Ném tuyết cũng là một môn thể thao của Nhật

Bài: Thanh TrúcFeb 7, 2021

Thử tưởng tượng vào mùa đông lạnh lẽo, có lẽ nhiều người Việt Nam chúng ta sẽ không thích ra ngoài khi có nhiều tuyết rơi đâu nhỉ ? Nhưng người Nhật, đặc biệt là trẻ con thì lại rất háo hức ra ngoài chơi đùa cùng tuyết đó. Nào là nặn người tuyết, trượt tuyết, rồi ném tuyết,… Đó đều là những hoạt động được yêu thích vào mùa đông ở Nhật Bản.

Nói đến ném tuyết có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng đây chỉ là một hoạt động vui chơi thuần túy của người dân ở các xứ sở có tuyết rơi vào mùa đông. Thế nhưng tại Nhật Bản thì đó còn được xem là một môn thể thao có luật lệ cụ thể và được tổ chức thành giải thi đấu với quy mô nhất định.

ném tuyết cũng là một môn thể thao của Nhật
Ảnh: olympic-yukigassen.net

Lịch sử của trò chơi ném tuyết

Trò chơi ném tuyết (雪合戦 - Yukigassen) được bắt nguồn từ thời đại Heian (794 - 1192), lúc bấy giờ thường được tổ chức như một hoạt động giải trí của giới quý tộc vào mùa đông, khi có nhiều tuyết rơi. Murasaki Shikibu (紫式部) - một nữ văn sĩ cung đình của thời đại này, đã đề cập đến trò chơi ném tuyết như vậy trong tác phẩm Genji Monogatari (源氏物語) - cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Nhật Bản thuộc trường phái hiện đại.

Năm tháng trôi qua, trò chơi của giới quý tộc đó đã dần dần được lan truyền và phổ biến rộng rãi đến dân chúng. Đến năm 1988 thì nó được công nhận là một môn thể thao và được thiết lập cả luật chơi mang tính quốc tế. Một năm sau, tức năm 1989, Nhật Bản đã chính thức tổ chức khai mạc đại hội ném tuyết lần đầu tiên.

Ngày nay, cuộc thi ném tuyết vẫn được tổ chức hằng năm với tên gọi Shouwashinzan Kokusai Yukigassen (昭和新山国際雪合戦) tại vùng Soubetsu thuộc tỉnh Hokkaido - vùng đất khai sinh ra bộ môn thể thao này. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, Nhật Bản nói chung và tỉnh Hokkaido nói riêng cũng không nằm ngoài khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Do đó, đại hội ném tuyết lần thứ 33 (năm 2021) sắp tới cũng sẽ phải hủy bỏ, và hứa hẹn vẫn sẽ tiếp tục được tổ chức vào lần tới.

yukigassen
Ảnh: wsyf.info

Vì sao người Nhật thích chơi ném tuyết ?

Khi được hỏi điều gì khiến trò chơi này hấp dẫn như vậy, một vận động viên ném tuyết đã trả lời rất đơn giản rằng: “Xả stress dữ lắm đó! Cảm giác ném trúng ai đó sẽ rất tuyệt, và khi ném hụt thì thấy rất tiếc. Cả gia đình tham gia chơi chung cũng vui nữa.” Một người khác thì cho rằng trò chơi này giúp rèn luyện kỹ năng phản xạ nhạy bén, nâng cao tinh thần vận động. Bởi vì khi ném thì mục tiêu không phải là những vật thể vô tri vô giác đứng yên một chỗ, họ biết tránh né, ẩn nấp, nên khi ném trúng thì cảm giác vui sướng sẽ hơn gấp nhiều lần so với khi ném vào mục tiêu cố định.

yukigassen
Bóng tuyết được sử dụng trong trận đấu. (Ảnh: 4travel.jp)

Đây là một môn thể thao mang lại sự vui vẻ cho người chơi, xóa tan những căng thẳng mệt nhọc trong cuộc sống, lại vừa thể hiện được tinh thần đồng đội và giúp giữ ấm cơ thể trong thời tiết giá lạnh. Có lẽ vì vậy mà trò ném tuyết này khá được ưa chuộng tại Nhật Bản.

yukigassen

Chơi ném tuyết như thế nào?

Cũng như các môn thể thao khác, trò ném tuyết cũng có những luật lệ và quy tắc nhất định yêu cầu người chơi phải tuân thủ.

Luật chơi

1. Hai đội thi với nhau trong phạm vi sân theo quy định, mỗi đội 7 người (được dự bị thêm 2 người), gồm 4 tiền vệ và 3 hậu vệ.
2. Mỗi trận đấu thường gồm 3 set, chiến thắng 1 set sẽ giành được 1 điểm. Sau 3 set sẽ dựa trên số điểm đạt được của hai đội để quyết định thắng thua. Đội nào đạt được 2 điểm trước sẽ thắng.
3. Trên địa phận của mỗi đội có cắm cờ, nếu cướp được cờ của đối phương xem như thắng set. Hoặc nếu ném trúng hết tất cả các thành viên trong phe đối phương cũng sẽ thắng.
4. Một set sẽ được chuẩn bị 90 quả bóng tuyết cho mỗi đội, chơi trong vòng 3 phút. Nếu hết 3 phút mà vẫn chưa có đội nào cướp được cờ, hoặc chưa có đội nào ném trúng được hết tất cả các thành viên của phe đối phương thì sẽ dựa vào số người chưa bị ném trúng của hai đội, đội nào còn nhiều người hơn sẽ chiến thắng.
5. Nếu bị đối phương ném trúng thì gọi là bị out và phải ra khỏi sân.
6. Mỗi lần muốn vượt ranh giới sang địa phận phe đối phương thì tối đa chỉ 3 người được vượt, nếu người vượt trước đã bị out thì phải chờ người đó ra khỏi sân rồi người khác mới tiếp tục được vượt.

yukigassen
Ảnh: Sách "日本の「なぜ?」に答えるお話366"

Chú thích:

(1) Trọng tài: đứng bên ngoài sân để quan sát
(2) Thành chắn (shelter): để ẩn nấp khi bị phe đối phương ném tuyết
(3) Cột cờ: được cắm ở vị trí cố định, không được dịch chuyển, nếu bị phe đối phương cướp trước là thua
(4) Banh tuyết: được chuẩn bị 90 quả cho mỗi đội chơi trong 1 set
(5) Ranh giới giữa: phân chia địa phận của hai đội chơi, mỗi lần muốn vượt ranh giới sang phe đối phương thì tối đa chỉ 3 người được vượt
(6) Ranh giới sau: phân chia ranh giới giữa hậu vệ và tiền vệ trong một đội, tiền vệ không được vượt qua ranh giới này (không được chạy xuống khu vực của hậu vệ)
(7) Tiền vệ và hậu vệ

yukigassen
Ảnh: jyf.or.jp

Quy cách sân đấu

- Sân thông thường: 36x10m
- Sân trẻ em: 32x8m
- Cột cờ: được cắm cách ranh giới sau 2m

yukigassen
Ảnh: yukigassen.jp

Trò ném tuyết không những dành cho người lớn mà còn hướng đến đối tượng là trẻ em nữa. Tuyết rất dễ tan, nên cho dù có bị ném trúng thì cũng sẽ lập tức tan ra, không gây cảm giác đau đớn chút nào. Có chăng thì chắc cũng chỉ là một chút giật mình mà thôi.

Cùng xem thử một trận đấu ném tuyết sẽ như thế nào nhé.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU