong văn hóa Nhật Bản, một dạng như khuôn mẫu kinh điển đứa trẻ mang trong mình uy lực theo dòng nước đưa đến như Momotaro vậy.
Giá trị của những điều nhỏ bé
Người Nhật xem trọng giá trị của những đồ vật nhỏ. Chính vì vậy văn hóa Nhật Bản rất sâu sắc tinh tế, người Nhật rất tỉ mỉ chu đáo. Sản phẩm Nhật Bản luôn cải thiện (kaizen) để luôn nhỏ hơn, tốt hơn và đẹp hơn. Đến mức có ý kiến cực đoạn cho rằng hễ mà người Nhật thử chế tạo thứ gì lớn cũng đều thất bại mà chiến hạm Đại hòa Yamato trong chiến tranh thế giới thứ hai là một minh chứng tiêu biểu.
Quay trở lại với khuôn mẫu của Cậu bé quả đào và Công chúa ánh trăng, chúng ta thấy hầu hết các sản phẩm văn hóa Nhật Bản thành công đều chịu ảnh hưởng của khuôn mẫu này cho dù tác giả có ý thức hay không. Bộ truyện tranh “Bảy viên ngọc rồng” nổi tiếng thế giới có nhân vật Songoku vốn là người của hành tinh Xayda bị lưu lạc xuống địa cầu, mang theo sức mạnh vô song để chinh phạt địa cầu. Nhưng rồi trong quá trình lưu lạc, gặp gỡ Quy sư phụ và các bạn bè tốt, Songoku đã nhiều lần giúp ích cho trái đất, dần dần trở thành một con người thiện lương. Còn nhân vật chính Luffy của “Đảo hải tặc” (One Piece) mang năng lực của trái ác quỷ cao su, vươn dài tay chân và thân mình như ý muốn. Trong truyện “Thám tử Conan” thì nhân vật Conan là phiên bản thu nhỏ của Shinichi có năng lực phá án thiên tài. Teppi trong “Cậu bé Teppi” mang trong mình kỳ tài kiếm thuật, qua quá trình rèn luyện đã biến bản năng kiếm thuật trở thành những kỹ năng chuyên nghiệp, giành giải kiếm thuật quốc gia bậc sơ trung…
Một yếu tố khác thường thấy trong khuôn mẫu kinh điển này chính là sự đoàn kết, gắn bó của một tập thể. Vì khi nhân vật chính hậu đậu yếu đuối thì những người bạn sẽ giúp họ nâng cao sức mạnh vốn có, đạt đến mục tiêu chung. Như trong truyện “Doraemon”, Doraemon vốn là chú mèo máy từ thế kỷ 21 quay ngược trở lại thời gian để giúp Nobita, gợi liên tưởng đến sự trôi xuống hạ nguồn của cậu bé quả đào nhưng là về mặt thời gian. Trong khi đó Nobita yếu đuối hậu đậu ngoài Doraemon thì luôn cần sự giúp đỡ của các bạn bè như Jaian, Shizuka và Suneo để có thể thực hiện những cuộc phiêu lưu kỳ thú. Trong “Ninja loạn thị”, Rantarou ẩm ương luôn có những người bạn dở hơi và các thầy cô hâm hâm không kém giúp đỡ nên luôn thực hiện thành công tác chiến dịch giải cứu dù đôi khi có sự may mắn giúp đỡ. Trong xã hội Nhật Bản cũng vậy. Người Nhật nổi tiếng về sự cần cù, đoàn kết và được thế giới ca ngợi, được so sánh với một tổ kiến khổng lồ. Văn hóa Nhật Bản luôn coi trọng tập thể hơn cá nhân, xã hội phân cấp theo chiều dọc với tôn ti trật tự rõ ràng. Chính vì thế mà sức mạnh mềm của Nhật ngày càng được cải thiện nâng cao, văn hóa Nhật Bản dần có tầm ảnh hưởng quan trọng đến thế giới.
Đi sâu vào triết lý tư tưởng, chúng ta thấy người Nhật luôn xem trọng tinh thần “Nhu nhược thắng cương cường” thể hiện trong các môn nhu thuật, nhu đạo. Niềm tự hào của người Nhật “nhỏ mà khí phách can trường” đã trở thành động lực cho người Nhật không ngừng vươn lên sánh vai ngang hàng với các cường quốc hàng đầu thế giới.
kilala.vn
Có một điều thú vị là trong lịch sử người Nhật từng bị xem là một dân tộc nhỏ bé, những người lùn. Trong “Ngụy chí”, một quyển sử Trung Quốc cổ đại, có một mục “Ngụy Chí Oa Nhân truyện” viết về lịch sử tối cổ Nhật Bản, đã gọi người Nhật là “Oa nhân” hay “nụy nhân” (Wajin), có nghĩa là “người thấp và nhỏ”. Từ thời xa xưa, người Nhật so với láng giềng Trung Quốc chỉ là một học trò nhỏ cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Thế nhưng, đúng như mẫu hình của Momotaro, đứa bé Nhật Bản đã vươn dậy mạnh mẽ. Bằng cách đó, Nhật Bản đã hóa giải được lời nguyền phong ấn thu nhỏ từ xa xưa để phát huy sức mạnh lớn lao của mình. Nội lực đáng kinh ngạc đó có thể nói vốn đã nằm từ trong khuôn mẫu văn hóa xa xưa, thuở cậu bé trái đào và công chúa ánh trăng bị đày ải xuống trần gian, thanh tẩy mình qua quá trình lưu lạc để hóa giải lời nguyền của một dân tộc nhược tiểu chăng?