Những giai điệu, câu ca mà chúng ta thường ngân nga thuở bé, giữa dòng đời ngược xuôi tất bật, tưởng chừng như đã quên đi từ bao giờ. Nhưng một lần tình cờ nào đó, chợt nghe những giai điệu xưa cũ rót vào tai, ta không ngăn được mình nhẩm theo khe khẽ, ngỡ như cả một trời kỉ niệm ùa về...
Cũng giống như đồng dao Việt Nam, kho tàng đồng dao Nhật Bản vô cùng phong phú về số lượng. Tương tự như Waka hay Haiku, chủ đề thiên nhiên bốn mùa chiếm phần lớn trong đồng dao Nhật Bản, phản ánh niềm say mê, sự rung cảm tinh tế của người dân Phù Tang trước cảnh sắc thiên nhiên. Nhân lúc mùa hạ chưa qua đi, nhưng đó đây đã len hơi gió mát, cây lá sắp vào độ chuyển sắc thay màu, Kilala xin giới thiệu với độc giả một số bài đồng dao về mùa thu Nhật Bản, như một nhịp cầu nho nhỏ dẫn lối chúng ta đến thế giới ấu thơ của người Nhật.
Lá đỏ (Momiji - 紅葉)
秋の夕日に照る山もみじ
濃いも薄いも数ある中に
松をいろどる楓や蔦は
山のふもとの裾模樣
溪の流に散り浮くもみじ
波にゆられてはなれて寄って
赤や黄色の色さまざまに
水の上にも織る錦
(Tatsuyuki Takano)
Lá núi chiều thu tỏa ánh ngời
Tầng tầng đan kẽ đậm cùng phai
Phong, điểu lẫn tùng chen chen sắc
Thênh thang chân núi nhuộm áo hoa
Dòng nước thung sâu nghìn lá trút
Dập dềnh, tan tác giữa sóng trùng
Đỏ đỏ, vàng vàng, muôn những sắc
Bềnh bồng mặt nước dệt gấm nhung
Chỉ cần lướt qua nhan đề, có thể liên tưởng đến khung cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng. Cuối thu, những dãy núi tắm mình trong ánh chiều hoàng kim càng thêm lộng lẫy bởi sắc đỏ và vàng của phong (楓), điểu (蔦) – những loài cây lá đỏ phổ biến ở Nhật, xen lẫn màu xanh của tùng (松), trát lên chân núi những mảng màu đậm nhạt tựa như hoa văn trên vạt áo Kimono (裾模樣). Momiji lúc còn trên cây đã đẹp, khi lìa cành cũng không kém phần. Từ chỗ đứng xa quan sát, người lữ khách đi vào thung lũng trong núi sâu, bắt gặp khung cảnh vô số lá cây dập dềnh trôi trên sông (溪) như tấm gấm (錦), không dằn lòng được mà cất lên lời vịnh ca.
Chuồn chuồn đỏ (Akatonbo - 赤とんぼ)
夕焼小焼の赤とんぼ
負われて見たのはいつの日か
山の畑の桑の実を
小籠に摘んだはまぼろしか
十五で姐やは嫁に行き
お里のたよりも絶えはてた
夕焼小焼の赤とんぼ
とまっているよ、竿の先
(Rofu Miki)
Cánh chuồn chuồn đỏ
Chở ánh chiều tà
Bao giờ còn nhớ?
Thuở địu trên lưng
Đựng những dâu tằm
Hái trên rẫy núi
Vào nan giỏ nhỏ
Chỉ là mơ thôi?
Cô ở trăng tròn
Lấy chồng xa xứ
Người thân quê nhà
Biền biệt tin thư
Cánh chuồn chuồn đỏ
Chở ánh chiều tà
Kìa một thân đậu
Trên đầu cây khô
Được Rofu Miki viết lời vào năm 1921, bài đồng dao đầy ắp những kỉ niệm tuổi thơ của tác giả. Cha mẹ ly hôn khi ông lên 5 tuổi, từ đó ông phải sống xa mẹ và hầu như những năm tháng tuổi thơ của ông đều gắn liền với hơi ấm bàn tay của cô ở trẻ.
Trong bài đồng dao, có hai lần cánh chuồn chuồn xuất hiện. Ở đoạn đầu tiên là cánh chuồn chuồn trong kí ức ấu thơ của tác giả, đoạn cuối cùng lại được dời về thời điểm hiện tại – hay chính xác hơn, chính cánh chuồn chuồn đỏ ở hiện tại đã kéo kí ức ông lội ngược về hàng chục năm trước, khơi dậy những kỉ niệm da diết, khắc khoải trong lòng ông. Không gian và thời gian như không còn đóng một vai trò gì nữa, bởi dẫu trải qua bao nhiêu tháng năm, bao nhiêu dời đổi, có hai thứ trước sau vẫn nguyên vẹn như nhất: một, là niềm xúc động của tác giả trước cảnh sắc chiều hôm nên thơ, bình dị; hai, là tình cảm dành cho cô ở tựa như người mẹ và hơi ấm dịu dàng mà ông cảm nhận khi được địu trên lưng cô. Có thể nói, chính những tình cảm hồn nhiên và sâu lắng ấy đã giúp bài đồng dao sống qua bao thời đại, lay động tâm hồn của cả thế hệ người Nhật hôm nay.
Trái sồi tròn (Donguri korokoro - どんぐりころころ)
どんぐりころころ ドンブリコ
お池にはまって さあ大変
どじょうが出て来て 今日は
坊ちゃん一緒に 遊びましょう
どんぐりころころ よろこんで
しばらく一緒に 遊んだが
やっぱりお山が 恋しいと
泣いてはどじょうを 困らせた
(Nagayoshi Aoki)
Trái sồi tròn
Rớt xuống ao
Chà, tội thế!
Cá trạch đến
Liền rủ rê
“Cùng cậu chủ
Đi chơi nào?”
Trái sồi tròn
Mừng hớn hở
Liền cùng chơi
Chẳng lâu sau
Nhớ núi mẹ
Khóc liên hồi
Cá lao đao!
Được viết bởi “cậu chủ” của gia đình đại địa chủ phường Matsushima, tỉnh Miyagi, lời hát xuất hiện một loạt những hình ảnh có trong sân vườn nhà tác giả thời thơ ấu: trái sồi (どんぐり), cái ao (池), và cá trạch (どじょう). Hưởng ứng lời đề xướng “mang đến cho trẻ em những lời ca, giai điệu giàu ý vị nghệ thuật để nuôi dưỡng những mộng tưởng đẹp đẽ và cảm xúc thuần phác” của nhà văn truyện thiếu nhi nổi tiếng Miekichi Suzuki, ông Aoki đã sáng tác lời ca với tâm niệm “muốn hát về thế giới trẻ thơ bằng tâm hồn một đứa trẻ”. Tuy nhiên, do bài hát kết thúc khá dang dở nên năm 1986, khi cover lại ca khúc này, nhạc sĩ Saburo Iwakawa đã sáng tác nối thêm đoạn thứ 3. Nhưng do không được đăng ký bản quyền, nó đã được lan truyền với cái tên “Đoạn thứ 3 bí ẩn”:
どんぐりころころ 泣いてたら
仲良しこりすが とんできて
落ち葉にくるんで おんぶして
急いでお山に 連れてった
Thấy sồi khóc
Sóc tốt bụng
Phóng đến bên
Liền nhanh tay
Gói vào lá
Ôm sồi về
Với non xanh
Sau đó, từ một trào lưu do báo Asahi khởi xướng, vô số “đoạn thứ 3 bí ẩn” như thế lần lượt ra đời, mang lại vô vàn màu sắc mới cho bài đồng dao.
Inako/ kilala.vn