Theo nhiều giả thuyết, chiếc áo sơmi đặc trưng của Hawaii do những người Nhật sinh sống ở đó tạo ra. Nhưng không chỉ có thể, mối quan hệ giữa người Nhật và người Hawaii còn sâu sắc hơn chúng ta tưởng tượng.
Nếu như không biết nhiều về Nhật Bản và Hawaii, có lẽ nhiều người sẽ nhầm lẫn rằng quần đảo của nước Mỹ lại thuộc Nhật Bản vì tên gọi “Hawaii” nghe giống như tiếng Nhật. Tuy vậy, Hawaii – tiểu bang duy nhất của Hoa Kỳ có nước bao xung quanh và tỷ lệ cư dân gốc Á cao nhất xứ cờ hoa, lại có nhiều mối liên hệ thú vị với Nhật Bản.
Theo một cuộc khảo sát năm 2010, 15% dân số Hawaii là người dân tộc Nhật Bản. Mặc dù điều này có vẻ giống như một dân tộc thiểu số, nhưng mọi nhóm dân tộc ở Hawaii trên thực tế đều thuộc nhóm thiểu số. Bởi vì không có nhóm đa số, nên 15% có vẻ nhỏ này lại tác động lớn.
Trên hết, 13,8% dân số ở Hawaii nói ngôn ngữ không phải tiếng Anh mà nói tiếng Nhật. Ngoài ra, tiếng Nhật là ngôn ngữ thứ hai phổ biến để học ở trường. Đại học Hawaii ở Manoa tự hào có chương trình tiếng Nhật lớn nhất ở Bắc Mỹ.
Nơi tạo cảm giác chữa lành
Trong nhiều năm, khách Nhật chiếm số lượng lớn nhất trong số khách du lịch nước ngoài đến với Hawaii. Dù đại dịch khiến cho việc di chuyển bị ngưng trệ nhưng ngay khi mở cửa trờ lại thì hai hãng hàng không lớn nhất của Nhật Bản, ANA và JAL, đã khởi động lại các chuyến bay hàng ngày của họ đến Hawaii lần lượt vào tháng 7 và tháng 6, lần đầu tiên kể từ sau đại dịch.
"ANA và JAL biết rằng Hawaii là nơi đầu tiên khách du lịch Nhật Bản muốn quay trở lại khi đi du lịch nước ngoài. Đó là nơi họ có thể tự do đi lại mà không cần xin thị thực", Kotaro Toriumi, một nhà phân tích hàng không và du lịch Nhật Bản cho biết. "Các hãng hàng không này đang tăng cường các chiến dịch Hawaii của họ nhiều nhất ... tất cả những gì họ làm là quảng cáo cho các chuyến đi đến Hawaii".
Theo báo cáo xu hướng du lịch năm 2022 từ công ty du lịch nội địa Nhật Bản HIS, Hawaii có lượng đặt chỗ các chuyến du lịch nước ngoài nhiều nhất cho kỳ nghỉ hè, chiếm 20% số người đặt các chuyến du lịch nước ngoài vào mùa hè thông qua công ty này.
Nhiều người Nhật ví cảm giác của họ khi đến với Hawaii là “Iyashi - 癒やし (sự chữa lành/ trị liệu), nghĩa là họ cảm thấy tự do, thoái mái và yên bình khi tận hưởng khoảng thời gian ở nơi đây.
Một mối quan hệ gắn bó từ xa xưa
Yujin Yaguchi, giáo sư tại Trường Cao học Nghiên cứu Liên ngành của Đại học Tokyo, tập trung vào Hawaii và các mối quan hệ văn hóa Mỹ - Nhật, cho biết phần lớn dân số Hawaii hiện nay có tổ tiên châu Á (đặc biệt là người Philippines, người Nhật, người Hoa). Nhiều người là hậu duệ của những người nhập cư được đưa đến để làm việc trong các đồn điền trồng mía đường vào những năm 1850. 153 người Nhật đầu tiên nhập cư vào Hawaii vào ngày 19/06/1868 và tạo thành cộng đồng người Nhật.
Điều này khiến nơi đây trở thành một địa điểm quen thuộc và dễ dàng đối với khách du lịch Nhật Bản khi nhiều người đến thăm theo diện họ hàng. Rào cản ngôn ngữ cũng được giải quyết khi ở một số nơi, người Nhật có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Dữ liệu từ Khảo sát Cộng đồng Hoa Kỳ do Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ thực hiện trong một nghiên cứu năm 2016 - 2020 cho thấy 22,3% cư dân Hawaii được xác định là người Nhật hoặc một phần người Nhật.
"Ngày nay, tôi nghĩ mọi người ở Hawaii nói tiếng Nhật vì mục đích kinh doanh, có thông báo, biển báo và mọi thứ bằng tiếng Nhật" Yaguchi giải thích.
Trong gần 20 năm sau khi Thế chiến II kết thúc, các chuyến du lịch giải trí ra nước ngoài bị cấm ở Nhật Bản, đôi khi có ngoại lệ đối với các chương trình du học hoặc các chuyến công tác. Nhưng khi lệnh cấm du lịch được gỡ bỏ, Hawai lại trở thành địa điểm phổ biến nhất với người dân xứ Phù Tang.
Văn hóa Nhật Bản ở Hawaii
Không chỉ người Nhật “mê đắm” với Hawaii, mà ở chiều ngược lại, họ cũng tạo ra một nét văn hóa đặc trưng nơi đây.
Hawaii thường gợi nhớ đến hình ảnh cây dừa, bãi biển và trái cây nhiệt đới. Nơi đây cũng có một nền văn hóa phong phú được xây dựng dựa trên cuộc sống và truyền thống của người dân Hawaii bản địa, cũng như nhiều người nhập cư đến đảo làm công nhân đồn điền trong thời kỳ đầu thuộc địa, một trong số đó là văn hóa Nhật Bản. Nó đã ăn sâu và trở thành một phần của cuộc sống đến nỗi người ta có thể không nhận ra nguồn gốc Nhật Bản của chúng trừ khi được chỉ ra một cách rõ ràng.
Không chỉ văn hóa Nhật Bản ảnh hưởng đến Hawaii, mà Hawaii còn làm cho văn hóa Nhật Bản trở thành một nét đặc biệt riêng. Ví dụ Lễ Vu Lan của Nhật Bản - Obon, nơi mọi người gặp gỡ để tưởng nhớ tổ tiên và tổ chức những lễ hội. Không giống như ở Nhật Bản, nơi lễ hội được tổ chức trong thời gian ba ngày, lễ hội Obon ở Hawaii kéo dài suốt mùa hè và ít mang tính tôn giáo hơn. Nên nhiều người không phải người Nhật và không theo đạo Phật cũng có thể tham gia bằng cách dạo qua các quầy hàng ăn uống và tận hưởng không khí lễ hội.
Ngoài ra, theo một số thông tin, nguồn gốc của áo sơ mi Aloha có thể bắt nguồn từ những năm 1920 hoặc đầu những năm 1930, khi cửa hàng đồ khô có trụ sở tại Honolulu "Musa-Shiya the Shirtmaker" dưới quyền sở hữu của một người Nhật, bắt đầu sản xuất áo sơ mi với các hình in đầy màu sắc của Nhật Bản.
Hay nguồn thông tin khác lại cho rằng vào đầu những năm 1930 của thời kỳ suy thoái, một nhà sản xuất áo sơ mi ở Honolulu tên là Ellery Chun đã quyết định sản xuất áo sơ mi từ vải Yukata Nhật Bản mà ông có. Ông ấy đã bán những chiếc áo sơ mi đầu tiên, in đậm dấu ấn nhiệt đới, từ cửa hàng của cha mình, King-Smith Clothiers và Dry Goods ở Waikiki, với giá chỉ một đô la mỗi chiếc, với một tấm biển ghi “Áo sơ mi Aloha” và đây cũng là tên gọi của loại áo này sau này.
Ngày nay, chiếc áo trở thành một nét đặc trưng của Hawaii và khiến các nhà sưu tập, các ngôi sao Hollywood... và cả nhiều người dân yêu thích. Đến những năm 1960, “Aloha Friday” đã trở thành một truyền thống ở bang Hawaii, dành riêng cho việc mặc trang phục của Aloha ở nơi làm việc.
Asami Seki, 40 tuổi, cũng là một người mê áo sơ mi Aloha, sở hữu một cơ sở kinh doanh phụ kiện có tên 82 of aloha. Một năm trước, cô ấy bắt đầu tạo ra những phụ kiện không gây dị ứng mà mọi người có thể mặc khi họ lướt sóng "Tôi chỉ đến Hawaii một lần, nhưng trong thời gian này, ngay cả khi tôi không thể đi vì đại dịch, tôi vẫn có một tình yêu to lớn với Hawaii. Sau khi trở lại từ chuyến đi đầu tiên của mình, tôi bắt đầu đưa các khía cạnh của Hawaii vào lối sống của mình".
Trải nghiệm không khí Hawaii ngay tại Nhật
Đối với những người không thể đến Hawaii thì ở Nhật Bản họ cũng có thể phần nào tận hưởng không khí thông qua các lễ hội theo chủ đề Hawaii, với các vũ công hula, người chơi ukulele và xe bán đồ ăn Hawaii. Những lễ hội này diễn ra ở các thành phố đô thị như Tokyo, Yokohama và Osaka, cũng như các vùng nông thôn như Ikaho Onsen, một thị trấn suối nước nóng ở tỉnh Gunma.
Ngoài các lễ hội định kỳ, còn có các nhà hàng Hawaii trên khắp Nhật Bản. Punalu'u, một nhà hàng ấm cúng theo chủ đề Hawaii ở Yachiyo, Chiba, được trang trí với nhiều món đồ đặc trưng của Mỹ và Hawaii.
Chủ quán kiêm đầu bếp, Yuji Nonaka, 57 tuổi, đã bỏ công việc làm công ăn lương và bắt đầu mở nhà hàng cách đây 14 năm cùng vợ, Kiyomi Nonaka, 50 tuổi.
Chị Kiyomi phát hiện ra tình yêu của mình với Hawaii - đặc biệt là nhảy hula, "Hula đã giúp tôi vượt qua rất nhiều điều trong cuộc sống, cho dù đó là mối quan hệ của tôi với những người khác hay điều gì đó không suôn sẻ trong công việc. Khi tôi nhảy hula, cảm giác như tôi đang ở một không gian khác. Với mong muốn chia sẻ cảm giác này với những người khác, vì vậy tôi đã mở trường hula của riêng mình ở đây 18 năm trước", chị Kiyomi chia sẻ.
kilala.vn