Nếu đang ở Nhật, đừng sử dụng từ "Otaku" một cách bừa bãi

Bài: Heyjuy
Apr 28, 2021

Ảnh bìa: manga.tokyo

Tại Việt Nam, khi chúng ta gọi một người bạn thích đọc Manga, Anime với biệt danh “Otaku”, họ có thể vui vẻ chấp nhận. Tuy nhiên, nếu bạn tùy tiện gọi một người Nhật bằng cái tên này, rất có thể bạn sẽ nhận lại một cái lườm lạnh lùng, hay tệ hơn, là một sự rạn nứt về mối quan hệ đôi bên. Vậy, ý nghĩa thật sự của Otaku là gì? Và người Nhật nghĩ về khái niệm này như thế nào?

Khái niệm Otaku (オタク) ra đời tại Nhật Bản vào khoảng những năm 1970 với mục đích chế giễu những người yêu thích thái quá các loại hình văn hóa đại chúng như Anime, Manga, phim ảnh hay trò chơi điện tử, am hiểu tường tận về kiến thức, sưu tầm vật phẩm, mô hình, tranh ảnh, DVD liên quan đến sở thích ấy. Họ giống như một “căn nhà” di động vậy ("Otaku – お宅" trong tiếng Nhật mang nghĩa là “nhà”).

đừng sử dụng từ otaku một cách bừa bãi
Khái niệm Otaku xuất hiện vào những năm 1970. Ảnh: line.17qq.com

Cụm từ Otaku được sử dụng rộng rãi tại Nhật vào khoảng những năm 1980 do sự nở rộ của văn hóa Anime và phổ biến tới ngày nay. Tuy nhiên, khái niệm Otaku (オタク) vẫn chưa có định nghĩa cụ thể, cũng không xuất hiện trong từ điển chính thống.

Đừng tùy tiện gọi một người Nhật là Otaku

Dù có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng về cơ bản, đa phần người Nhật đều coi Otaku là một khái niệm tiêu cực, một cách gọi xúc phạm. Thậm chí, một số vụ việc tai tiếng liên quan tới Otaku (tiêu biểu là vụ án của tên sát nhân hàng loạt Tsutomu Miyazaki) còn khiến người Nhật ghét bỏ cụm từ này hơn nữa.

Vượt qua khái niệm đam mê, các Otaku tại Nhật là những người sẵn sàng dành hết số tiền và thời gian mình có để nghiên cứu và sưu tầm các bộ truyện, bộ anime mình thích. Trong hình dung của nhiều người Nhật, cuộc sống của một Otaku chỉ khép kín trong căn phòng chật hẹp, không có việc làm, đầu óc không bình thường, mất kết nối với xã hội, đắm chìm trong thế giới không có thật.

Sở thích và sự phát cuồng là 2 khái niệm hoàn toàn khác biệt. Người Nhật tự hào về văn hóa Anime, Manga, nhưng rất kiêng kỵ khi nhắc tới khái niệm Otaku. Vì vậy, đừng tùy tiện sử dụng cụm từ này khi không cần thiết. Thay vào đó, hãy tôn trọng cuộc sống cá nhân của đối phương và chỉ nên coi việc xem Anime, Manga như một sở thích hoặc đam mê thông thường thôi bạn nhé.

đừng tùy tiện gọi một người Nhật là Otaku
Tsutomu Miyazaki có biệt danh là Sát nhân Otaku. Ảnh: All That's Interesting

Khái niệm Otaku ở nước ngoài

Khác với Nhật Bản, ở xã hội phương Tây, thuật ngữ Otaku trở nên gần gũi và phổ biến hơn nhiều. Ý nghĩa tiêu cực ban đầu của cụm từ này cũng được giảm bớt. Otaku được hiểu đơn thuần là những người đam mê tìm hiểu về Manga, Anime, hoặc về văn hóa Nhật Bản. Tiêu biểu như ở Mỹ, nơi có lượng fan hâm mộ các bộ Manga nổi tiếng như One Piece, Naruto, Dragon Ball vô cùng “hùng hậu”, Otaku giống như một tín hiệu để những tín đồ có chung sở thích tìm thấy nhau.

Còn tại Việt Nam thì sao nhỉ? Trên thực tế, những người đam mê văn hóa Manga nói chung, những người học tiếng Nhật hẳn không còn xa lạ gì khi bị bạn bè trêu đùa với những biệt danh như “Wibu”, “Otaku”,... Định nghĩa gốc về Otaku tại Việt Nam chưa được biết đến quá rộng rãi, chính vì vậy, cách sử dụng từ này cũng trở nên thoải mái hơn rất nhiều.

khái niệm otaku ở nước ngoài
Thuật ngữ Otaku ở nước ngoài chỉ các fan của Manga, Anime. Ảnh: DevianArt

Một số khái niệm liên quan

Về cơ bản, Otaku không chỉ giới hạn ở các mảng game, anime hay manga. Đây là một khái niệm chung để ám chỉ về những người dành quá nhiều tình cảm (theo cách không tích cực lắm) cho một sở thích của bản thân. Vì thế, Otaku còn được sử dụng cho rất nhiều lĩnh vực khác nhau như Robot, Figure,... Ngoài ra, Otaku cũng có một vài từ ngữ “họ hàng” có ý nghĩa liên quan. Dưới đây là một số từ ngữ như thế.

Doru-ota (Idol Otaku)

"Doru-ota" (ドルオタ) là từ viết tắt của "Idol Otaku", có nghĩa là fan cuồng của các thần tượng (idol). Một trong những thần tượng có lượng Doru-ota đông đảo nhất Nhật Bản có thể kể tới như AKB48 và Hello! Project. Các thần tượng của nhóm Doru-ota thường là nữ giới.

Weeaboo/Wibu

Tiền thân của "Weeaboo" là "Wapanese", là từ được kết hợp từ white (trắng/da trắng) hoặc wannabe (muốn trở thành) và Japanese (thuộc về Nhật Bản). họ là những người vô cùng yêu thích nền văn hóa Nhật Bản nói chung, yêu thích Nhật Bản tới mức “muốn trở thành người Nhật”. Đây là khái niệm chỉ dùng ở các nước ngoài Nhật Bản. Ở Việt Nam, Weeaboo được rút gọn thành "Wibu".

Guruupii (Fan nữ cuồng thần tượng nhạc Rock)

Khái niệm "Guruupii" (グルーピー) chỉ những fan nữ cuồng nhiệt, đi cùng Idol trong mọi show nhạc, luôn săn đón, không ngần ngại gây ồn ào hay đuổi theo xe của các ca sĩ nhạc rock.

Fujoshi (Hủ nữ)

Hủ nữ (Fujoshi – 腐女子) là những cô gái bị thu hút bởi tình yêu giữa nam với nam. Họ thích đọc và xem các thể loại truyện, phim về đồng tính nam và thường có những tưởng tượng về cuộc sống đồng tính nam. Các hủ nữ luôn cảm thấy hứng thú với những hành động sexy, tình cảm giữa nam giới.

Okina otomodachi

Thuật ngữ “Okina otomodachi” (大きなお友達) dịch theo nghĩa đen là “người bạn trưởng thành”, được giới Otaku sử dụng để mô tả việc bản thân là người hâm mộ trưởng thành của manga, anime hoặc chương trình truyền hình dành cho đối tượng trẻ em.

Phụ huynh khi xem loại chương trình này với con cái của họ sẽ không được gọi là Okina otomodachi, mà đối tượng của khái niệm này là những người yêu thích và mua các tác phẩm dành cho trẻ em vì sở thích của chính mình.

fujoshi
Fujoshi bị thu hút bởi tình yêu đồng tính nam. Ảnh: mogsroom.xyz

Xem thêm:Wibu và Otaku khác nhau như thế nào?

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU