Nghe một hiểu mười: Đặc trưng giao tiếp gây "hoang mang" của người Nhật
Bài: Mai Hà LinhApr 6, 2022
Liên quan trực tiếp đến văn hóa “đọc không khí” của người Nhật, “Nghe một hiểu mười” là nguyên tắc giao tiếp vô cùng căn bản mà chúng ta phải nắm rõ nếu muốn xây dựng quan hệ với người Nhật.
“Nghe một hiểu mười” là gì?
Thành ngữ “一言えば十をしる - Ichi ieba ju wo shiru” trong tiếng Nhật có thể dịch là “nghe một hiểu mười” hoặc “nói một hiểu mười”. Theo nghĩa đen, có thể hiểu rằng nếu lời của người nói chỉ diễn đạt một phần, thì nhiệm vụ của người nghe là phải tự suy ngẫm và hiểu được chín phần còn lại.
Vì phần quan trọng nhất của cuộc trò chuyện giống như phần chìm của tảng băng - thường không được nói ra, nên người nghe có trách nhiệm tiếp thu những ẩn ý bên dưới lớp vỏ ngôn từ, hoặc "đọc" các manh mối dựa theo ngữ cảnh, chẳng hạn như ai, nói gì, khi nào, ở đâu, như thế nào và với sự hiện diện của ai...
Mặc dù thành ngữ “Nghe một hiểu mười” cũng xuất hiện thường xuyên trong tiếng Việt để chỉ những người thông minh, nhanh nhạy, nhưng tại đất nước mặt trời mọc, đây lại là nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp, buộc những người nước ngoài khi muốn gia nhập nền văn hóa này đều phải nắm rõ.
Một số khái niệm liên quan
- Kuuki wo yomu (空気を読む): Nghĩa đen là “đọc không khí”. Cũng gần với “Nghe một hiểu mười”, trong giao tiếp đòi hỏi chúng ta phải nhận thức được tình huống, không chỉ chú ý đến suy nghĩ, cảm xúc của riêng mình mà còn phải “đọc vị” được những người xung quanh, bao gồm cả những thứ họ không thể hiện ra ngoài. Văn hóa “đọc không khí” cũng là một trong những khía cạnh quan trọng và cơ bản nhất trong văn hóa giao tiếp của Nhật Bản.
- Ishin-denshin (以心伝心): Thần giao cách cảm, lấy tâm truyền tâm. Trong Thiền, thành ngữ này chỉ việc truyền lại những giáo lý sâu sắc không thể giải thích chỉ qua lời nói, trực tiếp từ tâm trí của sư phụ sang đệ tử. Bằng (以) trí óc hoặc trái tim (心), bài học được chuyển tải (伝) đến tâm trí hoặc trái tim của người khác (心). Nói rộng ra, nó là sự thấu hiểu về cảm xúc không thông qua con đường ngôn ngữ.
- Haragei (腹芸): Nghệ thuật hiểu bụng. Gần như một “giác quan thứ sáu”, Haragei thúc đẩy mọi người trao đổi suy nghĩ và cảm xúc “từ bụng đến bụng” mà không cần sử dụng lời nói.
Xem thêm: Một số khái niệm đặc thù trong xã hội Nhật Bản (p2)
Trong cuộc sống thường ngày
Người Nhật từ nhỏ đã được dạy cách để phát hiện những suy nghĩ của đối phương thông qua phỏng đoán, vì vậy phong cách giao tiếp của họ thể hiện rõ nét qua câu thành ngữ “Nghe một, hiểu mười”.
Người Nhật thậm chí sẽ cố ý tránh nói quá rõ ràng vì điều này có thể bị coi là một sự xúc phạm, ngụ ý rằng người nghe thiếu hiểu biết. Họ quan niệm rằng chỉ cần nói rõ tất cả mọi thứ khi bạn nói chuyện với một “kẻ ngốc” - những người không có khả năng thấu hiểu và không cảm nhận được mọi thứ xung quanh.
Tuy vậy, phong cách giao tiếp ngầm này chỉ hoạt động tốt nhất khi người nghe có đủ thông tin cơ bản về đối phương. Vì vậy, không có gì lạ khi bắt đầu một mối quan hệ mới, người Nhật sẽ muốn thu thập rất nhiều thông tin thông qua việc đặt câu hỏi trực tiếp.
Dữ liệu về đối phương là cần thiết để tạo ra sự tin tưởng, hiểu biết sâu sắc, hình thành nên cái gọi là “thần giao cách cảm” trước khi thật sự bước vào một mối quan hệ “không cần nói”.
Trong giao tiếp kinh doanh
Xét bối cảnh kinh doanh, “Nghe một hiểu mười” là cách thức giao tiếp ngắn gọn, súc tích để tiết kiệm thời gian cũng như đạt được mục đích mong muốn giữa đôi bên.
Giao tiếp trong kinh doanh là chìa khóa quan trọng để có thể nắm bắt đối phương và phát triển công việc một cách thuận lợi. Vì vậy, quan trọng hơn cả là sự nhạy bén cũng như dự đoán được những gì sắp tiếp diễn trong một cuộc nói chuyện, từ đó dễ dàng chủ động hướng công việc kinh doanh của mình đến một kết quả tốt đẹp.
Không chỉ vậy, tại nơi làm việc nói chung, những người không có khả năng “nghe một hiểu mười” tốt bị cho là thiếu hiểu biết, chậm chạp và kém hiệu quả trong công việc.
Người Nhật thường hay nói rằng: "Chúng tôi khao khát có được những mối quan hệ không cần lời nói". Do đó, phần lớn những gì xảy ra ở nơi làm việc trong các công ty Nhật theo đúng nghĩa đen là "không cần nói".
Nếu bạn đang làm việc cùng người Nhật với bất cứ tư cách gì, hãy cố gắng thu thập nhiều thông tin về đối phương và luyện cho mình cách giao tiếp “nghe một hiểu mười”. Điều này đồng nghĩa rằng bạn cần đặt nhiều câu hỏi cũng như tìm hiểu kỹ về đồng nghiệp, đối tác; rèn sự nhạy bén trong mỗi tình huống giao tiếp thông qua việc phát hiện và nắm bắt những manh mối nhỏ. Nếu không làm tốt việc đó, rất có thể bạn sẽ rơi vào trạng thái không hiểu người Nhật đang muốn điều gì.
Không quá khi nói rằng, cách giao tiếp “Nghe một hiểu mười” đôi khi sẽ gây ra rất nhiều khó khăn và thậm chí là hiểu lầm đối với nhiều người, nhất là người nước ngoài. Vì vậy, hãy tập cách nói chuyện này để có thể giao tiếp với người Nhật dễ dàng hơn nhé!
kilala.vn