Người Nhật xua đuổi hồn ma như thế nào?

Bài: NatsumeJul 10, 2021

Thông qua các nghi lễ, những linh hồn đang lạc bước tại dương thế sẽ được đưa về thế giới bên kia.

Khác với "Yokai - 妖怪", yêu quái trong văn hóa dân gian, "Yurei - 幽霊" là hồn ma của những người trước khi chết phải chịu một uất ức gì đó chưa được giải tỏa, chính vì thế mà họ vất vưởng ở trần thế cho đến khi đạt được mục đích của mình, thường là trả thù. Đây cũng là nguồn cảm hứng cho những câu chuyện truyền thuyết đô thị của Nhật Bản.  

Cách tiễn đưa linh hồn về thế giới bên kia

Yurei là một linh hồn, chính vì thế con người không thể dùng những cách thông thường để tiêu diệt chúng. Yurei chỉ có thể biến mất khi sứ mệnh của họ đã hoàn thành hoặc bị thanh tẩy. 

trừ tà
Hình tượng của Yurei. Ảnh: Yokai

Với những linh hồn xấu xa

Đối với văn hóa phương Tây ảnh hưởng bởi Thiên Chúa giáo, nước thánh và thánh giá được cho rằng có thể xua đuổi và tiêu diệt hồn ma. Còn tại Nhật Bản, theo phong tục của Thần Đạo và Phật giáo, dải "Ofuda - お札" có tác dụng xua đuổi tà ma. Đây là một lá bùa làm từ nhiều vật liệu khác nhau như giấy, gỗ, vải hoặc kim loại, thường được thấy ở các đền thờ Thần đạo và chùa. Ofuda thấm nhuần sức mạnh của Kami (thần) hoặc các vị Phật được thờ phụng tại nơi đó. Ngoài ra, bùa hộ mệnh sẽ được gọi là "Gofu - 護符".

trừ tà
Những mẫu Ofuda. Ảnh: nanagadaisuki

Có nhiều loại hình Ofuda:

- Shinsatsu (神札): Bùa Ofuda được viết tên ngôi đền hoặc Kami, thường được đặt trên bàn thờ Thần đạo trong gia đình (Kamidana).

- Ofuda cho từng mục đích cụ thể: chẳng hạn như bảo vệ khỏi những linh hồn xấu, thiên tai, xui xẻo. Ofuda cũng được đặt tại các vị trí trong nhà: Bếp, nhà vệ sinh, cửa ra vào… Trên những Ofuda này sẽ được viết tên của vị thần tương ứng.

Hiện nay, Ofuda dễ dàng được tìm thấy trong những ngôi đền. Vì đây là một vật linh thiêng, nên khái niệm mua - bán sẽ không tồn tại, mà đơn giản là “nhận”, số tiền thu được từ Ofuda sẽ được coi là tiền cúng dường, dùng cho các hoạt động của đền.

trừ tà
Khu vực mọi người có thể sở hữu Ofuda tại các đền thờ. Ảnh: SavvyTokyo

Đặc biệt, người Nhật rất coi trọng sự trong sạch và nguyên sơ, nhất là với những gì liên quan đến thần thánh, nên Ofuda cũng cần được thay định kỳ hàng năm và trao trả lại những Ofuda cũ cho đền thờ như một hình thức tạ ơn.

Một số đền thờ Thần đạo cũng tổ chức các nghi lễ "Harai - 祓い", với mục đích thanh tẩy những điều ô uế, xấu xa. Lễ Harai thường bao gồm việc thanh tẩy cơ thể bằng nước và các pháp sư sẽ lắc những cây giấy lớn, hay còn được gọi là Onusa hoặc Haraegushi lên đối tượng cần được thanh tẩy.

trừ tà
Pháp sư sẽ vẩy cây Haraegushi lên người cần được thanh tẩy. Ảnh: Learn Religions

Tiễn đưa linh hồn của người thân

Ngoài những linh hồn vất vưởng ở dương thế bởi mục đích nào đó, Nhật Bản cũng có nghi lễ để đón linh hồn của người thân về với gia đình. Nếu ở Việt Nam, rằm 7/7 hàng năm là ngày “Vu Lan báo hiếu”, thì trong văn hóa Nhật cũng có dịp lễ mang ý nghĩa tương tự gọi là Obon. Đây là dịp để những đứa con trong gia đình thể hiện sự biết ơn với cha mẹ và tưởng nhớ linh hồn của ông bà tổ tiên, thể hiện lòng tôn kính và cầu nguyện cho các linh hồn, cũng là thể hiện tấm lòng của những người còn sống dành cho những người đã khuất. Tùy vào từng địa phương mà thời gian tổ chức sẽ khác nhau. 
trừ tà
Ngày đưa lửa - đưa tiễn các linh hồn. Ảnh: acacia-no-ki.co.jp

Ngày chính của lễ Obon là ngày 15, nhưng từ ngày 12 đã bắt đầu có những sự kiện mừng dịp lễ này và kéo dài đến tận ngày 16. Lửa có vai trò quan trọng trong ngày lễ này: ngày 13 người ta sẽ đốt những cành cây gai Ogana để soi đường dẫn lối cho người thân về với gia đình; ngày 16 là ngày Okuribi - ngày đưa lửa, mượn lửa tạo khói hoặc thả đèn trên sông để dẫn đưa các linh hồn về thế giới bên kia.

Yurei - những linh hồn vất vưởng

Nguồn gốc của Yurei bắt nguồn từ câu chuyện về nàng Iwa Tamiya - con gái của một quan thần Mạc phủ thời Edo, kết hôn với người đàn ông giàu có tên là Iemon Tamiya. Vì thói ăn chơi trác táng cùng bản tính xấu xa của mình, Iemon đã đối xử tàn độc với Iwa: khiến gương mặt nàng bị hủy hoại, dàn cảnh cho người khác cưỡng hiếp vợ mình, khiến Iwa tự sát để có lý do lấy người con gái khác về làm vợ. Chính vì thế, vào ngày hôn lễ của Iemon, hồn ma của Iwa đã quay lại và trả thù. Sau này, vở kịch Kabuki “Tokaido Yotsuya Kaidan” đã lấy cảm hứng từ câu chuyện này và đổi tên nàng Iwa thành Owa. Owa đại diện cho Onryo – linh hồn nữ đầy hận thù, nhân vật Sadako Yamamura trong bộ phim kinh dị “The ring” đình đám chính là được mô phỏng theo hình tượng Owa.
trừ tà
Hình tượng nàng Iwa trong truyền thuyết và được tái hiện tại sân khấu kịch Kabuki. Ảnh: matthewmeyer, fukainihon

Yurei nói chung hay Onryo theo truyền thuyết đều mặc những bộ quần áo màu trắng, điều này bắt nguồn từ tục lệ mặc kimono trắng cho người chết theo Phật giáo. Hình tượng thường thấy của ma Nhật Bản là mái tóc đen dài, cánh tay duỗi thẳng về phía trước và thường không có chân. 

trừ tà
"The ring" được lấy cảm hứng từ câu chuyện về nàng Iwa. Ảnh: IGN

Có thể hiểu rằng, những Yurei sẽ xuất hiện dưới hình dạng của họ vào lúc chết, chính vì thế ngày nay, Yurei hiện đại sẽ mặc quần áo như con người bình thường. 

Xem thêm: Miko: Vu nữ sở hữu năng lực kết nối với thần linh

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU