Người Sài Gòn, người Osaka và những điểm tương đồng thú vị

Bài: .Ngưn.Mar 12, 2021

Có thể bạn đã biết sự khác nhau giữa 2 vùng Kansai và Kanto với đại diện là Tokyo và Osaka, hay một số nét tương đồng giữa người Việt Nam và người Nhật Bản. Trong bài viết này, Kilala sẽ đào sâu thêm một khía cạnh khác giữa hai đất nước anh em thân thiết này, đó là khám phá những nét tương đồng giữa người Sài Gòn và người Osaka.

1) Sự thân thiện, nhiệt tình

Một “đặc sản” dễ nhận thấy ở người Sài Gòn là sự thân thiện, nhiệt tình. Tôi còn nhớ những ngày đầu lên Sài Gòn nhập học. Đối với một cô sinh viên tỉnh lẻ thì Sài Gòn là một tính từ của sự phồn hoa và lạ lẫm. Phố xá rộng thênh thang so với nơi quê nhà, vì vậy mà tôi không tránh khỏi bị lạc đường. Lần ấy tôi quên mang điện thoại theo, trong túi chỉ còn chút tiền lẻ. Tôi loay hoay một lúc rồi đánh bạo mở miệng hỏi đường một cô bán nước ở ven đường. Cô không biết nơi tôi đang trọ nhưng điều làm tôi bất ngờ là cô quay sang hỏi những người khách đang ngồi uống nước. Chú xe ôm đậu ở cạnh đó nghe thấy cũng chạy đến hỏi han, rồi ngỏ ý muốn chở tôi về nhà. Chú không lấy tiền dù tôi nài nỉ mãi. Chú bảo cũng có con gái nhỏ tuổi hơn tôi, học lớp 12 và chuẩn bị thi vào Đại học. Người Sài Gòn là thế, có thể thiếu tiền nhưng luôn dư dả cái tình.

người Sài Gòn, người Osaka và những điểm tương đồng thú vị
Người Sài Gòn sống với nhau bằng cái tình. Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ.

Và sự thân thiện này cũng là điều bạn có thể tìm thấy ở người dân tỉnh Osaka. Nếu đi du lịch mà chẳng may bị lạc đường, bạn đừng ngại mà hãy hỏi một người ở gần đó. Họ sẽ chỉ chỗ cho bạn, thậm chí còn tự mình đưa bạn đi. Họ dễ dàng bắt chuyện và cởi mở với người lạ. Nếu đi tàu, có thể bạn sẽ được một bác gái xa lạ cho kẹo nữa đấy. Đối với người Nhật Bản, khi nhắc đến các bác gái lớn tuổi (Obaachan) ở Osaka thì ấn tượng đầu tiên và cũng là mạnh mẽ nhất chính là câu nói: "Lại đây bà cho kẹo này - Ame chan yaruwa" (飴ちゃんやるわ). Có khi bạn đang phân vân trước một quầy hàng trong siêu thị thì sẽ được một cô người Nhật đi ngang qua và bảo: “Cà tím hôm nay ngon lắm, mua về rán trong chảo ngập dầu thì hết sẩy”. Nói tóm lại, người dân Osaka nổi tiếng hiếu khách và thân thiện nhất Nhật Bản.

tương đồng giữa người sài gòn và osaka
Obaachan ở Osaka thường hay cho kẹo mọi người. Nguồn ảnh: Ameblo.

2) Phóng khoáng và hiếu khách

Nếu bạn đến chơi một gia đình người Sài Gòn mà gần giờ dùng cơm, họ sẽ mời bạn ở lại ăn cùng. Bạn cứ vô tư lấy thêm chén đũa vì họ mời thật chứ không mời lơi. Người Sài Gòn sống phóng khoáng, ít câu nệ phép tắc mà chỉ chú trọng đến sự thoải mái, vui vẻ ở hai bên. Họ cho đi mà không hề tính toán, nhiệt tình đối đãi nhau bằng cái tình và lòng hiếu khách. Nếu đi trên đường, bạn sẽ bắt gặp những điểm đặt bình nước uống miễn phí hoặc sửa xe miễn phí.

tương đồng giữa người sài gòn và osaka
Người Sài Gòn rất hiếu khách. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Còn với người Osaka, một trong những biểu hiện của lòng hiếu khách là họ có thể mời bạn đến nhà chơi ngay trong lần đầu tiên gặp mặt – một điều hiếm hoi đối với đất nước xem trọng sự riêng tư như Nhật Bản. Bạn sẽ không thấy điều này khi ở Tokyo. Khi muốn ghé thăm nhà, bạn phải thông báo với họ trước. Những người Osaka sẵn lòng mời một người về nhà nếu hai người nói chuyện ăn ý, “hợp gu” với nhau dù mới gặp lần đầu. Nếu bạn muốn ở qua đêm một hôm? Chẳng sao cả, người dân xứ sở Takoyaki mang tinh thần của người chủ hiếu khách, sẵn sàng giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Họ thậm chí còn sẽ mời bạn cùng tham gia vào buổi cắm trại cuối tuần hay một bữa tiệc thịt nướng tại gia như một thành viên trong gia đình nữa đấy.

3) Thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng

Người Sài Gòn thẳng thắn, bộc trực, nghĩ sao nói vậy, không vòng vo hay nói lời hoa mỹ. Họ không vừa ý điều gì thì sẽ nói thẳng ra ngay, ăn ở, đối xử với nhau rất thật tâm. Tính thẳng thắn của họ xuất phát từ sự chân thật, giản dị nên không khiến người đối diện thấy quá khó chịu.

Còn với người Osaka, có thể bạn sẽ ngạc nhiên vì sao tôi lại nêu ra nét tính cách tương đồng này. Bởi những ai đã từng tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản ắt sẽ biết đến văn hóa ứng xử "Honne – Tatemae" (本音と建前) của họ. Người Nhật thường được cho là không nói thẳng ra những suy nghĩ thật của mình (Honne) mà lại diễn giải những suy nghĩ đó theo một cách khác, có khi là nói ngược lại với điều mình nghĩ nhằm tránh mất lòng người khác (Tatemae).Nhưng thực chất, riêng với người Osaka, họ có thể nói ra rõ ràng những điều họ thích và không thích mà ít khi dùng lời xu nịnh. Đương nhiên trong môi trường công sở sẽ cần những lúc nói lời Tatemae. Nhưng đa phần người Osaka sẽ không nói ra điều gì mà trái với Honne của họ.

tương đồng giữa người sài gòn và osaka
Minh họa của văn hóa Honne Tatema. Ảnh: Yahoo Japan.

Ví dụ, khi một người Tokyo nói “Không cần đâu, tự tôi làm được” thì bạn còn có thể nghi ngại mức độ thật lòng của họ. Nhưng nếu là người Osaka thì chắc chắn họ không cần thật. Họ cởi mở bộc lộ bản thân, trao đổi thẳng thắn với người đối diện nên người nước ngoài thích giao du với người Osaka hơn. 

Bạn còn biết nét tương đồng nào giữa người Sài Gòn và người Osaka nữa không? Để lại bình luận ngay bên dưới cho Kilala biết nhé!

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU