Người Nhật thích làm gì vào Tết Quý Mão 2023?

Bài: Rin
Dec 30, 2022

Nguồn: soranews24.com
Ảnh bìa: itinari.com

Một cuộc khảo sát đã được thực hiện để tìm hiểu về tác động của đại dịch đến các truyền thống đón năm mới của người Nhật, cũng như họ sẽ chi nhiều tiền nhất vào hoạt động nào trong dịp Tết 2023 này.

Là quốc gia châu Á duy nhất đón Tết theo Dương lịch, người dân Nhật vẫn giữ gìn nhiều phong tục truyền thống trong tổ chức đón Tết hằng năm. Với kỳ nghỉ Tết kéo dài từ 29/12 – 03/01, người lao động Nhật có nhiều thời gian đoàn tụ cùng gia đình và thưởng thức bữa ăn Osechi, gửi thiệp chúc mừng năm mới Nengajo hay viếng thăm đền chùa đầu năm...

Tuy nhiên, năm 2023 trở thành dịp Tết thứ 3 được tổ chức kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ trên toàn cầu, do vậy, nhiều gia đình Nhật Bản vẫn chưa hoàn toàn quay trở lại với các phong tục truyền thống như trước dịch. 

Kakizome khai bút đầu năm
Truyền thống Kakizome, khai bút đầu năm tại Nhật. Ảnh: Wikipedia 

Trong nỗ lực tìm hiểu đại dịch tác động như thế nào đến kế hoạch đón Tết của các gia đình Nhật, Shokubunka - công ty chuyên nghiên cứu về kinh doanh online các món ăn đặc sản, đã tiến hành khảo sát 1.004 người ở độ tuổi từ 20-60 trên khắp Nhật Bản về kế hoạch của họ trong dịp Năm mới 2023. Dưới đây là 7 câu hỏi khảo sát cùng các câu trả lời phổ biến nhất được người tham gia lựa chọn! 

Câu 1: Kế hoạch cho Năm mới 2023 của bạn là gì? (Có thể chọn nhiều đáp án)

Ở câu đầu tiên này, kết quả thu được như sau: 

  • Không có gì đặc biệt. Thư giãn tại nhà (42,9%).
  • Thực hiện nghi lễ Hatsumoude, viếng đền Thần đạo hoặc chùa Phật giáo (39,5%).
hatsumode nhật bản
Nghi lễ Hatsumoude, viếng thăm đền thờ, chùa vào ngày đầu Năm mới. Ảnh: asianinspirations.com.au
  • Thăm họ hàng ở địa phương và bạn bè (17,4%).
  • Săn sale vào ngày đầu năm mới (12,9%).
  • Ngắm bình minh đầu năm mới (7,7%).
  • Du lịch (4,4%).

Có thể thấy phần đông người khảo sát (chiếm hơn 40%) lựa chọn dành thời gian nghỉ ngơi ở nhà để phục hồi năng lượng sau một năm dài làm việc. Kế đó, truyền thống Hatsumoude là lựa chọn phổ biến thứ hai trong năm mới này. 

Câu 2: Dịch bệnh có làm kế hoạch đi chơi của bạn bị thay đổi?

Với câu hỏi thứ hai, câu trả lời “Không” chiếm 36,1%, “Có” chiếm 32,7% và “Không hẳn” chiếm 31,2%. Nhật Bản đã trải qua làn sóng dịch bệnh thứ 8 nên tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa rất được coi trọng. Điều này đồng nghĩa với việc người dân sẵn sàng thay đổi kế hoạch dù đã phải chờ đợi rất lâu. 

Câu 3: Đại dịch có làm thay đổi cách bạn đón năm mới? (Có thể chọn nhiều đáp án)

Ở câu thứ ba, kết quả nhận được là: 

  • Nghỉ ngơi tại nhà và không đi ra ngoài (55,6%).
  • Không thực hiện các truyền thống mà mình vẫn thường làm vào mỗi năm (26,3%).
gorogoro
Gogogoro chỉ hành động chỉ ở nhà xem TV và ăn uống mà không nấu nướng trong dịp Tết. Ảnh: soranews24.com
  • Số tiền chi cho thực phẩm tăng lên (21,7%).
  • Số lần đặt đồ ăn ngoài tăng lên (8,1%).
  • Viếng đền, chùa và thăm hỏi họ hàng trực tuyến (4,1%).
  • Làm các hoạt động khác (12,1%).
Việc hạn chế ra ngoài đã khiến cho 21,7% người khảo sát chi nhiều tiền hơn cho thực phẩm cũng như 8,1% người đặt nhiều thức ăn ngoài hơn. Xu hướng này có thể là kết quả của việc các gia đình dành nhiều thời gian ở nhà hơn là tụ tập bạn bè để nấu nướng. Một số câu trả lời khác cho thấy kế hoạch của nhiều người đã thay đổi chóng mặt như “Tôi không đến thăm ông bà mình nữa”, “Tôi không tụ họp với họ hàng” và “Tôi đặt hàng online nhiều hơn”. 

Trong tiếng Nhật, việc nằm dài ở nhà xem TV, đọc sách và thưởng thức đồ ăn mà không nấu nướng trong dịp Năm mới được gọi là “Gorogoro”. 

Câu 4: Bạn nghĩ mình sẽ chi nhiều tiền nhất cho hoạt động gì vào dịp Tết?

  • Thức ăn (59,4%).
  • Mua sắm (16,2%).
bữa ăn Osechi truyền thống
Bữa ăn Osechi truyền thống vào dịp Tết của người Nhật. Ảnh: Nippon
  • Du lịch (7,8%).
  • Giải trí (4,1%).
  • Lì xì đầu năm (3,5%).
  • Các thứ khác (9,0%).

Có tới gần 60% người khảo sát dự định chi nhiều tiền nhất vào thức ăn trong suốt dịp Tết. Với câu hỏi này, các câu trả lời chi tiết được đưa ra là: “Đi ăn ngoài cùng gia đình”, “Thưởng thức Osechi và nhiều món mà bình thường tôi không ăn” và “Thư giãn tại suối nước nóng”.

Điều đáng chú ý ở khảo sát này là bữa ăn truyền thống Osechi đựng trong hộp đang dần ít phổ biến hơn, nhất là với thế hệ trẻ Nhật Bản. Gần đây, một số nhà hàng tại Nhật đã bắt đầu cung cấp bữa ăn Osechi dành cho một người thay vì cho cả gia đình như truyền thống. 

Xem thêm: Năm Mão trong văn hóa Nhật Bản

Câu 5: Cách chuẩn bị đồ ăn cho Năm mới

  • Gia đình tôi và họ hàng cùng nhau làm (44,9%).
  • Tôi tự làm (40,1%).
  • Tôi mua ở gần nhà (31,6%).
  • Tôi ăn ở ngoài (18,0%).
  • Tôi đặt hàng online (14,1%).
  • Lựa chọn khác (2,4%).

Như vậy, 85% người tham khảo gia khảo sát vẫn thưởng thức những bữa ăn nấu tại nhà trong dịp Tết, có thể là do chính gia đình hoặc bản thân họ tự nấu. 

Câu 6: Món ăn sang chảnh cho dịp Năm mới

Ở câu hỏi “Bạn thèm món ăn 'sang chảnh' nào trong dịp Năm mới, ngoại trừ Osechi và mì Toshikoshi Soba?", đáp án thu được là:

  • Sushi (46,1%).
  • Cua (37,8%).
  • Lẩu Sukiyaki (29,9%).
  • Thịt nướng Yakiniku (19,8%).
  • Không thèm gì đặc biệt (15,5%).
  • Lẩu Shabu shabu (12,3%). 
cua tuyết
Cua tuyết, món ngon không nên bỏ lỡ vào mùa đông tại xứ sở hoa anh đào. Ảnh: rurinohama.jp

Món xa xỉ phổ biến nhất trong khảo sát chính là Sushi (thường được thưởng thức vào các dịp lễ tại Nhật) và cua. Còn món Sukiyaki với thịt bò và Yakiniku đều là những món ăn nóng hổi lý tưởng cho mùa đông lạnh giá năm nay. 

Câu 7: Thất bại khi mua đồ ăn cho dịp Năm mới

Ở câu hỏi cuối cùng, “Bạn từng nghĩ rằng bản thân đã thất bại khi mua đồ ăn cho dịp Năm mới?”, câu trả lời nhận được là: “Không” (76,1%) và “Có” (23,9%). Như vậy, đã có gần 25% người có trải nghiệm tệ khi mua đồ ăn mùa Tết. Một số lý do điển hình bao gồm: “Khẩu phần ăn không xứng đáng với giá tiền”, “Tôi đã mua Osechi từ cửa hàng uy tín nhưng nó quá tệ” hay “Osechi tôi nhận được khác hoàn toàn so với ảnh chụp”. 

Có thể thấy, đại dịch phần nào đã tác động đến những phong tục truyền thống của người Nhật, nhưng hoạt động Hatsumoude và món ăn dịp Tết vẫn được người Nhật rất xem trọng.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU