Người đàn ông 83 tuổi mất con trong cuộc khủng bố 11/9
20 năm đã qua, nhưng người thân của những nạn nhân của vụ khủng bố 11/9 chưa hết nguôi ngoai nỗi đau về cuộc tấn công kinh hoàng, gây chấn động nước Mỹ và cả thế giới. Ông Kazusada Sumiyama, 83 tuổi sống tại phường Meguro, Tokyo là cha của anh Yoichi Sugiyama, nhân viên ngân hàng thiệt mạng trong vụ khủng bố vào ngày 11/9/2001. Trước thảm kịch, anh Sugiyama làm việc tại chi nhánh của Ngân hàng Fuji, nay là Tập đoàn Tài chính Mizuho, nằm trong toàn tháp phía Nam của “World Trade Center” (Trung tâm Thương mại Thế giới), nơi sụp đổ do cuộc tấn công bằng máy bay dân dụng khiến cho khoảng 2.996 người thiệt mạng.
Có lẽ vợ chồng ông Kazusada Sumiyama chưa bao giờ nghĩ rằng lần qua New York cách 2 tháng (từ ngày xảy ra vụ tấn công) là lần cuối cùng họ được gặp con trai của mình. Khi chiếc máy bay dân dụng đầu tiên đâm vào tòa tháp phía Bắc, ông Sumiyama đã liên hệ với với con trai nhưng được trấn an rằng anh đang ở tòa tháp khác. Nỗi bất an chưa kịp lắng xuống, chiếc máy bay thứ hai đã đâm vào tòa tháp phía Nam, nơi con trai ông Sumiyama đang làm việc và khiến anh thiệt mạng cùng nhiều người trong tòa tháp lúc bấy giờ. Đến nay đã 20 năm trôi qua, thi thể của anh Sugiyama vẫn chưa được tìm thấy, chính vì thế ông Sumiyama càng có động lực to lớn cố gắng hoàn thành bản dịch cuốn báo cáo như cách tưởng nhớ con trai và hơn 2.900 người đã thiệt mạng.
Kể từ khi mất con trai, hàng năm ông Sumiyama đều đến nơi tưởng niệm ở Trung tâm Thương mại Thế giới (nơi đây được xây dựng lại và dành khu vực riêng tưởng niệm các nạn nhân). Trên đường trở về từ lễ tưởng niệm năm 2004, ông thấy bản báo cáo được đặt trên bàn tại cửa hàng ở Sân bay quốc tế John F. Kennedy. Nhưng với vốn từ vựng hạn chế của mình, ông không thể đọc hết hơn 500 trang của báo cáo bằng tiếng Anh.
Là người sống trong nỗi đau mất người thân, hơn ai hết, ông Sumiyama hiểu được gia đình của những nạn nhân phải trải qua như thế nào trong suốt hai thập kỷ. Chính vì thế, khi nghe những thông tin chưa đầy đủ được đề cập trong báo cáo tiếng Nhật (bản dịch chỉ tóm tắt về sự kiện và bỏ qua những phần về Hồi giáo), Sumiyama cảm thấy rằng mọi người cần có một bản dịch đầy đủ hơn để hiểu toàn cảnh của sự việc, như một cách xoa dịu tổn thương cho người ở lại. Bỏ qua chướng ngại về ngôn ngữ, người đàn ông này bắt đầu đọc kĩ từng trang báo cáo, với sự trợ giúp của từ điển và bà Mari, vợ ông, người có thể giao tiếp bằng tiếng Anh.
Bản dịch đầy đủ của báo cáo đã gần như hoàn thành vào năm 2018, sau 10 năm làm việc miệt mài, ông Sumiyama đã vượt qua rào cản ngôn ngữ: từ việc dịch những cái tên xa lạ của các tổ chức quân sự, các cơ quan chính phủ và những tổ chức khác...với sự hỗ trợ của các cộng sự trong và ngoài Nhật Bản. Trong báo cáo, ông cũng viết một phần bình luận dài khoảng 300 trang. Tuy ban đầu cuốn sách khó có cơ hội xuất bản, nhưng đại diện của nhà xuất bản Korocolo đã đưa ra giải pháp thông qua huy động vốn trong cộng đồng. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ có một người giám sát dịch thuật để kiểm tra chính xác những thông tin trong báo cáo mới. Đồng thời tách bản dịch báo cáo và phần bình luận của ông Sumiyama thành hai cuốn riêng biệt.
Kazusada Sumiyama đặt mục tiêu gây quỹ cộng đồng 1,5 triệu yên (khoảng 13.710 đô la Mỹ) và chiến dịch kéo dài đến ngày 25 tháng 6. Ông chia sẻ: "Đây là tài liệu không thể thiếu để hiểu lý do tại sao sự cố lại xảy ra. Nó cũng chứa những nội dung có thể để tham khảo trong xã hội Nhật Bản. Trong thế giới phẳng như hiện nay, việc những người từ nhiều nền văn hóa đến Nhật học tập, sinh sống và làm việc ngày càng nhiều, tôi nghĩ rằng việc hiểu rõ nguồn gốc của sự việc đau thương đã xảy ra giúp chúng ta sống hòa hợp với mọi người cũng như thận trọng hơn trong lời nói và suy nghĩ đối với người khác".
Trước đó, vào năm 2003, ông Sumiyama xuất bản cuốn "The Songs of Ground Zero", một tuyển tập thơ để tưởng nhớ con trai ông.
11/9 đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn còn đó
Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center), tọa lạc tại Manhattan, New York, Mỹ, là tổ hợp của 7 tòa nhà, trong đó nổi bật với hai tòa tháp đôi 110 tầng được thiết kế bởi kiến trúc sư người Mỹ gốc Nhật Minoru Yamasaki. Trước khi xảy ra thảm kịch, công trình được xem là biểu tượng của thành phố New York cũng như của nước Mỹ. Tuy nhiên ngày 11/9/2001, nơi đây từ niềm tự hào đã biến thành đau thương kéo dài hàng chục năm. Khi bốn chiếc máy bay dân dụng chở khách được điều hành bởi hai hãng hàng không lớn của Hoa Kỳ: United Airlines và American Airlines đã bị khống chế bởi không tặc và đâm vào hai toàn tháp Bắc, Nam, Lầu Năm Góc và chiếc còn lại nhờ sự khống chế của những hành khách mà đã đi lệch quỹ đạo, đâm vào một cánh đồng.
Chỉ trong 1 giờ 42 phút, cả hai tòa tháp cao 110 tầng sụp đổ, mang theo mảnh vỡ và gây ra những vụ cháy khiến tất cả các tòa nhà khác trong khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới bị sụp đổ một phần hoặc hoàn toàn. Cuộc tấn công đã khiến 2.977 người thiệt mạng (hầu hết là dân thường), 343 lính cứu hỏa và 71 nhân viên thực thi pháp luật, hơn 90 quốc gia có công dân thiệt mạng trong vụ tấn công (theo một số nguồn tin, Nhật Bản là quốc gia chịu thương vong thứ ba sau Mỹ và Anh).
Tính đến năm 2013, Cơ quan Y tế kết luận rằng 1.140 người làm việc, sinh sống hoặc nghiên cứu tại khu vực xảy ra vụ tấn công đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư do ảnh hưởng của các chất độc hại, cùng với đó là những tổn thương nặng nề lên tinh thần những người còn sống và người thân của những người đã thiệt mạng.
Thông tin về chiến dịch: https://readyfor.jp/projects/911report.
Xem thêm: Người đàn ông bị cả nước Nhật tẩy chay vì sống sót trong thảm kịch Titanic
kilala.vn