Nghệ thuật nhuộm vải Shibori của Nhật Bản

Nguyên GiangFeb 5, 2018

Ở Nhật Bản, Shibori đã được sử dụng hơn 1.300 năm, và kỹ thuật nhuộm vải lụa “Kyo Kanoko Shibori” được xem là độc nhất vô nhị trên thế giới. “Kyo Kanoko” đã tạo ra các loại quần áo tuyệt đẹp tô điểm cho đời sống người Nhật trong nhiều năm dài. Tuy nhiên, những kỹ thuật truyền thống vô giá này đang có nguy cơ bị thất truyền do số lượng thợ thủ công chuyên nghiệp ngày càng ít đi.

Trong 20 năm qua, Viện Bảo tàng kỹ thuật nhuộm Shibori ở tỉnh Kyoto đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn và kế thừa các kỹ thuật truyền thống này cho thế hệ kế tiếp, với mong muốn một tương lai tươi sáng cho phương pháp nhuộm Shibori.

Nghệ thuật nhuộm vải Nhật Bản được ưa chuộng khắp thế giới

Lịch sử

Nghệ thuật Shibori của người Nhật đã tạo ra nhiều kỹ thuật nhuộm vải cao cấp và được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sau thời đại Kamakura (1192-1333), các loại vải nhuộm Shibori đã được sử dụng làm y phục cho tầng lớp Samurai. Những năm cuối thời Muromachi (1336-1573) có kỹ thuật nhuộm “Tsujiga-hana”, được phụ nữ và trẻ em thuộc tầng lớp Samurai sử dụng, cũng như giới thanh niên và các chỉ huy quân đội. Tsujiga-hana là kỹ thuật nhuộm tôn tạo với vàng và bạc, và các kỹ thuật thêu khác. Nghệ thuật này được phát triển bởi người phát minh ra áo Kimono, nhằm thể hiện sự tôn kính với thiên nhiên.

Vào thời Edo (1603-1868) có kỹ thuật nhuộm Shibori cao cấp trên vải lụa ở tỉnh Kyoto, nhuộm Shibori thông thường trên vải lanh và vải cotton bằng bột chàm ở Arimatsu, Narumi, Bungo và Takase. Váy Kosode sử dụng kỹ thuật Kanoko của Kyoto đã được sử dụng bởi phụ nữ và Samurai tầng lớp trên. Nửa sau thời đại Edo có nhiều kỹ thuật tiên tiến mới đã được phát triển, nổi bật trong đó là Honza Kanoko. Đây là kỹ thuật nhuộm bằng phương pháp buộc vải không cần vẽ họa tiết, chỉ sử dụng cảm giác của các đầu ngón tay và đòi hỏi các kỹ năng cao cấp và phức tạp.

Thông thường, vải nhuộm Shibori được ủi phẳng cho đến khi xuất hiện hình dáng của họa tiết vẽ Kanoko Shibori. Sau khi tạo ra các hoa văn trên vải thì phối thêm màu như kỹ thuật thủ công Shibori để nhấn mạnh giá trị cao cấp của Shibori Kanoko. Tuy nhiên, do sự phổ biến của Kanoko, Mạc phủ đã cấm Kanoko Shibori vào năm 1683, và lệnh cấm ngày càng khắt khe hơn mãi đến năm 1850.

Vào thời Meiji (1868-1912), Kanoko Shibori đã được đánh giá cao và ưa thích tại Hội chợ Thế giới 1873 tổ chức ở thành Vienna (Áo), cũng như các cuộc triển lãm khác trên thế giới. Ngoài ra, Kanoko Shibori còn được công nhận là đặc sản của Kyoto trong Triển lãm Thương mại nội địa Nhật Bản tổ chức 5 năm một lần. Tuy vậy, trong giai đoạn nửa sau thời đại Meiji, ngành thủ công truyền thống đã bị chối bỏ do sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp hóa.

nghệ thuật nhuộm vải Nhật Bản mới lạ

Các kỹ thuật Shibori cơ bản

Vì mỗi phương pháp Shibori phù hợp với từng chất liệu vải riêng nên bạn cần thận trọng khi lựa chọn để đạt được hiệu quả mong muốn. Các họa tiết sau khi nhuộm có hình thù ngẫu nhiên, từ đơn giản cho đến phức tạp, nhưng hầu như là vô tận cho niềm đam mê sáng tạo của bạn. Thật ra, để trở thành thợ nhuộm chàm chuyên nghiệp, bạn phải mất ít nhất 5 năm học nghề với một nghệ nhân bậc thầy mới có thể nắm vững tất cả quy trình nhuộm. Có 6 kỹ thuật Shibori nổi tiếng là Kanoko, Miura, Kumo, Nui, Arashi và Itajime.

Kumo sử dụng các vật rắn để tạo họa tiết cho vải. Vải sẽ được cuốn quanh các vật thể này và buộc túm bằng chỉ. Phương pháp này tạo ra những họa tiết rất đặc trưng và được xem là dễ kiểm soát nhất.

Nui là kỹ thuật nhuộm kiểu khâu vải. Vải sẽ được khâu đơn giản, sau đó siết chặt sợi chỉ để túm vải. Phương pháp này sử dụng các chốt gỗ để siết chặt sợi chỉ và đảm bảo sự cố định khi nhuộm. Phương pháp này có độ chính xác cao và tạo ra nhiều họa tiết đa dạng nhất.

Arashi là kỹ thuật nhuộm cuốn vải. Arashi sử dụng phương pháp xoắn, cuốn và buộc vải quanh các ống tròn bằng gỗ hoặc đồng. Vải sẽ được xoắn và cuốn chéo quanh ống, sau đó buộc chặt lại. Phương pháp này sẽ tạo ra các họa tiết đường chéo, và đó cũng chính là đặc điểm nhận dạng cơ bản của kỹ thuật này.

Cuối cùng là Itajime, kỹ thuật nhuộm sử dụng phương pháp gấp vải và dùng 2 thanh gỗ để kẹp chặt phần vải đó. Vải được gấp nhiều lần với độ căng khác nhau để tạo ra các họa tiết khác nhau. Theo truyền thống thì sử dụng thanh gỗ để kẹp vải nhưng bạn cũng có thay thế bằng kẹp và thanh nhựa PVC cũng không sao.

Kanoko trong Shibori là kỹ thuật giống với kiểu nhuộm Tie-dye phổ biến ở phương Tây. Kanoko sử dụng phương pháp buộc túm các khoảng vải và cột lại bằng chỉ để tạo các họa tiết mong muốn. Mặc dù phương pháp truyền thống sử dụng chỉ để cột nhưng bạn cũng có thể dùng dây thun để thay thế. Họa tiết sau khi nhuộm phụ thuộc vào độ chặt khi buộc vải và việc bạn có gấp vải trước hay không. Hầu hết các họa tiết hình tròn được tạo ra bởi kỹ thuật này.

Miura là kỹ thuật sử dụng phương pháp buộc thắt. Đầu tiên bạn sử dụng kim móc để kéo các khoảng vải, sau đó dùng chỉ để thắt quanh mỗi nút hai vòng. Thắt chỉ với độ chặt vừa phải đủ để giữ vị trí chứ không thắt nút. Đây là kỹ thuật nhuộm Shibori đơn giản nhất.

Vải được nhuộm với màu sắc đẹp

Thủ công truyền thống 'Kyo-Kanoko-Shibori'

Như một biện pháp nhằm hồi sinh các ngành thủ công truyền thống, vào năm 1974 chính phủ Nhật Bản đã ban hành 'Đạo luật về sự phục hồi các ngành công nghiệp thủ công truyền thống. Và "Kyo-Kanoko-Shibori" đã được chỉ định là nghề thủ công truyền thống lần đầu tiên ở tỉnh Kyoto vào ngày 26 tháng 2 năm 1976. Đến tháng 5 cùng năm đó, 'Hiệp hội Hợp tác xã Kyo-Kanoko-Shibori' đã được thành lập.

'Kyo-Kanoko-Shibori' là thuật ngữ chung cho các kỹ thuật nhuộm Shibori trên vải lụa ở tỉnh Kyoto như Hitta, Hitome, Nuishime,… Có hơn 50 loại kỹ thuật Shibori khác nhau vẫn còn tồn tại ở Nhật Bản cho đến năm 1981, nhưng nhiều kỹ thuật sau đó đã bị mai một do số lượng thợ thủ công ngày càng ít đi. Một số kỹ thuật như Yoroi và Arashi đã bị thất truyền trong quá khứ, nhưng mặt khác một số kỹ thuật mới như Ganko và Kasa Boushi đã được tạo ra với những ý tưởng mới ngày nay.

Kỹ thuật và quy trình

Các kỹ thuật tiêu biểu của Kyo-Kanoko-Shibori là Hitta và Hitome (thường gọi là Kanoko và Also Kasamaki), Nuishime và Bai. Đặc trưng của Kyo-Kanoko-Shibori là các họa tiết được tạo ra bằng cách trộn các kỹ thuật nói trên với các kỹ thuật nhuộm vải đa sắc như Oke, Boushi,… Các kỹ thuật chính gồm có:

1. Hitta
2. Hitome
3. Hari Hitta
4. Hari Hitome
5. Nuishime
6. Kasamaki
7. Bai
8. Nhuộm vải đa sắc

Quy trình nhuộm Shibori

1. Hana-nuki và Tẩy trắng:

Công đoạn giũ sạch chất Aobana được gọi là “Hana-nuki”. Ngâm vải đã được buộc vào trong nước một ngày. Đun trong nước sôi từ 20 - 30 phút, sau đó đun sôi lại lần nữa với chất tẩy trắng Sodium Hydrosulfite ở 70 - 80 độ C từ 15 - 20 phút. (Có thể sử dụng xà phòng tùy thuộc vào loại vết bẩn). Cuối cùng là rửa các hóa chất trong nước.

2. Nhuộm và Khử màu:

Công đoạn nhuộm và phối màu được thực hiện theo kinh nghiệm và trực giác của thợ thủ công khi họ xem xét điều kiện của vải và thuốc nhuộm. Thêm một chất ngấm và nhuộm ở 80 độ C từ 20 - 25 phút. Sau đó khử màu với Sodium Hydrosulfite ở 80 độ C từ 20 - 25 phút.

3. Các phương pháp nhuộm khác

Có một phương pháp nhuộm đặc biệt được gọi là 'Shibori Rouketsu', có thể tạo ra hoa văn không ngờ bằng cách làm nhăn vải trong một Sunoko (tương tự tấm chống thấm) và rót thuốc nhuộm ở nhiệt độ quy định lên vải bằng một bình tưới nước.

Ngoài ra còn có những kỹ thuật nhuộm khác như 'Itajime' và 'Pakudan Pokashi'.

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU