Nét đẹp truyền thống mang tên Geta

Bài: Inako / Ảnh: PIXTA / Minh họa: Lăng ViDec 1, 2018

guốc gỗ Geta

(Ảnh: PIXTA )

Trang phục truyền thống của Nhật Bản không chỉ có Kimono, Yukata mà còn có nhiều phụ kiện đi kèm khác nữa, trong đó có guốc gỗ Geta. Mỗi một đôi guốc gỗ nhỏ nhắn ấy đều là vẻ đẹp kết tinh của óc thẩm mỹ tinh tế và bàn tay khéo léo của những nghệ nhân Nhật Bản. Chính bởi ý nghĩa đó, cùng với Kimono và Yukata, guốc gỗ Geta cũng được xem là biểu tượng truyền thống của Xứ sở hoa anh đào, và là món quà lưu niệm đáng yêu đối với mỗi du khách sau chuyến hành trình trải nghiệm Nhật Bản.

Đôi nét về guốc gỗ Geta

guốc Geta
(từ trái sang, từ trên xuống) Geta 1 răng, Geta 3 răng, Geta 2 răng, Geta không răng (Minh họa: Lăng Vi)

Ở Nhật có 3 loại giày dép xỏ quai truyền thống là Geta, Zori (dép cỏ) và Waraji (dép rơm). Đối với những vùng có khí hậu nóng ẩm, kiểu giày dép xỏ quai rất được ưa chuộng vì chúng dễ mang vào và cởi ra hơn. Sự khác biệt giữa guốc gỗ Geta với 2 loại dép còn lại chính là phần đế được làm bằng gỗ chắc chắn và phần răng ở dưới đế. Thời xưa, người Nhật chế tạo những đôi Geta có răng cao là để giữ cho chân khô ráo trong những ngày mưa hoặc khi đi vệ sinh.

Từ vật dụng sinh hoạt đến tác phẩm nghệ thuật

guốc Geta
 Những đôi Geta được trang trí dây quai cầu kì với đủ sắc màu. (Ảnh: PIXTA)

Từ vật dụng sinh hoạt

Thời kì Yayoi (khoảng 2.000 năm trước): tổ tiên của chiếc Geta xuất hiện lần đầu tiên ở vùng nông thôn nước Yamatai. Chúng được làm bằng những miếng ván lớn hơn bàn chân và có đóng lỗ để xỏ dây quai. Loại dép này không chỉ tránh cho chân khỏi lún vào bùn khi cấy lúa, mà còn giúp đánh dấu những chỗ đã bón phân. 

Từ thời Nara cho đến trước thời Edo: loại guốc tiền thân của Geta – Ashida – với đế hình bầu dục và làm bằng gỗ tuyết tùng được giới võ sĩ và phụ nữ sử dụng rộng rãi.

Thời Edo: nhờ những công cụ sản xuất tân tiến, Geta ra đời với các kiểu dáng và cách trang trí độc đáo. Lúc này, tính “khác biệt” của Geta được chú trọng để giúp người mang trở nên nổi bật hơn. 

Thời Meiji: Geta “bùng nổ” với vô số kiểu dáng mới dành cho cả nam, nữ và trẻ em. Đến nay, chỉ tính riêng phần đế đã có đến 4 hình thức gia công tiêu biểu là kiểu chạm khắc Kamakura, kiểu sơn mài Tsugaru (miền Tây tỉnh Aomori), kiểu đắp vỏ anh đào (vùng Kakunodate tỉnh Akita) và kiểu lát vỏ tre. Trong đó, kiểu Kamakura đặc biệt nổi bật với lối trang trí ở phần đế vô cùng phong phú như Mặt lão (khuôn mặt hạnh phúc viên mãn của một ông lão, tượng trưng cho sự trường thọ), Cá chép (tượng trưng cho ý chí cầu tiến) hay Cây trúc (tượng trưng cho sức sống và sự khoẻ mạnh).

Đến tác phẩm nghệ thuật

Không chỉ riêng phần đế được chế tác và trang trí công phu, nghệ nhân Geta còn thổi hồn vào cả những quai guốc nhỏ bé.

Thông thường, quai guốc được trang trí tương tự với hoa văn của Kimono nhưng đơn giản hơn, có loại chỉ có một màu đen hoặc đỏ trơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều đôi được trang trí vô cùng cầu kì và quý phái. Đặc biệt, màu sắc của chúng cũng được lựa chọn theo từng mùa. Những hoa văn đặc trưng có thể kể đến là Phượng hoàng – Kì lân (tượng trưng cho điềm lành, sự tốt đẹp), Yushoku (loại hoa văn của quý tộc và là nền tảng cơ bản cho các hoa văn của Nhật Bản) hay Rắn Kanoko (loại hoa văn trông giống với da của loài rắn Kanoko).

Ngoài ra, dưới ảnh hưởng của Thiền, các nghệ nhân cũng sử dụng một số cảm thức thẩm mỹ truyền thống để đưa vào tác phẩm nghệ thuật của mình, như Aware (ai), Sabi (tịch), Wabi (sá), Yugen (u huyền),… Nhờ đó, Geta không chỉ đơn thuần là vật đi dưới chân mà còn khắc họa bản sắc đặc trưng của con người Nhật Bản, đó là sự giản đơn và tinh tế.

Các loại Geta

Bên cạnh sự khác biệt về số răng bên dưới đế, người Nhật còn phân loại Geta theo đối tượng sử dụng.

Geta dành cho nam giới

Geta nam giới
Geta dành cho nam giới thường có hình dáng cứng cáp, đơn giản, quai thường có màu trầm. (Ảnh: PIXTA)

Thường có kiểu dáng và cách trang trí đơn giản, tông màu quai khá trầm như đỏ hoặc đen.

Hoba hay Kogetsu

Là loại Geta có răng làm bằng gỗ sếu. Do gỗ sếu cứng nhất trong các loại gỗ cây, ma sát khi đi cũng tương đối nhỏ nên tuổi thọ của đôi guốc rất cao.

Ohosaka

Là loại Geta thấp, có răng mỏng hơn so với răng của Hoba. Tuy nhiên do Ohosaka cao hơn các loại Geta 2 răng thông thường khác nên vẫn có thể dùng nó để đi trong ngày mưa.

Geta dành cho nữ giới

Geta nữ giới
Geta dành cho nữ giới thường có quai mảnh, kiểu dáng trang nhã (Ảnh: PIXTA)

Thường có kiểu dáng quý phái và hoa văn trang trí trên quai guốc cũng cầu kì hơn.

Hiyori

Là loại Geta có răng bằng gỗ sếu mỏng. “Hiyori” có nghĩa là ngày mát mẻ, tuy nhiên loại guốc này có thể đi được vào bất kỳ thời tiết nào.

Rikyu

Là loại Hiyori có răng và đế làm bằng nguyên liệu khác nhau. Loại Geta này giống với Gobukyo của nam giới, có răng làm bằng gỗ sồi, cao hơn so với Hiyori.

Kome

Là một đôi guốc gỗ có đế cao đến 20cm, màu đen. Loại Geta này thường được diện bởi các kỹ nữ Oiran và không mang tất tabi mà đi chân trần.

Geta dành cho trẻ em

Geta trẻ em
Geta trẻ em thường thấp, không răng và có trang trí bắt mắt (Ảnh: PIXTA)

Có đặc trưng cơ bản là răng được thiết kế sao cho dễ di.

Senryo

Loại Geta có răng trước hình tam giác và răng sau hình chữ nhật và Komageta (có răng trước cao hơn răng sau, đều hình chữ nhật). Các thiết kế này giúp trọng tâm luôn dồn về phía trước và dễ đi hơn.

Ukon

Là loại Geta thấp, không răng, có kiểu dáng giống dép Zori.

Dạo phố Nhật trên đôi guốc Geta

Guốc gỗ Geta là phụ kiện không thể thiếu khi diện trang phục Yukata và Kimono. Sẽ không lạ gì nếu vào những ngày đầu năm mới hay trong các hội chợ mùa hè, bạn nghe thấy khắp con phố rộn lên tiếng nhịp guốc gõ “Karakoro, karakoro” vui nhộn.

Không dừng lại ở đó, Geta còn là “nhân vật chính” của một số lễ hội văn hóa dân gian như hội thi ném Geta (Fukuyama), múa Geta trong lễ hội Benkei (Wakayama) hay trong lễ hội nhảy múa Niigata,… Ở một số địa phương, Geta còn được dùng để bói thời tiết: ném Geta lên rồi chờ nó rơi xuống, nếu Geta nằm sấp thì trời nắng, nằm ngửa thì trời mưa. Đặc biệt, ở các nhà trọ suối nước nóng, Yukata và Geta thường được chuẩn bị cho khách mượn để mang ra ngoài chơi. 

Ngày nay, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều cửa hàng ở Nhật bày bán Geta. Giá cả Geta dao động từ 500 yên trở lên, tùy vào kích thước cùng vật liệu làm quai và đế. Chẳng hạn, một đôi Geta làm bằng gỗ tuyết tùng cháy thông thường có giá dao động trong khoảng 1.400 – 3.000 yên (khoảng 260.000 – 580.000VND) nhưng Geta làm bằng gỗ tuyết tùng vùng Akita có thể lên tới trên 100.000 yên (khoảng 18 triệu VND).

Inako / kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU