Nguồn gốc 6 quan niệm mê tín phổ biến vào mùa hè ở Nhật

Bài: Rin
Sep 1, 2021

Ảnh: PIXTA

Vào mùa hè, người Nhật thường có nhiều quan niệm mê tín như không đi bơi trong dịp lễ Obon, không nằm ngủ hướng đầu về phía Bắc…

Mùa hè Nhật Bản thường gắn liền với hình ảnh những lễ hội Natsu Matsuri, pháo hoa và món đá bào Kakigori, nhưng đồng thời đây cũng là khoảng thời gian mà người Nhật thường kể cho nhau nghe những câu chuyện ma quái, rùng rợn hay xem nhiều bộ phim kinh dị được chiếu trên TV. Theo đó, có khá nhiều quan niệm mê tín được truyền tai nhau trong mùa hè để tránh gặp những điều xui xẻo và không vô tình kêu gọi các linh hồn xấu.

Đi bơi trong lễ Obon sẽ bị bắt cóc và đưa sang thế giới bên kia 

Theo quan niệm của người Nhật, sông suối, nơi có nước chảy là một trong những con đường dẫn các linh hồn trở về thế giới của con người trong suốt dịp lễ Obon. Do vậy, người Nhật quan niệm không nên đi bơi trong dịp lễ này vì các linh hồn đang trôi theo dòng nước có thể bắt lấy bạn và đưa bạn sang thế giới bên kia bất cứ lúc nào. 

khong-di-boi-trong-le-obon
Tránh đi bơi trong lễ Obon vì sẽ bị các linh hồn bắt sang thế giới bên kia. 

Quan niệm mê tín này xuất phát từ việc cảnh báo những đứa trẻ đi bơi trong mùa lễ Obon bởi chúng có thể làm cản trở các linh hồn di chuyển an toàn, cũng như ảnh hưởng đến các đèn lồng trôi sông Toro Nagashi (灯籠流し) được nhiều gia đình thả xuống sông để tiễn đưa người thân quay trở lại thế giới bên kia. Bên cạnh đó, điều này cũng được giải thích theo khía cạnh khoa học vì trong những tháng mùa hè, Nhật Bản thường chịu ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt, rất nguy hiểm cho việc bơi lội. Do vậy, đi bơi trong dịp lễ này không chỉ dễ bị các linh hồn bắt cóc, mà còn có thể bị dòng nước lũ hung tợn cuốn đi. 

Huýt sáo vào ban đêm sẽ dẫn dụ rắn cùng các hồn ma về nhà

Khi trở về nhà sau lễ hội pháo hoa hay các lễ hội khác, trong tâm trạng phấn khích, nhiều người có thể huýt sáo vui vẻ trong đêm. Tuy nhiên, theo quan niệm mê tín cổ xưa tại Nhật Bản, không nên huýt sáo vào ban đêm vì hành động này có thể vô tình triệu hồi các linh hồn, loài rắn hoặc những tên tội phạm. Quan niệm này bắt nguồn từ thời phong kiến khi có nhiều tên cướp rình rập trên các con đường đêm vắng vẻ hoặc những kẻ xấu nằm ngoài vòng pháp luật, chúng thường sử dụng cách huýt sáo để giao tiếp với nhau. Do vậy, nhanh chóng sau đó, huýt sáo trong đêm bị gắn liền với việc gọi mời kẻ xấu và quan niệm này vẫn tồn tại đến tận ngày nay. 

khong-huyt-sao-vao-ban-dem
Huýt sáo vào ban đêm có thể dẫn dụ rắn, các linh hồn ma quái hoặc kẻ xấu đến. 

Treo quần áo vào ban đêm sẽ gọi linh hồn đến 

Trong mùa lễ Obon diễn ra vào những ngày hè, thế giới đầy rẫy những linh hồn lang thang, do vậy người Nhật quan niệm không được treo quần áo vào ban đêm vì chúng sẽ trở thành một món đồ quen thuộc mà các linh hồn này chọn để trú ẩn bên trong. Thêm nữa, vào ban đêm khi gió thổi, những bộ quần áo sẽ tạo nên hình dáng giống người đang bay cũng khiến hàng xóm và những người xung quanh hoảng sợ. 

tranh-phoi-quan-ao-qua-dem
Tránh phơi quần áo qua đêm trong dịp lễ Obon vì các linh hồn có thể trú ẩn trong đó. 

Quan niệm trên xuất phát từ việc Kimomo được truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình, nên nếu phơi Kimono vào ban đêm trong mùa lễ Obon, khi các linh hồn tổ tiên quay trở lại dương thế, họ sẽ chọn bộ đồ Kimono ngày xưa từng mặc để bám vào. 

Cắt móng tay vào ban đêm sẽ dẫn đến cái chết

Người Nhật quan niệm tránh cắt móng tay, móng chân vào ban đêm, điều này bắt nguồn từ trước khi các dụng cụ cắt móng tay và điện được phát minh ra. Vào thời xưa, để cắt móng tay, móng chân, người Nhật thường dùng dao dưới ánh nến mờ, do vậy, chỉ cần một phút giây lơ đãng hoặc vô tình cắt quá quá sâu có thể dẫn đến nhiễm trùng và gây ra cái chết. 

khong-cat-mong-tay-ban-dem
Cắt móng tay vào ban đêm có thể dẫn đến đoản mệnh. 

Ngoài ra, quan niệm mê tín này cũng xuất phát từ việc các công cụ, trong đó có kềm cắt móng, sở hữu “霊力 – Reiryoku" (linh lực) nên nếu sử dụng chúng để cắt vào ban đêm trong khoảng thời gian các linh hồn đang hoạt động mạnh thì quả là một ý tưởng tồi tệ. Thêm vào đó, vì trong tiếng Nhật, “夜爪 - Yozume” (cắt móng vào ban đêm) có cùng cách phát âm với thuyết “世詰め – Yozume” nghĩa là đoản mệnh trong trong thời Chiến quốc. Theo đó, nếu cắt móng tay vào ban đêm, con cái sẽ đoản mệnh, qua đời trước bố mẹ và không thể ở bên họ giây phút lâm chung.  

Khi bị ngã từ cây hồng sẽ qua đời vào 3 năm sau 

“Nếu ngã, con sẽ chết vào 3 năm sau đấy” là câu nói mà các bậc cha mẹ ngày xưa ở Nhật thường nhắc nhở khi con trẻ trèo lên cây hồng. Lời nguyền này quả thật đáng sợ và khiến không ít đứa trẻ tái mét mặt khi biết đến. 

treo-cay-hong-bi-nga-se-qua-doi-vao-3-nam-sau
Khi bị ngã từ cây hồng sẽ qua đời vào 3 năm sau. 

Quan niệm trên được cho là xuất phát từ mối liên hệ sâu sắc giữa cây hồng và sự sống, cái chết trong văn hoá dân gian Nhật Bản. Tại tỉnh Nara, người Nhật có phong tục trồng cây hồng để đánh dấu mộ hoặc sử dụng gỗ của chúng để hoả táng. Còn tại tỉnh Nagano, người ta quan niệm có thể tìm thấy những linh hồn bên dưới cây hồng, và người thân sau khi qua đời có thể bám vào, sống trên những cây hồng ở gần gia đình của họ. Ngoài ra, cây hồng cũng tượng trưng cho sự may mắn và trường thọ khi nhiều gia đình Nhật treo các chuỗi quả hồng khô Hoshigaki ở nhà trong suốt đêm giao thừa. Nhưng cũng có một số quan niệm khác cho rằng nếu ăn phải quả hồng có hình dáng kỳ lạ sẽ sinh ra con bị khuyết tật. 

hong-kho-hoshigaki
Những quả hồng khô treo gió (Hoshigaki) ở tỉnh Yamanashi. 

Trong khi có khá nhiều điều bí ẩn xoay quanh cây hồng, quan niệm mê tín ngã từ cây hồng sẽ qua đời vào 3 năm sau lại được tạo ra với mục đích cảnh báo lũ trẻ cẩn thận khi leo trèo vì chúng được biết đến là cây có cành khá giòn và dễ gãy. 

Nằm ngủ hướng đầu về phía Bắc sẽ chào đón Thần Chết vào nhà 

Trong nghi thức lễ tang Phật giáo ở Nhật Bản, thi thể sẽ được đặt sao cho đầu hướng về phía Bắc vì đây không chỉ là hướng đi của các linh hồn đến thế giới bên kia, mà nó còn là hướng Đức Phật đã gục đầu khi qua đời. Do vậy, người Nhật quan niệm tránh ngủ quay đầu về hướng Bắc hay còn gọi là "北枕 – Kita Makura". Điều này cũng tương tự như điều cấm kỵ cắm đũa thẳng vào bát cơm vì đây là chén cơm được đặt cạnh thi thể trong đám tang, gọi là "枕飯 – Makura Meshi" hoặc tránh mặc Kimono với vạt áo phải che vạt áo trái bởi đây cũng là quy tắc mặc dành cho người đã mất. 

tranh-nam-ngu-goi-dau-ve-huong-bac
Tránh nằm ngủ hướng đầu về phía Bắc. 

Xem thêm:Nghi thức Tatami: Đừng giẫm lên thềm cửa!

kilala.vn 

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU