Nhạc cụ truyền thống Nhật Bản

Bài: Tee ChanOct 10, 2019

Không như Kimono, trà đạo hay nghệ thuật cắm hoa Ikebana, những loại nhạc cụ truyền thống Nhật Bản dường như vẫn còn khá xa lạ với người nước ngoài. Tuy nhiên, bạn có biết đây là một trong những nét đẹp văn hóa mang đậm tinh thần duy mĩ của người Nhật?

Đàn Shamisen

Shamisen là loại đàn 3 dây với mặt trước và mặt sau của thân đàn được bọc da để khuếch đại âm thanh khi gảy đàn. Để chơi đàn, người ta sử dụng một dụng cụ gảy đàn có kích thước lớn được gọi là bachi. Thời xưa, bachi được làm từ ngà voi, mai rùa hay sừng trâu, tuy nhiên ngày nay, một số bachi cũng được làm bằng nhựa. Bachi dù được làm ra từ nguyên liệu gì cũng không làm ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh khi gảy đàn. Âm thanh phát ra từ đàn Shamisen có tiếng “ù” độc đáo vì cổ đàn được thiết kế thấp hơn dây đàn. Đàn Shamisen có thể gỡ rời các bộ phận để dễ di chuyển và ráp lại khi cần sử dụng.

Người ta cho rằng, đàn Shamisen được du nhập từ Trung Quốc đến Osaka vào thế kỉ 16. Ban đầu, Shamisen được chơi bởi những người khiếm thị, các nghệ sỹ đường phố và geisha. Đàn Shamisen được dùng trong các buổi trình diễn gắn với âm nhạc dân gian hay các buổi biểu diễn nghệ thuật. Từ đó Shamisen trở thành nhạc cụ đệm cho các vở kịch Kabuki. Có lẽ cũng từ đây, Shamisen tìm được cho mình một vị trí cao cấp trong văn hóa Nhật Bản.

Shamisen được xem là loại nhạc cụ xem trọng cảm xúc cá nhân, bởi lẽ những người khiếm thị không chơi theo bản nhạc mà chính cảm xúc cá nhân làm họ thăng hoa qua từng nốt nhạc.

Nhạc cụ truyền thống Nhật Bản
Đàn Shamisen. (ảnh:labios_de_papel@ig).

Đàn Koto

Có nguồn gốc từ đàn Guzheng của Trung Quốc như đàn tranh của Việt Nam hay đàn Qui của Hàn Quốc. Một cây Koto chuẩn có 13 dây đàn và được gảy bằng 3 ngón tay: ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa. Dây đàn Koto thường được làm bằng lụa và căng qua 13 thanh ngựa hay còn gọi là nhạn đàn. Những nhạn đàn này có thể dịch chuyển suốt chiều dài 180cm của cây đàn. Sự dịch chuyển những nhạn đàn này là cách để người chơi tạo ra những giai điệu mới khi sử dụng đàn Koto. Khác với Shamisen, Koto ở Nhật Bản bắt đầu “cuộc sống sung sướng” hơn khi được sử dụng trong triều đình. Và có lẽ cũng vì lí do đó mà Koto không có cơ hội được tiếp xúc với dân thường. Nhưng điều này đã thay đổi vào khoảng thế kỉ thứ 17, một nghệ sỹ chơi đàn Koto của triều đình đã bắt đầu dạy cách chơi Koto cho một người mù chơi Shamisen. Người học trò này có tên là Yatsuhashi Kengyo. Đây cũng chính là người đưa Koto gần hơn với tầng lớp thường dân và được xem là cha đẻ của đàn Koto ở Nhật Bản.

539_JapaneseGardenMusic_0539-788x525.jpg
Đàn Koto. (ảnh: japanesegarden.org).

Trống Taiko

Từ rất lâu trong văn hóa Nhật Bản, trống đã xuất hiện, đặc biệt là trong các lễ hội truyền thống của Nhật. Trống Nhật Bản Taiko được làm từ da bò, kéo căng trên một thân cây rỗng ruột. Để tạo ra âm thanh, người chơi thường đánh bằng gậy gỗ dày. Khi sử dụng trống đòi hỏi rất nhiều sức mạnh và sức bền của người chơi. Người chơi trống sẽ phải đặt chân rộng hơn vai, uốn cong đầu gối một chút và sử dụng sức mạnh của tất cả các bộ phận để đánh trống. Tiếng trống vang ra có âm thanh hùng dũng, khỏe khoắn và rắn chắc.

Trống Taiko thường được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo và các lễ hội. Âm thanh của tiếng trống Taiko đã phần nào đưa văn hóa Nhật Bản đến toàn thế giới từ các buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống hay hiện đại.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU