Quá trình thiết lập phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latin

Nguyên tác và dịch sang tiếng Việt: Fukuda Yasuo/ Hiệu đính & ảnh: Trần Đức Anh SơnMar 17, 2018

Có lẽ nếu chỉ đọc tên đề tài, đại đa số độc giả chưa hình dung ra được nội dung của bài viết. Ở bài viết này, tôi xin trình bày vấn đề người Nhật có liên quan sâu sắc tới việc thiếp lập phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latin.

Đầu thế kỷ 17, Nhật Bản đã trở thành vùng được truyền đạo Kitô lớn nhất châu Á. Tuy nhiên, do Mạc phủ Tokugawa rất sợ hãi thế lực châu Âu lan rộng tại Nhật Bản nên đã ra sắc lệnh cấm đạo vào năm 1614. Vì thế, năm sau tức là năm 1615, các nhà truyền giáo đã lựa chọn miền Trung Việt Nam là nơi truyền đạo Kitô thay cho Nhật Bản [3: 17-19].

Khi truyền giáo, cần phải tìm hiểu sâu sắc cả ngôn ngữ. Bởi vậy, các nhà truyền đạo Kitô đã ngay lập tức thử thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latin. Việc thiếp lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latin do Francisco de Pina (1585 – 1625), nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha, khởi xướng thực hiện. Pina từng học ở Áo Môn (Macau) trong những năm 1611 – 1617. Trong thời gian đó, Pina học được cách phiên âm tiếng Nhật bằng ký tự Latin do Padre Joam Rodriguez chỉ dẫn [5: 61-64]. Rodriguez là một nhà truyền đạo Kitô đến truyền giáo tại Nhật Bản, nói tiếng Nhật rất giỏi và là người biên soạn cuốn sách ngữ pháp Arte Breve da Lingoa Iapoa (Đại ngữ pháp tiếng Nhật) vào năm 1608 [8: 259].

Pina đến Hội An, ở miền Trung Việt Nam, vào năm 1617. Sau đó, ông trở thành người nói được tiếng Việt sớm nhất trong các nhà truyền đạo Kitô. Năm 1621, ông đã dạy giáo lý Kitô bằng tiếng Việt [3: 38]. Tiếp theo, trong những năm 1622 – 1623, ông đã phát minh ra cách phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latin và biên soạn một cuốn sách ngữ pháp tiếng Việt giản đơn [3: 46]. Như vậy, có thể nói việc thiết lập phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latin đã dựa vào việc phiên âm tiếng Nhật bằng ký tự Latin.

Tuy nhiên, hầu như người ta chưa biết gì về những thông tin trên, liên quan đến việc thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latin. Gần đây, ông Đỗ Quang Chính mới công bố thông tin này vào năm 2008 [3]. Nhưng chúng ta vẫn còn thắc mắc một điều: “Tại sao Pina có thể nói giỏi tiếng Việt và lập ra hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latin chỉ trong khoảng 6 đến 7 năm?”. Giải đáp cho thắc mắc này, tôi cho rằng vì nhờ có sự hỗ trợ từ những người Nhật Bản. Vậy sau đây, chúng ta cùng xác nhận các minh chứng về quá trình thiết lập phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latin.

1. Người Nhật ở Hội An

Châu ấn thuyền của Nhật Bản đến Hội An
Châu ấn thuyền của Nhật Bản đến Hội An. Trích đoạn từ bức tranh “Shuin-sen Kochi toko zukan” (Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển)/ Ảnh: Trần Đức Anh Sơn chụp tại Bảo tàng Quốc lập Kyushu năm 2013

Danh sách các nhà truyền đạo Kitô người nước ngoài và năm đến Đàng Trong:

Francesco BuzomiNapoli (Ý)1615
Diego CarvalhoBồ Đào Nha1615
António DiasBồ Đào Nha1615
Manuel BarretoBồ Đào Nha1616
Francisco de PinaBồ Đào Nha1617
Christoforo BorriÝ1618
António FernandezBồ Đào Nha1618
Miguel MakiNhật Bản1618
Pedro MarquesBồ Đào Nha1618
José TsuchimochiHyuga (Nhật Bản)1620
Paulo SaitoTanba (Nhật Bản)1620
Manoel FernandezBồ Đào Nha1621
Domingos MendesÁo Môn (Macau)1621
Romão NishiArima (Nhật Bản)1621

Năm 1615, các nhà truyền đạo Kitô đầu tiên đến Hội An. Lúc bấy giờ ở Hội An đã hình thành phố Nhật Bản. Chúa Nguyễn (cai quản Đàng Trong) đã trao quyền tự trị khu phố Nhật Bản và cắt cử một người Nhật Bản làm trưởng khu phố. Một ví dụ điển hình là ông Funamoto Yashichiro. Ông sinh ra ở Nagasaki, lớn lên rồi trở thành thương nhân Châu ấn thuyền. Ông được bổ nhiệm làm trưởng khu phố Nhật Bản (ở Hội An) từ năm 1618 [4: 144]. Bấy giờ, tất cả người nước ngoài đến Hội An đều do trưởng khu phố người Nhật quản lý [2: 25, 3: 23].

Từ trước năm 1615, Hội An đã có nhiều người Nhật Bản sinh sống. Theo một tư liệu, vào đầu thế kỷ 17, có khoảng 200 – 300 người Nhật sinh sống ở Hội An [4: 143]. Và theo một tư liệu khác, Hội An tiếp nhận ít nhất hơn 500 người Nhật theo đạo Kitô chỉ trong năm 1619 [6: 51].

Phố người Nhật ở Hội An
Phố người Nhật tại Hội An vào thế kỷ XVII. Trích đoạn từ bức tranh “Shuin-sen Kochi toko zukan” (Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển)/ Ảnh: Trần Đức Anh Sơn chụp tại Bảo tàng Quốc lập Kyushu năm 2013

Điều đáng chú ý là, trong giai đoạn đầu của quá trình truyền giáo, số nhà truyền đạo Kitô là người Nhật đứng thứ nhì ở miền Trung Việt Nam, chỉ sau người các nhà truyền đạo Kitô người Bồ Đào Nha. Xem bảng trên, chúng ta thấy các nhà truyền đạo Kitô đến miền Trung Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1615 đến năm 1621 là 14 người. Trong đó có 4 người Nhật Bản, là Miguel Maki, José Tsuchimochi, Paulo Saito, Romão Nishi [3: 555]. Ngoài ra, còn có thêm 2 người Nhật không được ghi chép trong bảng trên, là những người đi cùng trong đoàn truyền giáo đầu tiên được phái cử (đến Đàng Trong) vào năm 1615. Hai người này là người giúp việc cho linh mục và tu sĩ nên không rõ họ tên [6: 48].

Khi các nhà truyền đạo Kitô người châu Âu đến Hội An, họ dường như gia nhập vào xã hội Nhật Bản (ở đó). Họ không biết gì về tiếng Việt. Tuy nhiên, khi ấy ở Hội An đã có các phiên dịch. Vì thế, ngay từ ban đầu, họ đã có thể giao tiếp được với người Việt thông qua phiên dịch. Phiên dịch là những người Nhật Bản nói được tiếng Việt và sinh sống lâu năm tại Hội An [2: 25, 3: 34-35].

Phố người Nhật ở Hội An
Phố người Nhật tại Hội An vào thế kỷ XVII. Trích đoạn từ bức tranh “Shuin-sen Kochi toko zukan” (Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển)/ Ảnh: Trần Đức Anh Sơn chụp tại Bảo tàng Quốc lập Kyushu năm 2013

2. Các nhà truyền giáo người châu Âu và tiếng Nhật

Ở đây có một thắc mắc là, ban đầu các nhà truyền đạo Kitô người châu Âu giao tiếp với người Việt thông qua phiên dịch như thế nào? Theo tôi nghĩ, trong số các nhà truyền đạo Kitô người châu Âu, có người biết tiếng Nhật hoặc có các nhà truyền đạo Kitô người Nhật làm trung gian để hỗ trợ giao tiếp. Trong 3 người Bồ Đào Nha thuộc phái đoàn truyền giáo đầu tiên (đến Đàng Trong), có 1 người được nói tiếng Nhật. Đó là Diego Carvalho. Trước khi đến Việt Nam, ông đã truyền giáo tại Nhật Bản 6 năm, từ năm 1609 đến năm 1614 [3: 20]. Ngoài ra, như đã nói ở trên, trong phái đoàn truyền giáo đến Đàng Trong vào năm 1615 cũng có 2 người Nhật đi cùng. Ngoài ra, còn có 4 nhà truyền đạo Kitô người Nhật đến miền Trung Việt Nam muộn hơn phái đoàn truyền giáo đầu tiên từ 3 đến 6 năm. Họ biết tiếng Latin nên có thể nói chuyện với nhà truyền đạo Kitô người châu Âu và có thể giao tiếp với người Việt không cần qua phiên dịch, mà bằng hình thức bút đàm bằng chữ Hán. Như vậy là, nhà truyền đạo Kitô người nước ngoài có người biết tiếng Nhật hoặc các nhà truyền giáo người Nhật biết tiếng Latin, chính là những người trung gian để hỗ trợ giao tiếp giữa các nhà truyền đạo Kitô người châu Âu với người Việt (bản xứ).

Tôi muốn xem xét thêm một vấn đề nữa, đó là tại sao Pina nói thạo tiếng Việt trong thời gian ngắn và nói giỏi đến mức có khả năng dạy giáo lý bằng tiếng Việt. Lý do chính có lẽ do ông có năng khiếu học ngoại ngữ. Và chắc hẳn ông rất nhạy cảm với âm thanh. Dù sao, nếu đạt được tới trình độ dạy giáo lý bằng tiếng Việt, Pina không chỉ biết rõ những từ ngữ thông thường mà còn các từ liên quan tới các khái niệm tôn giáo. Ví dụ các từ như là “Chiêu hồn”, “Quan Âm”, “Thích Ca”, “Thủy phủ” được đăng trong cuốn Từ điển Việt – Bồ – Latin của Alexandre de Rhodes ấn hành năm 1651. Các từ nêu trên (trong cuốn từ điển này) đều được biểu thị bằng chữ Hán. Nếu các nhà truyền đạo Kitô người châu Âu muốn biết chính xác ý nghĩa các từ đó thì cần phải dịch sang tiếng mẹ đẻ (ví dụ tiếng Bồ Đào Nha). Pina cũng vậy. Nhưng ông không biết chữ Hán (hoặc chữ Nôm), trong khi lúc bấy giờ chữ Hán (hoặc chữ Nôm) là chữ viết duy nhất tại Việt Nam. Trong thư báo cáo hoạt động của mình vào năm 1622 – 1623, Pina đã viết rằng mình không biết chữ Hán: “Nếu con có tiền thuê một thầy dạy tiếng nói và dạy chữ viết cho con, thì ngày nay con có thể thành thạo rồi; chính vì lý do đó, lúc này con không biết chữ Hán [và chữ Nôm], và đó là một thiếu sót đáng tiếc; còn về tiếng nói, con chỉ biết được nhờ sự học cào học cấu của chính con” [3: 46]. Nếu không biết chữ Hán thì khó có thể dịch chính xác ý nghĩa từ Hán.

3. Năng lực chữ Hán và tiếng Latin của các nhà truyền đạo Kitô người Nhật Bản

Vậy, Pina làm sao để khắc phục vấn đề không biết chữ Hán? Có lẽ là do các nhà truyền đạo Kitô người Nhật đã giúp đỡ Pina. Bởi vì Miguel Maki, Paulo Saito, Romao Nishi đều rành rõi tiếng Latin. Họ đều học tiếng Latin trên 6 năm. Theo bức thư của cấp trên của các nhà truyền giáo này gửi vào năm 1621, Maki và Saito đều (được nhận xét là) có năng lực ưu tú và khả năng tốt về tiếng Latin [7: 484-489]. Các nhà truyền đạo Kitô người Nhật có hiểu biết sâu về chữ Hán và có năng lực dịch từ Hán văn sang tiếng Latin một cách chính xác. Trong một bức thư của Pina gửi vào khoảng năm 1622 – 1623, có đoạn văn nói rằng các nhà truyền đạo Kitô người Nhật Bản đã phát huy tốt năng lực dùng tiếng Latin. Pina nói: “Dù con đã thu thập được nhiều truyện thuộc các loại khác nhau giúp cho những trích dẫn thêm giá trị, hầu xác quyết được ý nghĩa của từ ngữ và quy luật ngữ pháp; tuy nhiên, cho đến nay, con vẫn phải nhờ người ta đọc cho con những truyện đó để con viết sang chữ Bồ Đào Nha, ngõ hầu anh em chúng ta [Ki tô hữu] có thể đọc và học thuộc lòng, như học Cicero hay Virgilio” [3: 45-46].

Thương nhân Nhật Bản yết kiến Thế tử của chúa Nguyễn
Thương nhân Nhật Bản yết kiến Thế tử của chúa Nguyễn tại dinh trấn Thanh Chiêm vào thế kỷ XVII. Trích đoạn từ bức tranh “Shuin-sen Kochi toko zukan” (Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển)/ Ảnh: Trần Đức Anh Sơn chụp tại Bảo tàng Quốc lập Kyushu năm 2013

Về lời nói trên, tôi muốn giải thích thêm hai điểm có ghi gạch dưới. Điểm thứ nhất là chữ “người ta”. Có lẽ “người ta” này có hai người. Một người Việt và một người Nhật. Một người Việt là người biết chữ Hán và dạy phát âm tiếng Việt chính xác. Và một người Nhật là một nhà truyền đạo Kitô. Vì chỉ có nhà truyền đạo Kitô người Nhật (mới có khả năng) vừa đọc được Hán văn, vừa hiểu tiếng Latin. Điểm thứ hai là cụm từ ”con viết sang chữ Bồ Đào Nha”. Theo tôi hiểu, Pina cố tình bớt miêu tả một số hành vi. Thực ra, Pina nhờ người Việt đọc chữ Hán và nói phát âm của nó để ghi phiên âm tiếng Việt. Tiếp theo, Pina nhờ người Nhật đọc chữ Hán để nghe ý nghĩa của nó bằng tiếng Latin. Lúc đó, người Nhật không biết tiếng Bồ Đào Nha nên dịch sang tiếng Latin. Pina hiểu được nghĩa của từ rồi viết (dịch) sang tiếng Bồ Đào Nha. Làm như vậy, các nhà truyền giáo người châu Âu mới hiểu được từ vựng tiếng Việt một cách chính xác. Chính vì thế, đằng sau lý do Pina trở thành người nói giỏi tiếng Việt đầu tiên trong các nhà truyền đạo Kitô (ở Đàng Trong) là có sự hỗ trợ của người Nhật. Nếu không có sự hỗ trợ người Nhật thì việc ký âm tiếng Việt bằng chữ Latin sẽ ra đời muộn hơn so với thực tế đã diễn ra trong lịch sử.

Đoàn tùy tùng của thương nhân Nhật Bản đứng chờ bên ngoài dinh trấn Thanh Chiêm
Đoàn tùy tùng của thương nhân Nhật Bản đứng chờ bên ngoài dinh trấn Thanh Chiêm trong khi thương nhân Nhật Bản đang yết kiến Thế tử của chúa Nguyễn tại dinh trấn Thanh Chiêm vào thế kỷ XVII. Trích đoạn từ bức tranh “Shuin-sen Kochi toko zukan” (Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển)/ Ảnh: Trần Đức Anh Sơn chụp tại Bảo tàng Quốc lập Kyushu năm 2013

4. Phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latin căn cứ vào chữ Hán

Tiếp theo, chúng ta cần phải xác nhận là các nhà truyền đạo Kitô người châu Âu xác định cách phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latin như thế nào. Tại sao đặt ra vấn đề này? Là vì, khi các nhà truyền giáo người châu Âu lần đầu tiên nghe tiếng Việt chắc chắn không biết chỗ tách rời trong các từ có 2 âm tiết. Ví dụ, trong thư báo cáo của nhà truyền giáo Joao Roiz gửi vào năm 1621, ông ấy ghi một số danh từ như không tách biệt giữa các âm tiết như hiện nay: An Nam viết là Annam. Xứ Huế (tức Thuận Hóa) viết là Sinoa. Ông Nghè (tức tiến sĩ) viết là Ungue [2: 29-30]. Trong tài liệu của nhà truyền giáo Christoforo Borri viết vào năm 1621 cũng ghi địa danh Qui Nhơn là Quignin [2: 38]. Có lẽ lúc đầu Pina cũng (viết như) vậy. Tuy vậy, sau đó, Pina có phân biệt được chỗ tách biệt giữa từ với từ, hoặc giữa âm tiết với âm tiết, hoặc giữa một chữ với một chữ. Vì sao chúng ta biết được điều Pina đã thay đổi nhận thức? Tại vì lối viết chính tả có tách biệt giữa từ và từ trong những danh từ có 2 âm tiết đã xuất hiện trong thư của học trò của Pina. Học trò của Pina tên là Antonio de Fontes. Ông đã ghi chép địa danh Bến Đá là Bến Đá, Dinh Chàm là Dinh Cham vào tháng 1 năm 1626. Antonio de Fontes đến miền Trung Việt Nam vào tháng 12 năm 1624 và cùng với Rhodes để học tiếng Việt với Pina [2: 44-47]. Ông đã viết bức thư nói trên ngay sau khi Pina bị chết đuối ở ngoài khơi cửa biển Đà Nẵng vào tháng 12 năm 1625 nên có thể coi Fontes đã thừa kế cách ghi chép của Pina.

Vậy tại sao Pina biết được chỗ cách trong danh từ 2 âm tiết? Theo tôi hiểu, ông đã dựa vào chữ Hán, và học hỏi cách phiên âm và ý nghĩa của từ. Hiểu rõ các từ rồi thì có thể quay lại cấu thành các từ để xác định rõ chỗ tách biệt giữa từ với từ. Công việc này chắc hẳn có sự tham gia của người Nhật. Vì người Nhật biết rất rõ chữ Hán. Sau khi tách từ, ông dùng cách phiên âm tiếng Nhật Bản và tiếng Trung Hoa, ký âm bằng chữ Latin và dựa vào kiến thức hệ thống âm vần tiếng Trung Hoa để xác định được nguyên âm, phụ âm và thanh điệu của tiếng Việt. Như vậy, hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latin sẽ hoàn thành. Lúc bây giờ, kiến thức phiên âm tiếng Nhật Bản và tiếng Trung Hoa bằng chữ Latin đã không xa lạ đối với các nhà truyền đạo Kitô [1:19].

Như vậy, chúng ta không thể phủ nhận được việc người Nhật Bản có liên quan sâu sắc đến quá trình thiết lập hệ thống phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latin.

Tài liệu tham khảo

1. Đoàn Thiện Thuật, Chữ Quốc ngữ thế kỷ XVIII, Nxb. Giáo dục, 2008.
2. Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, Nxb. Tôn
giáo, 2008.
3. Đỗ Quang Chính, Dòng tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, Nxb. Tôn giáo, 2008.
4. Nguyễn Văn Kim, Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á thế kỷ XV -XVII, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003.
5. Roland Jacques, Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics, Orchid Press, 2006.
6. Gonoi Takashi, “Việt Nam và Thiên Chúa giáo và Nhật Bản; Xung quanh vấn đề truyền giáo tại miền Trung Việt Nam vào thế kỷ 17-18”, Báo cáo hàng năm của Viện nghiên cứu văn hóa tổng hợp Trường Cao đẳng Nữ Aoyama (16), tr. 44-55, 2008 – 2012.
7. Takase Koichiro, Văn hóa và một số phía cạnh thời kỳ Thiên Chúa giáo tại Nhật Bản, Nxb. Yagi-shoten, 2001.
8. Joam Rodriguez, Đại ngữ pháp tiếng Nhật (Arte Breve da Lingoa Iapoa), Ikegami Mineo dịch sang tiếng Nhật, Nxb. Iwanami-bunko, 1993.
________________
* Nguyên tác và dịch sang tiếng Việt: Fukuda Yasuo; Hiệu đính: Trần Đức Anh Sơn.
* Trích từ sách LỊCH SỬ VÀ TRIỂN VỌNG MỐI QUAN HỆ VIỆT NAM – NHẬT BẢN. NHÌN TỪ MIỀN TRUNG VIỆT NAM, Nxb Thông tin Truyền thông, 2016 (đang in).

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU